Bàn về tự do hóa tài chính ở Việt Nam

Thu Thao Tran

Member
Hội viên mới
ThS. Nguyễn Tấn Vũ - Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng​

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nên tự do hóa tài chính là điều tất yếu. Trong điều kiện hệ thống tài chính còn non trẻ và bối cảnh nền kinh tế quốc tế hiện đại, Việt Nam cần có những hiểu biết sâu sắc về quá trình tự do hóa tài chính để tận dụng những lợi ích to lớn của tự do hóa tài chính cũng như hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

financial-cropped_TNJK.jpg

Tình hình tự do hóa tài chính ở Việt Nam

Tự do hóa tài chính có thể hiểu là giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ và giao dịch tài chính, làm cho hệ thống tài chính được hoạt động tự do và hiệu quả hơn theo tín hiệu thị trường.

Nội dung cơ bản của tự do hóa tài chính bao gồm: Tự do hóa lãi suất, tự do hóa hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) và các định chế tài chính, tự do hóa hoạt động ngoại hối.

Tự do hóa lãi suất

Cơ chế điều hành lãi suất từng bước được đổi mới và đã được tự do hóa theo cơ chế thị trường, từ lãi suất áp đặt sang “trần – sàn”, đến khống chế “trần”. Quá trình này được đánh dấu vào tháng 5/2000 khi NHNN chính thức thay đổi cơ chế lãi suất trần sang lãi suất cơ bản kèm biên độ dao động.

pbsrfn_tapchitaichinh_vn.png
Trong giai đoạn 2001 đến nay, tuy có một số biến động và phải thay đổi để phù hợp với nền kinh tế thế giới nhưng nhìn chung, cơ chế điều hành lãi suất của Việt Nam đã theo đúng hướng là dần tiến tới mục tiêu tự do hóa lãi suất.

Tự do hóa hoạt động của các ngân hàng thương mại và định chế tài chính

Việc kiểm soát hoạt động của các NHTM và các định chế tài chính được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dần nới lỏng tạo điều kiện cho các tổ chức này tự chủ kinh doanh, bình đẳng.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được quyền chủ động trong các quyết định cho vay, loại bỏ chỉ định tín dụng, mở rộng các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính cho các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, hệ thống thanh toán phát triển nhanh chóng, góp phần hỗ trợ cho quá trình tự do hóa tài chính.

yifufk_tapchitaichinh_vn.png
Cùng với sự thăng trầm của thị trường chứng khoán (TTCK), hoạt động của các công ty chứng khoán (CTCK) cũng có những biến chuyển tích cực. Từ con số 3 công ty mới thành lập năm 2000 đã tăng lên 78 công ty vào năm 2007, đến năm 2009 con số này đã tăng lên 105 công ty. Tuy nhiên, trong số đó hoạt động thực sự ổn định và có hiệu quả chỉ có 15 công ty, chiếm thị phần môi giới trên 55%.

Từ năm 2011 đến nay, do tác động của rủi ro hệ thống toàn thị trường và hoạt động không hiệu quả của một số CTCK nên Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã thực hiện tái cấu trúc các CTCK. Sau 5 năm thực hiện tái cấu trúc, số lượng CTCK đã giảm mạnh. Đặc biệt, chất lượng tài chính, hoạt động cũng như mức độ an toàn hoạt động nhóm này đã tăng lên đáng kể.

Quy mô TTCK đã dần được cải thiện, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tăng lên. Với những thay đổi về mặt pháp lý trong giai đoạn tới, CTCK có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn, nhưng đồng thời, áp lực cạnh tranh và sàng lọc các CTCK cũng lớn hơn.

Tự do hóa giao dịch vốn

Vốn đầu tư trực tiếp

Khi Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tạo môi trường pháp lý, hoàn thiện môi trường đầu tư thì quá trình tự do hóa dòng FDI đã hình thành và phát triển. Đây được xem là nguồn lực quan trọng cùng với nguồn vốn trong nước để tăng trưởng kinh tế.

djjvkl_tapchitaichinh_vn.png
Dòng vốn FDI đã tăng nhanh chóng và đạt mức cao vào năm 1996, suy giảm trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á và lấy lại đà tăng trưởng, đạt mức kỷ lục năm 2007 -2008 cùng với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2009 – 2012, FDI có sự giảm sút nhưng từ năm 2013 đến nay, FDI đã dần tăng trưởng ổn định.

Những thay đổi lớn về cơ sở pháp lý như việc: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Pháp lệnh Ngoại hối được ban hành đã khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước cũng như các dòng vốn FDI ra nước ngoài đã được khơi thông và ngày càng phát triển.

Vốn đầu tư gián tiếp

Đối với Việt Nam, đầu tư gián tiếp chủ yếu thông qua TTCK. TTCK là nơi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đóng góp đáng kể và tỷ lệ sở hữu các công ty Việt Nam và nắm giữ khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành, góp phần tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Tuy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 – 2009 đã tác động tiêu cực đến nhà đầu tư nước ngoài nhưng khối này vẫn đảm bảo mua ròng chứng khoán và gia tăng tỷ lệ mua bán trên thị trường.

Giao dịch ngoại hối

Pháp lệnh Ngoại hối 2005 là văn bản pháp lý cao nhất trong các hoạt động quản lý ngoại hối của Việt Nam. Trong đó quy định các giao dịch vốn ra và vào Việt Nam đều được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ của một TCTD.

Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế, TCTD được phép vay và trả nợ bằng ngoại tệ nhưng phải thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của NHNN. Hoạt động giao dịch ngoại hối ngày càng phát triển, tuy nhiên vẫn còn chịu sự quản lý của NHNN.

Như vậy, quá trình tự do hóa tài chính ở Việt Nam đã đạt được một số thành công, tuy nhiên, quá trình này mới chỉ tự do hóa một phần. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay thì việc tự do hóa tài chính là cấp thiết, song cũng không nên nóng vội.

Chúng ta cần căn cứ vào thực tế nội lực nền kinh tế, chính trị, xã hội để có những giải pháp, phát huy tính tích cực, hạn chế rủi ro và đảm bảo sự lành mạnh, ổn định và phát triển hệ thống tài chính quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

1. Tự do hóa tài chính ở Việt Nam, Con đường và bước đi; Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương;
2. TS. Bùi Thị Thanh Tình, TS. Lê Ngọc Lân; (2015); Đặc điểm chủ yếu của tiến trình tự do hóa tài chính trên thế giới; Học viện Ngân hàng;
3. Website: hsx.vn; hsx.vn; vnep.org.vn...
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top