TRẢ DUYÊN

pq2412

(¯°•._Mãi Yêu_.•°¯)
Hội viên mới
Nhà không nóc

Con trai chị nói má đừng đi chợ nữa, ở nhà có gì ăn nấy... Nó nói vậy rồi buông thõng câu nói giữa chừng. Chẳng biết hôm đó có chuyện gì, nó vốn ít nói, cả ngày cùi cụi với ruộng đồng, vườn tược, những lúc chỉ có hai mẹ con thì cũng chẳng mấy khi nghe tiếng nó, cứ im ắng như nhà vắng chủ. Chị nấu cơm, quét sân rồi lui cui dọn dẹp, thỉnh thoảng nói bâng quơ một mình riết rồi quen, đôi lúc tự nhiên mong có tiếng chó sủa trước nhà, sao cứ bồn chồn như đợi ai...

Đẩu ít khi rảnh rỗi, đi ruộng về là trời đã tối mịt, những hôm ở lại canh nước lớn nhét bọng thì còn trễ hơn. Tắm rửa, ăn cơm xong đã gần nửa đêm nhưng nó chưa chịu ngủ, ra cái võng buộc giữa hai cây dừa bên hông nhà nằm đong đưa. Cái thằng hổng giống ai, lỡ ngủ quên bị gió máy rồi sao đây, những đêm như vậy chị cũng không ngủ được mà cứ leo lên leo xuống giường, canh thằng con ngủ quên để nhắc nó vô nhà.




Ruộng nhà mới cấy xong, vừa bón phân thúc thì nó đi làm vần công cho người ta, khi thì dặm lúa, đánh lá mía, lúc lại tát bờ bao, bà con hàng xóm ai cũng bảo chị có một thằng con trai mà bằng nhà khác có ba bốn đứa, chị nghe khen mà không vui, chỉ thấy buồn trìu trĩu. Tội nghiệp con chị, không có cha nên từ nhỏ đã gánh vác hết việc đáng lẽ dành cho người đàn ông trụ cột trong gia đình.

Ai cũng nói Đẩu giống ông Tư Bèn như đúc, như cắt mặt để qua vậy. Mỗi lần nghe câu đó là lòng chị nhói đau. Thà ngày xưa mẹ con chị bỏ xứ đi cho khuất mặt khuất mày, mà nếu thằng Đẩu đừng giống ổng nhiều vậy thì chắc chị nhẹ lòng hơn.
Chị bán dừa khô, thời con gái...

Nhà chị ngày xưa cũng chỉ có hai mẹ con côi cút, vườn rộng trồng toàn dừa, dừa từ thời ông bà để lại, cây đã lão lêu nghêu nhưng trái cứ sai oằn. Ngày nào má con chị cũng với sào chọc dừa, lột vỏ rồi chở bằng xuồng ra chợ bán. Chị có duyên bán hàng nên cứ trưa là bơi xuồng nhẹ tênh về nhà. Chuẩn bị xuồng đi chợ từ ba bốn giờ khuya, má chị bao giờ cũng bắt chị phải mặc quần lãnh đáy nem, cái kiểu quần mà chị ghét cay ghét đắng, nó làm cho cái mông tròn trịa của chị trông cứ bề xề như đàn bà có mấy con. Con gái mà mặc quần đáy giữa đến nhà chơi là bà già cấm cửa. Chị không dám cãi nhưng bơi xuồng ra khỏi nhà một quãng, tấp vào bụi lùm khuất um tùm bên mé rạch là chị giở thúng lấy cái quần giấu trong đó ra thay, vậy mà một lần bị Tư Bèn bắt gặp, lần đó chị đâu có ngờ khuya khoắt vậy mà... Tư Bèn theo chị, không chỉ bốn giờ sáng mà từ hồi đầu hôm lận, nhưng không dám vào nhà vì sợ má chị, nên canh giờ chị chuẩn bị xuồng đi chợ là lén chạy trên bờ theo... Má chị mất trong nỗi tủi nhục vì con gái không chồng mà có chửa. Đứa con gái hư thân, không chịu nghe lời má, cứ lén mặc quần đáy giữa ra đường. Mấy tháng sau Tư Bèn có vợ, chẳng ở đâu xa, chỉ bên kia rạch, nhưng không phải là chị mà là con gái của một nhà giàu có mấy đời.

Con lớn nhất của Tư Bèn là đứa con trai có với chị, nhưng nó chưa một lần gọi ổng là ba. Sinh thằng Đẩu mới một ngày, hôm sau đã thấy Tư Bèn lùi lũi vô thăm, mới cưới vợ mấy tháng mà giờ vô nhà bà mụ thăm đẻ, sợ người ta nhìn ngó nên đội cái nón lụp xụp che gần nửa mặt, tay luống cuống xách giỏ đựng bọc thịt, mấy hộp sữa, chục cam. Chị quay mặt vào trong vách khóc nức. Bà mụ hét tướng, giọng nóng như lửa: Trời ơi, ai đâu đàn bà mới sanh mà khóc như vậy, thôi chú về đi chứ điệu này là hỏng xong rồi. Tư Bèn bối rối chưa kịp nhìn mặt thằng nhỏ đã dợm bước ra khỏi phòng vì bị bà mụ hét như đuổi tà. Đó là lần đầu tiên ba thằng Đẩu ghé thăm nó.

Rồi những lần lui tới nhà người đàn bà không chồng mà có con, phụ xách nước, bắc lại cây cầu, lợp lại cái nhà đựng củi cũng tới tai vợ Tư Bèn. Mà đâu có cần dông dài, chuyện ngày trước Tư Bèn đeo đuổi chị từ đầu làng cuối rạch ai chẳng biết. Ở đời làm gì có chuyện đàn bà tự nhiên có chửa. Chị không muốn làm người thứ ba phá hoại gia cang người ta, cái tội đó có sám hối đến chết cũng không hết, nhưng cuộc đời lại trớ trêu đặt chị vào hoàn cảnh ấy, khi là người đến trước mà không có chỗ. Ngày vợ Tư Bèn sinh đứa con gái đầu lòng thì chị đang có bầu con Sao hơn hai tháng. Chỗ dại dột của đàn bà là ở cái tai cứ thích nghe lời tỉ tê ngon ngọt, đã lỡ một lần mà không biết hối, cứ theo đà trượt dần mãi vào đường cùng. Chị giận chính chị, cả đời chị không tha thứ được cho mình chứ đừng nói chi người ta.

Người ta ở đây là vợ Tư Bèn, là má của ổng. Đừng tưởng tui không biết gì, sống chung rạch gặp nhau hà rầm mà làm chuyện giựt chồng người ta không biết xấu hổ hả. Còn lẹo tẹo với chồng tui là tui không để yên đâu. Chị đã muốn dứt khoát, không liên quan gì nữa với người đàn ông là ba của hai đứa con chị, người làm cho đời chị lận đận với cái tiếng giựt chồng. Nhưng ổng đâu có chịu, cứ lui tới hoài, không ban ngày thì ban đêm, dù chị không chừa cửa, dù con Sao vẫn hồn nhiên nghe lời chị đuổi thẳng ổng về, còn thằng Đẩu lúc nào cũng chào ổng với ánh mắt xa lạ. Vậy mà ổng cứ ghé, đến nỗi con mực ở nhà cũng đã quen hơi.

Một bữa má ổng xuống, không còn chửi bới dấm dẳng như trước nữa mà bảo chị cho thằng Đẩu vô nhà chơi, thăm ông nội nó bịnh gần năm nay, bây giờ đang nằm một chỗ. Chị đã thấy có gì đó bất an, trong bụng cứ nôn nao lo lắng. Ngày chị biết vợ Tư Bèn không nói suông cũng là ngày mà chị thấm thía rằng, tại sao người ta thường đem những chuyện cả xấu, cả tốt ra chợ bàn tán, bởi giữa cái chốn đông người đó, có sự trắng đen gì cũng tuồn tuột lộ ra, trơ trụi, chẳng cần biết nguyên nhân vì đâu nên nỗi.
Mấy trái dừa khô bị hất lăn long lóc ra đường, trận mưa chổi khiến chị không còn chỗ tránh, mà cũng không biết tránh đi đâu, chỉ đứng trơ ra cho người ta quất tới tấp vào người, vào mặt. Gần năm mươi tuổi đầu, với trận đòn ghen, chị buốt đau tê tái như người bị cắt từng thớ thịt bằng một con dao cùn. Xuồng trở về nhà, nặng trĩu mái dầm ngược nước, vai rát rạt những vết cào vừa ráo máu, giữa ngã ba sông, chị thấy hai tay mình như rụng mất rồi, không cử động nổi nữa, cây dầm lỏng khỏng, chông chênh giữa đám sóng tàu trờ tới. Chị bất thần lật úp xuồng, lúc đó chỉ muốn nhấn chìm mình đi để rửa hết nỗi tủi nhục của người đàn bà mang tiếng giựt chồng. Nghèn nghẹt nước, chị ôm một bên mạn xuồng từ từ chỉm lỉm, chợt nhớ lại cái nhà mình từ lâu đã không có nóc, chẳng lẽ chị để nó mất luôn phên, dù mái phên có tồi tàn, ủ dột. Rồi các con chị sẽ trú ở đâu khi gió mưa, rét lạnh... Trôi tấp vào bụi lùm bên mé sông, nước ngang cổ, chị chụp cái nón lướt thướt nước phủ lên đầu, để người ta chỉ thấy có cái nón lá rách trôi sông, đâu biết...

Vợ Tư Bèn không sinh con trai, ba đứa con gái lần lượt ra đời khiến cho má ổng khắc khoải từng ngày. Giờ chị mới biết vì sao bà muốn thằng Đẩu vô nhà chơi, rồi trận đòn ghen cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Chứ tiếc gì cái lão dở người dở ngợm ấy. Giữa tiếng chì tiếng bấc trong đợt mưa chửi của vợ Tư Bèn, chị vẫn còn nhớ câu nói đó. Chị cấm cửa Tư Bèn xuống nhà từ dạo ấy, mỗi lần vừa thấy bóng ổng thấp thoáng ngoài cầu ván là con Sao nghe lời chị chạy ra đóng cửa lại. Ổng đứng lặng nhìn vô một hồi rồi thất thểu đi về, có hôm ngồi cả buổi dưới gốc dừa ngang cửa nhìn chằm chằm qua nhà chị, cái lưng còng thiểu não như người thất chí. Ai đi ngang cũng tò mò dòm, người không biết tưởng ổng đang rình rập gì nhà chị. Từ bữa chợ đó, thằng Đẩu ngày càng lầm lì hơn, đêm nào chị cũng thao thức theo tiếng võng kẽo kẹt bên hông nhà. Gió đêm khiến chị lật bật lên xuống giường canh, sợ nó ngủ quên, những giấc ngủ yên hiếm dần với mẹ con chị.

Hồi còn trẻ, chị thuộc hết mấy câu vọng cổ trong tuồng Tô Ánh Nguyệt, đoạn cô Nguyệt gặp lại người xưa. Giờ mỗi lần coi lại là cả đêm trằn trọc không ngủ được, thấy sao cái khổ của cô đó cũng giông giống mình hay vì mình thích tuồng đó quá nên nó vận vào thân. Nghĩ quanh quẩn mà có khi tới sáng cũng chưa chợp mắt được. Coi tuồng vậy thôi chứ ở ngoài đời người ta làm sao giống như trong tuồng được. Chuyện qua rồi, có muốn níu lại cũng không được. Cũng thấy đau khi nhìn ổng cứ lầm lũi đến rồi lại quay về. Cũng thấy nhói lòng khi nhớ lại mấy chuyện ngày xưa.

Hồi đó ổng và chị đều còn trẻ, đâu có nghĩ gì nhiều về chuyện nhà ổng có tủ thờ khảm xà cừ, cột nhà cái nào cũng đính mấy bảng chữ nho. Nhớ ổng sức trai khỏe khoắn, lội bộ cả quãng rạch dài theo xuồng chị. Xuồng nước xuôi bơi nhanh lắm, vậy mà ổng cũng đi kịp, có bữa chị lén má để thêm cây dầm dưới xuồng, vừa ra khỏi rạch là ổng nhảy phóc xuống mũi bơi tiếp chị, tới chợ vừa rạng sáng ổng phải lội bộ trở về nhà.

Cái thời trai gái yêu nhau ngày xưa qua rồi, giờ chị đã an phận nuôi con, bao nhiêu năm qua mẹ con chị có đòi hỏi gì đâu, sao ổng cứ lui tới hoài để người ta dị nghị, vợ ổng xài xể đủ điều. Chị sống trong làng mà không dám ngửa mặt với ai, nỗi mặc cảm khiến mẹ con chị luôn nén lòng lại với mọi người. Nhưng có lẽ điều khiến chị đau khổ nhất là không thể dạy con mình. Chị không phải là một người mẹ gương mẫu nên làm sao có thể mở miệng dạy con đạo nghĩa làm người. May mà hai đứa con chị đều ngoan, nhưng chị biết, vì chị mà tâm hồn chúng bị khuyết, không được lành lặn trong trẻo như những đứa trẻ khác.

Thằng Đẩu chẳng khi nào nói với chị là nó không thích ông Tư Bèn. Chị cũng chưa bao giờ nói với các con đấy là cha của chúng. Nhưng miệng thế gian đã nói hết rồi, các con chị nghe nhiều và tự biết đó là sự thật, bởi có tránh đi đâu thì cái nét mặt, tướng đi của thằng Đẩu cứ giống ổng như đúc. Từ nhỏ chúng đã thấy có một người đàn ông cứ thỉnh thoảng ghé nhà, mua bánh kẹo và cho tiền tụi nó đi học, dù tụi nó chưa bao giờ dám lấy, nhưng cái cách ổng nhìn tụi nó, cách mà hàng xóm đồn đãi nhỏ to, làm sao mấy đứa nhỏ không biết.

Thằng Đẩu càng lớn càng lầm lì, ít nói hơn. Rồi một ngày nó bảo con không muốn ổng cứ xuống nhà mình hoài, nếu ổng còn xuống thì con đi. Chị biết nó nói là sẽ làm, tính nó trước nay vẫn vậy nhưng chị không ngăn ổng được. Càng nghe nó muốn tránh thì ổng càng tìm nó. Tình cảm máu mủ ruột thịt hay nỗi lo lắng không người nối dõi khiến ổng như nôn nóng hơn. Một ngày ổng chạy ra cái chòi nghỉ trưa ngoài ruộng tìm nó...

Vậy là chị không giữ được con mình nữa, nó bỏ đi thành phố. Nhìn dáng nó lầm lũi bước qua bóng đám lá dừa in dưới lòng cầu, đêm tối nhờ nhờ, chị khuỵu xuống thềm cửa..

(còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Người trong mộng.

--------------------------------------------------------------------------------

Cửa phòng trọ vừa khép lại. Hân cuống quýt vồ vập tìm môi nàng.
- Anh nhớ em quá!
Cái thời khép mắt, đỏ mặt, lòng lâng lâng sung sướng khi nghe câu ấy từ những chàng trai đã qua mười năm rồi. Nàng lùi lại, nửa nằm nửa ngồi, lưng tựa vào vách phòng trọ. Nàng cố nhìn sâu vào mắt Hân.
- Sao anh yêu em? Vì sao anh đến với em? So với chị, em không là cái gì cả! - Hân cố kiềm chế rồi thật nhỏ nhẹ.
- Thôi mà em! Khó khăn lắm mình mới được gặp nhau một lần. Hãy tận hưởng phút giây bên nhau đi em.
Nàng lắc đầu. Cố nhìn sâu vào mắt Hân, giọng thật kiên quyết.
- Anh trả lời em đi!
Hân đứng sựng. Tránh nhìn vào mắt nàng.
- Anh đã thấy ở em những điều mà vợ anh không có. Cô ấy thông minh, tài giỏi, học cao. Còn anh chỉ muốn có một người vợ thật bình thường, như em. Bên em, anh cảm thấy bình yên. Anh cần những khoảng lặng. Bên cô ấy, anh luôn căng ra vì bị đòi hỏi phải thế này, phải thế kia. Anh mệt mỏi lắm rồi!
Nàng bật cười khẽ, giãn ra vì những điều băn khoăn lâu nay đã được giải tỏa. Hân cũng giống mình, đi tìm người tình vì những điều mà người chồng, người vợ mình không có. Khi đến tuổi yêu đương, nàng cũng giống như bao cô gái, dệt biết bao mộng đẹp, tưởng tượng nhiều tiêu chuẩn phải có ở người trong mộng. Chàng là người cao ráo, phong độ, lịch lãm, yêu mình hết lòng. Rồi chàng phải là người học thức, biết lo cho đời sống gia đình, yêu vợ yêu con. Đạt được chuẩn trên thì chàng chắc phải có đời sống vật chất kha khá, đủ lo cho gia đình. Lấy được người mong ước như vậy là được sống nơi thiên đường rồi. Ôi! Cái tuổi mười tám đôi mươi nhiều mộng đẹp.






Nhưng rồi... người đàn ông mà sau này là chồng nàng xuất hiện đột ngột. Đời không như là mộng. Đức cao to, mặt sáng đầy nam tính. Nàng lập tức rung động trước vẻ bề ngoài đàn ông đầy phong độ đó. Không kịp tìm hiểu thêm, nàng vội gật đầu khi nhà chàng hỏi cưới.

Làm vợ, nàng mới biết chồng không là người trong mơ. Thừa sức khỏe, nhưng Đức không học cao và không có nghề nghiệp. Chồng nàng làm nhiều nghề dựa vào sức khỏe mà không ổn định. May nhờ mẹ nàng giúp vốn và truyền nghề cho vay trả góp, nên trong thời gian dài, nàng có thể lo cho cuộc sống gia đình. Thấy vậy, chồng nàng lại càng vô lo. Mọi chuyện cứ để một mình nàng gánh vác.

"Tôi sợ điện lắm!". Rồi Đức bỏ đi tìm đám bạn "triệu phú thời gian" của mình. Tối nay, nhà nàng có sáng đèn cho con học không? Nàng có tính toán sổ sách tiền góp được không? Thây kệ! Đó không phải là chuyện để Đức quan tâm.

"Chuyện đó tôi không biết làm!" và bỏ đi là thói quen của chồng nàng, khi nàng nhờ một chuyện cần đến bản lĩnh đàn ông trong nhà. Mỗi sáng, Đức vươn vai, mặt rạng rỡ vì tối qua không ai kêu đi làm. Số ngày Đức rạng rỡ mỗi năm càng nhiều.

Có lẽ, nàng cũng nuốt những đắng cay, thất vọng về chồng vào lòng để ráng lo cho các con khôn lớn. Nàng cũng không muốn ngoại tình nếu chồng nàng chỉ có vậy. Ngay cả vẻ phong độ, niềm hãnh diện duy nhất của nàng về chồng, Đức cũng đem san sẻ cho những người đàn bà khác.

Có một sáng vừa mở cửa, đã thấy một người phụ nữ bịt mặt ngồi trước nhà nàng tự lúc nào. Nàng tá hỏa khi mắt chị ánh lên đầy giận dữ và một mực đòi gặp Đức. Chị ta ngồi chờ. Chờ cho đến khi nào gặp được Đức, để chị giải quyết "nợ nần tình cảm". Rồi cả những lần Đức qua đêm không về. Đức đã quá coi thường nàng. Chồng nàng đã không biết quý trọng những công sức mà nàng xây đắp cho gia đình. Cũng đã bao lần nàng chở các con về nhà cha mẹ đẻ. Mẹ nàng, một người đàn bà cả đời chỉ biết có chồng con, bà luôn khuyên nàng: "Số kiếp đàn bà là vậy đó con ơi! Hãy nghĩ đến con mình". Nàng đã nghĩ lại, sợ các con lớn lên không cha. Nàng nuốt nước mắt, quay về với Đức. Giọt nước đã tràn ly.

Nàng đến nơi ấy để hành hương, mong tìm được sự thanh thản sau những gì Đức đã gây ra. Vốn bặt thiệp, Hân dễ dàng làm quen với nàng. Như là duyên, Hân và nàng ngồi chung băng ghế trong chuyến du lịch. Hân bộc bạch, đi để tìm một khoảng lặng trong chuyện gia đình.

Kiến thức sâu rộng, với những ý kiến tinh tế, Hân đã nhanh chóng hút hồn nàng. Nàng như bắt gặp được người nhìn thấu nơi sâu thẳm trong tâm hồn mình. Người đàn ông mơ ước của mình là đây!

Đến với Hân, nàng muốn tìm kiếm một bờ vai để tựa. Nàng yêu Hân vì Hân trí thức, lịch lãm, luôn an ủi, xoa dịu nỗi đau, uất nghẹn của nàng trong đời sống vợ chồng. Nhu cầu ngoại tình của nàng, một người phụ nữ, chỉ xuất phát từ việc muốn được ai đó xoa dịu về tinh thần, chứ đâu phải là nhu cầu về thân xác. Nhưng có người đàn ông nào ngoại tình mà chỉ vì nhu cầu tinh thần như nàng? Hân luôn chịu khó lắng nghe, góp ý, cùng nàng giải quyết chuyện nhà. Hân luôn san sẻ, buồn tủi cùng nàng, phẫn uất cùng nàng về những chuyện Đức đã gây ra. Nàng vốn là người không nói được khi lòng đang uất lên. Bên Hân, nàng như gặp được người tri kỷ. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ánh mắt của Hân làm nàng tin cậy. Nàng biết rằng đây là người mà nàng có thể nói hết, trải hết lòng mình.

Gặp Hân là nhu cầu không thể thiếu của nàng. Mỗi lần gặp nhau cũng phức tạp lắm, Hân không cho nàng gặp vào một ngày cố định. Chàng sợ chồng nàng hay nhà chồng nàng biết được quy luật. Rồi khi nàng đã ra khỏi nhà, Hân mới báo gặp nhau ở nhà trọ nào. Không bao giờ hai người gặp nhau tại một nhà trọ hai lần liên tục. Nàng phải mặc áo gió màu ghi, là màu rất nhiều phụ nữ thích khoác ngoài. Quần áo, dép, nón bảo hiểm, khẩu trang cũng dùng màu mà nhiều phụ nữ hay dùng. Nàng ra đường là lẫn vào đám đông, không ai nhận ra được. Có lúc nàng đã giận run lên khi chào người quen mà không được đáp trả. Sau nghĩ lại nàng bật cười, mình bịt mặt, người ta biết mình là ai mà chào lại! Nàng lại thầm phục sự tinh tế của Hân. Mọi việc là do Hân bày cho nàng. Hân của nàng là thế đó.

Nàng đã từng cười thầm giễu cợt những đôi tình nhân hẹn hò ở nhà trọ sao quá hời hợt. Có bà đã từng bô lô ba la với nàng, "Có gì đâu! Chỉ cần giả bộ xách giỏ đi chợ, rồi gởi ở đâu đó là mình xẹt vô nhà trọ. Chồng ở nhà làm sao biết được?". Bởi thế, đã có một bà vợ bị chồng cùng con trai bắt quả tang tại trận. Phòng trọ đã bị chồng bà vung vãi nước sơn khắp nơi. Gã nhân tình của bà còn bị nguyên thùng sơn úp thẳng vào đầu. Những người dân ở khu phố vốn tĩnh lặng được xem tranh trừu tượng của hai họa sĩ không chuyên.

Những người ở lứa tuổi của nàng, của Hân sau khi đi một quãng dài trong đời sống vợ chồng, thường nhìn lại, thường suy tính những được mất nếu trước kia mình cưới anh Thanh, cô Nga, anh Trung... chứ không phải là chồng hay vợ mình hiện tại. Nàng bị mất mát nhiều lắm khi lấy Đức làm chồng. Nàng luôn hối tiếc, thuở hai mươi nàng đâu có những suy nghĩ già dặn, sáng suốt như bây giờ? Rồi bây giờ, khi đã chín chắn trong suy nghĩ thì nàng còn đâu tuổi thanh xuân căng tràn nhựa sống của tuổi hai mươi. Thật đến khổ cho nàng (hay kiếp người?).

Nàng mỏi mệt dựa lưng vào tường. Dưới ánh sáng mờ mờ trong phòng trọ, nàng ngắm nhìn Hân đang ngủ, vẻ mặt đầy thỏa mãn. Thời gian như ngừng lại ở nơi này. Không còn nhớ mình vào đây bao lâu rồi, nàng tặc lưỡi. Thôi kệ! Đã vào đây. Còn để ý đến thời gian làm gì!

Khác những lần trước, sao bữa nay nàng thấy nụ cười của Hân trong giấc ngủ thật đểu. Nàng thấy sợ. Ai đó đã nói với nàng, bản chất con người bộc lộ rõ nét nhất trong giấc ngủ. Khi ngủ là người ta sống thật với mình nhất. Chả lẽ Hân đến với nàng cũng chỉ để thỏa mãn thôi sao? Như có tia lửa điện xẹt ngang qua đầu. Nàng ngồi nhớ lại. Ngoài những lời nói êm dịu, ngoài những xúc động cùng nàng. Hân chưa có hành động gì cụ thể để giúp nàng vượt lên số phận, hay chí ít cải tạo được hoàn cảnh gia đình hiện tại. Sao trước đây nàng u mê đến thế, làm mọi chuyện theo ý Hân sắp đặt? Nàng chấp nhận, vì muốn có người san sẻ những bế tắc của lòng mình. Chuyện giữa nàng và Hân rồi cũng chẳng đi đến đâu. Nàng chỉ muốn tung hê tất cả rồi cùng Hân xây cuộc đời mới. Còn Hân nào muốn vậy. Hân cứ lặp đi lặp lại với nàng. Đây chỉ là những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Đây chỉ là những khoảng lặng của Hân. Thế thôi!

Hai người hầu như không biết hoàn cảnh gia đình của nhau, ngoài những lời tâm sự. Nàng mang mặc cảm thua kém vợ Hân để đi tìm hiểu hoàn cảnh nhà chàng. Thật bất ngờ, nàng biết nhà Hân đang yên ấm, hạnh phúc. Hay ít ra bề ngoài là vậy theo lời của những người hàng xóm.

Nàng được nhẹ lòng khi gặp Hân. Nhưng khi về đến nhà, nàng lại bị một áp lực khác lớn hơn, nặng nề hơn về sự vụng trộm của mình. Nỗi sợ hãi bị chồng hay mọi người phát hiện luôn ám ảnh trong từng giấc ngủ, từng ngày, từng giờ. Chuyện vỡ ra thì nàng chỉ có cách nhảy sông hay trốn đi biệt xứ. Làm sao giấu mãi cây kim trong bọc?

Nhìn Hân đang ngủ say, vẻ mặt vẫn đang no nê mãn nguyện, nàng bước vào phòng tắm. Nàng tắm gội thật kỹ lưỡng, thật sạch sẽ. Nàng muốn dòng nước mát cuốn trôi đi, xóa sạch từ thể xác đến tâm hồn. Nàng tháo thẻ sim điện thoại quăng vào bồn cầu, mối liên lạc duy nhất giữa nàng và Hân. Ý tưởng này là của riêng nàng, không do Hân bày cho. Thẻ sim điện thoại trôi, nàng chưa phân định được là nên yên phận về sống với chồng con hay đi tìm một người tình khác. Người ấy phải có những điều nàng cần mà Đức rồi Hân vẫn không có. Cuộc sống vốn ngắn ngủi mà. Còn người đàn ông lý tưởng mà nàng mong đợi đang ở đâu?

Nàng khép nhẹ cánh cửa phòng trọ, cố tránh để Hân thức giấc. Bước ra đường, nàng hòa lẫn vào đám đông.
 
Sửa lần cuối:
Ðề: TRẢ DUYÊN

cuộc sống là vậy.đôi khi ta cứ mải đi tìm cho mình một điều gì đó thật kỳ diệu hư ảo mà ta vô tình quên đi điều kỳ diệu mà ta đang có!
 
Ðề: TRẢ DUYÊN

tiếp:

Chân dung cuối cùng.

--------------------------------------------------------------------------------





- Chúng ta rồi sẽ chết đi phải không anh?
- Sao em lại hỏi vậy?
- Ừ! Chúng ta rồi sẽ chết đi anh à, em biết chắc điều đó...
- Thôi nào, nhắm mắt lại và ngủ một chút, khi tỉnh dậy em sẽ thấy khá hơn. Hôm nay đã là ngày tiêm thuốc thứ hai. Chỉ còn ngày mai nữa, em lại có thể tung tăng cà phê cà pháo...
- Cà phê cà pháo... anh làm như em là dân nghiện cà phê?
- Không phải sao? Em quên lần đầu tiên chúng ta gặp nhau là ở quán cà phê à?
- Ừ, cà phê cóc. Một quán cà phê mà người ta chỉ tốn bốn ngàn cho ly sữa đá và hai ngàn cho ly đen...
- Em nhớ giỏi lắm! Bây giờ thì ngủ thôi. Anh gắn tai nghe cho em nhé!
- "Tears and rain" và James hả anh?
- Ừ, là James! Nhưng vui hơn nhé. Nào, ngủ thôi em...
...






- Chúng ta rồi sẽ chết đi anh à. Anh biết không? Em đã nhìn thấy em ở bên kia. Nó cách rất xa chỗ anh hay ngồi chơi đàn. Anh tưởng tượng được không? Này nhé! Anh đi lại, anh đứng lên, vén rèm cửa sổ. Anh băng qua gian bếp pha cà phê. Anh sẽ đi thẳng mười bước chân đến bàn làm việc và kéo nhẹ cái ghế. Anh bật computer lên và gõ password mang những con số ghi dấu ngày chúng ta hôn nhau trên khúc sông với đám lục bình chiều tháng tám. Khi máy tính khởi động xong, màn hình sẽ hiện ra bức ảnh anh đã chụp em với nụ cười tươi nguyên ngày em tròn hai mươi bốn. Anh còn nhớ bức ảnh đó chứ? Bức ảnh em quên không mặc áo ngực và chúa ơi, vòm ngực em nổi cộm lên dưới lớp áo mỏng màu trắng...".

...
- Dậy thôi nào, mèo lười! Bác sĩ sẽ đến trong vài phút nữa. Anh tin chắc sẽ là một tin vui.
- Em dậy rồi đây! Hôm qua em đi xa quá nên quay về hơi muộn...
- Em đi đâu? Đi xa cơ à?
- Dạ, ban đầu em chỉ định đi một xíu... một xíu thôi... vì em muốn được ngắm anh từ xa... nhưng không ngờ lại xa đến vậy.
- Ồ, thế nơi ấy có cà phê sữa bốn ngàn không?
- Em cũng không biết người ta có bán không, nhưng nếu anh cần, em sẽ pha, chưa chắc cà phê của em sẽ dở hơn đâu nhé!
- Ừ, em là số một. Nào! Chúng ta khởi động một chút nhé. Em giơ hai tay lên, 1, 2, 3...
- Hôm nay anh không phải đi thu sao?
- Không, anh ở đây với em. Sau khi bác sĩ tiêm xong, anh "bàn giao" em một chút rồi gặp Huy xem qua bìa album. Tối nay, anh sẽ cho em nghe thử ca khúc anh vừa thu demo. Hay lắm đấy!
- Em lại có thêm một điều để chờ đợi rồi...
- Em nói lung tung nữa à? Nếu em có lòng chờ đợi, sẽ còn rất nhiều thứ cho chúng ta. Ngay cả khi chúng ta già đi và không còn gì để chờ đợi, thì ít ra trên đời này, có anh lúc nào cũng chờ em...
...

"Anh à, đúng là nơi này chẳng có gì vui! Em bơ vơ và cô độc đến tưởng chừng có thể chết thêm lần nữa! Chúng ta rồi sẽ chết đi, nhưng tại sao lại là lúc này? Tại sao không phải là lúc khác? Em vẫn chưa nghe được album của anh, sinh cho anh những đứa con có thể hát ngay từ khi lọt lòng mẹ. Ôi anh, em không thể lưu lạc như thế này...".

- Em, sao thế? Dậy đi! Sao em lại mê man như vậy?
- Tay anh đây rồi! Em cứ nghĩ sẽ không bao giờ được nắm lấy tay anh nữa. Nắm em chặt hơn có được không? Em lạnh quá!
- Ngoan nào! Ổn cả thôi! Em còn nhớ bác sĩ đã nói gì sáng nay không? Ông ấy nói nếu em chịu khó thư giãn đầu óc, thả lỏng một chút em sẽ khỏe trong vòng một tuần nữa. Em thấy không? Sức khỏe em đang tiến bộ rất nhiều.
- Ừ, em biết! Em đang khỏe lên vì luôn có anh bên cạnh. Nhưng làm sao anh có thể làm điều đó cho em mãi được?
- Tại sao không? Chẳng phải anh đã làm như vậy suốt hai tháng qua còn gì?
- Phải, hai tháng! Nó không phải là hai năm, cũng không phải là 20 năm, càng không phải suốt đời... Rồi sẽ đến lúc anh không còn đủ kiên nhẫn để đánh thức em mỗi sáng, không còn đủ yêu thương để chỉ nghĩ về em duy nhất trong ngày...
- Liệu có điều gì đó tuyệt đối như những phép tính không?

- Em không biết... Chúng ta rồi sẽ chết đi anh à!
...

"Anh, em nhớ tuổi thơ của mình quay quắt! Em nhớ lần được chụp với ba tấm ảnh đầu tiên mà cũng là duy nhất. Khi ấy, ông thợ chụp ảnh đã bảo em rất giống ba, nhất là cặp mắt to và hàng mi dài thẳng tắp. Em còn bé quá anh à. Một đứa bé mới lên bốn thì không thể nào ý thức nó giống ba như thế nào. Và vì sao ba nó lại cho nó cái diễm phúc được chụp bức ảnh đẹp đến thế, trong khi nhà nó thậm chí không có đủ tiền để mua tập sách mới cho anh chị nó đến trường. Em thật sự không biết... nhưng em đã cười rất tươi, khoe cả mấy cái răng thỏ bóng lưỡng, tay bấu chặt đôi vai gầy guộc của ba và em cũng không biết, đó là lần cuối cùng em được ôm ba chặt như thế...

Sau này lớn lên, em nhận ra, hình như chỉ có mình tự ôm lấy mình là an toàn và ấm áp hơn cả. Đó là những lần mẹ quên đón em ở trường, em co ro ngồi trước cổng với cặp mắt thao láo kiếm tìm mẹ trong dòng xe tấp nập. Em ước gì, mình có thể tan biến đi. Khi ấy em chỉ mới mười hai. Em làm gì có được cái quyền làm những thứ mình muốn!

Ngay cả bây giờ, điều em mong muốn là được ở bên anh, không cần thứ gì khác trên đời này cũng đã là một điều không thể nào nắm giữ được... Anh, em nhớ tuổi thơ của mình quay quắt... Một lúc nào đó, anh cũng sẽ nhớ về tuổi thơ anh như em bây giờ. Nếu được, anh hãy nhớ về những ngày được sống cùng gia đình, ngày anh chỉ là một cậu bé luôn quấn quít mẹ và dành cho em một chút nhỏ thôi về khoảnh khắc chúng ta nhìn thấy nhau bên tách cà phê vỉa hè. Nó thật sự là ký ức quá rực rỡ... Em không nỡ rời xa nó...".

...
- Cô ấy chết rồi! Ngay sau khi anh rời khỏi bệnh viện và điện thoại mất sóng vì phòng thu quá thấp...
- Không, chị nói dối. Cô ấy vẫn khỏe mạnh cho đến khi tôi rời khỏi phòng. Sáng hôm qua, bác sĩ còn nói tình trạng của cô ấy đã khá lên cơ mà...
- Xin lỗi, chúng tôi không thể làm điều gì tốt hơn là thông báo cho anh sự thật...
...

- Anh à, em đã nói... Chúng ta rồi sẽ chết đi, chỉ có điều em phải chia tay anh nhanh hơn em đã hình dung trước đó. Em tệ quá phải không? Mỗi việc chờ anh thêm vài ngày cũng làm không được. Với một người tệ như thế, anh quên đi là tốt hơn cả. Quên càng sớm càng tốt! Anh còn phải bắt đầu lại với cuộc sống của mình. Anh còn phải sáng tác, phải làm ra những album không ai sánh bằng. Có phải vì em, anh đã bỏ đi rất nhiều cơ hội? Em không chắc sẽ còn được nói với anh như thế này đến bao giờ, vì có thể một chút nữa đây, người ta sẽ mang em đến một nơi khác.

...
Em đi thật rồi! Đi khi anh còn nhiều điều chưa kịp nói. Anh đã rọi bức ảnh em thật to. Bức ảnh mà em đặt tên là "mộng du". Anh cứ mải miết với những đường cong mờ ảo của khuôn ngực em. Vòm ngực gầy nhưng tràn đầy sức sống! Anh muốn được đụng chạm nó mỗi ngày. Em hiểu không? Anh sẽ treo nó ngay chỗ anh nằm. Em nhìn thấy chứ? Nó thật sự là bức chân dung sung sướng và toại nguyện! Nó có chân! Em nhìn kìa! Nó có thể đi lại trên tường mà không cần giá đỡ. Nó sẽ sống với anh ở đây mãi mãi, thở cùng anh, ăn cùng anh và ngủ cùng anh. Nó sẽ sản sinh những bức chân dung khác nữa. Nếu là trai sẽ giống anh. Là gái sẽ xinh đẹp như em và anh chẳng việc gì phải sợ cô đơn nữa... Mẹ kiếp! Cô đơn thì có gì đáng sợ!


- Ôi! Ai cứu lấy người yêu tôi? Làm sao anh có thể sống thế này! Anh! Em đã chết rồi! Chết thật rồi! Em không còn tồn tại bên anh nữa. Em sẽ mãi chỉ thế này thôi! Yêu anh thế này thôi. Sẽ không ai nhìn thấy tình yêu của em ngoài chính em. Ngay cả khi anh đau khổ tột cùng về nỗi cô đơn thì em chẳng thể nào làm cho nỗi cô đơn ấy trở nên đủ đầy và đầm ấm. Em có thể nào lắp đầy nó như lúc chúng ta giao nhau. Những khúc gấp gãy, lồi lõm của bản thân bỗng trở nên vừa vặn, trùng khớp đến không một khoảng hở. Ôi! Anh hình dung được không? Em khát khao được bù đắp, khát khao được lắp ráp...

- Anh làm sao? Làm sao để xua đi cảm giác này? Nói cho anh biết đi, bằng cách nào để anh chạm được vào em. Anh thèm được ngả vào em như đứa trẻ khát bầu sữa mẹ... Ôi em! Chân dung của anh! Em không thể chỉ vô dụng khi đứng mãi trên tường. Đến đây đi! Anh cần em!

- Anh! Người ta nói album mới của anh là thứ âm nhạc điên rồ nhất mà giới chuyên môn từng chứng kiến. Em tiếc là mình không còn tồn tại để chỉ thẳng vào mặt họ rằng, âm nhạc của họ mới chính là thứ ruồi nhặng, cặn bã của trống rỗng và vô vị! Anh hãy nghe em. Âm nhạc của anh là chân chính! Chỉ khi nào trải qua tất cả những ngọt ngào, đau đớn đến tận cùng, người ta mới có thể tạo ra những tác phẩm như thế. Em đã nghe những giai điệu ấy mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút... Nó nuôi sống trái tim em. Chính nó đã cho em hy vọng được sống thêm lần nữa khi đã chết.

Em thật không biết diễn tả với anh thế nào để anh hiểu những gì em nói. Đại khái là thế này anh à: Em cảm thấy thân thể mình tan ra. Ban đầu là mấy ngón chân. Từng ngón, từng ngón một… Em nhảy múa cho đến khi hai cánh tay, phần eo, phần mông, ngực và đầu tóc mình tan chảy, mất hút trong không khí. Khi ấy, em chỉ còn lại một đốm đen. Nó nhỏ như cái bớt bên dưới đùi trái của anh. Cứ thế, em lặn sâu vào anh, khởi đầu chỉ có thế, nhưng rồi em càng lặn càng sâu. Anh còn nhớ, em đã ước ao trở thành cô dâu trong trắng của anh không? Tiếc là em không đợi được đến ngày đó! Em tồn tại bằng vật thể nhỏ như cái bớt bên đùi trái và lặn sâu trong anh từng ngày... Rồi anh sẽ không còn cô đơn nữa... Không bao giờ cô đơn nữa...


- Bức chân dung của em đâu rồi? Ai đã mang nó ra khỏi phòng anh? Ôi, cái bớt bên đùi trái. Sao nó lại đau buốt thế này? Ai đã chạm vào nó? Ai đã mang nó ra khỏi da thịt anh? Ai đã mang em ra khỏi anh? Là ai?
- Không ai cả anh à! Không ai cả...
-----------------------------------------------------------------------------------------
"Bà -nước -cơm"

--------------------------------------------------------------------------------

- "Bà-nước-cơm" đến rồi kìa, mẹ tôi bảo, con vào lấy thùng nước cơm ra cho bà.

Tôi chưa kịp vào thì "bà-nước-cơm" đã nhanh nhẹn đặt cái xô lớn ngoài cửa, rồi khoát tay: "Cô cứ để tôi...".

Ngay mẹ tôi cũng không biết bà tên gì. Trước gọi bà là bà Cả - vì chồng bà là con cả trong gia đình, và bà là vợ lớn. Bà không có con nên ông lấy thêm bà bé. Biết phận mình, bà Cả chẳng thèm ghen chi cho mệt, bà chỉ giữ lại cái nhà cũ. "Ông ấy muốn đi đâu thì đi, lúc nào muốn về thì về", bà nói với hàng xóm như vậy.

Lúc bà Hai sinh con, bà Cả đích thân đi thăm, lại có vẻ mừng.

Hơn mười năm nay, bà Cả ở một mình, nuôi heo làm vườn. Khu phố tôi ở giờ chỉ còn mỗi bà nuôi heo nên hầu như nhà nào cũng là mối nước cơm của bà. Nhà nào bà cũng đặt sẵn một cái xô nhỏ, một cái chậu hay một cái can nhựa... ngay chỗ rửa chén bát. "Cơm thừa canh cặn ông bà cứ trút cả vào đây cho cháu. Đừng đổ xuống cống, phải tội!". Bà nhiều lần nói với mẹ tôi như vậy.






Một hôm, thấy tôi đang nhặt rau, bà sà xuống nhặt hộ, xuýt xoa: "Cô phí quá! Những cái cô bỏ đi, tôi nhặt lại ăn hai bữa cũng còn dư...".

Hầu như lúc nào cũng thấy bà tất bật, lam lũ. Cái áo nâu bà mặc vá chằng vá đụp. Cái quần đen còn thê thảm hơn. Đến bây giờ tôi chưa từng thấy cái quần nào tệ hại, dơ bẩn và xấu xí đến như thế! Nó vừa ngắn vừa rộng, trước sau vá hằng chục mảnh vải đủ màu đủ cỡ, nó dày cộm lên vì bết cái thứ nước cơm đùng đục, sền sệt. Nói phải tội, bà xách xô nước cơm đi đến đâu ruồi bâu theo đến đấy. Thú thật, khi bà đi ngang qua, tôi phải khẽ quay đi và nín thở. Ngay cái khăn cuộn tóc của bà cũng vá mấy mảng lớn. Bà lại ăn trầu nữa chứ! Bả trầu bà cho luôn vào xô nước heo. "Heo nó ăn hết cô ạ! Nó nghiện nữa đấy. Càng chắc, càng cứng xương" - Bà giải thích với tôi như vậy.

Bà Cả chăm sóc đàn heo chu đáo lắm. Người bà luộm thuộm, bê bối dơ dáy chừng nào, thì chuồng trại và đàn heo của bà lại sạch chừng nấy! Mỗi lần nhìn bà gầy gò lem luốc, cầm cái chổi xể đứng giữa bầy heo mập ú sáng bóng, tôi cứ phải thầm so sánh... Bà khoe với tôi là thằng Tuấn - con út của ông Cả và bà Hai - cuối năm nay sẽ về đóng thêm chuồng trại cho bà. Tôi nhìn vào dãy máng heo hỏi: "Bà không pha thêm cám à?" - "Thi thoảng thôi cô ạ! Chỉ hôm nào tôi mệt không đi xin thêm được mới phải pha cám... Ở quê tôi làm gì heo được ăn ngon như ở đây. Thành phố họ phí của lắm! Chỉ cần mình chịu khó nhặt nhạnh thì tha hồ... Cô bảo, mua cám cũng khối tiền đấy chứ!".

Cứ vài tháng lại thấy lái heo đến nhà bà. Bà Cả bán heo cũng nhanh và gần như bí mật. Mẹ tôi bảo bà phải có vàng đống. Nhưng lúc nào cũng thấy bà than nghèo than khổ. Bà phân bua với mọi người: "Tôi cứ phải lo tiền cho ông nhà tôi. Ở với tôi thì sao cũng được. Ở với bà ấy không có tiền không được đâu! Lại còn đàn con ông ấy nữa... Dù sao cũng... Với lại cái nhà này, ông ấy cũng có phần...".
Nhiều người không ưa bà thì xầm xì sau lưng: "Bà ấy keo kiết, sợ mình mượn đấy. Ngữ ấy ăn còn chẳng dám ăn thì đời nào thí cho ai" - "Phải rồi! Có thấy bà ấy chợ búa gì đâu. Nhớ cái năm cả nước phải ăn độn khoai sắn với bo bo, tôi thấy bà ấy bẫy cả chuột cống để ăn. Tôi mà nói sai tôi chết liền!". Tôi nghe chuyện ấy mà rùng mình. Ừ, cũng có thể lắm. Chính mắt tôi có lần trông thấy bà Cả lựa trong đống cơm thừa ra những gì chưa thiu, đem nấu lại và ăn ngon lành. Bà còn nói thực với tôi: "Hạt ngọc trời cho đấy cô ạ! Tôi không nỡ phí hoài...".

Sau giải phóng vài năm, nhà láng giềng của bà Cả dọn đi kinh tế mới. Họ định tháo tôn và cửa mang đi. Bà Cả thấy tiếc, tiện hỏi mua luôn để nới rộng chuồng trại. Lúc ấy mua rẻ lắm, gần như vừa bán vừa cho. Nghe đâu bà trả tiền làm mấy bận, lần cuối là cặp heo con. "Để ông bà ấy về quê nuôi, dưới quê sẵn lương thực" - Bà Cả vừa nhai trầu vừa kể vậy.

Trong khu phố tôi, phải nói không nhà ai rộng bằng nhà bà, cũng không nhà ai bê bối tối tăm như nhà bà. Nhà rộng như vậy nhưng bà chỉ thắp mỗi bóng điện tròn, không phải trong buồng ngủ mà là ở chuồng heo. Khi đã thân với bà, có lần tôi thổ lộ ước ao của mình: "Phải chi nhà cháu rộng như nhà bà. Cha cháu nhất định sẽ ngăn cho chị em cháu cái phòng riêng". Bà cười: "Kể ra tôi gặp may thôi. Nhưng nhà rộng ở mỗi mình cũng buồn lắm. Hay cô qua ở với tôi cho vui? Để tôi nói với ông bà cho...". Tôi lắc đầu cười: "Cháu không dám đâu...". Bà cũng cười, nhóp nhép nhai trầu: "Mà chắc cô không quen chịu khổ đâu...", bà sờ vải áo tôi đang mặc, "Con gái bây giờ sướng thật! Vải này loại gì mà đẹp thế cô?" - "Dạ, ca-tê Việt Nam thôi bà ạ!". Rồi tôi hỏi: "Hình như năm ngoái anh Tuấn về phép, có biếu bà xấp vải hoa mà. Loại vải ấy còn tốt hơn loại này nhiều" - "Thế à cô?..." - "Vâng! Sao bà không may lấy một bộ? - "À, à... Tôi nghe nói tiền công đắt lắm!" - "Nếu bà không chê, bà đưa cháu cắt may cho" - "Ôi! Thật cảm ơn cô! Cô tốt quá... Nhưng tôi nghĩ thấy tiếc... Tôi cũng có một bộ để mặc đi chùa rồi...".

Tôi nắm tay bà: "Cháu nói thật bà đừng buồn nhé! Hàng xóm ai cũng bảo bà hà tiện quá, ăn chẳng dám ăn. Chẳng dại bà ạ!". Bà trầm ngâm: "Tôi biết!... Tôi biết!... Nhưng tôi nghĩ không lẽ đời người chỉ lo nhất cái ăn sao? Miếng ăn là miếng nhục! Tôi đói khổ rồi, tôi biết..." - "Nhưng bà có một mình. Nhất là bà cũng lớn tuổi rồi. Theo cháu, bà cứ việc bồi dưỡng nghỉ ngơi, đi chùa, hành hương nơi này nơi khác cho sướng thân. Bà có điều kiện mà”. Bà Cả gật gù: "Cô nói cũng đúng... Tôi định đến năm 60 tuổi đã... Nhưng sao cô biết tôi chỉ có một mình? Còn ông nhà tôi, còn các con ông ấy..." - "Cháu thấy bác trai mê vợ bé có ngó ngàng gì tới bà đâu? Mà bà ta thì... Ngay mấy đứa con của bà ta cũng toàn rút ruột của bà thôi". Bà Cả gật đầu: "Tôi biết... Nhưng dù sao vợ chồng một ngày cũng là nghĩa. Dù sao chúng cũng là giọt máu của ông ấy...". Rồi bỗng dưng bà chợt hỏi tôi: "Cô năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?" - "Dạ... cháu 18...". Bà bấm ngón tay: "Mười tám... Tuổi Hợi. Thằng Tuấn tuổi Thân, nó hơn cô ba tuổi...". Tôi đỏ bừng mặt! Bà lại nói thêm: "Trong đám con ông ấy, chỉ thằng Tuấn là được...".

*

Năm 69 tuổi, bà Cả đột nhiên bệnh nặng. Bệnh như chưa từng bệnh. Chỉ trong một tuần bà gầy rộc đi. Mẹ con bà Hai nghe tin chỉ loáng qua, đảo mắt nhìn quanh nhà và đàn heo rồi biến mất. Mẹ tôi thương hại bà cô độc, bảo tôi tối tối mang ghế bố qua bà ngủ, hầu chăm nom bà. Hàng xóm cũng lần lượt đến thăm...

Bà Cả húp bát canh rau đay nấu thịt băm mà rơm rớm nước mắt: "Trời ơi! Cả đời tôi giờ mới được nếm bát canh ngon này. Không ngờ nó lại ngon đến thế! Thật cảm ơn bà, cảm ơn cháu...". Nói rồi toát mồ hôi, nằm vật ra, khóc. Tôi vừa thương vừa thầm trách bà. Bát canh có đáng gì đâu, sao bà cứ phải chịu nhịn kham khổ cho đến nỗi này? Khi mẹ tôi về rồi, bà nắm tay tôi, ứa nước mắt: "Cháu đã điện cho thằng Tuấn chưa?". Tôi gật đầu. Bà lại bảo: "Điện thêm cho nó đi... Cháu điện cho ông nhà tôi nữa nhé...". Rồi bà lẩm bẩm: "Chắc gì họ đã điện cho ông ấy rằng tôi bệnh nặng...". Tôi gật đầu: "Vâng, bà nằm nghỉ, cháu đi ngay bây giờ" - "Tiền trong gối đây... Cháu lấy hộ..." - "Cháu có tiền rồi...". Tôi vừa nói vừa chạy đi.

Khi tôi vừa ở bưu điện về thì gặp Tuấn đang ở trong nhà bà. Anh trong bộ quân phục đang quỳ bên giường, chiếc ba-lô quăng một góc. Đôi mắt Tuấn đỏ hoe. Bà Cả nắm chặt tay Tuấn có vẻ vui lắm, rồi thấy tôi đứng sựng giữa cửa, bà vẫy tay...
Tối hôm ấy, bà đòi Tuấn đỡ ngồi dậy, ăn hết bát cháo hành nóng, rồi nói một cách rất tỉnh táo: "Tuấn, Thúy... lại đây...". Tôi và Tuấn đều hồi hộp. Tuấn nắm tay bà: "Mẹ Cả ơi!...". Bà gật đầu nhìn chúng tôi: "Mẹ mừng là các con yêu nhau... Mẹ đã viết sẵn di chúc dành căn nhà này cho hai con... Hai đứa đều tốt, đều có hiếu... Không đứa nào có thể giành nhà được... Mẹ đã bảo bố con viết chủ quyền cho mẹ lâu rồi... Mẹ đã đưa cho ông ấy nhiều tiền. Ông ấy phá của quá! Mải ăn chơi... Nhưng rồi ông ấy cũng hiểu... Kể ra số ông ấy sướng thật!" - Bà thở dài - "Phải chi mẹ đừng lo cho ông ấy về Bắc lần này thì vợ chồng đã gặp nhau... Mà thôi, số phận cả! Mẹ chỉ tiếc là không kịp về quê... Mẹ biết mình sắp chết... Các con đừng buồn! Ai mà chẳng có lúc phải chết... Mẹ lo liệu cả rồi. Mẹ đã gửi tiền nhờ các thầy đưa mẹ vào chùa... Các con không phải lo gì nữa...".

Rồi bà chỉ vào góc giường: "Sau khi mẹ mất, các con chẻ ống chân giường tre đó ra... Trong đó còn ba lượng vàng, lấy mà sửa sang lại nhà rồi làm đám cưới...". Bà nhìn tôi dịu dàng: "Mẹ cho con xấp vải trong tủ... Chẳng cần đợi đủ năm... Sau trăm ngày là được rồi... Mẹ cho phép...".

Tuấn ôm mặt khóc nức: "Mẹ Cả ơi! Mẹ đừng bỏ chúng con...". Bà gượng cười: "Bố mày! Con trai gì mà...! Đừng có hoang đàng như bố mày... Phải thương vợ thương con... Con Thúy nó ngoan lắm!...". Rồi bà vật ra. Tôi ôm chầm lấy bà khóc nức nở... Bà còn nói nhiều nữa, không quên dặn tôi cho heo ăn. Đến nửa đêm, bà bắt đâu mê man, gần sáng thì đi...

*

Sau này, khi tôi và Tuấn đã lấy nhau, anh nhiều lần nhắc đến bà Cả, lắc đầu buồn bã: "Thương mẹ thật! Thà không có thì thôi, ai lại chịu nhịn ăn nhịn mặc đến như thế! Mẹ đúng là thần giữ của cho người khác. Anh nghĩ làm thế thì khổ chứ đâu có sướng...". Nhưng mặc ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, với bản tính phụ nữ luôn lo lắng và giữ gìn, càng ngày tôi càng nhận thấy rằng: Bà Cả, giờ là mẹ tôi, đã chịu bao khổ cực, hy sinh, tận tụy, làm việc, chịu dại chịu hèn, để giành giữ căn nhà này lại cho vợ chồng tôi. Ở thành phố này nhiều người nằm mơ cũng không thấy một cơ ngơi như thế. Nhưng gia tài mẹ để lại cho chúng tôi còn lớn hơn nhiều, đó là sự chung thủy, đức hy sinh và lòng vị tha vô bờ bến.
 
Sửa lần cuối:

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top