8 Dấu hiệu để buổi Phỏng vấn thành công

nhothuong161

Member
Hội viên mới
Thông thường, các ứng viên hay chú tâm đến những sai sót đã mắc phải hơn là những “điểm” ghi được trong buổi phỏng vấn. Chính vì thế, nhiều bạn tuy đã trả lời phỏng vấn khá tốt nhưng vẫn băn khoăn không biết mình có được tuyển hay không? Những dấu hiệu sau từ phía nhà tuyển dụng (NTD) có thể giúp bạn đánh giá được khả năng thành công của mình sau buổi phỏng vấn.

1. NTD tìm hiểu và xác minh thông tin về bạn
Theo Honaman, các công ty chỉ xác minh thông tin về ứng viên (reference checking) khi thấy người này có triển vọng. Vì thế, để tiện cho việc xác minh của NTD, bạn nên cung cấp họ tên và thông tin liên lạc của tối thiểu 3 người. Đây là những người đã làm việc trực tiếp với bạn tối thiểu là 6 tháng và nắm rõ kỹ năng và thành tích làm việc của bạn (trong đó phải có ít nhất một người quản lý trực tiếp của bạn).

2. Giới thiệu bạn với đồng nghiệp tương lai
Quả là một dấu hiệu tốt đẹp khi NTD muốn giới thiệu bạn với đồng nghiệp tương lai ngay trong lúc phỏng vấn hoặc cho bạn biết có một số người họ muốn bạn gặp ngay sau đó. Honaman nhận xét: “Các nhà quản lý rất cẩn trọng. Họ sẽ không mạo hiểm giới thiệu ứng viên mới với nhóm làm việc của họ nếu người này không có nhiều triển vọng trở thành nhân viên của công ty. Cần lưu ý là NTD có thể yêu cầu các thành viên trong nhóm làm việc đưa ra nhận xét về bạn, vì thế hãy tỏ ra thân thiện và tạo ấn tượng tốt với tất cả những người bạn gặp.”

3. Quan tâm đến quy trình chuyển đổi công việc
Khi bạn có khả năng lọt vào tầm ngắm của NTD, bạn sẽ được hỏi những điều như: khi nào bạn có thể bắt đầu làm công việc mới? Những điều khoản nào trong hợp đồng lao động liên quan đến cạnh tranh trong cùng ngành nghề… Theo Honaman, NTD cần biết những thủ tục cần phải làm để bạn có thể nghỉ việc công ty hiện tại và chuyển qua làm cho họ.

4. “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”
Tùy thuộc vào giai đoạn của quy trình tuyển dụng, nếu NTD hỏi mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu, đây có thể là một dấu hiệu tốt vì điều đó thể hiện họ quan tâm đến năng lực của bạn. Câu hỏi này thường có 2 dạng “Bạn muốn mức lương ra sao?” hoặc “Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?”. Việc bạn có được tuyển dụng hay không phụ thuộc khá nhiều vào cách bạn trả lời câu hỏi này. Vì thế, hãy chuẩn bị sẵn phương án trả lời cho câu hỏi này, chứ đừng đợi đến lúc NTD hỏi mới suy nghĩ.


5. Bạn được NTD dành nhiều thời gian để chia sẻ thông tin
Khi NTD dành nhiều thời gian để trả lời câu hỏi của bạn, đó là dấu hiệu cho thấy họ muốn giới thiệu hoạt động kinh doanh của công ty, đồng nghiệp và công việc với bạn để thuyết phục bạn làm việc cho họ. Theo Honaman, trong đa số các cuộc phỏng vấn, NTD sẽ hỏi bạn có câu hỏi nào dành cho họ không như một thủ tục không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu bạn không gây được ấn tượng cho họ thì họ sẽ không dành nhiều thời gian để trả lời câu hỏi của bạn.

6. Thời gian phỏng vấn kéo dài hơn
Nếu NTD không “chấm” bạn, họ sẽ tìm cách kết thúc sớm buổi phỏng vấn. Honaman nhận xét: “Đôi lúc, thời gian buổi phỏng vấn sẽ kéo dài hơn dự tính vì NTD muốn biết thêm thông tin về bạn hoặc muốn chia sẻ thêm với bạn nhiều điều về công ty và công việc bạn dự tuyển”. Nếu bạn không gây được ấn tượng với họ, họ sẽ không bao giờ kéo dài thời gian phỏng vấn.

7. Những cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ
Các cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ của NTD thường cho bạn biết nhiều điều về cách họ đánh giá bạn. Hãy chú ý đến những cử chỉ của NTD như ghi chú, mỉm cười, lắc đầu hoặc hỏi những câu thăm dò. Theo Honaman, cùng một lúc mà NTD vừa ghi chú vừa liên tục nhìn đồng hồ hoặc chỉ hỏi những câu chung chung thì rất có thể bạn đang trả lời phỏng vấn không được như ý họ.


8. Sự phù hợp giữa bạn với văn hóa công ty
NTD càng nói nhiều về sự phù hợp giữa bạn với văn hóa công ty họ thì bạn có thể vui mừng. Đa số các nhà quản lý thường tìm kiếm ứng viên có khả năng hòa nhập vào tập thể hay làm việc độc lập một cách hiệu quả. Theo Honaman, nếu NTD muốn trao cơ hội cho bạn, họ sẽ chia sẻ thêm nhiều thông tin về văn hóa doanh nghiệp với bạn và ra sức gây ấn tượng với bạn về những ưu thế của công ty.

Hẳn nhiên, các dấu hiệu trên đây chỉ phần nào giúp bạn dự đoán khả năng giành được công việc mong muốn. Và rất có khả năng các ứng viên khác cũng trả lời phỏng vấn tốt như bạn. Tuy nhiên, nếu bạn thấy hai hay nhiều hơn những dấu hiệu này, bạn biết mình sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng. Ngoài ra, Honaman cũng lưu ý là dù bạn nhận ra nhiều dấu hiệu cho thấy bạn đã trả lời phỏng vấn tốt, bạn cũng nên tích cực giữ liên lạc với NTD để đảm bảo việc chuyển đổi công việc của bạn diễn ra suôn sẻ.

st

:dangyeu:
 
Ðề: 8 Dấu hiệu để buổi Phỏng vấn thành công

Một thực tế là hầu hết các ứng viên không có thói quen thực hành kỹ năng phỏng vấn trước khi lên "đấu trường". Hệ quả là họ sẽ chịu những thất bại cay đắng một cách lãng nhách chỉ vì không chịu thực hành trước các kỹ năng

Vì thế, theo lời khuyên của các chuyên gia, trước khi tham dự phỏng vấn, hãy dành một chút thời gian chuẩn bị trước những điều cần nói bằng một cuộc phỏng vấn giả. Bạn có thể tập trả lời một số câu hỏi của những cuộc phỏng vấn thông thường đại loại như là "Tại sao bạn lại chọn công việc này?", hay "điểm yếu của bạn là gì?". Khi đã thành thạo, nhuần nhuyễn bạn sẽ có đủ tự tin để bước vào cuộc phỏng vấn thật với những suy nghĩ liền mạch, thông suốt.

Sai một ly đi một dặm

Giống như tất cả những ứng viên đi xin việc khác, bạn thường phải trải qua vô số thời gian nỗ lực và tập trung để tạo ấn tượng với một bức thư xin việc và một bản lý lịch hoàn hảo. Vì vậy, hãy dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng đơn xin việc và bản lí lịch vì như đã nói ở trên, đây là bước quan trọng đầu tiên để các nhà tuyển dụng chú ý đến bạn. Đừng vì những lý do không đâu mà làm mất thành quả của cả một quá trình. Sai một ly đi một dặm.

Không lạm dụng hiểu biết

Mối công việc, mỗi nghề nghiệp đều có những từ chuyên ngành và liên tục thay đổi. Do đó khi viết đơn xin việc bạn không thể tuỳ tiện sủ dụng từ như thế nào cũng được. Vậy làm cách nào để có thể sử dụng đúng những từ chuyên môn của ngành nghề mà bạn đăng tuyển?

Câu trả lời rất đơn giản. Trước hết hãy tham dự vào các tổ chức chuyên ngành và đọc những cuốn sách có liên quan. Sau đó, thường xuyên lướt web. Bạn sẽ thấy các từ đó thường xuyên xuất hiện.

Tuy nhiên cũng phải cẩn thận khi sử dụng chúng. Đó là con dao hai lưỡi. Đừng lạm dụng từ chuyên ngành "bóng bẩy" quá vì mọi điều trên bản lý lịch trích ngang của bạn đều được kiểm chứng bằng những chuyên gia có kinh nghiệm!

Tập trung trước khi vào "trường đấu"

Trong hầu hết các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ gọi lần lượt các ứng viên. Tuy nhiên, nhiều ứng viên lại gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng ngay từ giai đoạn này. Vì vậy, tốt nhất trong lúc chờ đến lượt mình, nên tránh nói chuyện, tán dóc, nghe nhạc hoặc nghe những đoạn clip hài vì nó có thể gây mất thiện cảm ngay lập tức với các nhà tuyển dụng.

Biểu lộ sự thông minh trong bản lý lịch

Khi viết đơn xin việc, đừng bao giờ viết "xem trong bản lý lịch" vào đơn. Bởi bản lý lịch trích ngang không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, đơn xin việc lại có. Do đó, thông thường nhà tuyển dụng thường yêu cầu bạn điền đầy đủ thông tin vào đơn xin việc, dù ngay trước đó họ đã nhận được lý lịch trích ngang của bạn.

Hãy tỏ ra thông minh bằng cách đọc kỹ các câu hỏi và tìm cách trả lời sao cho đầy đủ thông tin nhất và sáng tạo nhất.

Cũng cần chú ý khi viết lý lịch, hãy sử dụng các từ khoá chuyên ngành quan trọng bởi nay hầu hết các công ty đều sử dụng những phần mềm đặc biệt để đọc hồ sơ của bạn. Và biết đâu nó sẽ chỉ nhặt những từ quan trọng nhất trong lý lịch của bạn.

Tham khảo kinh nghiệm

Trước khi chấp nhận một vị trí công việc nào đó, hãy tham khảo ý kiến của những người đi trước, những người đã từng làm trong lĩnh vực tương tự. Họ sẽ là người cho bạn rất nhiều kinh nghiệm để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên điều này sẽ phản tác dụng nếu như bạn hỏi phải một người "láu cá", không những không có lợi mà còn có hại cho công việc của bạn sau này.

(Theo VTV.vn)
 
Ðề: 8 Dấu hiệu để buổi Phỏng vấn thành công

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng phỏng vấn đã là vòng quan trọng và cuối cùng trong quá trình tìm việc. Nhưng điều bạn làm sau khi phỏng vấn cũng không kém phần quan trọng trong việc giúp bạn được tuyển dụng.
Nếu bạn nghĩ rằng hậu phỏng vấn nghĩa là bạn chỉ cần ngồi nhà và chờ đợi thì chính bạn đang đánh mất cơ hội của bản thân. Dù bạn đã có CV đẹp, một buổi phỏng vấn mỹ mãn nhưng ai đảm bảo rằng trong số các ứng viên khác không có người có được những yếu tố đó giống như bạn. Vậy làm sao để bạn được đứng thứ nhất trong danh sách của nhà tuyển dụng?

Hãy làm theo những bước dưới đây để giúp bạn nổi bật hơn hẳn so với các ứng viên khác:

1. Chỉ sau khi phỏng vấn khoảng vài giờ (không nên đợi đến ngày hôm sau), hãy gọi điện cho người phỏng vấn chính và trực tiếp nói lời cảm ơn ông/ bà đó vì đã dành thời gian cho bạn.

2. Tận dụng cuộc điện thoại cảm ơn đó để nói thêm thông tin mà bạn có thể đã quên chưa đề cập đến trong buổi phỏng vấn. Ví dụ: bạn chưa đề cập đến các kỹ năng sử dụng các sản phẩm công nghệ trong làm việc như máy fax, máy tính, máy in, hay kỹ năng tra cứu nhanh và hiệu quả.

3. Gửi một lá thư cảm ơn đến vào ngày hôm sau buổi phỏng vấn. Bạn có thể viết thư tay, thư điện tử hoặc gửi fax, chỉ cần đảm bảo rằng chúng đến đúng thời điểm. Trong thư bạn nên đề cập ngắn gọn đến mong muốn và đam mê của bạn cho vị trí công việc họ đang tuyển dụng đó một lần nữa.

4. Nếu có một nhóm người phỏng vấn bạn thì bạn chỉ cần gửi một lá thư duy nhất cho từng người trong nhóm để nói lời cảm ơn và thể hiện mong muốn được nhận vào làm. Lưu ý tuyệt đối không nên dùng những dạng thư viết sẵn.

5. Nếu bạn có người hỗ trợ nổi tiếng trong danh sách người giới thiệu trong CV của bạn thì hãy đề nghị họ giúp đỡ bằng cách viết thư hoặc gọi điện tới nhà tuyển dụng đó và giới thiệu qua về bạn.

Bằng những bước đi này, bạn sẽ thể hiện được sự nhiệt tình và tính chuyên nghiệp của bản thân trong công việc. Từ đó bạn đã tự cho mình một chỗ đứng cách biệt so với các ứng viên khác. Hãy giữ cho thông tin về bạn luôn hiện hữu trong trí nhớ nhà tuyển dụng và bạn sẽ trở thành ứng viên được chọn cho vị trí đó
 
Ðề: 8 Dấu hiệu để buổi Phỏng vấn thành công

Một cuộc phỏng vấn thành công hay thất bại là do sự chuẩn bị của bạn. Bạn có thể nâng cấp khả năng phỏng vấn chuyên nghiệp của mình lên một đẳng cấp cao hơn nếu thực hiện theo những bước sau:

1. Hiểu vai trò của mình và vai trò của người phỏng vấn:

Là người được phỏng vấn, bạn cần nói về giá trị bản thân và nắm bắt được những yêu cầu của công việc mà bạn đang ứng tuyển; trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng, hiểu và đáp lại những gì mà họ cần.

Vai trò của người phỏng vấn là giới thiệu về công ty, sàng lọc và đánh giá những ứng viên nào có thể làm việc được cho công ty của họ. Nếu bạn muốn làm một ứng viên phù hợp với vị trí của họ thì hãy chuẩn bị thật kỹ những yêu cầu mà họ cần.

Thực tế, vai trò của bạn và người phỏng vấn đối chiếu nhau. Cả hai đều đưa ra và thu nhận những thông tin phù hợp, có giá trị.

2. Trước cuộc phỏng vấn, hãy lựa chọn 3-5 thành tích hay kỹ năng để làm chủ đề trọng tâm cho việc giới thiệu về bản thân bạn. Cân nhắc mọi tình huống và chứng minh rõ những ý kiến của bạn để có cơ hội tiến đến làm chủ cuộc phỏng vấn.

Thông thường, các công ty đều tìm kiếm một ứng viên với những ưu điểm nổi bật như: kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo nhóm, trung thực và tự tin.

3. Thể hiện mình là một người đáng tin cậy bằng việc thích ứng phong cách giao tiếp của bạn với phong cách người phỏng vấn. Phương cách để bạn truyền đạt tốt là lựa chọn ngôn từ. Ngoài ra hãy chú ý tác phong, nhân cách, cử chỉ... sao cho nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt và tin tưởng bạn.

4. Đặt câu hỏi. Nên hỏi những câu thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công ty. Nếu bạn đến cuộc phỏng vấn mà không có một câu hỏi giá trị nào, bạn sẽ "mất điểm" với người phỏng vấn.

5. Không nên để lộ điểm yếu của mình trước những câu hỏi. Đa số những câu hỏi mà người phỏng vấn thường đề cập đến là:

- Hãy kể cho tôi nghe về bản thân bạn?
- Bạn sẽ nhìn thấy bạn như thế nào trong 5 năm tới?
- Hãy kể về những bước đi thành công của bạn?

Để đáp lại những câu hỏi của nhà tuyển dụng, bạn không nên chỉ nói về những điểm tốt của mình vì họ sẽ nghĩ là bạn không trung thực. Nên kể về một vài thất bại của bạn và cách bạn vượt qua nó.

Theo HRVietnam
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top