Hội nghị tập huấn chính sách thuế mới và đối thoại với NNT của CCT khu vực Nam Định 2021

Kind.tax

Member
Hội viên mới
I. HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CHÍNH SÁCH THUẾ MỚI VÀ ĐỐI THOẠI VỚI NNT CỦA CCT KHU VỰC NAM NINH TỔ CHỨC NGÀY 01/10/2021

Câu hỏi 1: Sản phẩm được chế biến từ rau củ quả (sản phẩm của công ty là thành phẩm) thì đầu ra thuế là 10% hay không phải chịu thuế?

Trả lời:


-Theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định.

“Sản phẩm trồng trọt chăn nuôi …. chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường thì không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT”

Trường hợp Công ty mua sản phẩm về và đã chế biến ra sản phẩm là thành phẩm theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định: “Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này”, Công ty áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

Câu hỏi 2:

1. Công ty có thuê lao động nước ngoài làm việc từ Tháng 01. Công ty đã làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài nhưng mãi đến cuối Tháng 09 thì mới được cấp GPLĐ. Vậy chi phí lương của người nước ngoài trong thời gian chờ cấp GPLĐ có được tính là CP hợp lý của công ty hay không?

2. Các khoản chi để lao động nước ngoài vào làm việc tại công ty như: Chi phí dịch thuật giấy tờ, chi phí làm hộ chiếu, Visa, chi phí cách ly thì những khoản chi phí trên những khoản nào phải liệt kê vào để tính thu nhập chịu thuế cho lao động nước ngoài?

3. Công ty có chi phí test covid cho nhân viên lái xe chở hàng của công ty đi các tỉnh để bán thì chi phí đó có phải kê khai tính thuế TNCN cho người lao động không?

Trả lời:


Theo quy định tại Điều 151, 153, 154 Bộ Luật lao động số 45/2019/QH 14;

Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC sửa đổi đoạn thứ nhất tại tiết b điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC): “Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.”

Căn cứ Tiết đ.3.2 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 cửa Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNCN (TNCN) và hướng dẫn thi hành Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bồ sung một số điều của Luật Thuế TNCN quy định các khoản thu nhập chịu thuế TNCN:

“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

…đ.3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ... nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

…đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...”

Tại Điểm a Điều 1 công văn số 7038/VPCP-KTTH ngày 24/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về chi phí cách ly, chi phí điều trị Covid-19 quy định như sau:

“a) Về chi phí cách ly tập trung

- Đối với các trường hợp thực hiện cách ly tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội: Tiếp tục thực hiện chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid -19. Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ một phần từ nguồn kinh phí do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch Covid-19.

- Đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung: Cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong những ngày cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định; đồng thời, phải chấp hành việc chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn của cơ quan y tế và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.....”

1. Như vậy trường hợp Công ty có thuê lao động nước ngoài làm việc tại Công ty thuộc trường hợp phải có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp, nếu chưa được cấp giấy phép lao động theo quy định thì chưa đủ cơ sở tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

2. Các khoản chi để lao động nước ngoài vào làm việc tại công ty như: Chi phí dịch thuật giấy tờ, chi phí làm hộ chiếu, Visa, chi phí cách ly. Trường hợp các khoản chi phí trên do công ty chi trả thay cho người lao động thì các khoản này tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và kê khai nộp thuế TNCN theo quy định.

3. Chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động, nếu khoản chi không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên; Trường hợp khoản chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động nêu trên ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động theo quy định tại Tiết đ.3.2 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính.

Công ty thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 về chi phí cách ly phòng chống COVID-19 của chuyên gia nước ngoài.

Câu hỏi 3: Từ trước tới nay phí BVMT khi khai thác đất là 1.500 đ/1m3 thực tế khai thác. Nhưng vừa qua công ty nghe tin 1 số CB thuế nói là bây giờ phí BVMT nếu khai thác 1 M3 thì phải nhân hệ số 1,1 tức là 1m3 =1,1m3. Công ty đề nghị nghành thuế cho biết hệ số tăng trên theo thông tư hoặc nghị định nào để công ty khai phí BVMT cho đúng.

Trả lời:


Theo quy định Tại khoản 1 điều 5 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính Phủ Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định phương pháp tính phí:

"1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:

F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K

Trong đó:

- F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ;

- Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3);

- Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3);

- f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đồng/m3;

- f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3);

- K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó:

+ Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông): K = 1,1;

…”

Đề nghị Công ty căn cứ vào quy định trên để thực hiện.

Câu hỏi 4: Cách nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuế đất 30% theo quyết định 27 qua mạng? Đã có mẫu trên thuế điện tử chưa?

Trả lời:


Hiện tại trang thuế điện tử chưa nâng cấp giấy đề nghị giảm thuế tuy nhiên NNT có thể nộp theo phương thức khác: Người thuê đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) cho cơ quan thuế, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, cơ quan khác theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; trường hợp nộp hồ sơ từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 trở về sau thì không được giảm tiền thuê đất theo quy định này Quyết định này.

Câu hỏi 5: Hết quý 4, Công ty có thể tính số thuế TNCN phải nộp trong năm để nộp luôn thuế TNCN năm 2021 không?

Câu hỏi 6: Công ty tính thuế TNCN quý 4, tính luôn được cả năm. Công ty có được cân đối tiền cả năm và tiền đã nộp trong các quý để tính ra số còn phải nộp trong năm, sau đó nộp luôn tại thời điểm cuối tháng 1 không?


Trả lời Câu hỏi 5,6:

Theo Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/52013 của Bộ tài chính hướng dẫn Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế TNCN và nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN quy định khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế như sau:

“1. Khấu trừ thuế:

Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:



b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.

b2) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

+ Theo Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/52013 của Bộ tài chính quy định khai thuế, quyết toán thuế như sau:

“1. Khai thuế đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu thuế TNCN.

a) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập khấu trừ thuế TNCN khai thuế theo tháng hoặc quý. Trường hợp trong tháng hoặc quý, tổ chức, cá nhân trả thu nhập không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì không phải khai thuế.

…”

Căn cứ Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định:

“Điều 7. Hồ sơ khai thuế



a) Người nộp thuế căn cứ hồ sơ khai thuế và hồ sơ khai bổ sung để tự tính số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế phải nộp bổ sung, tiền chậm nộp (nếu có) và nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định (trừ trường hợp quy định tại Điều 13 của Nghị định này). Cơ quan quản lý thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định tại Điều 50, Điều 52 của Luật Quản lý thuế trong trường hợp phát hiện người nộp thuế khai không đầy đủ, không chính xác về căn cứ tính thuế, số tiền thuế phải nộp trong hồ sơ khai thuế.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp tổ chức chi trả thu nhập từ tiền lương, tiền công cho cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động thì Công ty phải khấu trừ thuế TNCN, khai thuế theo tháng hoặc quý và quyết toán thuế theo quy định.

Câu hỏi 7: Hóa đơn kỳ trước Công ty quên chưa kê khai. Công ty muốn đưa vào đúng kỳ như vậy sẽ tăng thuế khấu trừ của kỳ trước lên. Như vậy có được không?

Trả lời:


Căn cứ quy định tại Tiết b, Khoản 4, Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế quy định hồ sơ khai thuế:

“4. Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Người nộp thuế khai bổ sung như sau:



Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại.”

Căn cứ Khoản 8 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều Luật Thuế GTGT quy định:

“Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”

Căn cứ vào các quy định nêu trên, đối với các hóa đơn đầu vào: thời điểm phát hiện hóa đơn bỏ sót kỳ nào thì kê khai, khấu trừ bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện hóa đơn bỏ sót nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định, kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Câu hỏi 8: Công ty làm về nhập khẩu thì ghi nhận giá vốn là tỷ giá nào?

Trả lời:


Căn cứ tiết 3 Khoản 4 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 quy định cụ thể như sau

3. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:

"...

- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.

- Các trường hợp cụ thể khác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014.”

Câu hỏi 9: Cá nhân đang làm trong Doanh nghiệp mà thay đổi CMND, CCCD thì cần phải làm gì?

Trả lời:


Căn cứ Khoản 3, Điều 10, thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 hướng dẫn về đăng ký thuế quy định:

“3. Người nộp thuế là cá nhân quy định tại Điểm k, l, n Khoản 2 Điều 4 Thông tư này có thay đổi thông tin đăng ký thuế của bản thân và người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp) nộp hồ sơ cho cơ quan chi trả thu nhập hoặc Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú (trường hợp cá nhân không làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập). Theo đó, cá nhân khi có thay đổi từ CMND sang CCCD có thể thực hiện theo 2 cách:

Cách 1: Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với trường hợp nộp qua cơ quan chi trả thu nhập, gồm: Văn bản ủy quyền (đối với trường hợp chưa có văn bản ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập trước đó) và bản sao các giấy tờ có thay đổi thông tin liên quan đến đăng ký thuế của cá nhân hoặc người phụ thuộc.

Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp thông tin thay đổi của cá nhân hoặc người phụ thuộc vào Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TH- TCT hoặc mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

Cách 2: Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với trường hợp nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, gồm:

- Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài trong trường hợp thông tin đăng ký thuế trên các Giấy tờ này có thay đổi.

Câu hỏi 10: Công ty có bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử vào thời gian nào?

Trả lời:


Căn cứ Khoản 1, Điều 59, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ban hành ngày 19/10/2020 quy định: “Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022”

Căn cứ vào quy định nêu trên, thời hạn bắt buộc hoàn thành chuyển đổi HĐĐT đã được áp dụng từ ngày 01/07/2022.

Tuy nhiên, trong Nghị định này, Chính Phủ cũng nêu rõ quan điểm khuyến khích các đơn vị kinh doanh đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin nhanh chóng chuyển đổi, áp dụng hóa đơn điện tử trước thời hạn quy định càng sớm càng tốt.

Câu hỏi 11:

1. Công ty mở địa điểm kinh doanh ngày 25/09/2021 thì theo quy định mới, thời hạn nộp Tờ khai lệ phí là bao lâu?

2. Công ty thành lập tháng 08/2021. Được biết NĐ 22 miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp mới thành lập.

Vậy công ty kính mong chi cục thuế Khu vực Nam Ninh giải đáp cho doanh nghiệp được biết là: doanh nghiệp chúng tôi cần nộp những hồ sơ gì và tờ khai thuế môn bài khai như thế nào để được miễn LP môn bài theo NĐ 22?

Trả lời:


Căn cứ Tiết c, khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính Phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài quy định như sau:

“8. Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:

a) Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).

b) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

c) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.”

Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định thời hạn nộp tờ khai lệ phí Môn bài như sau:

“a) Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.”

Căn cứ các quy định nêu trên thì địa điểm kinh doanh mới thành lập được miễn nộp lệ phí môn bài trong thời gian miễn lệ phí môn bài đơn vị chủ quản địa điểm kinh doanh đó. Đơn vị thực hiện nộp Hồ sơ lệ phí Môn bài đơn vị chậm nhất là ngày 30/01/2022.

Câu hỏi 12: Doanh nghiệp đã thực hiện thay đổi vốn điều lệ ở Phòng đăng ký kinh doanh có cần gửi hồ sơ thay đổi, bổ sung thông tin tại cơ quan thuế không?

Trả lời:


Căn cứ Điều 59, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp:

“1. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký thuế mà không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trừ thay đổi phương pháp tính thuế, doanh nghiệp gửi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

2. Sau khi tiếp nhận thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, nhập dữ liệu vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và truyền thông tin sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.”

Theo đó, Doanh nghiệp không cần gửi hồ sơ thay đổi, bổ sung thông tin gửi cơ quan thuế trong trường hợp đã thay đổi vốn điều lệ tại Phòng Đăng ký kinh doanh.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top