Chọn trọng tài hay tòa án?

cayman

Banned
Thành viên BQT
Hội viên mới


Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó quyết định mức độ thiệt hại của doanh nghiệp một khi thương vụ bị đổ bể.


42.jpg


“Cầu trời” cũng chẳng ăn thua
Cách đây không lâu, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) đã phải từ chối giải quyết một vụ tranh chấp mua bán giữa một công ty Đài Loan và chi nhánh của một công ty kinh doanh hải sản có trụ sở tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Lý do từ chối được đưa ra là vì trong điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp của hợp đồng mua bán, tên của tổ chức trọng tài này đã không được minh thị một cách cụ thể mà thay vào đó lại ghi chung chung rằng “nếu có tranh chấp sẽ nhờ trọng tài Việt Nam giải quyết”.

VIAC từ chối là phải vì hiện cả nước có tới năm tổ chức trọng tài thương mại khác nhau chứ đâu chỉ có mình VIAC (ngoài VIAC còn có Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội; Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM; Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ và Trung tâm Trọng tài thương mại Á Châu). Do mất quá nhiều thời gian để nhờ trọng tài phân xử, cuối cùng vụ án được đưa ra Tòa án Nhân dân (TAND) Bà Rịa-Vũng Tàu thì bị đình chỉ vì đã quá thời hiệu khởi kiện. Hiện vụ kiện đang được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xem xét lại nhưng giả sử trong trường hợp vẫn bị đình chỉ do quá thời hiệu khởi kiện thì thiệt hại của bên tranh chấp trong hợp đồng có thể lên tới trên 100.000 đô la Mỹ.

TBKTSG cách đây vài năm cũng từng phản ánh vụ Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) đã phải “trả giá” với phán quyết của trọng tài Geneva (Thụy Sỹ) buộc thanh toán gần nửa triệu đô la Mỹ cho Công ty Kyunggi Silk (Hàn Quốc) trong một vụ tranh chấp kéo dài suốt ba năm. Riêng phí trọng tài, Viseri phải trả gần 40.000 đô la Mỹ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số thiệt hại nói trên cũng là do sơ suất khi chọn trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp. Không chỉ mất thời gian, tiền bạc mà “đau” hơn nữa, theo Viseri, họ đã không có cơ hội để trình bày, cung cấp chứng cứ chỉ vì không hiểu pháp luật, không hiểu hết những gì mà trọng tài Geneva yêu cầu cung cấp trong quá trình xét xử.

Hai trường hợp trên chỉ là vài ví dụ trong vô số trường hợp rủi ro xuất phát từ sự bất cẩn của doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khi ký kết hợp đồng. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó giám đốc VIAC, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa có thói quen đặt câu hỏi là cần lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp nào và tại sao lại như vậy. Thông thường, các điều khoản về giá cả, chất lượng hàng hóa, tiến độ... vẫn được các doanh nghiệp chú trọng hơn là điều khoản về giải quyết tranh chấp vì họ vẫn mang nặng tâm lý “cầu trời” cho tranh chấp đừng xảy ra.

Chính tâm lý nói trên đã gây ra những sai sót không đáng có cho bản thân các doanh nghiệp khi đặt bút ký kết hợp đồng. Trọng tài viên Trần Hữu Huỳnh đã tổng kết một loạt những lỗi thường xảy ra như: không “thèm” thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp; có thỏa thuận nhưng lại vừa nhờ trọng tài, lại vừa nhờ tòa án giải quyết hoặc nếu có chọn trọng tài cũng chỉ hiểu “lờ mờ” về trọng tài (điều này dẫn đến ghi sai tên tổ chức trọng tài; chọn sai quy tắc tố tụng trọng tài hoặc luật áp dụng...). Thậm chí, theo Luật sư Lê Thành Kính (Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn), có trường hợp trong hợp đồng các bên thỏa thuận “sẽ đưa ra công an giải quyết nếu xảy ra tranh chấp”!

Hậu quả của sự bất cẩn nói trên là làm cho quá trình tranh chấp bị kéo dài một cách không cần thiết do phải mất thời gian tìm cơ quan phân xử. Đặc biệt, đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài điều này lại càng nguy hiểm. Ông Huỳnh cho biết, trong nhiều trường hợp tương tự, do không chọn trước cơ quan nào giải quyết nên khi phát sinh tranh chấp doanh nghiệp rất lúng túng, không biết phải quyết định như thế nào. “Chọn trọng tài thì đã quá muộn vì đối tác không hợp tác, còn chọn tòa án nước ngoài của đối tác thì vừa sợ vừa lo. Sợ vì không biết thủ tục, pháp luật; lo vì chi phí cao. Chọn tòa án Việt Nam lại không chắc bản án của tòa án ta có được nước ngoài công nhận...”.
 
Trọng tài: “thần hộ mệnh”?
Những dẫn chứng trên cho thấy tâm lý “cầu may” có thể dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại. Vì vậy, theo trọng tài viên Trần Hữu Huỳnh, khi đàm phán hợp đồng, doanh nghiệp nên đàm phán kỹ về điều khoản giải quyết tranh chấp. Loại trừ những phương thức trái luật, doanh nghiệp vẫn có khá nhiều sự lựa chọn khi xảy ra tranh chấp, từ các phương thức giải quyết ngoài tòa án như thương lượng, trung gian, hòa giải đến các phương thức tài phán như trọng tài, tòa án. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đều cho rằng trong trường hợp các bên không thể “nhìn mặt nhau” nữa thì trọng tài được xem như cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp.

Theo Luật sư Chu Khắc Hoài Dương, Trưởng văn phòng Luật sư Dương & cộng sự, so với tòa án việc lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp có năm ưu điểm lớn. Thứ nhất, các bên có nhiều quyền tự định đoạt, chẳng hạn như được tự do lựa chọn trọng tài (thậm chí được tự mình lập ra trọng tài), quy tắc tố tụng, luật áp dụng, địa điểm, ngôn ngữ, thời gian tiến hành các hoạt động tố tụng của trọng tài... Thứ hai, có nhiều trọng tài viên là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như hàng hải, sở hữu trí tuệ, ngoại thương, công nghệ thông tin... Vì vậy, đối với các tranh chấp đòi hỏi chuyên môn cao, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền chủ động tìm và lựa chọn những trọng tài đáp ứng yêu cầu nói trên. Thứ ba, việc xét xử tại trọng tài được giữ bí mật. Điều này rất có lợi cho các bên, nhất là trong các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh hay các yếu tố khác mà doanh nghiệp không muốn cho người ngoài cuộc biết. Thứ tư, tính minh bạch cao trong xét xử. Theo đó, tất cả tài liệu, chứng cứ của một bên đều được trọng tài gửi ngay cho các đương sự còn lại để họ phản biện hay kiện lại. Trong tố tụng dân sự của tòa án cũng có quy định cho các bên quyền này nhưng trên thực tế hầu như không thực hiện được. Cuối cùng là thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp. Nếu giải quyết bằng con đường tòa án, đương đơn có thể mất rất nhiều thời gian do phải qua hàng loạt cấp xét xử như sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong khi đó, quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm và có hiệu lực cưỡng chế ngay.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Chính (Văn phòng Luật sư Nghiêm & Chính) cho rằng giữa tòa án và trọng tài không có ưu thế nào là tuyệt đối cả. Ví dụ, phương thức xét xử nhiều cấp của tòa án cũng có cái hay là khả năng “sửa sai” nếu bản án của một cấp xét xử có sai sót. Ngược lại, một khi trọng tài đã ra phán quyết, cho dù có sai sót đi chăng nữa thì cũng đành... chào thua vì phán quyết đó có giá trị chung thẩm và có hiệu lực thi hành ngay. Do vậy, theo Luật sư Chính, doanh nghiệp nên xem xét kỹ điểm mạnh, yếu của từng phương thức để có quyết định hợp lý trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.

Luật sư Trần Anh Đức (Công ty Luật Vilaf) thì cho rằng nên căn cứ vào loại hợp đồng để chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Ví dụ, đối với những hợp đồng nợ vay đơn giản thì ra tòa là cách tốt nhất. Còn đối với những hợp đồng thương mại phức tạp, đòi hỏi chuyên môn ngành cao thì nên chọn trọng tài.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh, với các giao dịch có yếu tố nước ngoài, trọng tài vẫn là phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu nhất nếu các quốc gia của các bên tranh chấp đều đã là thành viên Công ước Liên hiệp quốc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (tức Công ước New York với gần 150 quốc gia thành viên). Tuy nhiên, ông cũng lưu ý khi đã chọn trọng tài thì dứt khoát không được đại khái, qua loa. Phải cân nhắc thật kỹ từ việc chọn tổ chức trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài đến luật áp dụng của nước nào, địa điểm tiến hành trọng tài... Ngoài ra, không phải mọi tranh chấp liên quan đến kinh doanh đều có thể nhờ trọng tài vì theo quy định trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại.

Mẫu gợi ý cho điều khoản về giải quyết tranh chấp

Dưới đây là điều khoản mẫu mà VIAC đưa ra nhằm giúp cho các doanh nghiệp tránh được những trục trặc khi có thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng thương mại:

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này”.

Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các nội dung sau:

a. Số lượng trọng tài viên là... (1 hay 3)

b. Địa điểm tiến hành trọng tài...

Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có thể bổ sung:

c. Luật áp dụng cho hợp đồng này là luật của...

d. Ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là...

Thông thường, các điều khoản về giá cả, chất lượng hàng hóa, tiến độ... vẫn được các doanh nghiệp chú trọng hơn là điều khoản về giải quyết tranh chấp vì họ vẫn mang nặng tâm lý “cầu trời” cho tranh chấp đừng xảy ra.

Tòa kinh tế không còn cảnh rỗi việc
Ông Nguyễn Công Phú, Phó chánh Tòa Kinh tế TPHCM, cho biết tính từ đầu năm đến ngày 20-7-2006, tòa này đã thụ lý 358 vụ án, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái (196 vụ). Nếu như trước đây các thẩm phán của tòa phải đi xử giùm cho các tòa khác do án kinh tế ít thì nay họ đang trong tình trạng “quá tải”. “Mỗi thẩm phán của chúng tôi lúc nào cũng tồn khoảng từ 70-80 vụ”-ông Phú nói.

Theo ông Phú, sở dĩ án tăng nhanh là do thẩm quyền của tòa kinh tế được mở rộng sau khi thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự mới (có hiệu lực từ ngày 1-1-2005).

Ngoài ra, theo Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Văn phòng Luật sư Nghiêm & Chính), việc thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự mới còn tạo những ảnh hưởng tích cực khác. Ví dụ, hạn chế bớt việc tranh chấp thẩm quyền giữa tòa kinh tế với các tòa khác; thời hiệu khởi kiện kéo dài hơn; chất lượng xét xử tốt hơn... “Tất cả những yếu tố đó đã làm cho các doanh nghiệp tin vào tòa hơn và vì vậy họ đến với tòa nhiều hơn”. Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng cho rằng theo bộ luật mới thì thời gian để giải quyết một vụ án còn hơi lâu. Có vụ phải chờ hơn một năm hoặc lâu hơn nữa mới được đưa ra xét xử. [/COLOR]

Nguyên Tấn - Thời báo kinh tế Sài Gòn
 
Từ tự xử đến làm theo luật

Quang Chung - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Trong làm ăn, chuyện phát sinh tranh chấp là điều khó tránh, nhưng cần biết cách giải quyết sao cho có lợi nhất và đúng pháp luật.


45.jpg


Tự xử

Không ít doanh nghiệp khi có tranh chấp đã chọn cách giải quyết theo kiểu “bất cần pháp luật”. Như trong vụ tranh chấp ở khách sạn Amara, khi đề xuất thay tổng giám đốc của mình không được chấp thuận, phía Singapore đã đưa người của mình từ Singapore qua, đồng thời thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để chiếm giữ bất hợp pháp phòng làm việc của ông tổng giám đốc liên doanh, nhằm cách chức ông này bằng vũ lực. Nhưng họ đã không thực hiện được ý định của mình vì hành động sai trái đó đã bị lực lượng công an can thiệp.

Hay như trường hợp Công ty Đay Sài Gòn, khi tranh chấp xảy ra, ông phó chủ tịch hội đồng quản trị đã kéo người nhà và thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp đến chiếm giữ một số phòng ban của công ty.


Xét về mặt hiệu quả, giải quyết tranh chấp theo kiểu “tự xử” như vụ Amara và Đay Sài Gòn đã không thành công mà còn “để lại tiếng xấu”.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Văn phòng Luật sư Nghiêm & Chính, kể: một công ty có vốn đầu tư của Thụy Sỹ (A) ký hợp đồng thuê một doanh nghiệp tư nhân (B) sửa chữa cửa hàng trưng bày đồ gốm trên đường Hai Bà Trưng, TPHCM. Việc sửa chữa không đạt yêu cầu nên bên A. đề nghị sửa lại, nhưng B. không chịu nên A. đã thuê công ty C. sửa chữa. Khi B. yêu cầu A. thanh toán tiền thì bị trừ 5.000 đô la Mỹ (số tiền mà A. đã thanh toán cho C.). B. kiện A. ra tòa nhưng nhận thấy tình thế bất lợi nên đã thuê “giang hồ” hù dọa A. Cuối cùng, vì sợ, A. phải trả cho B. một nửa số tiền là 2.500 đô la Mỹ.

Tuy có trường hợp “thành công” như vậy nhưng theo ông Nghiêm, việc nhờ “xã hội đen” giải quyết tranh chấp rất dễ dẫn đến các tình huống xấu vì phải chịu trách nhiệm về hình sự.

Nhờ công an

Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp, nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay đến việc nhờ lực lượng công an. Theo Luật sư Lê Thành Kính, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, thường thì doanh nghiệp nhờ lực lượng công an khi vụ việc tranh chấp có sự mập mờ, không rõ là quan hệ thương mại, dân sự hay hình sự. Vì nếu vụ việc không có dấu hiệu hình sự, công an sẽ không thể giúp (vì họ không có cớ); nếu có dấu hiệu hình sự, công an có cớ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ kinh tế, dân sự thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo chiều hướng tốt; nhưng nếu công an hình sự hóa quan hệ thương mại, dân sự thì lại là điều đáng tiếc.

Việc nhờ công an can thiệp vào các vụ tranh chấp thường mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp này nhưng đồng thời cũng đưa đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp khác, chưa kể tốn kém “phần trăm” hoa hồng. Như trường hợp Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn yêu cầu cảnh sát kinh tế thu giữ hết hàng hóa của Công ty Mỹ phẩm Lan Hương vì công ty này vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Khi công an vào cuộc, mục đích của Mỹ phẩm Sài Gòn đạt được, nhưng hậu quả để lại là Lan Hương bị phá sản dù rằng sau này Công ty Lan Hương đã kiện ra tòa về quyết định thu giữ hàng hóa của công an và họ đã thắng kiện.

Kiên nhẫn giải quyết theo pháp luật

Theo Luật sư Lê Thành Kính, để giải quyết tranh chấp nên chọn con đường trọng tài thương mại, tòa án hoặc thương lượng. Hiện nay, trong các vụ tranh chấp mà doanh nghiệp nhờ đến văn phòng luật sư của ông có đến 70% vụ việc được giải quyết bằng con đường thương lượng, 20% dùng tòa án, số còn lại dùng trọng tài hoặc cách khác.

Theo ông Kính, con đường giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là con đường ngắn nhất nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo của người thương lượng và khả năng tài chính của đối tác. Ông Kính cho biết thương lượng sẽ (i) tiết kiệm được thời gian (nếu chọn tòa án thì thời gian tố tụng từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm... đến thi hành án không biết sẽ kéo dài đến bao nhiêu năm; còn nếu giải quyết bằng con đường trọng tài thì về mặt lý thuyết, phán quyết của trọng tài vẫn có thể bị tòa án hủy nên vụ việc vẫn sẽ kéo dài); (ii) tiết kiệm chi phí (cụ thể là án phí hoặc phí trọng tài, phí luật sư, phí thi hành án...); (iii) khả năng thu hồi tài sản cao hơn và đồng vốn quay vòng trong kinh doanh sẽ nhanh hơn - vì thương lượng thành thì việc thanh toán sẽ có tính tự nguyện cao; (iv) vẫn giữ được mối quan hệ đối tác trong kinh doanh, bảo vệ được uy tín của đối tác cũng như uy tín của mình.

Ông Kính cho biết có những vụ tranh chấp hết thời hiệu khởi kiện (theo luật không còn hiệu lực tranh chấp), thế nhưng với khả năng thương lượng khéo léo nhiều khi doanh nghiệp sẽ thành công, thu hồi được tài sản. Nhưng thường để thương lượng thành công, theo ông Kính, việc thương lượng phải đi đôi với các biện pháp khác như kiện ra tòa, ra trọng tài. “Nhiều khi mình thuyết phục người ta không nghe, nhưng khi hòa giải, thương lượng tại tòa, với những nhận định trên cơ sở pháp luật của thẩm phán thì thương lượng dễ thành công hơn”, ông Kính nói.

Nhưng hạn chế của việc thương lượng là không thể căn cứ vào biên bản thương lượng mà cưỡng chế thi hành - vì nó không phải là bản án hay phán quyết của trọng tài có hiệu lực pháp luật. Vì thế, có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng việc thương lượng để kéo dài thời gian cho qua thời hiệu khởi kiện của chủ tài sản.

Thế nhưng, để các doanh nghiệp coi hệ thống tòa án và các trung tâm trọng tài là nơi phải tìm đến khi có tranh chấp thì Nhà nước phải đẩy mạnh việc cải cách tư pháp. Làm sao để thời gian xét xử của các vụ tranh chấp thương mại, dân sự phải được rút ngắn và công tác thi hành án, thi hành các phán quyết của trọng tài phải được thực thi nhanh chóng và hiệu quả.


Tại Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, có đến 70% vụ việc tranh chấp được giải quyết bằng con đường thương lượng, 20% dùng tòa án, số còn lại dùng trọng tài hoặc cách khác.



Các kiểu tranh chấp

• Hiện nay, phần lớn các vụ tranh chấp trong kinh doanh xuất phát từ việc một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ trong các cam kết dân sự, thương mại. Ví dụ doanh nghiệp A. ký hợp đồng bán cà phê cho doanh nghiệp B., nhưng do giá cà phê trên thị trường đột ngột tăng (cao hơn giá đã ký kết) nên A. đã từ chối giao hàng. Hay doanh nghiệp C. bán thép cho doanh nghiệp D., khi giá thép hạ (thấp hơn giá đã ký kết), D. từ chối nhận hàng, thế là xảy ra tranh chấp...

• Trên thực tế, nhiều khi không vi phạm hợp đồng, không nợ nần gì nhau mà các doanh nghiệp vẫn tranh chấp và đưa nhau ra tòa. Họ kiện nhau vì các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của nhau. Như trường hợp Công ty Kymdan bị Công ty Vạn Thành và Ưu Việt kiện vì mẩu quảng cáo có nội dung so sánh bị cho là “xúc phạm” chất lượng sản phẩm cùng loại khác.Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, các tranh chấp về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

• Theo ông Hồ Hoàng Đức, Văn phòng Luật sư Mê Kông, gần đây đã nổi lên một xu hướng mới, đó là các vụ tranh chấp giữa các thành viên trong công ty. Trong tháng 5-2006 đã xảy ra hai vụ tranh chấp làm xôn xao giới doanh nghiệp. Đó là vụ tranh chấp quyền kiểm soát công ty ở Công ty Đay Sài Gòn; và vụ tranh chấp ở Công ty liên doanh Khách sạn Amara về vị trí của tổng giám đốc công ty.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top