Mọi người đọc lại chơi.. Một kiểu lòng vòng trên bảng cân đối

gpsinjapan

New Member
Hội viên mới
Một kiểu lòng vòng trên bảng cân đối: Nợ xấu --> khoản đầu tư --> khó thu hồi --> trích dự phòng --> lại Nợ xấu. Nó là một kỹ thuật kế toán, như việc bán nợ cho VAMC, nó không dứt điểm được. Điều này đã được Vietin-Vinashin từng làm!?

Thật ra giải pháp xử lý viêc này cực đơn giản, chỉ cần tạo cơ sở pháp lý để các thành phần kinh tế tham gia mua bán nợ. Nhưng, các cụ sợ... sợ "khui" ra thì VN hết người làm ngân hàng.


Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến Dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng. Trong Dự thảo trên, có đề cập tới việc hoán đổi nợ xấu thành cổ phần của các doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã có những góp ý thẳng thắn về nội dung này. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.

Theo nguyên tắc, việc hoán đổi nợ thành cổ phần nằm trong phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp. Việc hoán đổi nợ thành cổ phần hoàn toàn phụ thuộc vào sự cân nhắc đầu tư của chủ nợ và trong nhiều trường hợp, ngay trong các thỏa thuận khi vay nợ, việc hoán đổi nợ thành cổ phần đã được đề cập đến.

Tôi lấy ví dụ trường hợp chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần. Khi đưa ra quyết định hoán đổi, người sở hữu trái phiếu có thể thấy đầu tư dưới dạng cổ đông ở doanh nghiệp sẽ có lợi hơn chỉ đơn thuần nhận lãi từ khoản trái phiếu đã mua; hoặc người sở hữu trái phiếu có những tính toán khác nhằm tới lợi ích lâu dài hơn.

Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, ngay khi phát hành và bán trái phiếu, đã phải có thỏa thuận người sở hữu trái phiếu được quyền lựa chọn chuyển hay không chuyển sang cổ phần.

Lý thuyết là vậy, bây giờ chúng ta sẽ bàn tới nội dung hoán đổi nợ xấu trong Dự thảo Hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến.

Dự thảo đưa ra quy định, các tổ chức tín dụng được thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần, nhưng phải đảm bảo các điều kiện: chỉ được thực hiện đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro; tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính*.

Có thể thấy ngay, nợ được hoán đổi theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn nói trên là nợ xấu, thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Theo Thông tư 15/2010/TT-NHNN, nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn, phải trích lập dự phòng rủi ro 100%. Vì thế, cần thiết phải đặt ra các câu hỏi:

Câu hỏi 1: Tổ chức tín dụng dùng nguồn tiền nào để tạo ra nợ xấu?

Thoạt nghe về chuyện hoán đổi nợ xấu lấy cổ phần, dư luận có thể bị nhầm lẫn, tổ chức tín dụng không cần dùng tiền để thực hiện việc hoán đổi này. Họ chỉ lấy nợ đổi thành cổ phần hay nói cách khác, lấy tờ giấy này đổi thành một tờ giấy khác.

Nhưng nếu vậy, nguồn tiền (mà hiện đã biến thành nợ xấu), tổ chức tín dụng đã huy động từ đâu? Trong trường hợp, tổ chức tín dụng muốn thực hiện hoán đổi từ nợ xấu thành cổ phần, trách nhiệm trả lại khoản tiền (đã biến thành nợ xấu) cho các chủ tài khoản gửi tiền ở ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện như thế nào?

Dự thảo thông tư có đề cập, tổng mức góp vốn không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính. Qua đó, người dân có thể hiểu, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng chỉ được dùng tiền trong phạm vi vốn điều lệ và quỹ dự trữ, nghĩa là, dùng tiền của chính họ chứ không phải tiền huy động được của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nhỏ và trung bình có còn vốn điều lệ hay không? Theo số liệu vào tháng 9/2015, tổng vốn điều lệ của 36 ngân hàng thương mại tại thời điểm đó xấp xỉ 310.000 tỷ đồng, trong đó, nhóm 12 ngân hàng cuối bằng có tổng vốn điều lệ chỉ xấp xỉ vốn 40.000 tỷ. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 cho biết, VAMC đã mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu cộng lại những khoản nợ xấu giao cho VAMC và lỗ lũy kế thì gần như chắc chắn, nợ xấu của các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ đã vượt quá vốn điều lệ.

Xin được nói thêm rằng, Nhà nước đã tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại hoạt động bình thường bằng cách thành lập VAMC, tạm giữ nợ xấu của hệ thống tín dụng trong vòng 5 năm, phát hành trái phiếu đặc biệt để các ngân hàng thương mại có thể vay tái cấp vốn tiếp tục hoạt động bình thường và thực hiện yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro 20% mỗi năm. Nếu các ngân hàng thương mại làm được như vậy, sau 5 năm, các ngân hàng thương mại đã giải quyết xong nợ xấu.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện việc này đã không nghiêm túc, nhiều ngân hàng không trích lập dự phòng rủi ro theo quy định và Ngân hàng Nhà nước cũng đã không nghiêm khắc thực hiện yêu cầu này.

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 7/10 vừa qua, khi đại diện Ngân hàng Nhà nước cố thuyết phục các thành viên ủy ban rằng tỷ lệ nợ xấu hiện nay ở ngưỡng an toàn (2.66%), Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã hỏi thẳng: “Về xử lý nợ xấu của ngân hàng, đồng chí nói nợ xấu 2,98% đó là nợ mới thôi, còn 200.000 tỉ đồng nợ cũ thì sao”.

Đến thời điểm hiện tại, khi việc đưa nợ xấu về VAMC đã không đạt được hiệu quả mong muốn, Ngân hàng Nhà nước lại đặt ra phương thức ngược lại, chuyển nợ xấu từ VAMC về các doanh nghiệp làm ăn thất bát đang là con nợ của ngân hàng bằng cách hoán đổi nợ xấu thành cổ phần của doanh nghiệp.

Thế nhưng, khi ngân hàng thương mại đã không còn vốn điều lệ để hoạt động thì nó lấy tiền ở đâu để mua lại nợ xấu, sau đó tiếp tục hoán đổi thành cổ phần tại các doanh nghiệp? Chẳng lẽ Ngân hàng Nhà nước đang hướng dẫn ngân hàng thương mại tiếp tục lấy tiền huy động của người dân để hoán đổi thành cổ phần các doanh nghiệp làm ăn thất bát, nghĩa là đặt tiền tích lũy của người dân vào một cuộc chơi rủi ro khác? Điều này Ngân hàng Nhà nước nhất thiết phải làm rõ.

no xau.jpg

Tranh biếm họa về nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.​

Câu hỏi 2: Hoán đổi nợ xấu thành cổ phần doanh nghiệp với giá nào?

So với thế giới, nợ xấu của Việt Nam có đặc điểm là đa số được bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Khi mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại, do không thể thống nhất trong việc định giá tài sản thế chấp, VAMC mua nợ xấu với giá trị trên sổ sách. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp, tài sản thế chấp được định giá vượt mức giá trị thật nên ngân hàng thương mại cho vay không phải 50% giá trị tài sản thế chấp mà lên tới 100%, thậm chí 200%.

Vậy khi ngân hàng thương mại dùng số nợ xấu đó để mua cổ phần, ngân hàng thương mại định giá giá trị số nợ xấu ấy và tài sản thế chấp đó như thế nào?

Nếu xét từ quyền lợi người gửi tiền (vì quyết định sai lầm của ngân hàng thương mại, hoặc cố ý vi phạm các quy định của luật pháp, mà số tiền gửi đó biến thành nợ xấu), ngân hàng thương mại phải định giá theo giá trị sổ sách để thu hồi đủ tiền trả lại các chủ tài khoản. Nếu xét từ quyền lợi của đối tác (doanh nghiệp bán cổ phần để đổi nợ xấu), số nợ xấu phải được định giá theo đúng giá thị trường.

Trong khi đó, bản thân quy định nợ xấu nhóm 5 của Ngân hàng Nhà nước đã chứng minh, giá trị thị trường của nó bằng 0. Người ta không thể phù phép một thứ không giá trị để trao đổi với bất cứ loại cổ phần nào.

Từ phía ngân hàng thương mại, hoán đổi nợ xấu thành cổ phần doanh nghiệp, nghĩa là, ngân hàng thương mại buộc phải chọn đầu tư vào những doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, phải cầm cố tài sản nơi họ. Vậy họ sẽ chấp nhận mua cổ phần doanh nghiệp với giá bao nhiêu?

Theo Luật Doanh nghiệp, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không thể trả nợ ngân hàng thì được liệt vào dạng doanh nghiệp phá sản, cổ phần của các doanh nghiệp này có giá trị chỉ ngang… giấy vụn.

Trong trường hợp khả quan hơn, những doanh nghiệp đã tái cơ cấu, ăn nên làm ra, liệu họ có sẵn sàng đổi cồ phần của họ để lấy những tài sản cầm cố mà chính họ đã từ chối không nhận về hay không? Mặt khác, cổ phần của họ được định giá bao nhiêu khi tính cả số nợ cũ? Có bao nhiêu trường hợp khi đã tính toán đầy đủ, cổ phần của họ vẫn còn có giá trị? Như vậy, chẳng lẽ, nợ xấu giá trị bằng 0, đổi lấy cổ phần bằng 0 hay sao?

Câu hỏi 3: Đổi nợ xấu lấy cổ phần có giải quyết được nợ xấu?

Như đã phân tích ở trên, nếu áp dụng phương thức xử lý nợ xấu bằng cách hoán đổi thành cổ phần của doanh nghiệp, đồng nghĩa, nợ xấu từ VAMC sẽ chuyển trở lại doanh nghiệp với hình thức góp vốn cổ phần. Doanh nghiệp sẽ làm gì để biến số nợ xấu đó thành tài sản thật?

Về phía ngân hàng, họ sẽ thu hồi tài sản qua doanh nghiệp theo cách nào, nếu doanh nghiệp không được tiếp thêm sinh lực, ăn nên làm ra nhờ phần góp vốn của họ? Nếu như vậy, vẫn không có tiền trả lại cho các chủ tài khoản đã gửi ở ngân hàng thương mại, nghĩa là nợ xấu chưa được giải quyết triệt để. Nói cách khác, trong trường hợp này, nợ xấu chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác, chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.

Vậy làm thế nào để xử lý dứt điểm nợ xấu của các ngân hàng thương mại? Chúng ta đã bỏ qua cơ hội xóa sạch nợ xấu bằng cách trích lập dự phòng rủi ro với sự hỗ trợ của VAMC, vậy thì chính Ngân hàng Nhà nước phải xắn tay vào trực tiếp giải quyết?

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu các Ngân Hàng Đại dương, Ngân hàng Xây dựng, bằng phương án mua lại toàn bộ cổ phần với giá bằng 0 đồng và tiếp tục cho các ngân hàng này hoạt động. Nhưng không thấy nói gì đến việc xử lý các nợ xấu của các ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% cổ phần, vậy Ngân hàng Nhà nước có lãnh 100% trách nhiệm trả lại cho các chủ tài khoản số tiền mà ngân hàng đả biến thành nợ xấu? Nếu như vậy Ngân hàng Nhà nước lấy đâu ra tiền để trả lại cho các chủ tài khoản? Tuy không nói ra, nhưng ta có thể ngầm hiểu rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ trích lập dự phòng trên các lợi nhuận phát sinh của các ngân hàng này để thanh lý nợ xấu đối với các chủ tài khoản.

Nếu đây là phương án được lựa chọn và nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng Xây dựng, không có lẽ gì, họ không thể tiếp tục áp dụng theo cách đó với các ngân hàng thương mại yếu kém khác.

Chúng ta không biến hệ thống ngân hàng thương mại thành công cụ của ngân hàng Trung ương nhưng vẫn tiếp tục cho nó hoạt động tạm thời dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thể hiện vai trò của Ngân hàng Trung ương, tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại yếu kém để nó duy trì hoạt động, cho doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển và trả nợ. Khi nào các ngân hàng yếu kém hoạt động tốt, và các nợ xấu đả được xử lý, thì Ngân hàng Nhà nước có thể bán lại cho các tổ chức, cá nhân.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng thương mại đang khó khăn nhưng vẫn có cơ hội phát triển. Nếu họ không huy động được vốn để cho vay với lãi suất hợp lý, Ngân hàng Trung ương có thể cho vay, tái cấp vốn cho các ngân hàng này. Quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải giám sát thật, áp dụng nghiêm túc kỷ luật trong vận hành hoạt động của cả hệ thống ngân hàng thương mại, không để cho các ngân hàng thương mại hoạt động thiếu nghiêm túc, làm phát sinh thêm nợ xấu. Điều kiện thiết yếu là các ngân hàng này phải cam kết thiết lập dự phòng trên các lợi nhuận phát sinh để trả lại cho các chủ tài khoản các số tiền đã biến thành nợ xấu.

Tóm lại, vẫn có giải pháp để xử lý dứt điểm nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại nhưng có làm được hay không lại phụ thuộc vào nhân sự, chính sách, các vấn đề tiêu cực tham nhũng… Nợ xấu đang tồn tại ở hệ thống ngân hàng thương mại như những ung nhọt, có khả năng chuyển biến thành ung thư nên xem ra, chúng ta cũng không còn nhiều lựa chọn.

* Trích dẫn từ bản tin ''Ngân hàng có thể đổi nợ xấu nhất thành vốn góp'' đăng tải trên Thời báo kinh tế Việt Nam ngày 3/10/2016
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top