15 câu hỏi thường gặp về luật lao động, hợp đồng lao động

michanhchanh

Member
Hội viên mới
Đây là những câu hỏi thường gặp về quy định luật lao động, làm hợp đồng lao động mà Phần mềm kế toán Link Q tổng hợp được, hy vọng rằng những câu hỏi này sẽ góp phần giải đáp một số vướng mắc cho các bạn kế toán.


Câu 1. Những hành vi nào vi phạm các quy định về việc làm bị xử phạt vi phạm hành chính?

Trả lời


Những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động về việc làm sau đây thì bị xử phạt vi phạm hành chính:


– Không công bố danh sách người lao động bị thôi việc, mất việc làm do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ;

– Không trao đổi với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời khi cho người lao động thôi việc;

– Không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trước khi cho người lao động thôi việc;

– Vi phạm quy định của pháp luật lao động về thủ tục tuyển dụng người lao động Việt Nam vào làm tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức;

– Trả trợ cấp mất việc làm đối với người lao động thấp hơn mức do pháp luật quy định;

– Thu phí giới thiệu việc làm đối với người lao động cao hơn mức do pháp luật quy định; thu phí giới thiệu việc làm không có biên lai;

– Doanh nghiệp không lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm;

– Trung tâm giới thiệu việc làm, doanh nghiệp giới thiệu việc làm không có giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền cấp; hoạt động không đúng quy định trong giấy phép.

– Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động;

– Lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Câu 2. Những hành vi nào vi phạm các quy định về hợp đồng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính?

Trả lời

Những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động sau đây thì bị xử phạt vi phạm hành chính:

– Không giao một bản hợp đồng lao động cho người lao động sau khi ký;

– Vi phạm những quy định về thuê mướn người giúp việc trong gia đình quy định tại Điều 139 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

– Giao kết hợp đồng lao động không đúng loại theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

– Hợp đồng lao động không có chữ ký của một trong hai bên;

– áp dụng thời gian thử việc với người lao động dài hơn so với thời gian do pháp luật quy định;

– Vi phạm những quy định về thời gian tạm thời chuyển lao động sang làm việc khác; về việc trả lương cho người lao động trong thời gian tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác quy định tại Điều 34 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

– Vi phạm những quy định về chế độ trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

– Ngược đãi, cưỡng bức người lao động;

– Bắt người lao động đặt cọc tiền không tuân theo những quy định của pháp luật;

– Người sử dụng lao động kế tiếp không sử dụng người lao động theo phương án sử dụng lao động quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

Câu 3. Người sử dụng lao động từ chối thương lượng để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể; không đăng ký thoả ước lao động tập thể bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời

Người sử dụng lao động từ chối thương lượng để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể khi nhận được yêu cầu của đại diện tập thể người lao động bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đồng thời với việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tiến hành thương lượng để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể theo yêu cầu của đại diện tập thể người lao động.

Người sử dụng lao động không đăng ký thoả ước lao động tập thể với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tiến hành đăng ký thỏa ước lao động tập thể với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Câu 4. Những hành vi nào của người sử dụng lao động vi phạm quy định về tiền lương, tiền thưởng bị xử phạt vi phạm hành chính?

Trả lời

Người sử dụng lao động vi phạm các quy định sau đây về tiền lương, tiền thưởng bị xử phạt vi phạm hành chính:

- Không thực hiện các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo quy định của pháp luật.

- Khấu trừ tiền lương của người lao động mà không thảo luận với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời (nếu có).

- Không trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn, tại nơi làm việc; trả chậm nhưng không đền bù theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Không đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; không công bố công khai thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng trong doanh nghiệp.

- Khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng không cho người lao động biết lý do; khấu trừ tiền lương hàng tháng của người lao động cao hơn mức quy định tại khoản 1 Điều 60 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; không trả đủ tiền lương cho người lao động trong những trường hợp phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động; trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu trong trường hợp ngừng việc không do lỗi của người lao động và ngừng việc do sự cố điện, nước hoặc nguyên nhân bất khả kháng quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; không trả tiền lương và phụ cấp cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu; trả bằng mức lương tối thiểu đối với lao động chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; không trả lương hoặc trả lương không đúng, không đầy đủ cho người lao động làm việc thêm giờ, làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật lao động; xử phạt bằng hình thức cúp lương của người lao động.

Câu 5. Người sử dụng lao động vi phạm những quy định nào về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi bị xử phạt vi phạm hành chính?

Trả lời

Người sử dụng lao động vi phạm các quy định sau đây về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi bị xử phạt vi phạm hành chính:

- Quy định về thời gian làm việc theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 68, Điều 115, Điều 122, Điều 123 và Điều 125 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; quy định về thời gian nghỉ giữa ca và giữa hai ca làm việc hoặc vi phạm các quy định về việc nghỉ hàng tuần quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; quy định về việc nghỉ lễ tại Điều 73 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; quy định về việc nghỉ hàng năm quy định tại các Điều 74, Điều 75 và Điều 76 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; quy định về nghỉ về việc riêng quy định tại Điều 78 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Sử dụng người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định tại Điều 69 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

Câu 6. Những hành vi nào vi phạm quy định về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất bị xử phạt vi phạm hành chính?

Trả lời

Người sử dụng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm các quy định sau đây về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất:

- Không tham khảo ý kiến Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời (nếu có) khi xây dựng nội quy lao động quy định tại khoản 2 Điều 82 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Không đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Nội dung của nội quy lao động vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 83 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; không thông báo công khai, không niêm yết nội quy lao động ở những nơi cần thiết trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 83 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Vi phạm thời hạn đình chỉ công việc đối với người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Không xây dựng nội quy lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 82 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Vi phạm quy định về thủ tục xử lý kỷ luật quy định tại Điều 87 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; xử lý bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Buộc người lao động phải bồi thường vật chất trái với quy định tại Điều 89 và Điều 90 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

- Không giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật khi cơ quan có thẩm quyền kết luận là kỷ luật sai.


Câu 7. Người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng bảo hiểm hiểm xã hội không đầy đủ cho người lao động bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời

1. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đầy đủ cho người lao động, theo các mức như sau:

- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 101 người đến 500 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 500 người lao động trở lên.

2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không đóng bảo hiểm xã hội, không trả bảo hiểm xã hội vào lương cho người lao động không thuộc đối tượng bảo hiểm bắt buộc, theo các mức như sau:

- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 101 người đến 500 người lao động;

- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 500 người lao động trở lên;

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc cá nhân cố tình gây khó khăn hoặc cản trở việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người được hưởng quyền lợi.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Cấp giấy chứng nhận giám định hoặc xếp hạng thương tật sai cho những người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội chậm từ 30 ngày trở lên kể từ thời hạn phải đóng theo quy định của pháp luật.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép hoạt động đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18, Nghị định số 113/2004/NĐ-CP tới lần thứ ba.

Câu 8. Khi tham gia đình công, hành vi vi phạm nào của người lao động bị xử phạt hành chính. Mức phạt cụ thể được quy định như thế nào?

Trả lời

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với mỗi người lao động có hành vi sau đây:

- Tham gia đình công sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tạm hoãn hoặc ngừng cuộc đình công quy định tại Điều 175 hoặc tham gia cuộc đình công quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 176 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

- Có hành vi làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản doanh nghiệp hoặc có hành vi xâm phạm trật tự, an toàn công cộng trong khi đình công.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc ép buộc hoặc kích động người khác đình công quy định tại khoản 2 Điều 178 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo đình công quy định tại khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.


Câu 9. Người sử dụng lao động vi phạm quy định về tổ chức và hoạt động công đoàn bị xử phạt như thế nào?

Trả lời

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau đây:

- Không bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn; không bố trí thời gian cho người làm công tác công đoàn hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 154 và các khoản 1, 2 và 3 Điều 133 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

- Phân biệt đối xử vì lý do người lao động thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn; dùng biện pháp kinh tế hoặc các thủ đoạn khác để can thiệp vào tổ chức và hoạt động của công đoàn quy định tại khoản 3 Điều 154 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

- Sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở mà không có sự thỏa thuận của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc với Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở mà không có sự thỏa thuận của tổ chức công đoàn cấp trên quy định tại khoản 4 Điều 155 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cản trở việc thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp hoặc cản trở hoạt động của tổ chức công đoàn.

Câu 10. Những hành vi nào của người sử dụng lao động vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động bị phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ?

Trả lời

Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, nếu có một trong những hành vi sau đây:

- Không có các phương tiện che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm của máy, thiết bị; không có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động ở những nơi làm việc, nơi đặt máy, thiết bị, nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

- Không trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, y tế và trang bị bảo hộ lao động thích hợp để bảo đảm ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn ở những nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại dễ gây tai nạn lao động theo quy định tại Điều 100 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

- Không cung cấp đầy đủ các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.

Câu 11. Người sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau:

- Không thực hiện những quy định về giải quyết, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa quy định tại khoản 1 Điều 107 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

- Không thanh toán các khoản chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

- Không thực hiện việc trợ cấp, bồi thường cho người lao động khi họ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung.


Câu 12. Những tình tiết nào được pháp luật quy định là tình tiết giảm nhẹ khi xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động?

Trả lời


Những tình tiết sau đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động:

– Người vi phạm đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

– Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi.

– Người vi phạm là phụ nữ có thai, người chưa thành niên, người cao tuổi, người đang có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

– Vi phạm do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không tự mình gây ra hoàn cảnh khó khăn đó.

– Vi phạm do trình độ lạc hậu.


Câu 13. Những tình tiết nào được pháp luật quy định là tình tiết tăng nặng khi xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động?

Trả lời

Những tình tiết sau đây mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động:

– Vi phạm có tổ chức.

– Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm trong cùng một lĩnh vực.

– Xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị phụ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm.

– Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm.

– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm.

– Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

– Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó.

– Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu hành vi vi phạm.


Câu 14. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động được quy định như thế nào?

Trả lời

1. Mỗi hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về pháp luật lao động còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau:

– Tước quyền sử dụng các loại giấy phép;

– Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề.

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về pháp luật lao động còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:

– Buộc bồi hoàn thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra, kể cả những thiệt hại về máy, thiết bị và tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

– Buộc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về: lập quỹ dự phòng mất việc làm; thực hiện theo phương án sử dụng lao động; giao kết hợp đồng lao động; đăng ký thỏa ước lao động; các nguyên tắc về xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng; về nội quy lao động; về các chế độ đối với lao động đặc thù, về lao động là người nước ngoài, bảo đảm điều kiện hoạt động của công đoàn, những biện pháp về quản lý lao động; bảo đảm về an toàn lao động của công đoàn, những biện pháp về quản lý lao động; bảo đảm về an toàn lao động và vệ sinh lao động;

– Trả lại số tiền đặt cọc và lãi suất tiết kiệm cho người lao động;

– Tổ chức đưa người lao động ở nước ngoài về nước;

– Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội;

– Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền phong toả tài khoản, trích nộp bảo hiểm xã hội hoặc rút giấy phép hoạt động;

– Buộc khắc phục, sửa chữa đối với các máy, thiết bị không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn lao động và vệ sinh lao động;

– Buộc kiểm định và đăng ký các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và vệ sinh lao động;


Câu 15. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động được quy định như thế nào?

Trả lời

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động là một năm, kể từ ngày có hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp quá thời hạn nêu trên thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong thời hạn một năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính mới trong cùng lĩnh vực lao động trước đây đã vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, trì hoãn việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu nêu trên. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn việc xử phạt.

Trường hợp người có hành vi vi phạm pháp luật lao động bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ vụ án thì vẫn bị xử phạt hành chính nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt là (03) ba tháng, kể từ ngày có quyết định đình chỉ vụ án.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top