Tôi không đi nổi trong thế giới phẳng này

thanhvunt.co

New Member
Hội viên mới
Trích bài từ Tuổi Trẻ:

Có nghị lực, có bản lĩnh, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để đến trường, tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành, thế nhưng chỉ vì bị khuyết tật ngoại hình mà tác giả, chị Trần Chính Tuyển, đã không thể tìm được việc làm. Chúng tôi đã lặng đi khi nghe chị nói: "Mòn chân mòn cẳng, đã vô tận TP.HCM, mới tới trước cửa cơ quan nhà nước là bị bảo vệ ra đuổi đi rồi... Có nơi còn kêu chó đuổi".

Một đứa trẻ chào đời khỏe mạnh thì phải đủ chín tháng mười ngày, nhưng tôi thì chỉ mới gần bảy tháng mẹ đã sinh. Đầu tôi cứ ngoẹo sang một bên, mẹ đã tưởng tôi không sống được. Những năm sau ngày giải phóng cuộc sống rất cơ cực. Ba mẹ tôi không có thời gian chăm sóc tôi, vì còn phải vất vả kiếm sống. Ba tuổi tôi vẫn còn nằm ngửa, mẹ đang có mang ba tháng thì ba tôi bỏ đi theo người đàn bà khác, để lại trách nhiệm vừa làm cha vừa làm mẹ cho người phụ nữ trẻ 29 tuổi. Tôi không hiểu hết sự khổ đau mà mẹ tôi phải trải qua. Vì cho đến ngày hôm nay chưa một lần nào tôi nghe mẹ oán giận hay trách móc ba.

Khi mẹ tin chắc tôi phải nằm một chỗ rồi, ngay cả hi vọng mẹ cũng không dám nghĩ tới thì nhờ trời, lúc ba tuổi tôi lại biết đi. Thế là nỗi lo canh cánh về tôi đã được ông trời gỡ giúp. Đến tuổi đi học tôi được đến trường. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình quá may mắn. Nhưng trở ngại đã làm ảnh hưởng đến con đường học vấn cũng như hạnh phúc của cả cuộc đời tôi là giọng nói. Nó ngọng nghệu, không rõ tiếng. Ở cái tuổi mười mấy lúc đó, tôi chỉ biết ăn rồi học, chưa nghĩ tới điều gì xa xôi, cũng không biết mặc cảm tật nguyền là gì. Cứ biết phải học cho bằng các bạn. Chín năm liền tôi đều xếp loại khá.

Sau khi học xong cấp II, mẹ định hướng cho tôi học nghề. Vì mẹ đã phân tích kỹ đó là con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất cho một đứa khuyết tật như tôi. Nhưng tôi không chịu, muốn tiếp tục vào cấp III. Gia đình lúc đó rất khó khăn. Anh chị tôi phải nhường phần được học cho tôi.

Đến trường với bộ áo dài mới, học được nửa năm tôi mới nhận ra cái khiếm khuyết của mình từ lời châm chọc của các bạn. Họ nhái giọng nói, nghiêng cổ qua lại nhái bộ dạng của tôi. Mặc cảm về bản thân đã hình thành trong đầu tôi. Nhưng tôi cố không nghe những lời chọc ghẹo. Về nhà giấu mẹ và cũng từ đây hình thành trong đầu tôi những suy nghĩ. Tôi phải chứng minh cho họ thấy tôi cũng làm được việc mà người bình thường làm. Tôi phải thay đổi số phận của mình bằng con đường học vấn. Ba năm học cấp III tôi chỉ có hai bộ áo dài và thiếu thốn rất nhiều thứ, nhưng những thiệt thòi đó không làm tôi nản chí. Uớc mơ vào đại học của tôi cũng mãnh liệt. Mẹ cho tôi vào Sài Gòn thi để thỏa mãn sự háo thắng của tôi.

Nhưng ý chí của tôi lúc đó mạnh đến cỡ nào cũng không vượt qua được rào cản đồng tiền: nhà tôi quá khó khăn. Quan trọng hơn, mẹ phân tích rằng tôi không có ngoại hình bình thuờng và giọng nói không chuẩn thì sau này khó tìm việc. Tuy vậy, tôi vẫn nuôi ý nghĩ học tiếp. Năm sau tôi lại thi rớt, năm kế nữa tôi vẫn quyết định tiếp tục thi nhưng đã suy nghĩ lại chọn thi và học ở quê nhà Nha Trang, để mẹ còn lo được cho em trai tôi. Tôi đậu vào hệ cao đẳng Đại học Thủy sản, khoa kinh tế thủy sản. Vui lắm và hạnh phúc nữa, tôi quyết tâm phải lấy cho được chiếc vé thông hành để bước vào cuộc sống đỡ vất vả sau này.

Sau khi hoàn thành chương trình học, tôi muốn đi làm, muốn phụ giúp gia đình và còn muốn cho mẹ thấy tôi đã làm đúng. Rồi tôi vẽ ra cho mình những ước muốn cao hơn, có điều kiện sẽ học lên đại học và làm những điều mình thích. Quan trọng hơn hết là giảm bớt gánh nặng cho mẹ.

Thế nhưng sau ngần ấy năm cố gắng, tôi nhận ra mình đã chọn sai đường. Con đường mà tôi đang đi dài, quanh co và có rất nhiều tảng đá lớn chắn ngang. Không có chỗ nào cho tôi làm việc với ngành nghề đã học. Khi nhận ra tấm bằng cao đẳng không có tác dụng, tôi quyết định bỏ sang một bên ước vọng để đi làm công nhân. Khi nộp hồ sơ tôi đều kèm theo một lá thư trình bày về hoàn cảnh và bệnh tật của mình, nhưng tất cả đều không có kết quả.

Bước đi bằng chính đôi chân còn lành lặn của mình vào thế giới phẳng này tôi đi không nổi, đúng hơn là xã hội của thế kỷ 21 này quá rộng, tôi không biết có còn chỗ nào cho những người khuyết tật như tôi thể hiện khả năng của mình. Những vất vả mà gần một đời mẹ tôi phải chịu có một phần do tôi gây ra. Mẹ lúc nào cũng nhìn tôi như người khỏe mạnh, đó là niềm an ủi lớn nhất mà tôi có được cho đến ngày hôm nay.

Khi đã 30 tuổi quay đầu nhìn lại tôi chỉ trách mình giá như nghe theo lời dạy của mẹ. Tôi đang tự trách mình và căm giận bản thân. Điều mà chắc đến khi nhắm mắt tôi mới tự tha thứ cho mình là đã làm khổ gia đình quá nhiều. Xin mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu này.

TRẦN CHÍNH TUYỂN (Nha Trang)
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top