Nợ duyên (phần 1)

hoatigon1981

New Member
Hội viên mới
Trăm cái nợ ở đời, nợ nhân duyên là khó trả và dai dằng nhất. Bà nội tôi nói với tôi rất nhiều lần như thế. Tuy không tin bà, nhưng một phần cuộc đời của tôi lại bị ảm ảnh về điều bà tôi nói.
Nhà bà nội tôi gần chùa, ngày bé tôi vẫn thường lên đó chơi. Ngôi chùa làng tôi dù đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn mang những nét cổ kính, trên gờ tường bám đầy những rêu phong thời gian. Chùa có hai dãy nhà ngang nằm song song với nhau. Dãy nhà trước dùng để làm gian thờ cúng, dãy nhà sau chia làm hai phần vừa là nơi nghỉ của sư sãi trong chùa vừa làm nơi gửi gắm linh hồn những người đã khuất. Trước sân chùa trồng nhiều hoa đại và đặc biệt có một cây đa rất to toả bóng mát cho cả làng. Cây đa cũng suýt soát bằng tuổi thọ của ngôi chùa, sự linh thiêng của ngôi chùa có lẽ nhờ cây đa đó. Người ta kể lại rằng: Thời chiến tranh loạn lạc, giặc dày xéo trên quê hương. Chúng đốt chùa, đốt sách, bắt bớ các nhà sư khiến các nhà sư phải trốn chạy, phiêu bạt khắp nơi. Một một vị hoà thượng khi đi qua chùa làng tôi, để cảm ơn vị trụ trì chùa cho tá túc, vị hoà thượng đã trồng cây đa rồi ra đi. Trên đường đi ông không tránh khỏi hòn tên mũi đạn của giặc, hồn bay về nhập vào cây đa đuổi hết tà ma, quỹ dữ cho dân làng. Làng tôi trù phú hẳn lên.

Tôi chưa sinh ra bố tôi đã mất, ông theo bạn lên mạn ngược xẻ gỗ, bị gỗ đằn. Bạn thương tình đưa xác về trên đường đi gặp lũ cuốn trôi mất xác. Sinh tôi ra, mẹ tôi không chịu nổi sự cô đơn và u ám trong căn nhà, đã bỏ tôi lại để theo tiếng gọi của tình yêu. Tôi sống với bà nội và cô trẻ trong tình thương của hai người đàn bà cô đơn và sự ác cảm về thói lẳng lơ của mẹ tôi. Tôi không có bạn. Lúc nhỏ, tôi thường bị lũ trẻ trong làng hiếp đáp, chúng giật tóc rồi gọi là “con rơi!”. Tôi khóc chạy về mách bà. Bà cầm roi dẫn tôi đến nhà từng đứa đã trêu chửi um lên: “Mổ tổ cha nó chứ! Chúng nó nhẫn tâm dạy con ác nghiệt”. Bà quay đi, bố mẹ chúng thì thầm: “Đồ nhà vô phúc! Con trai chết mất xác, con dâu bỏ con theo trai, con gái thì không lấy được chồng”. Lần này nghe, bà tôi không nói gì nữa, bà cõng tôi trên lưng đến thẳng cửa chùa rồi bảo: “Con là con Phật, không cần chơi với họ, con lên chùa chơi với trụ trì nhé!”

Từ đó, tôi thường lên chùa chơi với chú tiểu và thầy trụ trì của chùa. Thầy trụ trì dạy tôi và chú tiểu viết chữ nho, làm thơ đường, đọc kinh kệ. Thầy luôn tỏ ra điềm đạm, khoan thai nhưng tôi vẫn cảm thấy ở thầy có điều gì chưa thoát khỏi nặng nợ với đời. Tôi lớn dần, có phải nhờ ăn lộc chùa hay không mà tôi xinh lắm? Bà vãi trong chùa vén những sợi tóc lòa xòa trên trán, lộ rõ nốt ruồi son điểm chính giữa trán rồi bảo: tôi giống Phật Bà Quan Âm. Bà lại phủ định: “Không thể làm Phật Bà được, mắt cô có đuôi và ướt lắm!”. Có lần sáng sớm tôi đứng ở đầu làng, gặp người đàn bà đi chợ sớm mắng tôi: “Cái đồ con gái vô duyên sớm mai đứng chắn thế này làm sao tao bán được hàng”. Chiều bà về, lúc ngang chùa thấy tôi đang tha thẩn nhặt lá đa cho bà vãi nấu cơm, liền gọi tôi lại cho tôi vài viên kẹo bột và khoe với bà vãi: “Hôm nay gặp con bé này, cháu bán hết hàng còn lãi gấp 10 lần bà ạ!”. Về sau, các bà các cô mỗi lần đi buôn chuyến xa đều nói khéo tôi ra đứng đầu ngõ để các bà lấy hên. Mối ác cảm về đứa không cha, không mẹ của họ dành cho tôi cũng vơi dần đi. Thấy tôi thường xuyên ở trong chùa, việc thờ cúng còn thông thạo hơn cả chú tiểu, đọc kinh không sai một chữ, họ tin tôi là con của Phật. Lũ trẻ trong làng không còn trêu tôi nhưng cũng không chơi với tôi, chúng chỉ đứng xa nhìn tôi với vẻ kính nể.

Tết đến, tôi theo bà lên chùa chúc tết thầy. Bà ngước đôi mắt già nua mệt mỏi nhìn thầy:

- Thời gian trôi mau quá! Hết xuân này lại đến xuân kia trôi qua. Nợ trần gian bao giờ trả hết, cuộc đời con người sao khổ lạ, rồi cũng phải vượt qua cả mà thôi.

Thầy nhìn mái tóc bạc trắng quấn quanh vầng khăn nhung đen của bà rồi hướng ra khoảng sân trước mặt còn sót lại vài vạt nắng xuân. Ở cuối sân chậu mai vàng tứ quý trổ những bông mai vàng nổi bật trên nền lá xanh non, thi thoảng có cơn gió nhẹ cánh hoa rung lên rồi nhẹ ngàng rơi xuống đất. Thầy trầm ngâm đọc hai câu thơ của Thiền Sư Mãn Giác:

- ”Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai)

Xuân qua, hoa rụng nhưng cội hoa vẫn thơm ngát. Vòng đời tuần hoàn: sinh, bệnh, lão, tử. Chớ nuối tiếc mùa xuân, miễn là trong lòng mình vẫn nghĩ đến mùa xuân thì mùa xuân vẫn còn. Phật pháp gọi là xuân tâm.”
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top