Kế toán quản trị tài chính - Bao thanh toán!

Dragon489

Member
Hội viên mới
Đây là bài viết của thạc sĩ Nguyễn Trung Lập trên tapchiketoan mình thấy rất hay nên post lại lên đây cho các bạn tham khảo!

Việt Nam đã gia nhập WTO. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần dần được hình thành. Trong xu thế đó, sự phát triển của các công cụ tài chính là một sự tất yếu. Với việc sử dụng các công cụ tài chính sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ tài chính hiện nay còn chưa phổ biến. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi bàn về hình thức bao thanh toán, những lợi ích của nó đối với các doanh nghiệp và phương pháp hạch toán nghiệp vụ bao thanh toán.

Theo Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế (FCI), bao thanh toán là một dịch vụ tài chính trọn gói, kết hợp việc tài trợ vốn lưu động, phòng ngừa rủi ro tín dụng, theo dõi công nợ và thu hồi nợ. Đó là sự thỏa thuận giữa đơn vị bao thanh toán và người bán, trong đó đơn vị bao thanh toán sẽ mua lại khoản phải thu của người bán, thường là không truy đòi, đồng thời có trách nhiệm đảm bảo khả năng chi trả của người mua. Nếu người mua phá sản hay mất khả năng chi trả vì những lý do tín dụng thì đơn vị bao thanh toán sẽ thay người mua trả tiền cho người bán. Khi người mua và người bán ở hai nước khác nhau thì dịch vụ này được gọi là bao thanh toán quốc tế.

Theo Điều 1 Những quy định chung về hoạt động bao thanh toán quốc tế ấn bản tháng 06/2004 của FCI (General Rules for International Factoring Verion FCI June 2004), hợp đồng bao thanh toán là một hợp đồng, theo đó nhà cung cấp sẽ chuyển nhượng các khoản phải thu (hay một phần của các khoản phải thu) cho một đơn vị bao thanh toán, có thể vì hoặc không vì mục đích tài trợ, để thực hiện ít nhất một trong các chức năng sau đây:

- Kế toán sổ sách các khoản phải thu;
- Thu nợ các khoản phải thu;
- Phòng ngừa rủi ro nợ xấu.

Điều 2 Chương I Công ước UNIDROIT về bao thanh toán quốc tế (UNIDROIT Convention on International Factoring) còn bổ sung thêm một chức năng nữa của bao thanh toán là tài trợ cho người bán, bao gồm việc cho vay lẫn việc ứng tiền thanh toán trước.

Theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ban hành ngày 06/09/2004 của Thống đốc NHNN, bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua bán các khoản phải thu phát sinh từ việc mua bán hàng hóa giữa bên bán hàng và bên mua hàng thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.

Bao thanh toán là sự tổng hợp tính chất của các hoạt động tài trợ cho người bán, tài trợ dựa trên hóa đơn, tài trợ thương mại hay chiết khấu hóa đơn.

Về cơ bản, bao thanh toán là hình thức cho vay ngắn hạn, trong đó người cho vay được đảm bảo bằng cách nắm giữ quyền được đòi khoản phải thu của người đi vay.

Nói tóm lại, bao thanh toán được hiểu là sự chuyển nhượng nợ của người mua hàng (con nợ) từ người bán hay cung ứng dịch vụ (chủ nợ cũ) sang đơn vị bao thanh toán (chủ nợ mới). Đơn vị bao thanh toán đảm bảo việc thu nợ, tránh các rủi ro không trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ của người mua. Đơn vị bao thanh toán có thể trả trước toàn bộ hay một phần các khoản nợ của người mua cùng với một khoản hoa hồng tài trợ và phí thu nợ. Mọi rủi ro không thu được tiền hàng đều do người tài trợ gánh chịu.

Ngoài ra, nghiệp vụ bao thanh toán còn bao gồm một số dịch vụ như quản lý tài khoản phải thu của khách hàng, cung cấp các thông tin kinh tế, tiền tệ, tín dụng và thương mại nhằm tăng thu và giữ tốt quan hệ với khách hàng lâu dài.

Bao thanh toán mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp bán hàng và mua hàng. Cụ thể:

* Đối với doanh nghiệp bán hàng:

+ Cải thiện dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản.
+ Tăng doanh số bán hàng nhờ chính sách bán hàng trả chậm.
+ Giảm chi phí hành chính, quản lý công nợ.
+ Có nguồn tài chính mới mà không phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng, không yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.
+ Giảm thiểu nợ xấu, hạn chế rủi ro tín dụng.

* Đối với doanh nghiệp mua hàng:

+ Có thể mua hàng theo điều khoản thanh toán sau.
+ Sử dụng tín dụng người bán để tài trợ vốn lưu động.
+ Cơ hội đàm phán điều khoản mua hàng tốt hơn.
+ Đơn giản hóa thủ tục thanh toán nhờ tập trung thanh toán về một đầu mối là ngân hàng.

Bao thanh toán có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, như:

- Bao thanh toán truy đòi - miễn truy đòi
- Bao thanh toán có thông báo - không thông báo
- Bao thanh toán trong nước - xuất nhập khẩu

Hiện nay, bao thanh toán trong nước và bao thanh toán xuất nhập khẩu được các ngân hàng áp dụng phổ biến. Cụ thể, cơ chế hoạt động của hai hình thức này được thực hiện như sau:

* Bao thanh toán trong nước:
1.Bên bán hàng và ngân hàng ký kết hợp đồng bao thanh toán.
2.Bên bán hàng và ngân hàng cùng gửi thông báo về hợp đồng bao thanh toán cho bên mua hàng, trong đó nêu rõ việc chuyển nhượng khoản phải thu cho ngân hàng.
3.Bên mua hàng xác nhận về việc đã nhận thông báo và cam kết thanh toán cho ngân hàng.
4.Bên bán hàng giao hàng cho bên mua.
5.Ngân hàng ứng trước cho bên bán hàng.
6.Bên mua hàng thanh toán khoản phải thu cho ngân hàng khi đến hạn.
7.Ngân hàng thu phần ứng trước và thanh toán phần còn lại cho bên bán hàng

* Bao thanh toán xuất nhập khẩu:
1.Nhà xuất khẩu ký kết hợp đồng bao thanh toán xuất khẩu với ngân hàng thanh toán xuất khẩu.
2.Nhà xuất khẩu thông báo cho nhà nhập khẩu về việc chuyển nhượng khoản phải thu cho ngân hàng thanh toán xuất khẩu..
3.Nhà xuất khẩu giao hàng cho nhà nhập khẩu.
4.Nhà xuất khẩu giao bộ chứng từ liên quan đến khoản phải thu cho ngân hàng thanh toán xuất khẩu..
5.Ngân hàng thanh toán xuất khẩu. ứng trước cho nhà xuất khẩu.
6.Nhà nhập khẩu thanh toán khoản phải thu cho ngân hàng thanh toán xuất khẩu. khi đến hạn thông qua đơn vị bao thanh toán nhập khẩu – đối tác của ngân hàng thanh toán xuất khẩu..
7. Ngân hàng thanh toán xuất khẩu. thu phần ứng trước và chuyển phần còn lại cho nhà xuất khẩu.

Từ những vấn đề về bao thanh toán được trình bày ở trên, chúng tôi đi vào trình bày phương pháp hạch toán.

* Trường hợp bao thanh toán trong nước:

+ Khi hạch toán trường hợp này cần chú ý một số nguyên tắc sau:
- Chi phí liên quan đến việc ký kết hợp đồng bao thanh toán được hạch toán vào chi phí tài chính.
- Phí bao thanh toán trả cho ngân hàng bao thanh toán được hạch toán vào chi phí tài chính.
- Chứng từ liên quan đến việc bán hàng được chuyển giao cho đơn vị bao thanh toán.
- Số tiền người mua thanh toán cho ngân hàng bao thanh toán khi đến hạn. Ngân hàng bao thanh toán thanh toán phần còn lại cho doanh nghiệp.
- Số tiền mà ngân hàng bao thanh toán ứng trước cho doanh nghiệp mang tính chất của một khoản vay.
- Rủi ro liên quan đến việc thu hồi nợ từ người mua do ngân hàng bao thanh toán gánh chịu.

+ Phương pháp hạch toán:

- Phản ánh chi liên giao dịch ký kết hợp đồng bao thanh toán:

Nợ TK635 – Chi phí tài chính
Nợ TK133(1331) - Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (nếu có)
Có TK111,112…

- Phản ánh chi phí bao thanh toán phải trả cho ngân hàng bao thanh toán:

Nợ TK635 – Chi phí bao thanh toán
Có TK111,112…

- Khi giao hàng cho bên mua:

• Phản ánh giá vốn:

Nợ TK632 – Giá vốn hàng bán
Có TK155,156

• Phản ánh doanh thu:

Nợ TK131 - Tổng giá thanh toán
Có TK511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK333(3331) - Thuế GTGT đầu ra phải nộp (nếu có)

- Khi ngân hàng bao thanh toán ứng trước một phần số tiền cho doanh nghiệp:

Nợ TK111,112 - Số tiền ngân hàng bao thanh toán ứng trước.
Có TK311

- Đến hạn thanh toán, người mua thanh toán tiền hàng cho ngân hàng bao thanh toán. Ngân hàng bao thanh toán thanh toán phần còn lại cho doanh nghiệp.

Nợ TK111,112 - Số tiền còn lại mà ngân hàng thanh toán
Nợ TK311 - Số tiền ngân hàng bao thanh toán đã ứng trước
Có TK131 - Số tiền bán chịu người mua

* Trường hợp bao thanh toán xuất nhập khẩu:

- Phản ánh chi liên giao dịch ký kết hợp đồng bao thanh toán:

Nợ TK635 – Chi phí tài chính
Nợ TK133(1331) - Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (nếu có)
Có TK111,112…

- Phản ánh chi phí bao thanh toán phải trả cho ngân hàng bao thanh toán:

Nợ TK635 – Chi phí bao thanh toán (Theo tỷ giá giao dịch thực tế)
Có TK111,112…(Theo tỷ giá ghi sổ kế toán)
(Chênh lệch tỷ giá hối đoái được hạch toán vào chi phí hoạch doanh thu tài chính.)
Đồng thời: Có TK007 - Ngoại tệ các loại

- Khi giao hàng cho bên mua:

• Phản ánh giá vốn:

Nợ TK632 – Giá vốn hàng bán
Có TK155,156

• Phản ánh doanh thu:

Nợ TK131 - Tổng giá thanh toán (Theo tỷ giá giao dịch thực tế)
Có TK511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Theo tỷ giá giao dịch thực tế)

• Phản ánh thuế xuất khẩu phải nộp

Nợ TK511
Có TK333(3333-XK) - Thuế xuất khẩu phải nộp Nhà nước

- Khi ngân hàng bao thanh toán ứng trước một phần số tiền cho doanh nghiệp:

Nợ TK111,112 - Số tiền ngân hàng bao thanh toán ứng trước. (Theo TG GDTT)
Có TK311 – Theo TG GDTT
Đồng thời: Nợ TK007 - Ngoại tệ các loại

- Đến hạn thanh toán, người mua thanh toán tiền hàng cho ngân hàng bao thanh toán. Ngân hàng bao thanh toán thanh toán phần còn lại cho doanh nghiệp.

Nợ TK111,112 - Số tiền còn lại mà ngân hàng thanh toán (Theo TG GDTT)
Nợ TK311 - Số tiền ngân hàng bao thanh toán đã ứng trước (Theo TG GSKT)
Có TK131 - Số tiền bán chịu người mua (Theo TG GSKT)
(Chênh lệch tỷ giá hối đoái được hạch toán vào chi phí hoạch doanh thu tài chính.)
Đồng thời: Nợ TK007 - Ngoại tệ các loại

Trên đây là một số nội dung bàn về hạch toán nghiệp vụ bán hàng trong trường hợp áp dụng bao thanh toán chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc.

Th.S Nguyễn Trung Lập
Tapchiketoan
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top