Chuyện ông Tiger!

kimthanh08

Hội viên cơ cực
Hội viên mới
Cọp, hổ, hùm, là loài thú rừng hung dữ, ăn thịt, mình dài, lông có vằn ngắn, đầu tròn, râu cứng, răng nanh rất nhọn, chân to, vuốt bén nhọn, bước êm không tiếng động.
Cọp ăn rất khỏe, nên ai to khỏe mà ăn ít quá, không thấm tháp gì, thiên hạ bảo: Cọp ăn bọ mắt; cọp nhai bù mắt.
Người Á Đông cho cọp là chúa các loài thú trong rừng, nên gọi là chúa sơn lâm. Người Trung Quốc gọi là sơn quân (vua núi); do đó một số chuyện cổ kể rằng thần núi hiện hình thành cọp.
Cọp quá hung dữ, thường được kiêng nể. Người Trung Quốc còn gọi cọp là đại trùng (coi như loài trùng độc lớn). Những người có việc phải qua vùng rừng núi hoặc dân cư ngụ trong chốn sơn lâm thường không dám phạm “húy”, nên gọi tránh đi là: hầm, kễnh, khái, thẹn... Nghe nói ngày xưa ai giết được cọp sẽ lãnh thưởng ba mươi quan tiền, vì thế mà cọp lại được gọi là ông ba mươi. Một “bí danh” khác là ông thầy. Ca dao có câu:
Mèo ngao cắn cổ ông thầy,
Ông thầy vật chết cả bầy mèo ngao.
Cọp và lịch
Trong mười hai chi, cọp đứng hàng thứ ba, gọi là Dần, sau Sửu. Âm lịch Trung Quốc đời nhà Hạ (thế kỷ 23-18 trước Công Nguyên) gọi tháng đầu năm (tháng Giêng) là tháng Dần. Đời Thương (thế kỷ 18-12 TCN) gọi là tháng Sửu. Đời Chu (thế kỷ 12-3 TCN) gọi là tháng Tý. Đời Tần (221-206 TCN) gọi là tháng Hợi. Đời Hán (206 TCN-220 CN) trở lại theo nhà Hạ, gọi là tháng Dần, và từ đó về sau không đổi nữa.
Sách cổ Trung Quốc truyền lại câu văn rằng: Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhân sinh ư Dần (Trời khai mở ở Tý, đất lập thành ở Sửu, người sinh ra ở Dần). Người có liên quan với cọp, nên trong lời ăn tiếng nói, các mặt sinh hoạt, đều có nhiều hình ảnh của cọp chen vào. Thí dụ: Nhất nhật chi kế tại ư Dần (Kế hoạch một ngày bắt đầu từ giờ Dần). Câu này có ý khuyên con người nên siêng năng dậy sớm (từ 3-5 giờ sáng) để lo học tập, làm lụng…
Cọp và kinh tế

Các nhà kinh tế trong thập niên 90 thế kỷ 20 sính gọi Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore (có nền kinh tế rất phát triển) trong khu vực Đông Á là bốn con rồng, gọi các nước khác trong khu vực (kinh tế cũng thật phát triển, như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia...) là những con hổ; và mấy tháng cuối năm 1997, khi những con cọp này chịu đựng những khủng hoảng về tài chánh, kinh tế thì tạp chí Asiaweek ngày 10-10-1997 minh họa tình trạng ấy bằng hình ảnh con cọp đang ngọa bệnh, nằm chổng vó, miệng ngậm nhiệt kế đo cơn sốt.
Cọp và việc võ

Cọp tượng trưng cho sự dõng mãnh, nên có liên quan đến việc võ. Khi triều đình tổ chức khoa thi võ, tên người thi đậu được ghi trên bảng hổ. Loại quân lo việc bảo vệ kinh thành, gọi là lính hổ oai. Viên tướng dũng mãnh được gọi là hổ tướng. Nơi làm việc của tướng quân là hổ trướng, ngai của tướng quân thường kê trên tấm da cọp. Khi điều binh, tướng quân dùng phù hiệu có chạm hình con hổ, gọi là hổ phù. Cha làm tướng uy dũng mà sinh con trai cũng võ công uy dũng, thì hãnh diện rằng hổ phụ sinh hổ tử.
Khi hành binh, làm tướng phải biết dò xét nơi địa thế hiểm trở, nguy hiểm chết người; nơi ấy gọi là long đàm hổ huyệt (ao rồng hang cọp), là hổ cứ long bàn (cọp rồng chiếm cứ). Nhưng có khi phải mạo hiểm, vì lẽ: Không vào hang hùm hổ huyệt, làm sao bắt được cọp con.
Trong giao chiến, tuy rằng vũ dũng nhưng phải coi chừng tình thế mãnh hổ nan địch quần hồ (cọp lẻ không cự nổi cáo bầy). Khi hai kẻ ngang sức ngang tài cùng tỉ thí, bên như cọp, bên như rồng, cuộc chiến một mất một còn của họ gọi là long tranh hổ đấu.
Cọp và bậc anh hùng

Anh hùng hào kiệt trên đời được ví là cọp thiêng. Tướng quân Hoàng Hoa Thám (1858-1913) được tặng mỹ hiệu hùm thiêng Yên Thế. Anh hùng xuất thế gặp thời, đông nhân tài theo ủng hộ, giúp sức, đời mừng rằng hổ thêm vây, cọp mọc cánh. Ngược lại, kẻ bạo ác mà tuyệt tự, hoặc không được người hiền tài phò tá, thì dân chúng mỉa rằng:
Trời sanh hùm chẳng có vây,
Hùm mà có cánh hùm bay lên trời.
Dẫu là cọp, nhưng anh hùng tới hồi mạt vận, hoặc đang lúc chưa gặp thời, đem thân ở chốn xứ lạ quê người, dễ bị kẻ chẳng ra gì rẻ rúng, thì cảnh huống ấy chẳng khác gì: Hổ lạc bình dương bị khuyển khi (Cọp xuống đồng bằng bị chó khinh thường). Có khi tệ hơn, anh hùng phải chịu sa cơ vì lầm kế tiểu nhân, đó là hùm thiêng mắc bẫy mọi. Lúc đó, đành ngâm câu Kiều rằng: Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn. Mà nếu anh hùng có mất mạng, uy linh và tiếng tăm vẫn không mai một, bởi lẽ: Hổ tử hùng tâm tại (Cọp chết rồi, dũng khí vẫn còn).
Cọp và thói đời

Người ta cho rằng cọp chỉ bắt người khi đói; cảnh nghèo khốn đốn dễ đẩy đến chỗ đạo tặc, trộm cướp. Có câu: Hổ ngạ phùng nhân thực, nhân cùng khởi đạo tâm (Cọp đói gặp người ăn thịt, người nghèo thì sanh lòng đạo tặc).
Thứ du đãng, làm oai để coi hát không mua vé, gọi là cọp; gặp chúng, ông bầu than: Gánh hát bị cọp vô đông! Từ đó, cọp có thêm nghĩa làxài bòn, ăn bòn, không chịu trả tiền, như: coi báo cọp, coi hát cọp.
Kẻ hung ác, cường bạo ví như hổ lang (cọp và sói), như hùm beo. Kẻ tàn ác, cường quyền khi hết thời thì ai cũng xúm vô hỏi tội, đòi trả oán; có câu: Cọp ngã lắm kẻ cầm dao.
Bọn tay sai cường quyền, ỷ thế quan thầy bị mắng là cáo mượn oai hùm (hồ giả hổ oai); dê đội lốt cọp (dương chất hổ bì). Có khi người ta ngán chủ mà khinh chúng, nên chửi vào mặt bọn chúng rằng: Sợ cọp chứ ai sợ cứt cọp.
Những kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc, đưa đường dắt lối cho giặc giết hại đồng bào ruột thịt cốt thủ lợi riêng cũng bị chửi là hổ trành (ma cọp). Truyền thuyết dân gian cho rằng ngưòi nào bị cọp sát hại, hồn không siêu thoát, phải làm ma trànhtheo hầu hạ cọp, cho đến khi nào có kẻ khác bị cọp giết thì hồn mới được giải thoát, thế nên ma trành phải dẫn đường cho cọp tìm một nạn nhân mới thế cho nó. Chính vì vậy, nguyền rủa ai một cách độc địa thì “chúc” cho họ bị hùm tha sấu bắt.
Xưa, hễ tham quan cũ vừa đi khỏi, quan mới trấn nhậm còn tham tàn hơn, thì dân địa phương đành ngậm ngùi với cảnh hổ lui lang tới. Cũng vậy, nhà Lê bị họ Mạc soán ngôi (1527-1592); rồi kế tiếp lại bị họ Trịnh (1593-1729) chuyên quyền, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca tả rằng:
Hổ lui lang tới khéo thay,
Mạc kia vừa dẹp, Trịnh này lại lên.
Cọp và công việc, kế hoạch

Khi ai lỡ làm chuyện nguy hiểm, mà vẫn phải liều mạng theo đuổi, không dám bỏ ngang nửa chừng, thì người đó đang ở vào thế cỡi cọp. Cũng vậy, tình thế rất nguy hiểm, khó tránh khỏi mất mạng, được ví von là thịt treo miệng hùm.
Làm việc không tới nơi tới chốn, người Việt trách là đầu voi đuôi chuột, nhưng người Hoa chê là hổ đầu xà vĩ (đầu cọp đuôi rắn). Khi mưu đồ một kế hoạch bị thất bại thì than rằng họa hổ bất thành (vẽ không ra hình con cọp, mà giống con... chó).Truyện Lục Vân Tiên có câu:
E khi họa hổ bất thành,
Khi không mình lại đem mình vào hang.
Cọp và diện mạo, tâm tánh con người

Kẻ hung tợn, tàn bạo bị mắng là dữ như cọp. Đàn bà dữ tợn được ví là cọp cái. Người ta lúc quá giận dữ, ánh mắt có lẽ không thua mắt cọp nên có câu hổ thị đam đam (cọp nhìn chằm chằm) để ví đôi mắt long sòng sọc. Còn ai làm ra dáng dữ dằn, bộ tịch dọa nạt thì đúng là đang làm hùm làm hổ. Nhưng về tướng mạo, hổ đầu (đầu cọp) và hổ bộ (bước nhẹ nhàng như cọp) là tướng tốt.Trong thuật phong thủy, thầy địa lý cho rằng hổ trục quần dương (cọp đuổi bầy dê) là một thế đất tốt.
Con cọp cũng đi vào thuật tiếp nhân xử thế; nên có câu: Họa hổ họa bì nan họa cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm (Vẽ cọp, vẽ da, xương khó vẽ; biết người, biết mặt, khó biết lòng). Đây cũng là mấy câu Trang Tử cảm khái khi bị cô vợ trẻ bửa quan tài lấy óc trị bệnh nhức đầu cho kép.
Quả như vậy, có người bề ngoài xinh đẹp mà trong lòng gian hiểm, như Đinh Nguyên nhận Lữ Bố làm con nuôi, dè đâu bị Bố giết vì Đổng Trác mua chuộc; rồi Bố lại giết cha nuôi thứ hai là Trác để đoạt “dì hai” Điêu Thuyền... Do bi kịch này, người xưa cảnh giác rằng phải cẩn thận khi nhận con nuôi, kẻo mà dưỡng hổ di họa (hoạn), nuôi cọp để gây họa về sau, hay dưỡng hổ thương sinh (nuôi cọp hại thân mạng, nuôi cọp, cọp ăn thịt mình).
Cọp và nền giáo dục gia đình

Cha mẹ quá hà khắc, cay nghiệt thì lối xóm sẽ khuyên rằng: Hùm dữ không ăn thịt con, hổ độc bất cật nhi (Cha mẹ dẫu có giận con đến đâu cũng không nỡ giết con). Trong phép nhà, để giữ danh thơm cho bản thân, gia tộc, người đời nhắc nhở phải biết sống cho xứng đáng, bởi lẽ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng (Hổ tử lưu bì, nhơn tử lưu danh). Và các bậc phụ huynh muốn con mình không là khuyển tử, sẽ là hổ tử, thì phải dành nhiều thì giờ chăm sóc con em từ thơ ấu.

191_1189145386_firefox.jpg


(copy)
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top