Giúp em giải bài tập này với ạ

joker891159

New Member
Hội viên mới
Bài tập tình huống môn Kiểm toán căn bản

1. Giới thiệu

(1) Công ty TNHH Kiểm Toán và Tư Vấn Hoàn Cầu (HCC) là một công ty kiểm toán thuộc nhóm 20 công ty Kiểm toán Việt Nam có doanh thu lớn nhất. Năm 2015, công ty đạt được doanh số là 52 tỷ đồng, tổng số nhân viên là 147 người, trong đó có 12 người có chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam (CPAVN). Công ty cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, thuộc ba lĩnh vực là dịch vụ đảm bảo, dịch vụ tư vấn thuế và dịch vụ tư vấn doanh nghiệp. Doanh thu phần lớn là dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính. Năm 2015, công ty mở rộng mảng tư vấn mua bán doanh nghiệp và tư vấn thuế.

(2) Bạn là một kiểm toán viên đã có 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính. Bạn vừa nhận được chứng chỉ Kiểm toán viên Việt Nam năm 2015, và được bổ nhiệm làm trưởng phòng kiểm toán. Tháng 10 năm 2015, bạn cùng với Ông Hưng, Phó Tổng giám đốc của công ty tham gia cuộc họp với công ty Cổ Phần GoldEquip (GEC). Trên đường đến văn phòng của GEC, ông Hưng kể lại cho bạn rằng GEC là một công ty sản xuất và cung cấp sơn cao cấp của Mỹ tại Việt Nam. Cổ phiếu của GEC hiện đang được giao dịch trên HoSE. Công ty này đã liên hệ với HCC và đề nghị HCC cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 cho họ. Ông Hưng đã gặp Ông Thành, Tổng giám đốc của GEC trong một cuộc hội thảo vào tháng 7.2015. Ông Thành đã than phiền rất nhiều về việc công ty kiểm toán hiện tại của họ. Vì vậy,ông Hưng cho rằng đây là một khách hàng tiềm năng.

(3) Trong cuộc họp với HCC, ông Thành cho biết GEC đã chấm dứt hợp đồng với công ty kiểm toán của họ, và mong muốn tìm kiếm một công ty kiểm toán mới, có thể cung cấp cho GEC dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu của ngân hàng UOB, một ngân hàng của Singapore mà họ đang mong muốn có được một khoản vay lớn vào năm 2016 để sử dụng vào mục đích đầu tư. Ngoài ra, ông Thành còn tiết lộ GEC có ý định mua lại một công ty trong cùng ngành, và mong muốn công ty kiểm toán mới có thể cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm định tài chính này. GEC là một công ty có nhiều nghĩa vụ thuế phức tạp. Ông Thành cũng đề nghị HCC rà soát thuế và xác định cho họ những rủi ro và sai phạm nếu có.

(4) Sau cuộc họp, trên đường về công ty, ông Hưng nói với bạn là ông rất mong muốn có được khách hàng này, vì HCC không chỉ có được một khoản doanh thu dịch vụ kiểm toán lớn, mà có thể còn kí được các hợp đồng dịch vụ tư vấn sau đó. Ngoài ra, HCC cũng đang muốn tăng số lượng khách hàng kiểm toán là các công ty cổ phần niêm yết. Ông Hưng yêu cầu bạn giúp ông ta hoàn thành các thủ tục kiểm toán đánh giá rủi ro và chấp nhận khách hàng mới. Ông ấy cũng nhắc bạn cần phải thận trọng đánh giá các rủi ro khi quyết định chấp nhận khách hàng này.

2. Thông tin cung cấp

Công ty Cổ Phần GoldEquip (GEC)

(5) GoldEquip là một trong những công ty cung cấp sơn công nghiệp cao cấp lớn nhất tại Việt Nam. Công ty được thành lập năm 2003 với hình thức là công ty TNHH. Năm 2008, công ty được cổ phần hoá và sau đó năm 2012, cổ phiếu của công ty được giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã là GEC. GEC sản xuất sản phẩm sơn theo công nghệ của Mỹ, với hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết 20 năm với công ty GEC USA. GEC USA hiện tại đang nắm giữ 42% cổ phiếu của GEC Việt Nam và là cổ đông lớn nhất.

(6) Sản phẩm sơn của GEC gồm nhiều loại, được chia làm hai nhóm là sơn xây dựng và sơn chuyên dụng. Sản phẩm sơn chuyên dụng được bán chủ yếu cho các công ty sản xuất ô tô, xe máy, tàu biển và nội thất cao cấp. Vì đây là dòng sơn cao cấp, nên giá rất cao so với các sản phẩm sơn công nghiệp thông dụng. GEC có công ty tại TPHCM, nhà máy sản xuất tại Bình Dương, 3 chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hàng tồn kho được để ở kho nhà máy và 3 kho chi nhánh. Nguyên liệu của GEC 75% là nhập khẩu. Sản phẩm của GEC được bán trực tiếp cho các công ty sản xuất ô tô và xe máy tại Việt Nam. Các mặt hàng khác được phân phối qua các đại lý. GEC có 25% doanh thu năm 2015 (tăng thêm 5% so với năm 2014) là xuất khẩu cho một số khách hàng nước ngoài, trong đó có GEC Maylaysia, và GEC China.

(7) Hiện tại, do thị trường sản phẩm cao cấp đang gặp khó khăn, nên GEC đang thương lượng mua lại công ty sản xuất sơn ABB để mở rộng thị trường, tìm kiếm các khách hàng ở phân khúc trung cấp trong các lĩnh vực công nghiệp như xây dựng, sản xuất nội thất, thiết bị gia dụng,… GEC muốn bổ nhiệm công ty của bạn kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 để ngoài việc nộp báo cáo tài chính cho Uỷ ban kiểm toán, GEC đang đề xuất vay 3 triệu USD từ ngân hàng UOB để tài trợ cho việc mua lại công ty ABB. Vì năm 2015 là năm đầu tiên công ty thực hiện công tác kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, GEC cũng muốn công ty kiểm toán tư vấn cho GEC về một số thay đổi và ảnh hưởng đến báo cáo tài chính. Ngoài ra, GEC muốn công ty của bạn cung cấp dịch vụ thẩm định tài chính, rà soát lại báo cáo tài chính của ABB và đánh giá rủi ro nếu có về tài chính khi GEC mua lại công ty này. Năm 2015 có nhiều thay đổi về thuế TNDN, GEC kì vọng rằng một khi báo cáo tài chính của công ty được một công ty kiểm toán lớn và có uy tín lâu năm như công ty của bạn kiểm toán, thì công ty đã đáp ứng được các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, còn nếu có sai sót gì thì công ty kiểm toán sẽ chỉ ra và GEC sẵn sàng điều chỉnh.

Thị trường sơn công nghiệp tại Việt Nam

(8) Ngành sơn công nghiệp tại Việt Nam đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan với giá rẻ, đa dạng về mặt hàng, đang được nhập với khối lượng ngày càng nhiều vào Việt Nam. Đối với ngành sơn xây dựng, việc thị trường bất động sản đang nóng dần lên, đã tạo ra một cú hích cho sự tăng trưởng.

(9) Nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm giá rẻ vẫn dễ được thị trường ưa chuộng hơn. Các dòng sản phẩm cao cấp trở nên kén khách hàng, đặc biệt là khi thị trường tài chính không ổn định. Do đó, để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, năm 2015, GEC đã tăng cường hệ thống hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty sử dụng sơn của GEC.

Chiến lược phát triển của GEC

(10) Sản phẩm truyền thống của GEC là các sản phẩm có chất lượng hàng đầu tại Mỹ, cung cấp cho các thị trường cao cấp như sản xuất xe hơi, xe máy cao cấp, vật liệu xây dựng cao cấp… Từ năm 2014, GEC mở rộng thị trường cung cấp sơn tĩnh điện cho các doanh nghiệp ngành sản xuất gỗ và nội thất, chủ yếu nhắm tới khách hàng là các công ty xuất khẩu hàng cao cấp sang các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu… Tháng 3.2015, công ty tuyển mới một trưởng phòng kinh doanh phụ trách thị trường này. Vị này đã có 15 năm làm kinh doanh trong lĩnh vực nội thất xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh thu của thị trường này chỉ chiếm 5% trong tổng doanh thu năm 2015, và không đạt được chỉ tiêu đặt ra của ban giám đốc.

(11) Nhận thấy các khó khăn về giá của các sản phẩm hiện tại, tổng giám đốc GEC đề xuất mua một công ty sản xuất sơn của Việt Nam, thuộc phân khúc trung bình. Tổng giám đốc cho rằng, sau khi mua công ty này, GEC có thể mở rộng khai thác phân khúc này, mà không làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các nhãn hàng hiện tại. GEC đã tiếp xúc với đối tượng tiềm năng, và đang tìm kiếm một công ty dịch vụ tài chính hỗ trợ cho họ trong thương vụ này. Hiện tại, thông tin này chưa được tiết lộ nên chưa tác động đến giá chứng khoán của GEC.

Chính sách kế toán

(12) Kế toán trưởng của GEC cho biết công ty đã thực hiện các chính sách kế toán theo thông tư 200/2014/TT-BTC. Một số chính sách được mô tả như sau:

(13) Chính sách khấu hao: Công ty áp dụng khấu hao đường thẳng cho toàn bộ tài sản cố định. Thời gian khấu hao được áp dụng theo hướng dẫn của tập đoàn để phục vụ cho việc hợp nhất.

(14) Chính sách tín dụng: vì doanh thu phần lớn là bán chịu với kỳ hạn nợ từ 30-60 ngày nên nợ phải thu của công ty khá lớn. Một số khách hàng truyền thống của công ty thường xảy ra nợ quá hạn, và đã gửi văn bản yêu cầu công ty nới rộng thời hạn trả chậm là 90 ngày vì đối thủ của công ty đã tăng thời gian bán chịu là 90-120 ngày. Tuy nhiên, Công ty đã không lập dự phòng nợ phải thu khó đòi cho các khách hàng này vào cuối năm vì giám đốc tài chính cho rằng hoàn toàn có khả năng thu hồi các khoản nợ này.

(15) Chính sách bán hàng: Công ty có doanh thu bán hàng trong nước và xuất khẩu. Đối với khách hàng trong nước, GEC giao sản phẩm tại kho của khách hàng, với thời gian vận chuyển thường không quá 24 giờ. Các hợp đồng xuất khẩu chủ yếu được ký với giá FOB Sài Gòn, trừ các hợp đồng ký với GEC Malaysia và GEC China là giá EXW. Kế toán trưởng cho biết thời điểm ghi nhận doanh thu là khi hàng xuất kho.

(16) Chính sách mua hàng: 75% hàng mua của GEC là nhập khẩu từ GEC USA và GEC China theo giá CIF. Thời gian vận chuyển thường là 10 ngày (đối với GEC China) đến 30 ngày (đối với GEC USA). GEC ghi nhận hàng mua được kiểm tra và nhập kho.

Hệ thống kiểm soát nội bộ

(17) Giám đốc kiểm toán nội bộ cho biết chính sách kiểm soát của GEC Việt Nam hoàn toàn tuân thủ theo chính sách của tập đoàn. Bộ phận kiểm toán nội bộ gồm 1 giám đốc và 4 nhân viên. Ngoài ra, tại nhà máy và chi nhánh, mỗi nơi đều có 1 nhân viên kiểm toán nội bộ. Báo cáo của bộ phận kiểm toán nội bộ được gửi trực tiếp cho tổng giám đốc hàng tháng. Ngoài ra, báo cáo tổng hợp hàng quý được gửi cho Ban kiểm soát của công ty, làm cơ sở cho Ban Kiểm soát xuống kiểm tra, rà soát vào đầu quý kế tiếp. Hàng năm, kiểm toán nội bộ của tập đoàn sẽ sang Việt Nam để kiểm tra theo chính sách của tập đoàn. Báo cáo cuối năm của bộ phận kiểm toán nội bộ chỉ ghi nhận một sai phạm với số lượng nhỏ của bộ phận kho. Sau khi điều tra, đã xác định lượng hàng thiếu là do thủ kho thiếu trách nhiệm trong khi kiểm tra hàng xuất kho. Vì đây là sai phạm lần đầu, và số tiền không lớn nên thủ kho chỉ bị khiển trách.

(18) Giám đốc kiểm toán nội bộ cũng cho biết rủi ro gian lận tại GEC là rất thấp vì công ty có quy trình kiểm soát chặt chẽ, các chu trình hoạt động được chia nhỏ cho các bộ phận chuyên môn hoá. Chính sách của công ty cũng yêu cầu việc kiểm tra chéo và đối chiếu giữa các bộ phận được thực hiện hàng tháng. Tất cả việc đối chiếu đều được lập văn bản và lưu trữ tại các bộ phận.

(19) Công ty hiện tại sử dụng hệ thống ERP của Oracle cho tất cả các phòng ban. Giám đốc kiểm toán nội bộ tỏ ra rất tự hào hệ thống phần mềm hiện đại mà công ty vừa đầu tư gần 100.000USD trong năm 2015. Ông cho biết, hệ thống này có thể xử lý và kiểm soát tự động ở nhiều khâu, nên đã giúp công ty giảm được việc nhập liệu, thông tin được cung cấp nhanh chóng và hỗ trợ cho việc ra quyết định của nhà quản lý. Ông tin tưởng là với các kiểm soát khắt khe của hệ thống này thì rủi ro sai sót và gian lận là rất rất thấp, nếu không muốn nói là không có. Tuy nhiên, việc áp dụng một hệ thống mới, làm cho công việc của phòng kiểm toán nội bộ bị quá tải. Giám đốc kiểm toán nội bộ nghĩ rằng ông cần có thêm một nhân viên có chuyên môn về công nghệ thông tin nhưng phòng nhân sự không đồng ý dù ông đã đề xuất nhiều lần. Khi nghe thông tin này, Tổng giám đốc nói rằng ông hoàn toàn không biết việc này, ông sẽ cân nhắc và chỉ đạo phòng nhận sự tuyển bổ sung.
Yêu cầu:

1. GEC kỳ vọng BCTC sau kiểm toán sẽ không còn sai phạm nào về thuế. Bạn sẽ trả lời tổng giám đốc của GEC như thế nào?

2. Dựa vào các thông tin được cung cấp về hệ thống kiểm soát nội bộ, hãy đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top