Quy định doanh thu bán hàng theo thông tư 200 so với luật thuế - Phần 1

Son.Tran

Member
Hội viên mới
Thông tư số 200/2014/TT-BTC thay thế toàn bộ Quyết định 15, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015 và áp dụng cho việc lập và trình bày BCTC từ năm 2015 trở đi; Bài viết này so sánh những khác biệt giữa quy định của TT 200 về ghi nhận doanh thu so với quy định về luật thuế.

ghi-nhan-doanh-thu-ban-hang-tt-200.jpg

1. Quy định về ghi nhận doanh thu bán hàng hóa


Doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu bán hàng khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:
  • Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm, hàng hóa cho người mua;
  • Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;
  • Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá, đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá (trừ trường hợp khách hàng có quyền trả lại hàng hóa dưới hình thức đổi lại để lấy hàng hóa, dịch vụ khác);
  • Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu đượclợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;
  • Xác định được các chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.
Lưu ý: Theo quy định này, trường hợp doanh nghiệp có hợp đồng mua bán hàng hóa, đã xuất hóa đơn, nhưng hàng vẫn được gởi trong kho thì chưa được ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên, đứng ở góc độ của luật thuế thì đã phát sinh thu nhập tính thuế.

2.Tài khoản sử dụng

Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Bên Nợ:
- Các khoản thuế gián thu phải nộp (GTGT, TTĐB, XK, BVMT);
- Doanh thu hàng bán bị trả lại kết chuyển cuối kỳ;
- Khoản giảm giá hàng bán kết chuyển cuối kỳ;
- Khoản chiết khấu thương mại kết chuyển cuối kỳ;
- Kết chuyển doanh thu thuần vào tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh".

Bên Có: Doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp thực hiện trong kỳ kế toán.

Lưu ý: Tài khoản 511 không có số dư cuối kỳ.

Tài khoản chi tiết

  • Tài khoản 5111 - Doanh thu bán hàng hoá: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu và doanh thu thuần của khối lượng hàng hoá được xác định là đã bán trong một kỳ kế toán của doanh nghiệp. Tài khoản này chủ yếu dùng cho các ngành kinh doanh hàng hoá, vật tư, lương thực,...
  • Tài khoản 5112 - Doanh thu bán các thành phẩm: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu và doanh thu thuần của khối lượng sản phẩm (thành phẩm, bán thành phẩm) được xác định là đã bán trong một kỳ kế toán của doanh nghiệp. Tài khoản này chủ yếu dùng cho các ngành sản xuất vật chất như: Công nghiệp, nông nghiệp, xây lắp, ngư nghiệp, lâm nghiệp,...
3. Hạch toán doanh thu bán hàng

Doanh thu của khối lượng sản phẩm (thành phẩm, bán thành phẩm), hàng hoá, dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ kế toán:

a) Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp (chi tiết từng loại thuế) được tách riêng ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
  • Nợ các TK 111, 112, 131,... (tổng giá thanh toán)
  • Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
  • Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
  • Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
  • Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Trường hợp, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phát sinh bằng ngoại tệ:
  • Ngoài việc ghi sổ kế toán chi tiết số nguyên tệ đã thu hoặc phải thu, kế toán phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế để quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán để hạch toán vào tài khoản 511 "Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ".
  • Trường hợp có nhận tiền ứng trước của khách hàng bằng ngoại tệ thì doanh thu tương ứng với số tiền ứng trước được quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận ứng trước.
Trường hợp giao dịch hàng đổi hàng không tương tự:

Khi xuất sản phẩm, hàng hoá đổi lấy vật tư, hàng hoá, TSCĐ không tương tự, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng để đổi lấy vật tư, hàng hoá, TSCĐ khác theo giá trị hợp lý tài sản nhận về sau khi điều chỉnh các khoản tiền thu thêm hoặc trả thêm. Trường hợp không xác định được giá trị hợp lý tài sản nhận về thì doanh thu xác định theo giá trị hợp lý của tài sản mang đi trao đổi sau khi điều chỉnh các khoản tiền thu thêm hoặc trả thêm

- Khi ghi nhận doanh thu, ghi:
  • Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán)
  • Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
  • Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
- Đồng thời ghi nhận giá vốn hàng mang đi trao đổi, ghi:
  • Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán
  • Có các TK 155, 156
Lưu ý: Theo Điểm 3, Điều 7, mục 1, Chương II, Thông tư 219/2013/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2013 và có hiệu lực từ 01/01/2014

Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

Ví dụ : Đơn vị A sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt để trao đổi với cơ sở B lấy sắt thép, giá bán (chưa có thuế) là 400.000 đồng/chiếc. Giá tính thuế GTGT là 50 x 400.000 đồng = 20.000.000 đồng.

Còn tiếp...

Nguồn: Đạt Lâm DKT tổng hợp
Vui lòng ghi rõ nguồn www.danketoan.com khi copy bài viết
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top