Tiết kiệm, đừng nói suông!

xuongrongdat

Yêu tất cả mọi người
Hội viên mới
Tiết kiệm, đừng nói suông!

Hãy từ những chuyện nhỏ

Rất nhiều bài học tiết kiệm gần gũi, dễ thực hiện được bạn đọc khắp nơi gửi về tòa soạn. Những chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng sẽ dẫn đến lãng phí vô cùng lớn nếu mọi người không nghĩ cách tiết kiệm...


Ăn miếng ngon, đừng quên đồng bào còn đói khổ!


ImageView.aspx

Nhiều người đi ăn tiệm hay gọi thức ăn thừa mứa rồi bỏ .

Tôi từng đi công tác ở miền núi. Ở đó đồng bào mình sống còn cực lắm. Có lần ngồi uống cà phê, xem video trong quán ở xóm núi hẻo lánh, tôi thấy mấy thanh niên địa phương cứ đứng thập thò ngoài cửa, họ muốn xem phim nhưng không dám vào vì không có tiền trả tiền nước! Tôi từng mua sữa, đường để mang đến cho một bà mẹ trẻ vừa sinh con ở xóm núi nói trên. Hai mẹ con ở trong một túp lều mái tôn thấp nóng hầm hập, đứa trẻ xanh xao khóc ngằn ngặt. Có lẽ vì đói sữa. Nhìn tình cảnh của hai mẹ con họ, tôi thấy như mình có lỗi...
Về thành phố, tôi đem chuyện nghèo đói ở xóm núi kia kể với một chú người quen là cán bộ nhà nước. Nghe chuyện, chú trầm ngâm nói: "Đúng là bây giờ có nhiều bữa mình nhậu hàng triệu bạc. Nghĩ mà thấy có tội với đồng bào".
Tôi nhớ khi xưa nhà tôi nghèo lắm. Mỗi bữa cơm anh em tôi thường lấy nước canh chan vào bát cơm muối vừng rồi nói đùa đó là phở. Có hôm mẹ tôi đi ăn liên hoan nhưng về rất sớm. Tôi hỏi mãi mẹ mới chịu nói lý do: "Mỗi lần gắp miếng thức ăn, nghĩ tới con cái ở nhà đang đói mẹ không thể nào nuốt được". Lúc đó tôi chẳng để ý nhiều đến điều mẹ nói, nhưng sau này lớn lên nghĩ lại lòng vẫn rưng rưng.
Bây giờ nước ta đã giàu hơn trước nhiều, đời sống người dân có khá hơn. Nhưng không thể quên đồng bào ta còn nhiều cảnh đói lắm. Tôi nghĩ nếu người cán bộ bây giờ, mỗi khi dự đám tiệc liên hoan mâm cao cỗ đầy, mỗi khi cầm bát, nâng ly mà nghĩ đến đồng bào thân thiết đang còn đói khổ, như tấm lòng của cha mẹ thương yêu con thì hẳn sẽ tiết kiệm được nhiều lắm. Nếu chúng ta hoang phí là mang tội với đồng bào còn đói khổ.
THANH HOA (hoanghaidv@...)

Bài học từ vị giáo sư già

Khi còn học ở nước ngoài, một lần tôi nộp bài tập cho một giáo sư người Mỹ. Bài tập được tôi dày công nghiên cứu, trang trí, in thành tập và đóng bìa rất đẹp. Những tưởng với chất lượng nghiên cứu và trang trí bắt mắt như thế, giáo sư sẽ hài lòng. Không ngờ vừa nhận bài tập từ tay tôi, ông nheo mắt hỏi: "Cậu tốn bao nhiêu thời gian cho việc trang trí này? Tại sao cậu lại in trên một mặt giấy mà không tiết kiệm in thêm mặt sau? Lần sau, tất cả nghiên cứu tôi khuyến khích cậu gửi bằng soft copy qua email vừa tiết kiệm thời gian cho chúng ta, vừa tiết kiệm giấy, cậu hiểu không?".
Câu hỏi của vị giáo sư già đáng kính ngày nào cứ ám ảnh tôi suốt những tháng ngày sau đó. Là một người làm công tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nên tôi hiểu giá trị của sự tiết kiệm. Tiết kiệm từ việc nhỏ nhặt nhất đến việc lớn lao, cái gì có thể tôi đều cố gắng thực hiện.
Việc nhỏ mà mỗi con người chúng ta có thể thực hiện dễ dàng trong cuộc sống thường nhật, đó là sử dụng điện, nước và của cải vật chất một cách hợp lý, biết dùng thời gian vào những việc có ích, giữ gìn của công. Không khó hiểu khi người nông dân một nắng hai sương gian khó làm ra hạt thóc nên họ tiết kiệm từng "hạt ngọc", từng đồng tiền có được từ mồ hôi và nước mắt của chính họ.
Việc lớn hơn là sử dụng công quĩ, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên. Ý thức trách nhiệm trước cộng đồng xã hội của chúng ta chưa cao, thậm chí trong hàng ngũ công chức. Điều này thể hiện rõ trong việc lãng phí của công, nhất là phương tiện phục vụ, kể cả tiệc tùng, hội họp. Với tài nguyên thiên nhiên, sử dụng lãng phí là điều tệ hại nhất bởi lẽ nếu loại tài nguyên có tái tạo được cũng đòi hỏi một thời gian rất dài. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi đi đâu trên khắp đất nước Nam Phi cũng thấy khẩu hiệu: Hãy biết rằng Nam Phi là quốc gia nghèo tài nguyên nước. Hãy sử dụng thật tiết kiệm.
Vấn đề đặt ra là làm sao để mỗi người đều có ý thức tiết kiệm? Chúng ta thường sa vào cách vận động để tạo ra một phong trào tức thời mà không đủ sức duy trì hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, lâu dài. Muốn làm được điều này, trước hết cần có sự nêu gương, trong đó vai trò của những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng xã hội sâu rộng như các vị lãnh đạo, nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân là vô cùng quan trọng.
NGUYỄN ĐẠI BẢO THẠCH (Huế)

Đừng lãng phí từ... tờ giấy nhỏ


Ở đất nước giàu có như Nhật Bản, giấy in A4 thông thường của họ không tẩy đến trắng sáng mà có màu vàng vàng. Trong khi ở nước ta tất cả các loại giấy in A4 đều rất trắng. Rõ ràng chi phí để tẩy trắng bột giấy (hóa chất, năng lượng, thiết bị...) khi sản xuất là một lãng phí đáng kể, trong khi in giấy tờ không quan trọng, photocopy bài học... chỉ cần giấy hơi vàng là được.
Ở hầu hết trường đại học của ta, những qui định về in ấn khóa luận, luận văn, luận án là một ví dụ lãng phí điển hình. Thường bản in được qui định phải có cỡ chữ 13-14; cách dòng 1,5; cách đoạn 6pt hay một dòng trống; chừa lề trên dưới 3-3,5 cm, lề phải 2,5-3cm. Kết cục, mỗi trang in chỉ vỏn vẹn 20 - 25 dòng với 300-400 chữ. Thực tế chỉ cần cỡ chữ 12, cách dòng đơn, chừa lề ít hơn (chỉ bảo đảm khi xén không sát quá hay mất chữ) chí ít cũng tiết kiệm 1/4 - 1/3 số trang in, trong khi vẫn bảo đảm đọc được rõ ràng. Tôi đọc các luận văn, luận án nước ngoài, người ta cũng chỉ định dạng đến thế.
Nhiều người nói ở VN luận văn/luận án phải... đồ sộ mới giá trị (dù bên trong có khi chỉ chép lại của người khác)! Đó là chưa kể các trường bắt buộc in một mặt giấy, mặt sau để trắng hoàn toàn! Nếu in hai mặt, số tờ giấy in sẽ giảm còn 1/2. Hãy thử tính một trường đại học qui mô trung bình, mỗi năm có khoảng 1.000 sinh viên làm khóa luận/luận văn, mỗi sinh viên nộp hai bản in (trung bình 50 trang/bản), mỗi bản tiết kiệm 1/2 số tờ giấy in thì số giấy tiết kiệm được không phải nhỏ.
donhat76@...

Những mét lụa bị cắt nát

Không biết có ai tính được mỗi ngày trên đất nước ta có bao nhiêu cuộc cắt băng: khánh thành, khai mạc, động thổ... (chắc không dưới 100 - 200 cuộc). Mỗi cuộc như thế, phải có một tấm lụa đỏ 5-10m được căng ra, có các "em xinh đẹp" đứng sau mỗi vị đại biểu, bưng một cái khay để... đỡ cái kéo! Sau một hồi "kính thưa" dài dằng dặc, sẽ có 5-10 vị (tùy mức độ to, nhỏ), mỗi người một cái kéo cắt tấm lụa đó ra... Cứ cho là mỗi ngày có 100 cuộc như thế, mỗi cuộc 10m lụa thì có đến 1.000m lụa bị cắt nát ra mỗi ngày!
Tại những quốc gia giàu có hơn ta nhiều nhưng người ta không phí phạm như thế! Cụ thể, tại Ấn Độ, chỉ là một sợi dây gai dài khoảng 2m có xâu những bông hoa (thường là hoa nhài) chăng ngang cửa, và người ta cắt sợi dây hoa đó thôi. Hoặc ở các quốc gia vùng Trung Đông, người ta cắt băng nhưng cũng chỉ là những dải ruybăng màu, nhỏ như chiếc quai nón của ta, dài 2 - 3m gì đó.
Có một chuyện đã chiếu trên tivi: một chiếc cầu mới được khánh thành ở một tỉnh biên giới phía Bắc. Tấm lụa đỏ được chăng theo chiều ngang của cây cầu, có bảy, tám vị đại diện cắt xong rồi lên ôtô bóng loáng chạy từ từ qua cầu. Đồng bào địa phương vui mừng vì có một cây cầu mới nên đổ ra xem khá đông. Điều nghịch lý là một số cụ già và em nhỏ vui thì có vui nhưng... co ro vì rét (miền núi mà!). Chao ôi, những tấm lụa đó giá như được dành để may áo cho các cụ già và em nhỏ thì tốt biết bao!
NGUYỄN LÊ BÁCH (Hà Nội)


Không nên để "thức ăn, đồ uống" ê hề, dư thừa!

Cách đây hơn một năm, tại TP Huế, một bao gạo 10kg loại ngon trung bình giá 50.000 - 60.000 đồng, vậy mà giờ đây bao gạo ấy có giá đến 130.000 đồng. Tương tự giá thịt heo, thịt bò cũng tăng hơn gấp đôi và các loại rau, củ, quả... đều tăng đến chóng mặt. Vậy nhưng thói quen của không ít người Việt chúng ta là phung phí thức ăn, không biết tiết kiệm trong các bữa ăn hằng ngày. Nhiều người còn cho rằng bữa ăn phải dư thừa làm ăn mới khấm khá (?). Ai là người gắp miếng thức ăn sau cùng trong đĩa sẽ có cảm giác mọi người nhìn mình như kẻ ham ăn...
Ở các nhà hàng, quán ăn... nạn lãng phí còn nghiêm trọng hơn. Đồ ăn, thức uống ê hề còn lại ngổn ngang trên bàn mỗi khi tàn cuộc nhậu. Tại các tiệc cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp..., nhiều lúc thức ăn được dọn lên chưa kịp dùng đã được mang xuống để thay món khác nhằm nói lên sự giàu có, sang trọng của gia chủ. Trong khi đó, xung quanh ta còn biết bao nhiêu người đang phải chạy từng bữa ăn cho bản thân và gia đình.
Viết ý kiến này, tôi muốn nói mọi người hãy tiết kiệm trong mỗi bữa ăn hằng ngày, đừng phung phí như ta đã từng phung phí nữa.
Ngoài ra, tôi mong có ai đó (cá nhân hoặc tập thể) đứng ra thành lập những nhóm, đội đi thu gom thức ăn không dùng hết tại các nhà hàng, quán nhậu rồi đem cấp phát cho các em bé đánh giày, bán báo và những người lang thang cơ nhỡ... Được như vậy, những người này sẽ tiết kiệm được một bữa ăn năm bảy ngàn đồng. Tôi tin rằng các chủ nhà hàng, quán nhậu và thực khách sẽ ủng hộ ý kiến này của tôi .
PHẠM NGUYỄN HẠNH NHƯ (TP Huế)

(Tuổi trẻ)
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top