Thư Hà Nội

titbup

Member
Hội viên mới
Nỗi đau ngòi bút (Theo VNN)

- Bây giờ tôi hiểu tại sao các nhà văn lại khóc với nhân vật của mình, người làm báo lại thở dài, day dứt khi phải viết về những cái ác mang gương mặt người. Mới hay, ngòi bút tuy bằng sắt, có thể mang nỗi đau nhân thế bằng chữ nghĩa nhưng cũng dễ tổn thương biết chừng nào.

Có lúc nào đó, ta cầm bút ghi lại những suy nghĩ, lại nghi ngờ về chính điều mình đang viết. Thuở nhỏ, đọc tự sự các nhà văn, thấy kể họ đã khóc vì nhân vật của họ đã chết, tôi buồn cười thay. Nhân vật do hư cấu, họ cho chết lúc nào chả được.

Bây giờ, khi tuổi đã xế chiều, tôi lại tập toẹ học viết báo. Ai đăng bài cho đã mang đi khoe khắp thiên hạ. Nhưng tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình.

Mấy hôm trước, trăn trở mãi và khó khăn lắm mới viết được một đoạn phản hồi trên báo mạng, lên án những kẻ bẻ hoa anh đào ở Giảng Võ, Hà nội. Thấy được đăng, tôi tự hào vì ít nhất tiếng nói của mình được ghi nhận. Gửi đường link cho cô cháu gái làm ở một cơ quan có uy tín. Cháu thở dài, tưởng gì, viết như chú ai chả viết được. Làm mới khó chú ơi, action cơ. Không phải việc của cháu, chẳng liên quan gì đến thằng cu quí tử mới đẻ của cháu. Cháu sẽ dậy con lớn lên không bẻ trộm hoa. Nó chắc thế.

Chỉ viết phản hồi không thôi, tôi không thể ra ngăn người ta vặt hoa, không thể làm Lục Vân Tiên đánh cướp.

Than thở về nạn lạm dụng quyền lực, nhũng nhiễu hay hối lộ với người bạn vong niên thì anh ấy nói, trời ơi, cậu nói làm gì. Chuyện này ai cũng biết rồi mà "Khổ lắm nói mãi". Biết mà không làm gì được. Ông đúng là sống trên mây rồi. Thử tìm xem chỗ nào trên đất nước này đi giải quyết việc mà không cần phong bì?

Đưa con đi nhà trẻ mà không có phong bao cho cô giáo, tối về xem mông thằng con sẽ biết thế nào là không có bồi dưỡng. Học sinh đi học từ thuở nhỏ đã biết hối lộ thầy cô, “mua điểm, mua đạo đức”. Thế hệ ấy lớn lên chắc không quên thời thơ ấu già nua của mình.

Người nhà bị tai nạn, đưa đến cấp cứu ở bệnh viện mà không có lót tay bác sỹ, ngồi đấy mà chờ. Buổi sáng, đưa mẹ tôi 85 tuổi vào cấp cứu, y tá tiêm gì mà cụ đau xá trời. Đến chiều, nhét vội vào túi áo cô 10.000đ thì cụ khen, sao cái kim châm êm thế.

Hai ngành cần có đạo đức nghề nghiệp nhất là giáo dục và y tế thì cả những người yêu nghề, có giáo đức hay y đức cao vời vợi cũng đang tự dằn vặt mình, sao đến nỗi này, hở trời.

Cán bộ làm dự án cho đất nước với tất cả tâm huyết vì người nghèo, muốn nhanh thì cần có chất “bôi trơn” cho người cầm bút phê duyệt. Người đói có thể đợi vì họ quen đói rồi, nhưng đây không có phong bì, không nhanh được.

Chiếc xe khách đang lao vun vút trên đường, thấy công an giao thông giơ gậy ra hiệu. Người lái phụ thản nhiên, xin lỗi quí khách chờ đôi chút, chúng tôi xuống làm luật, lịch sự như trên Vietnam Airlines. Rồi chuyện “đầy tớ đạp chủ” xuống ruộng, múa kiếm, tát dân.

Vài quan chức vào tù rồi lại ra, cười tươi như hoa anh đào bên cổng toà án. Có thể anh ta bị oan vì có kẻ ghen ăn tức ở. Nếu thế thật thì có thể công lý bị chế nhạo. Nhưng người ta biết, phần anh kiếm được, nuôi cả nhà đến ba đời, anh chỉ ngồi tạm vài năm rồi ra. Liệu tiền lương Nhà nước trả cho anh có thể mua được trang trại hay gửi con du học bên tư bản?

Ông quan hàng tỉnh đi hát karaoke, ôm cô cave trẻ bị vợ làm chánh án bắt được quả tang. Chánh án tỉnh trị quan tỉnh thì khỏi phải nói. Dân quanh vùng xem hài kịch do các quan tự biên tự diễn không phải mất tiền mua vé. Hôm sau đã thấy đính chính: "Không có chuyện đánh ghen". Hài kịch hàng phố là bi kịch đất nước.

Mua chức bán quyền, nhũng nhiễu, hối lộ, thay đổi phải trái. Cán bộ làm việc dưới quyền sống như nhân vật hư cấu của sếp. Người cầm cân nẩy mực liệu có quyền thêm bớt miếng sắt vào quả cân, hay đổ chén nước lã vào nghiên mực?

Mới hiểu, tại sao Lục Vân Tiên bị kẻ cướp đàng hoàng mang mã tấu đi tìm để trả thù mà không ai ngăn chặn. Chàng có sống trong thời nay rồi cũng phải im lặng.

Cháu tôi thờ ơ với thời cuộc. Người hàng xóm của Lục Vân Tiên không gọi điện cho cảnh sát vì chắc gì xe 113 đến kịp. Muốn chạy nhanh cũng không được vì tắc đường. Người trên phố vội trốn mã tấu vung vì sợ vạ lây.

Nhờ cô bạn mua hộ mấy cuốn sách để cho tôi đọc lúc xa nhà. Cô bảo, thời nay ai đọc sách hả ông hâm. Mười năm nay cô không động đến sách và không biết cuốn nào hay.

Tại cháu tôi, tại người đời vô cảm hay Lục Vân Tiên sinh ra nhầm thời cuộc. Hoặc có thể nhân cách con người đang bị méo mó, như ai đó nói “móng nhà” đang bị lung lay. Hoặc là thời hỗn mang, vô pháp luật.

Tôi không bao giờ tin như thế dù đôi lúc đã tự hỏi mình. Đất nước còn có rất nhiều điều tốt đẹp. Cứ xem vài biến cố gần đây cũng biết chúng ta có hàng triệu Lục Vân Tiên giữa dòng đời. Bao người sẵn sàng cưu mang nơi hoạn nạn, cứu trẻ bị bỏ rơi. Trẻ mười mấy tuổi vì cứu bạn sống mà chết đuối.

Nhưng tôi chợt thảng thốt. Hình như cái xấu, cái ác đang nhiều lên, lấn át cái thiện, cái đẹp. Những điều tôi cóp nhặt trên khi đọc báo mạng có thể là những "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng một lúc nào đó, nếu thấy sâu nhiều quá nên tìm một liều thuốc DDT.

"Tiên trách kỷ hậu trách nhân". Tôi tự trách mình vì không có gì để đánh trả bọn cướp giúp các anh Trần Văn Thanh và Trịnh Xuân Tâm. Giá như có một bộ luật làm vũ khí đủ mạnh để răn đe cái xấu, loại trừ những kẻ tàn nhẫn ra khỏi cuộc sống và bảo vệ cái đẹp thì tôi sẽ quên mình làm Lục Vân Tiên một chút, khi máu sỹ nổi lên cùng với các anh đuổi cướp.

Thời tay không bắt giặc không còn nữa. Giặc ngày xưa hiện lên rất rõ hình hài nên cha anh chúng ta tóm được ngay cả khi chúng đi đêm. Nhưng ngày nay, giặc sống trong cõi vô hình như “âm binh” nên Lục Vân Tiên và con cháu mới bị mã tấu chém giữa ban ngày.

Lẽ ra tôi phải tiếp tục luyện “chưởng” để tập viết báo cho ra hồn, bớt sai chính tả. Nhưng hôm nay tôi không thể làm bài tập cô giáo ra. Viết thêm có giúp ích gì chăng?

Bây giờ, tôi hiểu tại sao nhà văn lại khóc với nhân vật của mình, người làm báo lại thở dài, day dứt khi viết về những cái ác mang gương mặt người. Mới hay, ngòi bút tuy bằng sắt, có thể mang nỗi đau nhân thế bằng chữ nghĩa nhưng cũng dễ tổn thương biết nhường nào.

* Hoa Lư
 
Ðề: Thư Hà Nội

Nỗi buồn chung anh ạ......sẽ là vẫn đề muôn thưở...
 
Ðề: Thư Hà Nội

Thời thế thế thời thời là thế
Trên đời này thử hỏi có ai dám tự nhận là mình ko làm việc gì xấu.
Nhiều khi mình cứ tiếc thương cho một ai đó, nhưng biết đâu họ lại đang lừa dối chính mình
Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rận mà thôi.
Mỗi một con người có suy nghĩ và giới hạn riêng của mình.
Riêng tôi, tôi chỉ luôn làm sao làm những việc mà mình ko cảm thấy hổ thẹn với chính bản thân mình mà thôi.
 
Ðề: Thư Hà Nội

Đúng vậy, Tôi thấy buồn vì thời cuộc....nhưng không làm được gì. Khoanh tay đứng nhìn từ những em nhỏ đã biết cạnh tranh lấy lòng thầy cô thì thử hỏi thế hệ tiếp nối như vậy chừng nào chúng ta vươn lên bằng TQ, Sing nhỉ??
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top