Cây số 16

emviai

New Member
Hội viên mới
Thường vào khoảng tháng giêng, tháng hai là bệnh viện tôi lại đón những sinh viên các trường lân cận về thực tập. Bao giờ tôi cũng được giao một vài sinh viên để hướng dẫn vì tôi là một y tá lâu năm trong nghề.

Gặp Thoại lần đầu tiên tôi đã có cảm tình ngay. Tôi hỏi: "Sao em không làm làm nghề gì mà đi cọn cái nghề y tá chi cho cơ cực?".

Thoại nói: "Em mới qua được mấy năm. Phải học nghề gì sớm có việc làm. Ba má em còn dưới quê chị ạ". Tôi hỏi: "Ở Việt Nam em làm gì?". Thoại kể: "Em ra bác sĩ ở Đại học Y khoa, nhưng không có việc làm. Những bệnh viện lớn ở tỉnh đủ người rồi. Em đi làm Y tế học đường được mấy tháng, nhưng chán lắm. Em ở nhà lấy vợ". Tôi thắc mắc: "Không lẽ các bác sĩ ra trường như em không tìm được việc làm gì đúng với khả năng chuyên môn của mình hay sao?".

Thoại nhăn mặt: "Thiệt ra thì cũng có, nhưng phải về xã, về huyện...". "Vậy em không về xã, về huyện sao?" - tôi cố hỏi. Thoại thở dài: "Chị ơi, về xã, về huyện thì lấy gì ăn?".

Tôi không hỏi nữa. Câu nói như có cái móc cào vào vết đau đã nằm sẵn trong tim. Năm mười tám tuổi, tôi thi rớt Đại học Y khoa và được nhận vào trường Trung học Y tế thành phố. Cùng lớp với tôi có Hoàng, cũng là bạn trong xóm. Bác Hanh - ba Hoàng - chuyên vá xe đạp nên Hoàng cũng kiêm luôn nghề ấy. Cái tên Hoàng "lốp xe" cũng từ đó mà ra.

Nhà Hoàng đến chín anh em. Ngoài Hoàng và thằng Út là con trai, còn khoảng giữa là bảy chị em gái. Hoàng hiền lắm, đôi khi có vẻ ngây ngô. Trong lớp có 28 học sinh thì 26 là nữ rồi. Được vài tuần thì anh chàng nam sinh thứ hai kia trốn biệt, còn lại mình Hoàng giữa đám con gái và chỉ biết cười cho qua chuyện khi có ai chọc ghẹo. Có lẽ nhờ ở trong gia đình có quá nhiều con gái nên Hoàng chẳng lấy gì làm khó chịu. Anh cứ tỉnh bơ trong khi bọn con gái chúng tôi cảm thấy mất tự nhiên, nhất là khi học về cơ thể phụ nữ. Cái tên Hoàng "lốp xe" được đổi thành Hoàng "nữ hộ sinh". Tôi thấy anh không phàn nàn gì về cái tên mới này. Anh lạc quan và tin tưởng ở nghề nghiệp của mình.
 
Hai năm sau, Hoàng và tôi ra trường với tấm bằng y tá thực thụ. Khó khăn nhất là vấn đề phân công nhiệm sở. Ai cũng muốn ở lại thành phố. Hoàng nói: "Tôi đi đâu cũng được, miễn là không phải ở nhà". Trời đã chiều cái ước muốn dễ dãi ấy. Anh được điều đi làm việc ở một trạm y tế miền núi gọi là trạm "Cây số 16", thuộc huyện X., tỉnh Lâm Đồng. Người được phân công cùng nhiệm sở với Hoàng là... tôi. Mẹ tôi giậm chân kêu trời: "Con tôi đang ở thành phố sao lại đẩy lên cái xó xỉnh miền núi ấy". Bà ngoại tôi nói: "Con gái đi xa nguy hiểm lắm, lại đi cùng với thằng Hoàng. Trai gái gần nhau như lửa gần rơm. Tốt nhất là cho nó ở nhà lấy chồng".

Ba tôi nói: "Nó vừa học xong ra trường, không lẽ không cho nó đi làm việc". Mẹ tôi khóc thút thít. Bà ngoại ra vào ca cẩm mãi cái câu "lửa gần rơm". Tôi mới ra trường, còn tươi roi rói như con cá vừa vớt dưới sông lên mà phải chịu ngồi nhà lấy chồng à? Tôi năn nỉ và hứa với mẹ tôi rất nhiều, rằng học sinh mới ra trường đều phải nhận việc ở xa, sau 2 năm sẽ được chuyển về thành phố, rằng..., đủ thứ hết. Nói riết mẹ tôi đành miễn cưỡng để tôi đi. Năm ấy tôi vừa tròn 20 tuổi.

Trạm xá miền núi chỉ có một nhân viên duy nhất là chị Lương, y sĩ thường trực. Chị đã trên 40, có vẻ nhà quê và khá luộm thuộm. Ngày đầu tiên đến, tôi thấy chị đang ngồi bệt dưới đất chẻ những thanh tre nho nhỏ trên tấm thớt gỗ như người ta vẫn ngồi róc mía. Tôi hỏi chị chẻ tre làm gì, chị nói để làm dụng cụ khám phụ khoa. "Hàng tuần chỉ có một bác sĩ đến đây khám bệnh vào thứ hai và thứ tư - chị Lương nói - Những ngày còn lại chúng ta phải tự điều động công tác. Trước mắt chúng ta phải thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch cho đồng bào miền núi theo chỉ thị của phòng y tế huyện".

Mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ. Ngày thường chúng tôi loay hoay làm việc. Bệnh nhân nhiều hay ít, nặng hay nhẹ gì thì cũng chỉ có chừng đó thuốc. Những hôm rảnh rỗi, tôi hay theo Hoàng và mấy đứa con của chị Lương vào chơi trong rẫy bắp, rẫy khoai. Chẳng hiểu thế nào mà một hôm chị Lương lượm được một bài thơ của Hoàng. Bài thơ có tựa là "Hoa bắp", viết rất giản dị.

"Hoa bắp im lìm
Đứng xanh ngăn ngắt
Vườn ai cửa đóng
Anh về, cô miên"

Chị Lương đọc thơ xong bảo: "Thôi chết, thằng Hoàng tương tư cô nào rồi". Tôi giấu luôn bài thơ không trả lại cho Hoàng, không hiểu sao tôi lại thấy buồn khi nghe Hoàng đã phải lòng ai đó. Mấy hôm sau tự nhiên tôi thấy mắc cỡ khi gặp Hoàng, nhất là khi chiều đến, chỉ có tôi và anh ngồi ăn cơm trong cái bếp của trạm xá heo hút giữa rừng. Bữa cơm thật sơ sài. Tôi nói: "Chiều nay chỉ còn chút tép rim và canh bầu thôi". Hoàng nói: "Vậy mà Hoàng ăn rất ngon. Râu tôm nấu với ruột bầu, Nga có nhớ cái câu...".

Hoàng chợt dừng lại như lỡ lời. Tôi luống cuống nghe tim đập thình thịch. Có phải Hoàng định nói là chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon. Tôi nói mà không hiểu mình định nói gì: "Hoàng thích thơ lắm à?". Hoàng bẽn lẽn: "Hôm trước Hoàng có viết cho Nga bài thơ nhưng làm mất rồi". Tôi hỏi: "Bài thơ gì?". Hoàng đáp: "Bài Hoa bắp". Tôi nghe mặt mình nóng ran. Có cái gì rất lạ len vào trong tim tôi mà trước đây chưa hề có. Tôi nhìn Hoàng và thột nhiên hoảng sợ bước vội ra sân. Rừng núi vẫn bạt ngàn, cô tịch với những "bếp nhà sàn thở khói âm u". Tôi ôm ngực thở dốc, Hoàng ơi...

Nhưng rồi thôi, tất cả hình như chỉ có thế. Mỗi tối, Hoàng vẫn yên lặng xuống ngủ trong kho để thuốc và giấy tờ linh tinh, và sáng ra chúng tôi lại bắt đầu một ngày làm việc mới. Cái "ngọn lửa gần rơm" chưa kịp cháy bùng lên thì gia đình tôi được ra đi đoàn tụ với chị tôi ở Hoa Kỳ. Tôi buồn lắm, buồn như chưa bao giờ buồn. Tôi cảm thấy như mình vừa bắt được một cái gì đấy và đã đánh mất ngay. Tối hôm ấy, tôi chập chờn không sao ngủ được. Trong trí tôi hiện lên hình ảnh những đêm Hoàng hấp tấp gọi tôi dậy rồi cả hai vừa trùm áo lạnh, vừa vơ lấy cái túi cứu thương chạy vào trong xóm núi.

Tiếng trẻ thơ oa oa khóc chào đời trong những ngày đói kém nhất. Những ca mổ không đủ bông băng và thuốc sát trùng. Trời còn tối mịt, tôi lẳng lặng gom góp đồ đạc, viết vài chữ để lại cho Hoàng rồi rón rén mở cánh cổng bằng nứa của trạm xá bước thẳng ra ngoài. Tôi cầm cây đèn pin, nhìn thật lâu vào cây cột mốc có hàng chữ "Cây số 16" như nhìn một người tôi vừa chớm yêu là đã phải xa, một người yêu mà có phải vì quá nghèo đã không giữ được bước chân tôi?

Mười mấy năm sau tôi chưa lần nào trở lại trạm xá miền núi cô đơn ấy. Cuộc sống mới khoả lấp dần những kỷ niệm xa xôi. Tôi có viết thư về cho Hoàng nhưng có lẽ thất lạc, tôi không nhận được thư trả lời nào cả. Thời gian chồng chất lên những nỗi buồn và mong nhớ vu vơ. Nhiều khi tôi không hiểu mình đang sống hay cuộc sống đã nuốt chửng mình. Một hôm tôi nhận được bức thư từ xa. Mắt tôi nhoè đi. Thư của Hoàng.

"Cây số 16 ngày... tháng... năm...
Tình cờ gặp một bạn cũ, biết được địa chỉ của Nga nên Hoàng viết thư thăm Nga đấy. Nga khoẻ không? Hoàng vẫn còn làm việc ở trạm xá cũ, nay đã tăng cường thêm hai bác sĩ và hai y tá mới ra trường, cũng lớ ngớ như bọn mình ngày trước ấy mà. Chị Lương đã về hưu rồi. Hoàng đã có vợ và hai con. Sáng hôm ấy mới hay Nga đã đi. Hoàng bước vào thấy căn phòng trống trơn. Mà Nga vội quá nên bỏ quên lại một vật, Nga còn nhớ là cái gì không? Nga bỏ quên lại cái ống nghe đấy...".

Nước mắt tôi trào ra. Sự ra đi, những lý lẽ, những cái đúng và không đúng bây giờ đối với tôi không có ý nghĩa gì nữa cả. Tôi chỉ thấy nhớ, cái nhớ thôi thúc đến sốt ruột, đến bồn chồn. Sau bức thư ấy tôi liên lạc lại được với Hoàng. Tôi về thăm gia đình anh và đóng góp vào việc xây dựng trạm xá. Thật ra chỉ như muối bỏ biển, nhưng ít ra tôi thấy mình đã làm được một cái gì.

Tôi đặt bàn tay lên cây cột mốc ngày xưa và cảm thấy lòng mình mềm hơn bao giờ hết. Những rung động ngày nào chỉ còn là kỷ niệm nhưng tôi biết là tôi thương nơi ấy, cho đến suốt cuộc đời. Mỗi ngày đi làm, nhìn toà nhà đồ sộ của bệnh viện, tôi không thể nào không nhớ tới trạm xá miền núi èo uột kia. Bên tai tôi lúc nào cũng như còn nghe câu nói của Thoại: "Chị ơi, về xã, về huyện thì lấy gì ăn?".

"Cây số 16" là một trong những địa chỉ thương nhớ suốt đời của một người con gái dù đi xa đến đâu cũng luôn nặng lòng với quê hương xứ sở.

Tác giả Thi Nam tên thật là Cao Thanh Phương Nghi, sinh năm 1968 tại Sài Gòn, định cư tại Hoa Kỳ năm 1992, hiện làm việc tại UCI Medical Center, thành phố Orange.

"Cây số 16" được giải nhì trong cuộc thi viết do báo Người Việt (California, Mỹ) tổ chức năm 2005.


(Theo Lao Động)
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top