Một số vấn đề cần bàn đối với tài khoản ngoại bảng (loại 0)

Simon

Member
Hội viên được tín nhiệm
Kế toán đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi doanh nghiệp; cụ thể kế toán theo dõi số hiện có và tình hình biến động của từng loại tài sản, theo dõi tình hình sản xuất qua các con số kế toán, theo dõi kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Ngoài ra, kế toán còn theo dõi, phản ánh các mối quan hệ kinh tế pháp lý ngoài tài sản của doanh nghiệp.

Để thực hiện được vai trò trên, tài khoản và hệ thống tài khoản kế toán chính là công cụ thu thập những thông tin cần thiết từ các số liệu trên chứng từ kế toán và xử lý chúng để đáp ứng một cách đầy đủ theo nhu cầu của người sử dụng thông tin.

Theo Quyết định số 15/BTC, ngày 20/3/2006 của Bộ Tài Chính ban hành Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp, bao gồm các tài khoản từ loại 1 đến loại 9 và các tài khoản loại 0 (tài khoản ngoài Bảng cân đối kế toán).

Các tài khoản loại 0 dùng để phản ánh những tài sản hiện có ở doanh nghiệp nhưng không thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát lâu dài của doanh nghiệp như: Tài sản thuê ngoài; Vật tư, hàng hoá nhận giữ hộ, nhận gia công; Hàng hoá nhận bán hộ, nhận ký gửi. Đồng thời, loại tài khoản này còn phản ánh một số chỉ tiêu kinh tế đã được phản ánh ở các tài khoản trong Bảng cân đối kế toán, nhưng cần theo dõi để phục vụ yêu cầu quản lý như: Nợ khó đòi đã xử lý; Ngoại tệ các loại (chi tiết theo nguyên tệ); Dự toán chi sự nghiệp.

Tuy nhiên, việc ban hành và thực tế sử dụng một số tài khoản loại 0 hiện vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi:

Thứ nhất, đối với Tài khoản 007 “Ngoại tệ các loại” được dùng để theo dõi chi tiết số hiện có và tình hình biến động từng loại ngoại tệ theo nguyên tệ.

Tuy nhiên, theo quy định hạch toán chi tiết, ngoại tệ của doanh nghiệp đã được theo dõi chi tiết trên các sổ chi tiết (tài khoản chi tiết) 1112, 1122, 1132 và tuỳ theo yêu cầu quản lý, tuỳ thuộc vào tình hình sử dụng các loại ngoại tệ tại doanh nghiệp mà kế toán có thể theo dõi chi tiết, cụ thể từng loại ngoại tệ trên tài khoản cấp 3 của những tài khoản cấp 2 nói trên.

Ngược lại, nếu không theo dõi chi tiết ngoại tệ trên các tài khoản cấp 3 mà chỉ theo dõi trên tài khoản 007 thì việc tổng hợp tình hình biến động về vốn bằng tiền ngoại tệ (quy đổi ra đồng Việt Nam) sẽ không thấy rõ được tình hình biến động về tỷ giá hối đoái khi hạch toán ngoại tệ theo giá thực tế.

Việc theo dõi, phản ánh trên các sổ chi tiết như đã trình bày ở trên đã cung cấp một cách khoa học và đầy đủ số liệu của từng loại ngoại tệ đáp ứng được yêu cầu của nhà quản lý. Từ những phân tích trên việc tồn tại Tài khoản 007 là không cần thiết, thậm chí việc tồn tại cả tài khoản 007 và các tài khoản cấp 3 của nhóm tài khoản vốn bằng tiền sẽ gây ra sự trùng lắp trong hạch toán.

Thứ hai, việc loại bỏ Tài khoản 009 “Nguồn vốn khấu hao cơ bản”so với Quyết định số 1141/TC/CĐKT ngày 01/11/1995 là không hợp lý vì tài khoản này dùng để phản ánh tình hình hình thành, tăng, giảm và sử dụng (đầu tư đổi mới TSCĐ, trả nợ vay đầu tư TSCĐ) nguồn vốn khấu hao ở doanh nghiệp. Tài khoản này cung cấp cụ thể số liệu liên quan đến khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp thông qua khấu hao TSCĐ và tình hình tái đầu tư, đổi mới TSCĐ của doanh nghiệp. Trong khi đó một số tài khoản có liên quan vẫn chưa cung cấp được các thông tin cần thiết, chẳng hạn:

- Tài khoản 411 “Nguồn vốn kinh doanh” dùng để phản ánh nguồn vốn kinh doanh hiện có và tình hình tăng, giảm nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Theo quy định, các doanh nghiệp phải tổ chức hạch toán chi tiết nguồn vốn kinh doanh theo từng nguồn hình thành vốn, trong đó cần theo dõi chi tiết cho từng tổ chức, từng cá nhân tham gia góp vốn, vốn ban đầu, vốn được bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh. Do đó, cả hạch toán tổng hợp và hạch toán chi tiết nguồn vốn kinh doanh cũng vẫn chưa cung cấp được số liệu liên quan đến tình hình biến động của nguồn vốn khấu hao, chưa cung cấp được thông tin cần thiết phục vụ cho yêu cầu của chính nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp và cho chủ sở hữu doanh nghiệp.

- Tài khoản 214 “Hao mòn tài sản cố định” dùng để phản ánh tình hình tăng, giảm giá trị hao mòn và giá trị hao mòn luỹ kế của các loại TSCĐ và bất động sản (BĐS) đầu tư trong quá trình sử dụng do tính khấu hao TSCĐ, BĐS đầu tư và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ, BĐS đầu tư. Vì thế, số liệu do tài khoản này cung cấp chỉ phản ánh tổng hợp giá trị hao mòn TSCĐ, BĐS đầu tư do tính trích khấu hao và kể cả giá trị hao mòn TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án hoặc dùng vào mục đích phúc lợi mà không thể cung cấp được các thông tin cần thiết như tài khoản 009 phản ánh.

- Hạch toán tổng hợp và hạch toán chi tiết TSCĐ và BĐS đầu tư ở các tài khoản 211, 212, 213, 217 cũng không thể theo dõi được tình hình biến động và sử dụng nguồn vốn khấu hao.

Từ những nhận định trên, nếu không có tài khoản 009 sẽ không có số liệu về tình hình thu hồi vốn khấu hao, tình hình đổi mới, tái đầu tư TSCĐ để các nhà quản trị điều hành một cách hiệu quả hơn trong quá trình đầu tư và quản lý, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.

Tóm lại, việc tồn tại các tài khoản ngoài Bảng cân đối kế toán hợp lý sẽ góp phần rất lớn về chất lượng thông tin do kế toán cung cấp.


Thạc sỹ Ngô Thị Hoài Nam
Giảng viên Trường Cao đẳng Thương Mại
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top