Chuyện không thể không ghi

xuongrongdat

Yêu tất cả mọi người
Hội viên mới
Chuyện không thể không ghi- Lưu Thị Lương

(Truyện dễ thương có 6 kỳ, mỗi ngày 1 kỳ !)

Kỳ 1: Tại sao em đánh con Châu?

Sự việc như sau.

Chiều hôm qua, lúc 6 giờ, tụi em vào trường học thêm Hoá. Trong khi chờ thầy đi ăn hủ tíu bên kia đường, tụi em ngồi chơi trên bục sân khấu giữa sân. Bạn Châu lấy ra một cuốn sổ, rủ em coi bói. Bạn ấy gọi là coi bói kiểu mới, rất khoa học, không hề mê tín dị đoan, muốn coi về cái gì cũng được. Tình duyên, học tập, bạn bè, gia đình… đủ hết.


Lúc đó, cả đám tụi em có Đăng, Huy, Chương, Nguyệt, Hoàn, Thương. Mấy bạn đều cười tủm tỉm nói rằng đã coi hết rồi. Chỉ còn một mình em. Em hỏi hay không. Các bạn bảo, muốn biết hay, phải coi mới biết, không thể tả được, bỏ qua rất uổng. Coi cho biết hay, rồi có dịp sẽ đem áp dụng. Rất dễ. Nhất là vào các buổi sinh nhật, có đứa này đứa kia, vui lắm. Cười chảy nước mắt luôn.


Em không bao giờ tin mấy cái vụ bói toán. Cả nhà em ai cũng vậy, Nhưng các bạn rủ dữ quá, dụ dỗ riết, làm em xiêu lòng, tò mò muốn thử coi cho biết. Đâu có tốn tiền.


Em bằng lòng rồi. Tụi nó bu chung quanh em để nghe bạn Châu hỏi em rất nhiều câu, mà em ghi hết ra đây, theo kiểu đối chiếu để thầy thấy được bạn ấy đã đối xử với em dã man như thế nào.


Bạn ấy hỏi em tên gì? Có bị té xe không? Có yêu ai chưa? Ăn bằng gì (mắt, mồm, tai…)? Một ngày ăn mấy lần? Từ số 1 đến số 50 thích số nào? Bạn có ghét ai không? Người đó tên gì? Bạn ngủ ở đâu? Bạn thích con gì? Bạn có nghe nhạc không?...


Thưa thầy. Em có nói đi nói lại rằn bạn ý chơi xóc em – í lộn – chơi xỏ em. Nhưng thầy cứ bảo rằng thầy không hiểu. Một đứa hiền khô, nhút nhát như em, mấy bạn đứng phía sau hù một tiếng mà cũng khóc, sao lại dám đánh bạn, xé áo dài của bạn. Quái đản nhất là vừa đánh vừa khóc ồ ồ.


Bởi vì, khi bạn hỏi em, em trả lời, có câu thiệt, có câu giỡn. Nhưng khi bạn ấy đem phần giải đáp ra thì bậy bạ hết trơn. Em trả lời, còn bạn ấy đem ghép với một bảng câu hỏi khác, mà bạn ấy giấu không cho em coi. Sau đó, em cố giựt ra được một miếng, em cũng chép ra đây cho thầy coi luôn. Nhưng điều bạn nói có thật không? Bạn có hôn ai chưa? Giống ai? Bạn có làm bậy không? Với ai? Mấy lần?...


Thành ra, khi em trả lời em ăn bằng mắt (vì em sợ mập) thì bạn ấy lại lại bói rằng em đã hôn ai đó ở mắt. Rồi tới câu hỏi thích số nào, em nói chơi chơi là em thích số 35, thì bạn ấy tuyên bố chắc như bắp là em đã hôn đứa nào đó tới … ba mươi lăm lần rồi. Mấy câu cuối cùng mới thật là rùng rợn, khủng khiếp và làm em nổi giận, chớ mấy câu trên thì hơi quê chút thôi. Xin thầy hãy thử tưởng tượng khi em nói ghét bạn Huy (vì bạn Huy ngồi bênh cạnh em, hay tháo giày để với bốc mùi hôi thối, để em gớm mà khóc, để mấy bạn kia cười ghẹo em) thì cả đám tụi nó rống lên hét um sùm.. Bạn Đăng còn nằm lăn ra sân khấu, giơ hai chân lên đạp loạn xạ như đóng phim hài. Bạn Huy thì đỏ mặt lên, cười chảy nước mắt nước mũi như đang bị đòn. Bạn Nguyệt, bạn Thương bỏ chạy ra chỗ khác. Bạn Hoàn thì nhéo bạn Huy, bạn Chương nhảy tưng tưng như bì kiến cắn, kêu éc éc như bị bóp cổ. Chỉ mình em ngồi tỉnh bơ, còn cười tụi nó sao lại cười dữ vậy, bộ điên rồi chắc.


Thưa thầy, tại tụi nó có đầu óc đen tối, hay nghĩ bậy bạ, nên từ "làm bậy" được hiểu là câu chuyện quan hệ nam nữ. Chứ còn ở nhà em, em út của em năm tuổi tè dầm ra giường mẹ em cũng nói là nó làm bậy đó. Vì em đã trả lời là ăn một ngày ba bữa như tất cả mọi người trên đời này, nên bạn ấy đã quả quyết rằng em đã làm bậy bạ ba lần với bạn Huy, ở trên lầu một.


Trời ơi! Em khóc liền lúc đó. Em có là gì bạn ấy đâu, mà bạn ấy nỡ làm nhục em như vậy. Bạn ấy ngồi tại chỗ, nhịp nhịp chân, mặt hếch lên kênh kiệu như hôm hội diễn văn nghệ toàn trường. Bạn ấy đi qua đi lại để làm nền cho bạn Huy hát bài "Tóc em đuôi gà". Nhìn rất dễ thương và vui vui, nên em có nói: "Thằng Huy cứ để con Châu dắt tới dắt lui, như dắt con chó nhà nó đi tìm chỗ ị buổi sáng".



Thưa thầy. Chắc là bạn ấy dể bụng ghét em nên bữa nay mới tìm kế trả thù một cách thâm độc như vậy.



Thật tình lúc đó, em không có ý đánh bạn Châu. Em chỉ nắm áo bạn ấy giựt giựt, để thêm động tác cho cơn khóc thôi. Nhưng bạn ấy đã dứt giựt ra để chạy, nên cái tà áo dài phía sau mới bị rách lủng lẳng. Tai bạn Châu học khác lớp mình, bạn ấy ở lại chờ học thêm buổi tối luôn. Nếu không thì đâu có chuyện rách hư luôn cái áo dài mới may. về chuyện này, em đã đền áo khác cho bạn Châu rồi. Tuần sau, may xong bạn ấy sẽ mặc cho thầy coi.



Bản kiểm điểm của em đến đây là hết. Em xin cam đoan lời khai trên là hoàn toàn đúng sự thật. Nếu có gì sai sót, em xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Em cũng xin hứa, từ giờ sẽ cẩn thận, khoé léo hơn trong giao tiếp với bạn bè để không xảy ra những biến cố như vậy nữa, vừa có hại cho mình vừa có hại cho bạn, vừa làm phiền lòng cha mẹ, thầy cô.

Ký tên

Nguyễn Nhị Phúc Diễm





Bản tự kiểm dài bảy trang giấy tập của tôi bị thầy chủ nhiệm trả lại. Trong đó bị gạch đỏ khắp nơi với lời phê của cô dạy môn Văn "Lẫn lộn phong cách hành chính với phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Nhiều lỗi dùng từ. Sa đà khẩu ngữ". Tôi phải viết tiếp bản kiểm điểm khác - một bản kiểm điểm thông thường, khuôn mẫu như tất cả các học sinh khi phạm lỗi. Còn bản kia, thầy bảo tôi chép lại cho sạch sẽ, để thầy gởi đi đăng báo.


Thầy khen tôi có năng khiếu viết văn. Nhưng biệt tài này sẽ chẳng giúp được gì cho việc được giảm nhẹ tội tình, trong hội đòng kỷ luật. Tôi vẫn phải bị cảnh cáo trước toàn trường vào buổi chào cờ đầu tuần. Cả con Châu cũng bị y như tôi. Suốt tuần này, hai đứa phải vào trường cấm túc, nhổ sạch cỏ to cỏ nhỏ ở các chậu cây cảnh, và khắp sân trường, chỗ nào có mọc cỏ.



Tôi nhổ buổi chiều, Châu nhổ buổi sáng. Không biết, nếu nhổ cỏ chung thì tôi với nó sẽ nói chuyện với nhau như thế nào. Mặc dù trong Hội đồng kỷ luật hai đứa đã xin lỗi nhau. Học thêm buổi tối, ngồi chung lớp, nhưng tôi luôn tìm cách tránh mặt nó. Tôi ngồi bàn đầu, để khỏi nhìn thấy bộ điệu nhí nhảnh hết sức tự tin của nó. Hễ cứ nhìn thấy nó như vậy, là tôi nhớ tới bữa chiều rùng rợn kia. Buổi chiều đã là "ô uế" cuộc đời đi học của tôi, bị chết cái tên "cô bé đánh lộn". Con gái mà đánh nhau, xấu xí quá chừng. Chưa hết, tôi còn bị mang tiếng là ganh tỵ với Châu, vì nó cao ráo, gọn ghẽ như người mẫu, lại biết đàn, biết hát. Còn tôi thì lúc nào cũng ngậm mồm, đứng dựa cột, mà hễ mở miệng ra một câu là châm biếm chết người. Thí dụ như câu nói về chuyện diễn văn nghệ của Châu và Huy đó.


Chẳng biết Châu có còn giận tôi không. Thấy nó vẫn cứ nhởn nhơ, vui đùa, ngồi đâu cũng có cả đám con trai đứng ngồi chung quanh. Cũng như tôi vẫn lặng lẽ, ít nói, và tiếp tục khổ sở vì cái mùi đôi vớ suốt một học kỳ chưa giặt của thằng Huy.


Nghĩa là sau đó, các bạn đều sống bình thường như cũ. Chỉ có tôi là vẫn còn day dứt băn khoăn. Tôi chờ đợi và buồn buồn, lo lo cho đến một hôm tôi gặp thầy chủ nhiệm.

(còn tiếp)
 
Ðề: Chuyện không thể không ghi

Kỳ 2: Họ và tên và bí mật


Thầy nói như tâm sự:

- Thầy trò mình đến là ngây thơ. Báo chí, ai lại đăng bản tự kiểm bao giờ. Thầy xin lỗi đã làm em quá hy vọng. Nhưng em phải nhớ "Thất bại là mẹ thành công". Em cứ viết mãi sẽ quen tay, rồi sẽ giỏi thôi. Bước đầu em có thể tập viết nhật ký. Trong sách có nói, viết nhật ký. Trong sách có nói, viết nhật ký cũng là cách rèn luyện viết văn đấy.


Tưởng gì! Nhật ký thì tôi có cả chục cuốn tập (viết vào đó để giữ bí mật. Cứ xếp chung với tập học, không sợ bị phát hiện). Nhưng đăng báo nhật ký riêng tư của mình ấy hả, mắc cỡ thấy mồ.


Được rồi. Tôi cũng sẽ viết, nhưng là nhật ký của lớp tôi. Bảo đảm toàn những chuyện người lớn không được biết, mà nếu tụi nó biết được, chúng cũng chẳng tha cho tôi luôn. Ví dụ như những chuyện này.




Chuyện thứ nhất: Về những cuốn sách giáo khoa di dộng.


Mỗi buổi học, thường có đến bốn, năm môn. Có môn phải cần hai cuốn tập. Lại thêm sách bài học, bài tập, bài giải, tài liệu lưu hành nội bộ. Các cặp còn phải chứa giấy chưa kiểm tra. Bao nhiêu đó, đủ làm nó phồng lên như cái bánh tiêu và nặng như quả tạ 3 ký. lại còn cái hộp viết, sổ chép bài hát, truyện tranh, truyện chữ, báo in hình tài tài tử, kẹo bánh, giấy để xếp đèn, ngôi sao… Nên đôi lúc, đành chặc lưỡi để sách ở nhà. Có đôi khi cũng quên thật sự.


Lớp tôi A4 nằm giữa A3, A5. Cả ba lớp học chung ba cô Văn, Toán, Anh. Giờ đổi tiết ba cô đổi lớp, cười với nhau tươi như hoa thật. Nhưng vào lớp lại biến thành hoa vải, hoa nhựa cứng nhắc, vô hồn. Nhất là cô chủ nhiệm.


Hôm nay, khi vừa đổi tiết xong, lớp tôi vừa được phép ngồi xuống thì bỗng thấy cô Anh văn nghiêm mặt, nhìn trừng trừng như thôi miên ra phía cửa sau. Lệ Hoa ngồi ngay đó, thì thào báo rằng, thằng Tường A3 đang bò bốn chân, tay nắm mấy cái mút lau bảng. Nó giả bộ đi nhúng giẻ để qua lớp tôi mượn sách. Nhưng cô chủ nhiệm của lớp nó đã phát hiện. Nó được giao nhiệm vụ, nếu không hoàn thành sẽ có đứa bị ghi tên vô sổ đầu bài cho coi. Còn cái chuyện mượn qua mượn lại thì thường thôi, cả ba lớp đã đồng tâm hiệp lực từ lâu rồi.


Đang lúc tiến thoái cả hai đều khó như thế, thì bỗng nghe bên A3 cười ồ cả kên. Cô Văn chờ lâu quá không thấy thằng Tường về, bèn ra cửa sổ ngóng và bắt gặp quả tang. Thế là nó đành chạy về phía hồ nước. Bên này, cô Anh văn bắt Lệ Hoa đem giao nộp mớ sách văn học,bằng cái giọng rít rịt:
- Ghi vào sổ là đọc sách môn khác trong giờ học, đúng chưa?


Tiếng chưa kéo dài thành ra the thé. Cả lớp tôi cười giống như bên A3 lúc nãy. Tất nhiên, cô giận đến cao trào. Nếu bắt chước "đối đáp lượm liền" thì bảo rằng cô "tức điên" hoặc "xách guốc lên". Nhưng rất tiếc, đây là một cô giáo. Cô hấp tấp mở sổ đầu bài bấm viết. Đầu bi vừa chạm giấy thì lớp trưởng đứng bật dậy, trước khi giơ tay.
- Thưa cô. Em xin được có ý kiến.


Ở bàn sau, có tiếng nho nhỏ:
- Cố… ố… lên! Cố… ố… lên… ên!


Được cho phép, lớp trưởng nói gọn, rõ, thật không hổ danh lớp trưởng:
- Thưa cô. Không phải lớp em hỗn vớ cô. Tại tên của ba bạn Hoa là Chưa. Đặng Văn Chưa. Tự nhiên có sự trùng hợp, nên các bạn mắc cười. Xin cô thông cảm, tha cho bọn em.
- Thật không?
- Dạ đúng chính xác. Còn tên mẹ của bạn hoa là Tí Em.


Cô Anh văn hạ cây viết xuống lần nữa, nghe có vẻ đùa cợt:
- Vậy thì ghi thêm một tội thứ hai là cười khi giáo viên đang nói, tội thứ ba nữa: chọc ghẹo tên cha mẹ của bạn.


Lớp phó kỷ luật hỏi, cho chắc, khi thấy cô nói xong thì cười luôn:
- Vậy là cô tha, phải không cô?
- Tha. Mà này, Tha có phải là tên của một vị phụ huynh nào trong lớp không đấy?


Tụi nó làm sao mà biết nổi, trừ tôi. Vì vậy nên mới có một chuyện bí mật thứ hai tiếp theo.



Hôm qua, thầy vi tính đưa cho tôi một đống sổ và dặn dò cẩn thận: "Không nên để ai biết". Trời ơi. Thầy dặn là thừa. Vì tôi mà để lộ ra tôi đang nắm trong tay tới mấy trăm cái tên cha mẹ của cả dãy hành lang lầu một thì, có thể tôi sẽ bị sự cố máy tính năm 2000 là mất hết dữ liệu, khóc hu hu. Bởi thật là khoái khi biết được tên cha mẹ của bạn, kỳ cục vậy đó.


Tháng trước, lớp tôi có xảy ra chuyện đánh nhau. Đánh thật sự chứ không như tôi nắm áo Mỹ Châu. Nhưng tụi nó đánh ở xóm thầy dạy thêm môn Toán. Trong lớp chỉ có mấy đứa biết, tụi nó im luôn, nên không bị lôi ra hội đồng kỷ luật.


Tên cha mẹ là một thứ tuyệt mật, giữ kín còn hơn tên đứa nào mình thấy thích nữa kia. Có thể nói tên người ấy cho bạn thân nhất của mình nghe, nhưng tên ba má thì không bao giờ. Nhờ mấy cuốn sổ, tôi hiểu tại sao Nguyên dám đánh Hải.


Cả nhà nó đều tên Nguyên hết. Ba: Nguyễn Văn Nguyên. Chị: Thảo Nguyên. Em: Bình Nguyên. Nó: Hoàng Nguyên. Tên nào cũng đẹp. Nhưng mà tên má nó thì xấu hết chỗ chê: Lê Thị Luốc. Thắng Hải chọc: "Lem Thị Luốc. Nguyên cả nhà". Cao hứng, nó bịa: "Luộc nguyên con".


Câu sau này là Nguyên tức lồi mắt. Nó có biệt danh là Nguyên Con. Bởi nó nhỏ bé, ngồi bàn đầu quanh năm suốt tháng, đổi sơ đồ cũng chì chạy vào chạy ra thôi. Lý do thứ hai khiến nó tức muốn hộc máu vì cái tiếng nguyên con kia. Theo tôi được truyền tai thì, tiếng đó nếu dùng theo phong cách khẩu ngữ, có ý nghĩa rất thô tục, không sạch sẽ, nói tóm lại: dơ, bậy bạ, có vẻ rất… sinh vật.


Đầu đuôi là do một phút sơ suất của Nguyên. Nó bận dò bài, nhờ Hải chuyển giấy xin phép nghỉ học ra cửa cho thầy giám thị. Thằng Hải – chuyên gia quay cóp - đọc được ngay tên má Nguyên.


Nó thích quá gào lên, bất chấp thầy giám thị đang canh chừng:
- Hay quá là hay! Lê Thị Luốc! Độc đáo! Tên quái hết chỗ nói!


Tất nhiên cả lớp ào ào lên. Ai? Ở đâu? Khi nào? Tại sao biết? Lớp trưởng cũng gào, một cách tuyệt vọng: "Im đi, trừ điểm kìa"


Chắc Nguyên sẽ im luôn, nếu Hải đừng lải nhải mãi cái tên mẫu thân của nó. Ác một nỗi, tên cả nhà nó giống nhau, nên Nguyên mới nghĩ Hải chọc ba má nó, hiếm đứa nào bị lộ "cả cặp" như vậy. Đã thế, khi rảnh… miệng, cả lớp cứ bàn tán riết.

- Luốc có nghĩa là gì ta?
- Tao nghi, Ruốc mới đúng. Mắm ruốc nè.
- Hay là Nuốt? Hay là đi khai sanh trùng người nói ngọng L với N, nên ghi lộn tên.
- Có thể là Đuốc, rước đuốc Olympic đó.
- Hoặc là Vuốt, Suốt, Tuốt, Luốt…



Cho đến một ngày thằng Nguyên nhịn hết nổi, phải chộp cái ghế… nhựa ở quán nước, chọi vào người Hải, làm bể mấy cái ly và áo Hải dính đủ loại chè với nước xiro xanh đỏ.


Sau vụ đó, Hải hết chọc. Có thể nó đã chán trò chơi đó.Cũng có thể nó hiểu rõ câu: "Con giun xéo mãi cũng quằn". Nên nghĩ tới nghĩ lui xuôi ngược hết hai ngày, tôi đi tìm thầy vi tính. Bởi vì tối sợ mình không giữ nổi bí mật. Thằng Nguyên nhỏ xíu (con gái vuốt đầu nó hoài) mà còn đánh nhau vì tên cha mẹ bị khui ra, thì mấy bà chằng lửa, mấy ông quỷ sứ trong lớp sẽ làm gì tôi nếu tôi ngứa mồm nói ra tên phụ mẫu của tụi nó. Tôi rùng mình nói như vầy:
- Thưa thầy. Thầy đừng la em. Em xin trả lại cho thầy.


Thầy nhìn vào mắt tôi:
- Em bận học bài, phải không?

Tôi nói một hơi về nỗi lo lắng kia. Thầy nheo mắt, cười:
- Đó là chuyện muôn thủa của học trò. Hổi nhỏ, tôi cũng bị hoài. Nhưng em có nhận xét gì về tên cha mẹ với tên con cái không?


Có, tôi có thấy. Tên cha mẹ phần lớn không đẹp, thậm chí còn xấu xí nữa. Nhưng tên con thì rất hay, chứa đựng ý nghĩa này nọ. Thí dụ như tên tôi. Nhị là tên ông nội tôi. Phúc là tên bố tôi. Tên tôi do bà nội đặt vì khi mới sinh ra thấy tôi rất ngộ. Nhị Phúc Diễm là ông Nhị, ông Phúc có đứa cháu, đứa con gái đẹp. Cũng hay dấy chứ.



Thầy vi tính gật gật ngón tay trỏ như đang bấm chuột.
- Em hiểu, nên tôi mới chọn em viết giùm cho tôi. Chữ em lại rõ, dễ đọc. Kể cho em nghe chuyện này, hồi mới biết đánh vần, tôi cứ suốt ngày hát ư ử tên ba mẹ của mình.Bởi vì thật sung sướng khi biết cha mẹ mình có tên đàng hoàng, với đầu đủ họ và chữ đệm trước tên chứ không phải ông Hai bà Hai như người ta vẫn gọi, vậy nhé.



Ý thầy muốn tôi hãy viết sổ tiếp. Nhưng tôi vẫn kiên quyết trả lại. Vì câu nói của thầy gợi cho tôi viết tiếp chuyện thứ ba về Mãnh Nhi, con nhỏ ngồi bên tay trái tôi trong lớp.



Mãnh Nhi là con nhà "ba tàu lai". Ba Trung Hoa, mẹ Việt Nam. Ba nó nói tiếng Việt không thạo, nên khi đi làm giấy khai sinh, người ta đã ghi tên nó thành Mãnh nhi thay vì Mẫn Nghi.


Thật là khổng lồ, nói lái lại nghen, con gái mà có tên lót là Mãnh (mạnh). Tụi con trai thưưòng gọi nó là Mãnh Hổ, Mãnh Thú. Nhưng nó giận mãi cũng chán, cũng "quen rồi".


Mãnh Nhi rất chăm học, học thuộc loại khá. Nó bảo phải cố học cho thành tài để xoá đi mặc cảm về cái tên độc, không đụng hàng.


Một hôm, trong phòng vi tính, tôi vô tình nghe được như vầy:
Long: Đề thi của sở, chắc là khó dữ. Tôi làm biếng học bài lắm. Sinh, Sử, Địa, Công dân. Hay là tụi mình cá đi.
Nhi: Làm sao mà biết thắng thua?
Long: Tính điểm từng môn. Rồi đếm. Ai nhiều môn hơn điểm hơn là thắng.
Nhi: Thắng thì sao?
Long: Chè. Bò bía. Súp cua. Mì xào. Cóc ổi. Mận me. Kẻ thắng là kẻ mạnh. Muốn gì cũng được.
Nhi: Mấy thứ đó tầm thường quá.
Long: Học cho mình. Chớ đâu phải học vì miếng ăn


Tôi thấy Mãnh Nhi liếc Long một cái, thở dài một tiếng, rồi vặn miệng cười, rất nhịn nhục. Nó quê lắm, giận lắm, nhưng nó sẵn sàng bỏ qua vì nó… thích Long.


Hai đứa cùng ngồi đầu bàn, ở giữa là lối đi. Tụi nó thường xuyên trao đổi thước, viết đỏ, viết xoá, tập, khăn giấy... mà chủ nhân, chủ động là Mãnh Nhi. Bù lại, có khi Long chỉ nhờ Nhi qua những bài tập toán khó, mà chỉ có Long và Nguyên Hà giải được.


Nguyên Hà rất đẹp, Tóc dài, thắt bím dầy và đen mượt như một con lươn, Nguyên Hà đẹp nhưng không kiêu như Châu. Nó ít nói, ít bạn, vào lớp là ngồi dính chặt vào ghế. Trong cặp nó có một chai nước để đông cứng thành đá, như học trò cấp một. Điểm Toán, Lý, Hoá luôn luôn 9, 10, không có 8. Anh văn không bao giờ xuống tới 7. Văn từ 6 trở lên.


Báo cáo kinh nghiệm học tốt, bài đọc của Nguyên Hà chỉ làm nhiều đứa chịu thua. Lúc nào cũng học, rảnh thì đọc truyện, chơi búp bê. Patin? Không biết. Sinh nhật? Không ai quen. Dã ngoại? Với gia đình. Lau nhà? Má. Giặt đồ? Máy. Coi em? Con một.


Long bật tay tách tách: "Quá lý tưởng"


Tội nghiệp, Mãnh Nhi không nhận ra rằng Long thích Nguyên Hà. Có lần Long công khai, vừa giả, vừa thật, vừa đùa: "Nguyên Hà là nguyên một con sông, Tui rất mê tắm sông, ước gì trời cho tui nguyên một con sông. Tuyệt vời". Nghe vậy, Nguyên Hà đỏ mặt quay đi, cái bím tóc to tướng đổ ào theo. Long hét "Trữ tình hết biết". Chuyện này xảy ra lúc Mãnh Nhi đang bận lục lọi tìm sách trong thư viện.


Nhìn cái cách Mãnh Nhi học thấy mà thương. Nó quyết tâm thắng Long trong kỳ thi này vì một ước muốn bình thường: đi patin với Long, chỉ có hai đứa thôi. Bởi vì đã có lần, cả đám đi sinh nhật Chương, ăn chè xong, vào patin để té thê thảm. Chỉ có mấy đứa biết ẹo qua ẹo lại để giữ thăng bằng, mà mấy đứa đó phải làm cái cột cho mấy đứa nữa, không biết gì hết. La hét, ré, thét như con tàu Titanic lúc đang chìm xuống Bắc Băng Dương. Đăng cười như bị thọt lét:
- Chắc cái áo thun của tui giãn ra vừa cho Thuý Thuý tròng vô quá.


Châu mếu máo:
- Tao mà gãy tay thì ban văn nghệ trường dẹp luôn.


Trong lúc đó, Mãnh Nhi giang rộng hai tay như một con đại bàng đang chao lượn, vừa lướt rào rào vừa la theo điệu Ricky Martin:
- Dzo! Dzo! Dzo! Trành đương. Tranh đướng. Trành đương. Đụng chết không đền. Không tính tiền bảo hiểm y tế.


Còn Long thì đứng coi bên ngoài hàng rào với Nguyên Hà. Hình như Long không biết trượt patin. Hình như Long đã năn nỉ Chương mời cả Nguyên Hà đi bữa đó.


Bởi vậy, cái ước mơ của Mãnh Nhi làm sao có thể trở thành hiện thực được. Long đời nào chịu run cầm cập, mắt trợn ngược, mồm méo xệch mà nắm áo, bám tay Nhi trong cái sân đáng sợ ấy, nó là con trai mà.


Chuyện này tôi đoán mò vậy thôi. Vì hôm nọ cô Văn bắt quả tang Nhi truyền giấy cho Long. Cô doạ: "Không đưa. Tôi gõ thước lên là mang tật suốt đời". Nhi đành mở ra bàn tay nắm chặt nãy giờ. Cô cầm miếng giấy đọc to lên: "Đi patin hay hơn đi ăn chè. OK?" Rõ ràng ý nó muốn kẻ thua phải chi trả một bữa trượt té mà vui thay vì ăn mừng, chứ còn gì nữa.
 
Ðề: Chuyện không thể không ghi

Nhưng kết quả môn toán chỉ có sáu đứa trên 5 điểm. Mãnh Nhi 4,5. Long 7. Nguyên Hà lớn nhất lớp 8,5 điểm. Nhỏ chỉ hơn Long điểm môn Lý thôi. Tôi bỗng hiểu ra một điều rằng "Yêu là dốt ở trong đầu một đống" (Xin lỗi thi sĩ Xuân Diệu). Nhưng rồi chẳng nói cho nó nghe đâu. Sợ nó buồn, sợ nó giận.



Sau đó, chẳng thấy Mãnh Nhi dắt Long đi đâu hết. Tôi suy đoán gần chết. Cuối cùng, nhịn không nổi, tôi đành làm một cuộc test với Long:
- Ê, hôm bữa thấy Long với Mãnh Nhi đi patin ở Kỳ Hoà.


Long nói giọng đói bụng:
- Xạo vừa thôi, đi đâu mà đi. Nhà Mãnh Nhi nghèo thấy mồ. Tháng nào cũng đóng tiền học trễ sau cả lớp. Mà tui cũng không có hứng khi đi ăn uống gì hết.
- Sao vậy?
- Tui cũng thua. Tui hạng nhì.

Chà chà. Cái thằng đồ đểu. Mãnh Nhi biết chưa?

(còn tiếp)
 
Ðề: Chuyện không thể không ghi

Kỳ 3: Chuyện tình của người lớn


Nhưng Mãnh Nhi không đi chơi chung với lớp, Long cũng không đi.

Sau khi sơ kết học kỳ một, thầy dắt cả lớp đi picnic ở ao cá. Quỹ lớp đủ mua gà, mướn nấu xôi và đủ thứ linh tinh khác. Thúy Thúy ram thịt gà thơm phức. Trong khi tụi nó lăng xăng hoặc trầm tư câu cá thì nó lui cui pha nước tắc, tự nguyện canh giữ đồ đạc.


Có mấy đứa ngồi hoài mà không thấy phao chìm, chán quá, chạy về chỗ trải tấm bạt lớn nằm lăn lộn và phát hiện…
- Ối ối, Thúy Thúy cởi trần
- Một, hai, ba, thọc lét nó.


Thuý Thuý kêu eng éc, chạy tung toé như bị gà đuổi. Bọn đang câu cá khoái quá, quăng cần, vỗ tay chát chát. Thấy tụi nó sắp đạp lên mấy bồn hoa kiểng, thầy chủ nhiệm mới bảo "Thôi nghỉ chơi đi". Thuý Thuý nằm xoãi tay chân, vừa thở phì phì vừa rủa xả mấy đứa kia. Tụi nó cũng đang nằm thở há mồm ở kế bên nó, cười hố hố.


Tại vì Thúy Thúy là con trai mà. Trong tất cả giấy tờ sổ sách tên nó là Lê Hữu Phú. Nhưng tụi lớp thường xuyên gọi nó là Thuý Thuý, sau khi xem bộ phim gì đấy. Nhà tôi không có đầu máy nên không rõ.


Thúy Thúy cao lớn, có bề ngang, bề dày, nhưng lại nói năng có phần ẽo ợt. Con gái ngồi chơi chung với nó, cứ tự nhiên nhờ vả như cùng phái, lúc nào cũng réo gào nhờ vả. Hồi nãy Nguyệt muốn gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu, cũng gọi "Thúy Thúy ới ời".


Đắt khách nhất là trontg giờ thực hành vi tính. Khắp phòng ý é giống như trong phim Hồng Kông "Thúy Thúy ơi. Thúy Thúy à"


Phú học giỏi vi tính nhất lớp, rất chăm và có trí nhớ tốt. Lúc nào cũng kè kè theo thầy vi tính. Có hôm còn xin theo thực hành với lớp khác. Chỉ đọc báo thế giới vi tính. Sẽ thi đại học tin học, sẽ học cho đến khi trở thành một ông tiến sĩ, giáo sư về máy tính. Chơi "tự bạch" thì ghi như vầy:
- Thích gì nhất: Máy vi tính
- Ghét ai nhất: Đứa nào lười học vi tính
- Mơ ước: Được làm người quét dọn phòng làm việc, hoặc nhà xưởng của Bill Gates
- Người yêu lý tưởng: Biết yêu thích và sử dụng máy tính thành thạo ngang cơ hoặc giỏi hơn tôi.
- Thích ăn gì: Tất cả những món ăn hay, lạ, đẹp.


Tóm lại, Phú chỉ có hai điều thích thú: vi tính và nấu nướng. Điều thứ nhất làm cho nó trở thành một chàng trai lý tưởng trong thời buổi công nghiệp hiện đại. Nhưng đam mê thứ hai đã biến nó thành nửa này nửa kia, xăng pha nhớt, hai thì (hifi) theo phong cách cách ngôn ngữ học trò. Còn tiếng bình dân dễ hiểu thì gọi là bóng, pêđê.


Nhưng Phú chưa phải là pêđê. Nó không xỏ lỗ tai trái để theo bóng, cũng không biết đi ưỡn ẹo và múa lửa. Nó chỉ hay dẩu mỏ kêu xí, chời ơi, thôi đi bà, hay giận và hay chửi mắng bạn bè. Đụng chuyện ăn uống, phe nữ chỉ cần làm phụ tá sai vặt cho nó.


Như lúc này đây, tôi đang ngồi chờ nó sai bảo. Tôi đưa đĩa, đặt muỗng vào đĩa xôi đã trình bày xong. Nhìn Phú tập trung cao độ, bất giác tôi phát hiện ra một điều ghê rợn.
- Ý ẹ, Thúy Thúy bốc bằng tay, mất vệ sih.
- Không biết thì đừng có nói, rửa tay xà bông rồi đó.
- Không tin…
- Bà là bạn tui, bà phải tin tui. Nếu bà tin, lát nữa tui cho bà miếng nạc. Mấy thằng đuổi tui hồi nãy, cho nó ăn… phao câu.


Thằng này cũng thù dai ghê chứ. Hôm nay mới biết. Thường này, tôi thấy Thuý Thuý rất dễ thương. Nó chưa bào giờ mày tao với tôi. Nó khen tôi hiền nhất lớp, học vi tính cũng ngu bằng cỡ đó, và không giấu dốt, nên nó mới chơi với tôi.


Dọn xong ba mươi lăm đĩa xôi hấp dẫn, hai đứa đi rửa tay. Tiện đường, tôi vào toa lét. Khi trở ra, thấy thằng bạn đang hoảng hốt rất đặc trưng "hai thì". Nó trợn mắt. Hai tay vừa vỗ ngực lia lịa, vừa vẫy rối rít. Miệng nói như súng bắn liên thanh.


- Bà Diễm ơi. Hú hồn. Hú ba hồn bảy vía. Con gái mới chín vía. Kia kìa, bà thấy không. Ông thầy vi tính. Mặc cái áo xanh màu nước biển đó. Ông đi với cô nhổ răng dưới phòng y tế. Tui đang đứng ngó thùng tiền, coi mỗi lần họ đi trả bao nhiêu, thì nghe tiếng quen quen. Vừa quay lại là thấy thầy, đang gỡ cái lá trên tóc cô. Bộ điệu coi chăm sóc âu yếm lắm kìa. Chỉ có bồ bịch mới làm như vậy. Bà biết không?


Mấy câu sau, nó thì thào như sợ có ai nghe thấy. Ròi nó rủ tôi ăn trưa xong, lúc tụi lớp nghỉ ngơi, hai đứa sẽ đi tìm hai người đó.


Vừa đi, thằng bạn vừa kể mấy sự nghi ngờ của nó. Bởi nó lúc nào cũng kè kè theo đuôi thầy vi tính. Tôi cũng dần dần nhớ ra. Đúng thật là cô nhổ răng thường thường đi vào phòng máy lúc ra chơi. Vào để đưa một cái gì đó, nhận một cái gì đó. Có lần, Minh Giang thấy cô đưa một ổ bánh mì con cóc, rồi đòi tiền. Đôi khi, họ nói gì nhỏ nhỏ, cười cười. Có thể mớ sổ ghi tên kia, thầy cũng đã đưa cho cô nhổ răng ghi giùm rồi.


Sau hôm đi câu cá, đến giờ thực hành, Thúy Thúy chạy qua máy của tôi, xô đẩy Huy.
- Đi chỗ khác chơi. Mày qua ngồi với Quế hột tiêu. Để tao chỉ cho con nhỏ này. Nó dốt, mày ngồi chung máy với nó chỉ được thầy la với điểm kém thôi.



Nghe có lý, Huy đi liền. Thúy Thúy ngồi sát bên tôi, với lấy con chuột xoay vèo vèo, màn hình nhảy nhót tưng tưng, hoa cả mắt. Vừa làm nó vừa nói thầm thì:
- Bà dòm phe bà, tui dòm phe tui. Coi ngôn ngữ, cử chỉ, nét mặt, thái độ của họ nghe.


Chuông reng, cô nhổ răng đi vào, đi thẳng đến đám đông mà thầy đứng ở giữa. Cô nắm tay áo thầy giựt mấy cái. Tôi bỗng chợt nhớ hôm tôi kéo áo Châu. Nhưng ở đây, thầy không bỏ chạy mà quay lại ngay.

- Đó. Nheo mắt và cười. Rất tình cảm. Ánh mắt sáng lên như ô cửa sổ đang sử dụng.
- Chắc cô nhắc ổng đã đến giờ đi nhổ răng.
- Không đúng. Không ai đi nhổ răng mà cười tươi như vậy. Cổ làm hư răng của ổng thì có. Một trái ổi kìa.

Thầy vi tính mắt nhìn trái ổi, đầu lắc lắc. Cô nhổ răng xụ mặt (hình như), bỏ đi ra, nhanh như ánh chớp. Phú đứng hẳn lên nhìn theo.
- Rồi liệng vô thùng rác rồi. Phí của.


Tưởng vậy là xong. Ai ngờ đến hết tiết năm, Phú cà kê ở lại chờ thầy. Bữa sau nó kể cho tôi biết.


Thầy vi tính sau khi nghe nó hỏi "Thầy. Sao thầy không lấy trái ổi. Không ăn thì thầy cho em. Em ghiền ổi lắm", bèn nghiêm mặt lại, nạt liền: "Em vừa nói gì, ai cho phép em nói chuyện đó với tôi.?". Phú không ngờ tình thế chuyển biến bất lợi như vậy. Mọi ngày thầy vẫn vui vẻ với nó. Phú lại trở thành Thúy Thúy. Nó chắp tay vào nhau, vặn qua vặn lại, nói lắp bắp. "Dạ… tại… bị… vì em thấy trái ổi bị thảy vô sọt rác, ở góc quẹo lên cầu thang lầu một. em tiếc quá. Trái ổi vừa nở rốn, xanh bóng. Chắc là giòn rụm. Ngọt ngọt, chua chua". Cái chi tiết trái ổi bị tặng cho thùng rác đã khiến thầy vi tính thay đổi nét mặt, từ nghiêm nghị sang sửng sốt, luống cuống "Em có chắc không?". Ròi thầy sải bước như tụi mình đi trễ giờ bị đóng cổng.


- Rồi tui đi theo. Thấy ổng đến phòng y tế, gõ cửa.
- Rồi sao nữa?
- Tui đi chỗ khác chứ sao. Đứng đó, ổng thấy, nguy hiểm.


Đột nhiên tôi nghĩ đến một điều làm tôi rùng mình. Tôi nói luôn:
- Thúy Thúy mê thầy phải không? Tại sao con trai mà cứ để ý canh chừng chuyện tình cảm của thầy hoài. Bậy bạ à nghe.


Thúy Thúy trợn mắt lên rất oan ức:
- Chời ơi. Bà sai lầm to bự rồi đó. Mê thầy theo ý nghĩa của bà là để cho con Lệ Hoa, con My Lê kìa. Tụi nó dám gọi thầy là "Anh Đổng của tao" nữa. Bà không biết sao. Còn tui mê, tức là kính phục, ngưỡng mộ thầy quá giỏi vi tính. Tui chỉ muốn được như thầy. Thầy vừa giỏi vừa hiểu nhiều, tốt bụng. Đứa nào học xuất sắc, thì thầy còn tự bỏ tiền túi mua vài hộp đĩa để khen thưởng. Bà đâu có biết, vì bà có đời nào học nổi vi tính mà hòng được thưởng.


Nghe cũng có lý, nhưng tôi vẫn cố buộc tội:
- Nhưng chuyên tình yêu của thầy thì mắc mớ gì tội hả Thúy Thúy?


Cái thằng tưởng là loại đa hệ giới tính ấy, không ngờ lại nói như vầy:
- Tui sợ thầy bị đau khổ. Cô nhổ răng vừa đẹp, vừa giàu, có phòng mạch riêng, có chung cư đời mới. Còn thầy thì chỉ có mấy chục cái máy vi tính của nhà trường, với một cái xe lắp ráp từ những kho phế liệu. Cổ quần áo mô đen tới tới, còn thầy thì mô phạm suốt tháng quanh năm. Nghe họ truyền kinh nghiệm rằng có cảm tình hay không là ăn thua ở cái vẻ ngoài trước đã, rồi mới tính tới nội dung bên trong. Ý tui muốn nói là cái tâm hồn đó. Cô nhổ răng với thầy chẳng cân xứng, đối xứng tí nào. Thấy thương thầy lắm.


Còn tôi thì lại thấy tội tội cô nhổ răng. Cái cảnh cô ấy, gần như bỏ chạy khỏi phòng máy hôm nọ, làm tôi mủi lòng ghê gớm. Nếu mai mốt tôi lỡ rơi vào tình huống ấy, chắc chắn tôi sẽ đứng khóc ngay tại chỗ. Và nếu tôi là cô ấy, lúc thầy gõ cửa, tôi sẽ run rẩy đứng sau cánh cửa mà nghẹn ngào nói rằng: "Về rồi. Về đi" Tôi sẽ để kệ cho ông thầy đứng chán thì thôi. Ông ta đứng chờ càng lâu, càng chứng tỏ có lòng thành thật.


Thúy Thúy nghĩ khác:
- Gặp tui hả/ Tui sẽ bỏ về liền. Thế nào cô ta cũng tung của chạy theo, kêu thảm thiết: "Anh đừng đi, xinh anh đừng đi" Làm như vậy vừa khỏi mất công chờ, vừa biết rõ được mức độ tình cảm của đối phương.


Tôi với Thúy Thúy nhảy vào và quẫy đạp tung toé, trong cuộc tranh luận gay gắt mà mù tịt về chuyện riêng của hai người lớn đó. Tôi muốn đứng lại, Thúy Thúy muốn bỏ đi. Nó nói thêm "Bỏ đi như thế là tỏ ra ngoan ngoãn, biết vâng lời. Phụ nữ thường thích đàn ông dễ dạy, dễ sai khiến". Đứa nào cũng cương quyết, chỉ có mình đúng nhất. Chỉ tiếc rằng tôi không phải cô nhổ răng, Thuý Thuý không phải là thầy Đổng. Có thể, cô ấy chẳng đuổi xỏ gì hết, vừa gõ cửa là mở ngay. Tại nó không dám đứng rình thêm chút nữa.



Tưởng chuyện tình cảm của người lớn chỉ có hai đứa tôi biết. Ai dè tụi nó biết gần hết cả lớp. Lý do là họ hay đi chơi với nhau nơi công cộng, còn lớp tôi thì có Hồng Ngọc là học viên trường múa.


Thỉnh thoảng có dịp, trường diễn văn nghệ, Hồng Ngọc lại lên múa - độc diễn. Ma nó múa cũng toàn thứ độc. Áo hở rốn cả gang tay, trước ngực kết thêm mấy hàng lua tua tòng teng. Khi nó vận dụng động tác lắc lư, mấy cái tua rua rung rinh toán loạn, hấp dẫn đến kinh dị. Tụi con trai hú hét như Tarzan boy.


Thật ra, nó mới trình diễn trước toàn trường có hai lần, rồi thôi. Chắc là bị kiểm duyệt. Nhân dịp kỷ niệm Sài Gòn ba trăm tuổi, cái quần nhà Hồng Ngọc đăng ký hộ khẩu thường trú tổ chức văn nghệ chào mừng. Họ đem diễn ở sân khấu nhạc nước cho thêm phần sinh động. Hồng Ngọc bỏ tiền riêng mua vé vào cổng, tặng bất cứ đứa nào được gia đình cho đi chơi buổi tố để đi coi ủng hộ nó.


Thầy chủ nhiệm cũng được một vé nhưng thầy bận dự đám cưới học trò cũ.

Thầy đưa vé cho Hồ Thái. Kèm theo câu nói làm cho nó muốn đứng tim:
- Tặng em. Phải cầm đi xem, không được mua đi bán lại nghe chưa.

Hồ Thái tăng tốc nhấp nháy cặp mắt lác, đi hỏi từng đứa:
- Sao thầy biết? Đứa nào nịnh thần đâm thọt?

Rồi nó nó bô bô giứa lớp:
- Tao đã bị lỗ vốn gần chết, mà còn bị thầy cảnh cáo nữa. Bạn bè tụi bây không biết thương nhau.


Chẳng ai thèm thương nó cả. Về giới tính, Hồ Thái hơi giống Thúy Thúy, nhưng nhẹ hơn. Nó lại có vẻ chợ búa thế nào ấy. Bữa trước, Đoàn trường mời ca sĩ hát để bán vé gây dựng quỹ xây dựng nhà tình thương. Mõi lớp đều ủng hộ 50% vé. Thầy cho trích quỹ lớp ra bù. Giá vé 15 ngàn chỉ còn có 5 ngàn. Xong xuôi, Hồ Thái đi gạ gẫm mua lại, bỏ nhỏ câu này: "Không có anh N.C đâu, bữa ảnh về trường bị đè bẹp xin chữ ký, ảnh tởn rồi". Rồi nó ra đứng trước cổng trường mà rao, bị lớp trưởng bắt gặp.


Kỳ này Hồ Thái phải đi coi văn nghệ một cách tự giác và tự ái, mà phải làm ra vẻ hết sức tự nhiên. Nó ngồi chính giữa, nghếch mắt lên, cái mồm cứ ê, ý, à, ơ, chời ơi liên tục.
 
Ðề: Chuyện không thể không ghi

Trên trời là trăng và sao. Giữa trời là gió ào ào. Nhạc như từ trên trời rơi xuống, dưới đất trào lên. Nước tung ra nhạc. Nước có màu như cầu vồng. Hồi nhỏ tôi rất mê cầu vồng, mặc cho tụi bạn ghẹo "Con Diễm nghiền mống chuồng" (nói lái). Hồng Ngọc chưa tới giờ múa, chỉ có mấy đứa chưa biết nhạc nước là gì như tôi với Hồ Thái ngồi coi. Tôi ngước nhìn trời, phổng mũi lên để thở. Mùi hoa hồng đằng kia đã bay tới đây hay đứa nào xức nước hoa? Ngồi trong cảnh thơ mộng như vầy, tôi bỗng muốn nghĩ đến một người nào đó. hắn giống ai, ở đâu, tính tình thế nào, tôi không biết. Điều đó là tim tôi rộn lên và mũi cay cay, nhòa nhoà nước. Tôi quẹt bằng tay vì Thúy Thúy đi ăn chưa về. Nó luôn sẵn khăn giấy. Muốn xin phải nói "I love you" nó mới cho. Tại ngoài cái bao có ghi câu đó. Nhưng nếu có Thúy Thúy ở đây lúc này, tôi chẳng xin đâu. Cứ gì nó cũng là con trai mà.



Hôm nay Hồng Ngọc múa kiểu tàu, mặc đồ như trong phim Hồng lâu mộng. Tay cầm hai cái đèn trung thu, nó làm cái nhân giữa mấy chục cô tiên. Có lúc họ đứng dạt ra để một mình nó vặn tới vặn lui, phô trương sự dẻo quẹo của đầu mình và tứ chi. Trên cái nền nước cầu vòng ấy, Hồng Ngọc càng giống tiên nữ thứ thiệt. Tôi bỗng muốn biến thành cái bong bóng bị tuột dây, để lắc lư bay bổng lên trời, Đời sao mà đẹp thế.


Hồng Ngọc múa xong, thay đồ, ra ngồi với lớp. Câu đầu tiên nó hỏi, lập tức cả đám nhao nhao "Hay, hay và hay" Lớp trưởng hét lớn nhất:
- Có hai cái hay lận, nghe đây.


Thói quen thật là khó bỏ. Cả đám nghểnh cổ lên chờ. Lớp trưởng chỉ tay về phía hàng ghế trên cùng:
- Ông còm-píu-tờ với cô nhổ răng, tay trong tay ngồi coi Hồng Ngọc múa. Ở đó, ủa đâu mất rồi?


Thúy Thúy kéo tôi xích ra, nói thầm:
- Vậy là hoà rồi. Tưởng gì. Chuyện tình của người lớn chán phèo.


Tôi không đồng ý với nó. Nhưng không kịp cái vì lớp trưỏng đang oang oác, mà Thúy Thúy đang vểnh tai nghe:
- Cái hay thứ hai, ở ngay trên mặt Hồng Ngọc. Đó là cái gì?

(còn tiếp)
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top