Lại nóng chuyện đánh thuế chi phí lãi vay

Son.Tran

Member
Hội viên mới
Mới đây, trong Tờ trình đề nghị sửa đổi 5 luật thuế, Bộ Tài chính giữ nguyên quy định khống chế chi phí hợp lý đối với khoản lãi vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (đối với khối DN sản xuất) và vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (đối với các lĩnh vực còn lại). Việc bảo lưu quy định này như đề xuất đã đưa ra hồi tháng 4/2013 trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN cho thấy Bộ Tài chính đang quyết tâm đưa quy định này vào Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi.

photo-0-1503469101657.jpg


Không nên cứng nhắc trong đánh thuế vào lãi vay DN

Giữ cứng quan điểm “vốn mỏng”

Ở thời điểm tháng 3/2013, khi đưa vào Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN quy định kiểm soát tỷ lệ vốn vay của DN bằng cách đánh thuế vào các khoản chi phí trả lãi vay vượt quá 4, 5 lần vốn chủ sở hữu, Bộ Tài chính đã lập luận rằng đây là việc làm cần thiết vì trên thị trường có nhiều DN “vốn mỏng”, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn đi vay, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của DN cũng như chủ nợ. Đồng thời tạo cơ hội cho DN tận dụng “lá chắn thuế” gây thất thu ngân sách.

Thông qua việc so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế đối với khoản chi phí trả lãi vay của phần vốn vay vượt quá 5 lần và 4 lần như ở trên là hợp lý tại Việt Nam và nên áp dụng từ 2016. Đến năm 2019 thì tăng tỷ lệ này lên tương ứng là 4/1 và 3/1 cho phù hợp với “thông lệ quốc tế”.

Tuy nhiên, quan điểm trên của Bộ Tài chính không nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia tài chính - ngân hàng. Chẳng hạn, GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, việc đặt ra khái niệm “vốn mỏng” đối với các DN có vốn vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu là chưa chính xác và dễ gây hiểu lầm. Ví dụ ngành dệt may Việt Nam hiện có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ước lên đến 8-10 lần, giả định con số này phù hợp với trung bình ngành và đặc điểm tự nhiên của ngành nghề là gia công thì không thể gọi là vốn mỏng hay dày được”, ông Thơ cho biết.

Theo ông Thơ, Luật Thuế thu nhập DN không nên quy định tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu thành một con số cố định nào đó. Vì cơ chế này mang tính tự động sẽ tạo ra rủi ro lớn cho DN. Bởi khi điều hành thị trường tiền tệ sẽ có lúc NHNN nới lỏng tiền tệ để khuyến khích DN vay nợ, hoặc thị trường vốn (chứng khoán) có những diễn biến thuận lợi thì DN có thể chủ động tăng tối đa tỷ lệ vốn vay. Nếu quy định cứng nhắc về tỷ lệ bị xem là “vốn mỏng” thì các DN vay vượt ngưỡng sẽ dễ bị chế tài, ảnh hưởng đến quyền tự quyết trong kinh doanh.

Trong khí đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, nếu quy định như Bộ Tài chính đề xuất thì DN vay tiền để làm ăn càng nhiều sẽ càng bị đánh thuế nặng. “Chưa thấy ở đâu đánh thuế dựa vào món vay và lãi vay ngân hàng cả. Người ta đi vay, phải chịu lãi, đó là tài sản nợ, không phải tài sản có. Nên không thể dựa vào khoản vay để đánh thuế”, ông Hiếu nói.

Ảnh hưởng đến tín dụng doanh nghiệp

Theo LS. Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM) việc không cho DN đưa phần tiền lãi vào chi phí hợp lý sẽ khiến cho các DN gặp khó khăn rất lớn trong việc vay vốn tín dụng.

Ông Hậu cho rằng quản lý việc cho DN vay vốn bao nhiêu lần, an toàn hay không an toàn là trách nhiệm của các NHTM. Nếu các NHTM xét thấy DN làm ăn có lãi, dự án kinh doanh tốt, đủ khả năng trả nợ thì sẽ cho vay. Và thực tế các NHTM cũng luôn có các quy định nội bộ kiểm soát tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu. Vì vậy biện pháp đánh thuế vào chi phí tài chính của DN nếu vin vào chuyện an toàn vốn là không phù hợp.

Dưới góc độ cho vay DN của các NHTM, Ths. Hoàng Mạnh Cường (Giám đốc một phòng giao dịch của BIDV tại TP.HCM) cho rằng, nếu những quy định mới khống chế chi phí tài chính từ lãi vay của Bộ Tài chính được áp dụng thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho các DN khối khởi nghiệp và các DNNVV trong việc tiếp cận vốn vay. Thậm chí các NHTM cũng sẽ gặp khó trong thẩm định cho vay đối với nhóm khách hàng này.

Cụ thể, ông Cường lấy ví dụ: một DN A vốn tự có 500 triệu đồng, vay NHTM 10 tỷ đồng để kinh doanh, lãi suất khoảng 9%/năm. Nếu trước đây chi phí tài chính từ lãi vay được loại trừ, DN A sẽ được trừ 900 triệu đồng. Nếu lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 1 tỷ đồng, thuế thu nhập DN phải đóng là 250 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế là 750 triệu đồng. Nay cũng với lợi nhuận trước thuế 1 tỷ đồng, nếu áp dụng quy định mới, chi phí tài chính của DN được ghi nhận chỉ còn 180 triệu đồng (500x4x0.09). Số thuế thu nhập DN phải đóng tăng lên 430 triệu đồng (25%*(1.000 + [900-180]). Và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 570 triệu đồng.

Ở khía cạnh tiếp cận vốn, theo ông Cường với đặc thù vốn ít và chưa có tích lũy dài hạn của các DNNVV hiện nay thì các NHTM chủ yếu xem xét cho vay dựa trên phương án kinh doanh. Trong đó yếu tố lợi nhuận sau thuế trên doanh thu là một trong những cơ sở để xem xét cho vay vốn. Nhưng nếu tính thuế theo cách của Bộ Tài chính đang xây dựng thì lợi nhuận của DN trong phương án kinh doanh bị giảm rất mạnh. Từ đó NH sẽ có khả năng cao từ chối cho vay các nhóm DNNVV. Và việc này lại càng làm DN không nâng cao tính minh bạch trong báo cáo tài chính và có thể dẫn tới việc tăng vốn ảo hoặc các thủ thuật tài chính khác mà có thể dẫn đến những rủi ro sau này cho chính NH và khách hàng vay.

Theo Thạch Bình
Thời báo ngân hàng
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top