....Đến chiến dịch Hoàng Hoa Thám, đơn vị của Hoàng Cầm tham gia trận Bãi Cháy. Một chiều, khoảng 4 giờ chiều, đơn vị được lệnh dừng lại nấu cơm. Lửa vừa nổi lên, đã bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Ngay lập tức, máy bay ném bom ào đến, trút bom đạn xuống vị trí đóng quân của đơn vị. Do không kịp tránh, bộ đội ta bị thương vong khá nhiều. Sau đó, đơn vị họp rút kinh nghiệm. Hóa ra, tất cả chỉ vì khói bếp. Rớt nước mắt vì đồng đội, Hoàng Cầm quyết chí tìm ra cách để “trị'' khói, ông chợt nhớ tới những ngày còn nhỏ đi hun chuột. Lúc bó rơm rạ cháy ở ngoài, khói cay xè mắt. Thế mà, sau lúc quạt vào hang chuột, khói chỉ còn là những làn mỏng, lờ lững bay sát mặt đất. Nghĩ là làm. Thử đi thử lại, cuối cùng, Hoàng Cầm đã chế ra được một chiếc bếp theo kiểu hang chuột. Đó là một loại bếp được đào sâu xuống đất, có hầm phụ chứa khói và các rãnh thoát khói ra 3 phía. Trên các đường rãnh được phủ thêm nhiều cành cây. Khi đốt lửa, khói tỏa theo các đường rãnh, thấm qua làn đất mỏng, lại gặp cành cây nên khi bốc lên chỉ thoảng nhẹ như sương. Thử nghiệm thành công, Hoàng Cầm báo cáo lên trên. Ngay lập tức, cách chế tạo chiếc bếp thần kỳ của ông được phổ biến rộng khắp các đơn vị trong toàn quân.
Rồi từ ấy, cái tên Hoàng Cầm trở nên thân thuộc với từng chiến dịch. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, bếp lửa Hoàng Cầm đã phát huy tác dụng vượt bậc. Có nó, cơm dẻo, canh nóng được phục vụ ngay tại chiến trường. Điều ấy không chỉ bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, dân công, mà còn góp phần khích lệ tinh thần chiến đấu, chiến thắng cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bếp lửa Hoàng Cầm tiếp tục theo chân các chiến sĩ ta vượt các trọng điểm ác liệt trên đường Trường Sơn, cùng đoàn quân chiến thắng tiến thẳng hướng Sài Gòn.