Ðề: Bức xúc với quy định liên thông mới của BGD
Các bạn đọc thử bài này :
Ý KIẾN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC
-Walking Skeleton-
Một hạt giống tốt gieo trên một mảnh đất xấu và không có sự chăm sóc, sau này nảy mầm thì cũng không thể phát triển thành một cái cây khỏe mạnh được vì không có đủ dinh dưỡng. Một hạt giống xấu, nhưng được gieo trên một mảnh đất tốt và chăm sóc kĩ càng, sau khi nảy mầm, nó sẽ phát triển khỏe mạnh vì có đủ điều kiện. Rất đơn giản, nhà bạn nào trồng cây sẽ biết thôi. Sẽ có bạn hỏi rằng “nếu hạt giống xấu đó không nảy mầm được thì sao?”, thì câu trả lời là: nếu nó không nảy mầm được thì chính bản thân nó đã bị tự nhiên đào thải, và sẽ không hình thành nên cái cây để chúng ta so sánh với cái cây được mọc lên từ hạt giống tốt
Tương tự như vậy khi nói về chất lượng đào tạo sinh viên hệ DH. Cho dù đầu vào có thắt chặt, tuyển được nhiều sinh viên có tố chất tốt vào trường, nhưng quá trình đào tạo kém, đầu ra lỏng lẻo, thử hỏi sau này những sinh viên đó có đủ kiến thức ra trường làm việc hay không. Còn những sinh viên không giỏi bằng thì sao, nếu họ được đào tạo ở một trường có chất lượng tốt, đầu ra theo tiêu chuẩn của xã hội đặt ra, tôi dám chắc khả năng làm việc của họ luôn được công nhận. Chính quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra làm nên chất lượng sinh viên chứ không phải là chuẩn đầu vào. Bạn vào một trường đại học với số điểm cao, chứng tỏ bạn là một học sinh ưu tú năm cấp 3, nhưng sau khi ra trường DH bạn có làm việc được không, đó lại là một chuyện hoàn toàn khác mà thành tích bạn đạt được trong kì thi tuyển DH không thể quyết định.
Qui định mới về liên thông của Bộ ra đời gần đây với mục đích là siết chặt chất lượng của hệ liên thông, vì sau một thời gian triển khai đã có một số vấn đề bất cập.Theo quan điểm của tôi, mục đích của qui định này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì tôi hoàn toàn ủng hộ, thế nhưng cách làm ở đây lại không phù hợp chút nào.
Tôi không phủ nhận việc một số trường tổ chức liên thông "bát nháo" tạo điều kiện cho một số người cầm tấm bằng chỉ nhằm thăng quan tiến chức trong khi cái đầu trống rỗng. Tuy nhiên, hầu như đó chỉ là một bộ phận COCC (con ông cháu cha) có chân sẵn, chả cần học hành làm gì cho tốn thời gian, trong khi phần lớn số sinh viên còn lại phải đi đường vòng vì không được “tốt số” như bộ phận COCC kể trên, cũng không có điều kiện và may mắn để học DH ngay. Vì vậy Bộ không nên "vơ đũa cả nắm" mà dẹp hình thức đào tạo này bằng cách “bịt kín” con đường học của biết bao nhiêu con người, mọi người không nên qui chụp cho tất cả những người học TC CD là trình độ kém hơn DH (thực tế đâu phải sinh viên DH nào cũng có năng lực thực sự!).
Trên lý thuyết, các quan chức của Bộ cho rằng qui định mới này “tạo cơ hội lớn hơn cho người học” chứ không phải “bịt kín” con đường học tập. Nhưng thực tế, để được học ngay mà bắt sinh viên học đã học 3 năm chuyên ngành phải thi lại các môn THPT để liên thông đã là một điều vô lý, còn không thì phải chờ 36 tháng sau tốt nghiệp mới được liên thông (xã hội đang phát triển chóng mặt, vậy mà học cũng phải chờ… trong khi xã hội có chờ ai đâu!!!), và nếu đậu liên thông phải học chung thời gian với hệ chính quy, tức là phải bỏ việc để đi học… Sau 3 năm lăn lộn ngoài đời, liệu ai đủ “liều” để bỏ việc và quay về thân phận một baby-boy cho cha mẹ chu cấp học hành? Ước mong của sinh viên liên thông là gì? Đó là được học cao hơn, nâng cao trình độ, đồng thời lấy được tấm bằng có giá trị hơn nhằm phục vụ cho công việc tốt hơn…cái đích cuối cùng là để tự lập cho bản thân và PHỤ GIÚP GIA ĐÌNH chứ không phải lại trở thành GÁNH NẶNG cho cha mẹ! Nhưng quy định mới về liên thông đã vô tình làm cho xã hội lãng phí một lượng lớn lao động! Đó là chưa kể những hệ lụy mà xã hội phải gánh khi số người thất nghiệp tăng lên!
"Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép sử dụng kết quả học tập đã có của người học để học tiếp ở trình độ cao". Những bạn có khả năng, điều kiện, hoặc may mắn thì học thẳng DH và khoảng 4 năm là hoàn thành chương trình DH. Những bạn khác sinh ra không may mắn thông minh bằng người khác thì học những hệ TC và CD, và sau này nếu có nguyện vọng muốn nâng cao kiến thức thì sẽ học lên bằng hình thức liên thông, nếu thực sự nỗ lực thì họ sẽ có được tấm bằng DH dù thời gian sẽ dài hơn. Ngoài ra, còn một bộ phận các bạn không may mắn, không đậu vào trường DH mình mong muốn dù số điểm thi có thể vào trường DH khác (có thể vì không thích, hoặc vì trường khác có học phí cao...) nên học TC CD để sau này có thể học được trường mình muốn. Thực tế mà nói, có nhiều bạn coi TC CD là đường vòng để học DH. Nhưng nói một cách nôm na là “con đường nào rồi cũng đến La Mã”, dù đường thẳng hay đường vòng, miễn sao các bạn đạt cùng chuẩn đầu ra thì hệ chính quy và hệ liên thông đều được nhận bằng đại học đâu vấn đề gì. Nếu bắt sinh viên học liên thông phải học cùng thời gian với hệ chính quy mới được nhận bằng chính quy, còn nếu không học cùng thời gian được thì phải học hệ khác trong khi họ có khả năng để lấy được bằng chính quy, cái đó mới là bất công.
Còn một vấn đề tế nhị nhưng rất thực tế mà tôi muốn đề cập nữa, đó chính là mối quan hệ giữa bằng cấp và tiền lương, thăng tiến trong công việc. Khi thông tư 55 được ban hành, đa số những người ủng hộ thông tư thường vin vào cái cớ “học liên thông chỉ để hợp thức hóa bằng cấp chứ không phải vì nâng cao trình độ, vì thế có nhiều anh cầm bằng DH nhưng chả có kiến thức” để nhằm gán cho hệ liên thông một cái tiếng xấu: sinh viên yếu kém dẫn đến bằng liên thông kém chất lượng. Nhưng như đã phân tích ở trên, đó chỉ là một bộ phận lợi dụng kẽ hở trong quản lý yếu kém để trục lợi, và làm cho hệ này cũng như những sinh viên học hệ này mang tiếng. Tôi xin khẳng định lại lần nữa: bạn học hệ DH chính quy chưa chắc bạn đã giỏi, và bạn học hệ TC CD liên thông lên DH cũng không ai có quyền kêu bạn dở. Điểm xuất phát của bạn có thể thấp hơn do bạn kém may mắn, bạn không có được tố chất như người khác, nhưng nếu điểm đích của bạn bằng người ta, hoặc có khi cao hơn, thì bạn có quyền ngẩng cao đầu.
Nếu có phê phán, thì hãy nhằm vào những kẻ chạy trường, chạy bằng, những kẻ này thì ở hệ đào tạo nào cũng có, đâu phải chỉ xuất hiện ở hệ liên thông! Vì vậy, nếu muốn xã hội này không chạy theo bằng cấp, không còn tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” thì đừng xét lương theo bằng cấp nữa mà hãy nhìn vào thực lực. Còn nếu như cho bằng cấp là thước đo năng lực của con người thì phải làm cho thước đo đó “đạt chuẩn” bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo DH, đặt tiêu chuẩn đầu ra khắt khe, lúc đó tấm bằng mới thực sự là thước đo trình độ con người, chứ không phải là gây cản trở cho những con người khát khao được đi học. Vì bản thân việc học lên bậc cao hơn để nâng cao kiến thức, hoàn thiện bản thân để phát triển sự nghiệp không phải là việc đáng hổ thẹn, nó thể hiện ý chí vươn lên của con người, rất cần được khuyến khích. Thế nên phải tạo cơ hội cho mọi người được học lên, nâng cao trình độ để lấy được tấm bằng đại học khi mà tấm bằng là một trong những giấy tờ để đánh giá trình độ con người, ai cũng có quyền thử sức mà. Nếu có cấm, thì hãy cấm những tệ nạn chạy bằng, chạy trường, đào tạo kém chất lượng… sau này cho ra những con người “học giả bằng thật”.
NẾU xã hội coi trọng thực lực, trả lương theo thực lực, thì sẽ không bao giờ có chuyện mua bán bằng cấp diễn ra, không bao giờ có chuyện “thừa thầy thiếu thợ”… và đương nhiên những bạn có năng lực thực sự cũng sẽ không bị phân biệt bởi cái bằng, thế thì ai còn bị ám ảnh bởi cái bằng DH nữa chứ. Nhưng thực tế, lương bổng được xét theo bằng cấp của người lao động. Chính vì sự phân biệt đó nên mọi người mới cố gắng để có được bằng DH. Có người lấy bằng DH bằng con đường thẳng, có người lấy bằng con đường vòng, nhưng dù là đường nào đi chăng nữa, miễn sao họ lấy tấm bằng đó bằng chính công sức và năng lực của mình, thì tấm bằng đó đều có giá trị. Cái gọi là “đặt đúng mọi việc về giá trị của nó” nên được hiểu là: sinh viên có năng lực và nỗ lực thế nào trong quá trình học tập thì được nhận bằng thế ấy, chứ không phải là dựa vào xuất phát điểm của sinh viên mà đánh giá.
Cuối cùng, cũng là người trong cuộc, tôi chỉ có một mong muốn nhỏ nhoi : Bộ có nâng cao chất lượng thì hãy thắt chặt đầu ra và quá trình đào tạo, chứ tạo thêm rào cản trên con đường học vấn của sinh viên, rõ ràng đây không phải là một phương án hay. Được học tập cũng là một cái quyền của người dân Việt Nam. Chẳng phải đường lối của Đảng và Nhà nước là khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời hay sao? Thiết nghĩ, không phải thông tư hay qui định nào lúc mới ban hành cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế. Nhưng nếu Bộ điều chỉnh chỗ chưa phù hợp để nó có ích hơn cho nhân dân, cho nước nhà thì đó mới là điều đáng quý, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ và tạo được niềm tin đối với nhân dân!