Những Cô Em Gái

emviai

New Member
Hội viên mới
Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam - VIETBOOKS đang xem xét nhằm ghi nhận và tiến hành xác lập nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn viết truyện thiếu niên xuất bản nhiều nhất Việt Nam.



Do từ lâu, tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh đã trở nên rất quen thuộc với thanh thiếu niên Việt Nam bởi những tác phẩm viết về tuổi học trò hồn nhiên thơ mộng, mang dáng dấp của thời “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” như: Thằng quỷ nhỏ, Bồ câu không đưa thư, Mắt biếc, Hoa hồng xứ khác, Bàn có năm chỗ ngồi, Phòng trọ ba người, Buổi chiều Windows… Tuy tác giả không chủ định viết thành bộ nhưng độc giả trẻ tuổi đã đọc những cuốn truyện này thì phải thưởng thức trọn 23 cuốn. Bộ sách này được gọi tên là “bộ sách 23 cuốn của Nguyễn Nhật Ánh dành cho tuổi mới lớn”, trở thành hiện tượng đặc biệt trong viết và xuất bản sách thiếu niên ở Việt Nam.

images437539_nhatanh.jpg
 
Chương 1

Năm lớp mười hai của tôi là một năm vô cùng buồn tẻ.
Bạn bè cũ tản mác đứa một phương. Thằng Nghị, "giáo sư" Bá và nhỏ Hồng chà-và xấu người đẹp nết tiếp tục học lớp mười hai tại trường tỉnh lỵ. Ngữ và Hòa lé rớt tú tài một năm đó, buồn tình khăn gói vào phương Nam lập nghiệp. Tôi và Gia Khanh ra Đà Nẵng.

Gia Khanh học khác trường với tôi, nó học trường con gái tôi học trường con trai. Nhưng dù nó có học chung với tôi, hai đứa cũng chả còn gì để nói. Từ khi phát hiện Gia Khanh có người yêu ngoài quê, sao chổi Halley trong lòng tôi đã tắt.
Không bà con thân thích, chẳng bạn bè quen, tôi lọt thỏm giữa thành phố lớn như lạc vào một hành tinh xa lạ, buồn ơi là buồn.
Ba tôi gửi tôi ở nhờ nhà một người bạn quen tên Đán. Gọi là "nhà", thực ra đó chỉ là một căn phòng nhỏ xíu ngay trong cơ quan bác Đán làm việc.
Gọi căn phòng thực ra cũng là gọi cho oai. Đó chỉ là một khoảnh diện tích nhỏ ngăn bớt của phòng làm việc để làm chỗ ngủ. Phòng chỉ đủ chỗ kê một cái tủ, một cái bàn, một chiếc giường con. Từ khi tôi xuất hiện, căn phòng có thêm một chiếc ghế bố.
Đêm đầu tiên, nằm trong mùng nghe muỗi bay vo ve bên ngoài, tôi nhớ nhà đến ứa nước mắt. Tôi nhớ ba mẹ, nhớ các em tôi, nhớ đám bạn bè cũ ghê gớm.
Bác Đán nằm trên chiếc giường con bên cạnh nghe tôi trằn trọc, gióng tiếng hỏi:
- Gì vậy con?
- Dạ, không có gì ạ.
- Muỗi nhiều con hả?
- Dạ không ạ.
- Hay rệp đốt?
- Dạ không.
Bác Đán không nghĩ tôi nhớ nhà. Con trai lớp mười hai chuẩn bị vào đại học lẽ đâu lại giống đứa con nít lên năm.
- Chắc con lạ chỗ nên khó ngủ!
Bác Đán chép miệng nói, rồi hạ giọng vỗ về:
- Ráng ngủ đi con. Ngày đầu bác cũng y như con vậy.
Tôi đi học xa nhà lần này không phải là lần đầu. Lên lớp mười, tôi đã khăn gói vô Tam Kỳ, sống xa ba mẹ tôi, xa các em tôi, xa con suối trong vắt chảy qua làng, xa ngõ tre bốn mùa râm mát.
Nhưng hai năm ở Tam Kỳ, tôi có Ngữ, Nghị, Hòa, Bá. Tôi có Hồng chà-và, tôi có Gia Khanh. Ra Đà Nẵng, tôi không có ai quen. Đêm đầu tiên ngủ trong căn phòng lạ, tôi cứ thao láo mắt nhìn lên đỉnh mùng, bâng khuâng tưởng mình là Robinson đêm đầu tiên ngủ ngoài hoang đảo.
Sáng dậy, bác Đán đưa tôi một chiếc chìa khóa:
- Đây là chiếc chìa khóa phòng. Bác một chiếc, con một chiếc. Mỗi lần đi đâu nhớ khóa cửa lại.
Tôi "dạ". Và cầm lên chiếc ổ khóa bằng đồng, tôi mở ra bấm vào cho quen tay.
Sau đó, tôi khóa cửa phòng, xách cặp đi học.
Từ chỗ tôi ở cuốc bộ đến trường mất khoảng hai mươi phút. Tôi rảo qua các dãy phố, quẹo ba ngã tư mới đến nơi.
Cũng như hôm khai trường, tôi ngồi trong lớp lẻ loi một mình một góc. Tụi bạn chung quanh chuyện trò như bắp rang, chẳng ai để ý đến một học trò tỉnh lẻ mới lên như tôi.
Ngồi cạnh tôi là một đứa có mái tóc dợn sóng, mặt xương xương, trông khá đẹp trai nhưng lại mắc tật nói lắp. Nó cũng ngồi lơ ngơ một mình như tôi.
Ngó quanh quất một hồi, nó xích lại gần tôi:
- Mày... mày ở Điện... Điện Bàn ra à?
Chờ thằng này nói hết câu, tôi ngóng muốn trẹo cổ. Nhưng dù sao có người bắt chuyện cũng hơn không. Tôi vui vẻ:
- Không, năm ngoái tao học trường Trần Cao Vân.
Thằng bạn mới gật gù vẻ hiểu biết:
- Quê... quê mày ở Tam... Tam Kỳ à?
- Không, tao ở Thăng Bình. Nhưng trường quê tao chưa mở cấp ba.
Nó gật gù:
- Mày... mày tên gì?
- Tao tên Khoa. Còn mày?
- Tao... tao tên Hồng... Hồng Hà.
Tôi ngạc nhiên:
- Hồng Hồng Hà à? Sao mày lót tới hai chữ Hồng lận?
Nó lắc đầu, vẻ khổ sở:
- Không... không phải! Tên tao là Hồng... Hồng Hà.
Tôi lại trố mắt:
- Thì hai chữ Hồng chứ gì nữa!
Nó giơ một ngón tay lên:
- Có... có một chữ Hồng... Hồng à.
Đến lúc này tôi mới sực nhớ đến cái tật nói lắp của nó, bèn nhe răng cười:
- Tao hiểu rồi. Tên mày là Hồng Hà.
Thấy tôi nói đúng tên nó, Hồng Hà sướng rơn. Nó lại giơ một ngón tay lên:
- Mày... mày... thông minh lắm.
Tôi thấy tôi chả thông minh tẹo nào nhưng nghe nó khen, tôi cũng vui vui.
Tới phiên tôi chất vấn:
- Năm ngoái mày học trường nào?
- Trần Quý... Quý Cáp.
Lần này thì tôi biết chắc ông Trần Quý Cáp này chỉ lót có một chữ Quý. Tôi nheo mắt:
- Vậy là mày ở Hội An ra?
Hồng Hà gật đầu:
- Ừ, Hội... Hội An là quê... quê tao.
Tôi hất đầu về phía những đứa khác:
- Mày biết tụi kia không?
- Không... không biết. Tụi nó chắc là học... học sinh trường này.
Do cảnh ngộ đưa đẩy, từ hôm đó tôi và Hồng Hà dần dần trở thành một đôi bạn thân.
 
o O o

Nhưng hai đứa tôi chơi thân với nhau là chuyện sau này. Còn trong những ngày đầu, lòng tôi vẫn không nguôi buồn bã.
Tôi buồn đến mức đầu óc lúc nào cũng nhớ nhớ quên quên.
Hôm đầu tiên bấm cửa phòng, tôi không đem theo chìa khóa. Trưa, tôi về, bác Đán đi đâu mất. Tôi lục khắp các túi áo túi quần một cách vô vọng, những ngón tay muốn đục thủng các lớp vải mà chiếc chìa khóa vẫn chẳng thấy đâu.
Tôi lấy sợi kẽm chọc vào ổ khóa ngoáy quấy quá một hồi. Cuối cùng thúc thủ, tôi đành ném cặp xách rơi đánh xoạch vào bên trong rồi bám vách leo vô.
Không có bác Đán, tôi không biết đường mò đến nhà bà Dần nấu cơm tháng. Trưa đó, tôi ôm tập thơ Gửi hương cho gió nằm đọc cho quên cơn đói. Những câu thơ Xuân Diệu ru tôi ngủ thiếp lúc nào không hay.
Tôi bừng tỉnh khi cửa phòng xịch mở.
Bác Đán bước vào, giật bắn người khi thấy tôi nằm lù lù bên trong:
- Ủa, sao hồi trưa con không đi ăn cơm?
Tôi không dám nói tôi không biết đường đến nhà bà Dần:
- Dạ, con ăn rồi.
- Con ăn ở đâu?
- Dạ, ở trên trường! - Tôi phịa và nghe bụng reo lên - Con ăn bánh mì với tụi bạn.
Bác Đán sực nhớ ra:
- Ủa, con vào bên trong sao lại khóa cửa bên ngoài?
Tôi đỏ mặt:
- Dạ, hồi sáng con bỏ quên chìa khóa ở nhà! - Tới đây, tôi bỗng lây tật nói lắp của thằng Hồng Hà - Thế là... thế là con leo... leo vô!
Bác Đán ngước nhìn bức vách. Rồi như nghĩ ra điều gì, bác rảo bước lại chỗ bàn làm việc.
Tôi dõi mắt theo từng hành động của bác và tái mặt khi thấy bác cầm lên xấp hồ sơ in nguyên nửa dấu giày dơ hầy của tôi.
Tôi nhắm mắt lại, chờ một cơn trách mắng trút xuống đầu.
Nhưng bác Đán là người... hiền lương. Bác nói giọng nhẹ nhàng:
- Lần sau đi ra ngoài con nhớ đem theo chìa khóa nghe con!
Tôi thở phào:
- Dạ, con sẽ nhớ.
- Con cũng nhớ trưa và tối về ăn cơm với bác. Đừng ăn uống lung tung ngoài đường.
- Dạ, con nhớ.
Không biết bác Đán có tin những lời hứa hùng hồn của tôi không mà chợt nói:
- Bác với ba con thân nhau như anh em ruột. Bác lo cho con như lo cho con trai bác.
Giọng tâm tình của bác Đán khiến tôi nao nao trong dạ. Tôi bỗng hối hận vì đã leo vách vào phòng. Tôi hối hận vì đã làm bẩn hồ sơ giấy tờ của bác. Và tôi nói:
- Con sẽ nghe lời bác như nghe lời ba con.
Khi hứa như vậy, xin thề có trời đất chứng giám, tôi đã nói thật một trăm phần trăm. Tôi đã nói thật lòng bằng một giọng suýt khóc và ngày hôm sau tôi tiếp tục bỏ quên chìa khóa trong phòng.
Và bác Đán lại dịu dàng:
- Lần sau đừng vậy nữa nghe con?
Tôi "dạ". Và lại bỏ chìa khóa trong phòng lần thứ ba.
Điều bá láp nào cũng vậy, hễ lặp lại đến lần thứ ba thì tới sắt đá cũng phải dao động. Mẹ của bậc đại hiền Tăng Sâm lần đầu tiên nghe người ta bảo Tăng Sâm giết người vẫn tỉnh bơ ngồi dệt vải. Bà tin tưởng tuyệt đối con mình và biết chắc đó là lời đồn nhảm. Người thứ hai chạy ngang qua nhà bảo Tăng Sâm giết người, bà vẫn thản nhiên tiếp tục công việc. Nhưng đến khi người thứ ba cũng lặp lại y như thế thì bà hốt hoảng quăng thoi bỏ chạy.
Mẹ Tăng Sâm còn không giữ nổi bình tĩnh trước một sự việc lặp đi lặp lại, huống gì bác Đán tôi.
Lần thứ ba, bác Đán tôi đã chán làm người hiền lương. Bác chán dịu dàng, nhỏ nhẹ. Bác lớn tiếng quở trách:
- Trời ơi là trời, mày làm sao thế hở con?
Tôi im lặng. Vì không biết trả lời sao.
Bác Đán ôm đầu:
- Đầu óc mày lãng đãng như thế, làm sao mà học hành, làm sao thuộc bài thuộc vở được hở con?
Tôi lí nhí:
- Năm ngoái con đứng nhất lớp.
- Đó là năm ngoái! - Bác Đán đưa mắt nhìn tôi, nghi ngờ - Năm ngoái chắc mày đâu có quên trước quên sau!
Năm ngoái đúng là tôi không lơ ngơ như năm nay thật. Chỉ vì năm ngoái tôi nhiều bạn. Chỉ vì năm ngoái tôi mải yêu. Dù yêu phải hoa hồng... xứ khác, chẳng tới đâu.
Năm nay tôi ra thành phố lạ. Tôi đang "buồn viễn xứ khôn khuây" như lời thơ Quang Dũng. Cho nên tôi cứ lơ lơ lửng lửng suốt ngày.
Cho nên cách nhau có một bức vách mỏng mà tôi cứ ở bên ngoài còn chiếc chìa khóa thân yêu của tôi cứ ở bên trong, hoài hoài như vậy. Chán ghê!

o O o

Tôi càng chán hơn nữa khi phát hiện tụi bạn cùng lớp nói tiếng Pháp như gió, lại hay không tưởng nổi. So với cái giọng nhà quê của tôi, thật khác xa một trời một vực.
Tôi học sinh ngữ Pháp từ năm lớp sáu. Xưa nay, tôi luôn luôn đứng đầu lớp môn Pháp văn. Năm ngoái, tôi đứng nhất, "giáo sư" Bá đứng nhì.
Nhưng tôi là học sinh tỉnh lẻ. Dạy tôi lâu nay là các thầy giáo già. Các thầy dạy tôi kiểu tiếng Pháp nói theo giọng quê kiểng.
Các thầy trò ngước lên hàng chữ "C'est un matin" trên bảng, lớn giọng đọc:
- Xe ton ma tanh.
Chúng tôi ngồi dưới ê a đọc theo.
Hết "xe ton ma tanh" đến "xe ton banh lông", "xe ton cờ ray giông". Kiểu phát âm đó, thú thật chỉ có thầy trò tôi hiểu với nhau. Người Paris nghe, chắc họ phải đoán mò khổ sở.
Thầy giáo dạy tiếng Pháp năm lớp mười hai của tôi là thầy Xuân Thu, vừa tu nghiệp tại Pháp về.
Khác với các thầy giáo tôi học trước đây, từ đầu giờ đến cuối giờ thầy Xuân Thu "nổ" toàn tiếng Tây, không chêm một tiếng Việt. Tôi nghe như vịt nghe sấm.
Trong khi đó, những đứa khác tỉnh bơ. Thầy Xuân Thu "nổ" một tràng, tụi nó liền "nổ" một tràng khác, tụi nó lập tức đáp lễ bằng một tràng lạch tạch khác nữa. Những lúc đó, tôi tưởng như mình đang ngồi trong một lớp học bên Tây, mặt méo đi vì lo lắng.
Tiết tiếng Pháp nào cũng thế, thầy xuân Thu và tụi kia "nổ" qua "nổ" lại ì xèo suốt buổi học. Nhiều lúc, tai ù như xay lúa, tôi lại có cảm giác đang lạc vào một trận đấu súng, suốt buổi cứ co rúm trong góc lớp, nơm nớp sợ thầy ngoắt mình ra... đấu súng tay đôi.
Thấy tôi muốn són ra quần, Hồng Hà mỉm cười hỏi:
- Mày... mày nghe được... được hết không?
Tôi gật đầu:
- Tất nhiên là nghe đuợc hết.
- Mày... mày hiểu được... được hết không?
Tôi thở dài:
- Tất nhiên là không hiểu chữ nào hết.
Rồi tôi nhìn nó, mong tìm một đồng minh dốt đặc cán mai như mình cho đỡ tủi.
- Mày cũng không hiểu chữ nào phải không?
- Tao hiểu... hiểu được khoảng tám... tám, chín mươi phần trăm.
- Xạo đi mày! - Thấy thằng cà lăm này không chịu dốt như mình, tôi thình lình đổ quạu.
- Thật... thật đó! - Hồng Hà nuốt nước bọt - Tao... tao chỉ nói là... là dở!
Nghe lời thú nhận buồn bã của Hồng Hà, lòng tôi bất giác chùng xuống. Hồng Hà nói tiếng Việt còn khó khăn trăm bề, huống gì nói tiếng Pháp. Nó mà nói chữ "carotte", sẽ không ai dám ăn củ cà rốt đó là cái chắc, thế nào nó cũng phát âm thành "ca... ca... rotte" cho mà xem. Người Pháp mà nghe tới chữ "caca" là bịt mũi bỏ chạy cả ngàn cây số. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp Hồng Hà. Trình độ tiếng Pháp của nó chắc không kém gì tụi bạn cùng lớp, chỉ tại cái tật nói lắp tai hại kia mà nó phải chịu thiệt thòi.
Để nó bớt buồn, tôi hỏi lảng sang chuyện khác:
- Tụi kia nói tiếng Pháp giỏi quá hén mày?
- Tụi... tụi nó đa số là học... học sinh lycée Pascal chuyển qua. Hôm... qua tao mới điều... điều tra ra.
Tôi tròn mắt:
- Tụi nó là dân trường Tây hả?
- Ừ.
- Ra vậy! - Tôi xuýt xoa - hèn gì tụi nó nói tiếng Tây y như... Tây!
Tôi chợt ngạc nhiên:
- Ủa, tại sao tụi nó không tiếp tục học ở bên Pascal mà chuyển qua đây làm gì?
- Tụi... tụi nó sợ rớt tú tài tiếng Pháp. Tụi... tụi nó cho rằng thi bên này dễ hơn.
Tụi này tính toán khôn ghê. Tôi nhủ bụng. Thi tú tài ban văn chương, môn tiếng Pháp được xếp tới hệ số 3. Tụi nó học lycée Pascal từ nhỏ, làm bài thi môn tiếng Pháp ẵm điểm chín, điểm mười là cái chắc.
Từ khi bắt đầu học tiếng Pháp, tôi đã nghe bạn bè trầm trồ kháo nhau về tụi học sinh trường Tây. Tụi nó bảo dân trường Tây học siêu lắm, lại toàn dân nhà giàu.
Tôi không ao ước là dân nhà giàu, tôi chỉ muốn học siêu. Vì tôi sợ thi rớt. Vì tôi sợ mỗi khi thầy Xuân Thu kêu lên, tôi cứ đứng trơ như phỗng sẽ làm trò cười cho thiên hạ.
Hôm sau, tôi đến lycée Pascal ghi tên học lớp đêm.
 
Chương 2

Lycée Pascal gồm hầu hết là người Pháp. Hiếm hoi lắm mới gặp một người Việt.
Cô nhân viên bàn giấy bảo tôi ghi tên thi xếp lớp. Thấy mấy ông Tây bà đầm lượn qua lượn lại trước mặt, tôi sợ run, xin được khỏi thi:
- Cô cứ xếp em vào lớp thấp nhất.
- Lớp thấp nhất là lớp vỡ lòng.
- Dạ, em học lớp vỡ lòng cũng được.
Cô nhân viên ngó sửng tôi:
- Lớp đó chỉ dành cho các em bé bảy, tám tuổi em à.
Tự nhiên tôi thèm được nhỏ đi mười tuổi kinh khủng. Để được vào học lớp vỡ lòng. Để khỏi thi cử lôi thôi. Thi xếp lớp, ông Tây hỏi, tôi có hiểu quái gì đâu mà đáp. Xưa nay học tiếng Pháp, tôi khá môn luận văn, giỏi môn văn phạm, siêu đẳng khi phân tích từ và câu, và nhớ gần như toàn bộ cách chia các động từ bất quy tắc. Còn môn vấn đáp tôi chỉ đáng xếp vào lớp vỡ lòng với các em bảy, tám tuổi.
Tôi ấp úng:
- Trên lớp vỡ lòng là lớp gì hở cô?
- Trên lớp vỡ lòng là lớp một.
Tôi liếm môi:
- Vậy cô cho em vào lớp một.
- Không được! - Cô nhân viên lắc đầu.
- Được mà cô! - Tôi năn nỉ - Em hứa sẽ không chọc ghẹo, không bắt nạt các em bé cùng lớp! Thậm chí có bé nào mắc ị, em sẵn sàng dẫn bé...
Thấy tôi giơ tay lên chuẩn bị thề, cô nhân viên liền cắt ngang lời cam kết long trọng của tôi:
- Ở bên trường Việt, em học lớp mấy?
- Dạ, lớp mười hai.
- Vậy là em đang học cuốn Mauger 2?
Tôi run lên, linh cảm có điều chẳng lành:
- Dạ.
- Vậy tôi xếp em vào lớp tám.
Tôi nhảy dựng như bị ong đốt:
- Í, không được đâu cô ơi. Em học Mauger 2 nhưng học dở nhất lớp đó cô. Trình độ em chỉ ngang cuốn Le Francais élémentaire à.
Thấy tôi sắp sửa lăn đùng ra bất tỉnh, cô nhân viên nhượng bộ:
- Vậy tôi xếp em vào lớp bảy.
Tôi trả giá:
- Xuống luôn lớp sáu đi cô!
Thế là tôi vào lớp sáu trường Pascal, học chung với đám nhóc tì mười ba, mười bốn tuổi.
Lớp học bắt đầu từ năm giờ chiều, bốn giờ rưỡi tôi đã có mặt.
Lycée Pascal có cái sân đẹp tuyệt vời. Các bồn hoa nằm rải rác khắp nơi, các lối đi toàn rải sỏi.
Tôi đến sớm, ngồi trên ghế đá cạnh lối đi, đảo mắt nhìn từng khuôn mặt lướt qua, thấy khuôn mặt nào cũng nghiêm nghị và xa lạ.
Thỉnh thoảng thấy vài đứa con gái cỡ tuổi tôi ôm tập đi ngang qua trước mặt, tôi nhỏm người dậy tính làm quen nhưng rồi thấy tụi nó đầm điếc quí tộc quá, tôi bỗng ngài ngại, đành đặt đít ngồi xuống, tiếp tục câm như hến.
Tôi ngồi một mình ngoài sân suốt nửa tiếng đồng hồ, thấy thời gian sao mà đằng đẵng. Chỉ đến khi nghe tiếng chuông reo, tôi mới lững thững vào lớp và lấm lét chuồn tuốt xuống dưới góc.
Dạy lớp sáu là thầy Pierre, trùng tên với đại tông đồ của chúa Jésus, và đẹp trai không thua gì chúa Jésus.
Khuôn mặt thanh tú, mắt xanh biếc, tóc xõa thành lọn xuống hai vai, thầy Pierre vừa ngồi xuống ghế đã liếc nhìn một vòng khắp lớp.
Tôi có cảm giác thầy đang lia tiểu liên, liền rùng mình cúi đầu xuống, hy vọng thầy không kêu tôi đứng lên.
Thầy Pierre không phát hiện ra tôi thật. Sau khi quét mắt một vòng, thầy lật cuốn sách trước mặt và chấm viết vào sổ, kêu học trò lên trả bài.
Tụi học trò cầm theo sách của mình lên bảng, đọc bài lecturei trong sách và trả lời những câu hỏi của thầy dựa theo bài học.
Khi đứa học trò đầu tiên cất giọng đọc, tôi mừng rơn khi nhận ra đó là cuốn Mauger 1 tôi đã từng học qua.
Nhưng khi đứa học trò đọc xong, thầy Pierre bắt đầu hỏi thì tôi lại run cầm cập. Y như những tiết học tiếng Pháp của thầy Xuân Thu, tôi nghe thầy Pierre và thằng nhóc trên bảng đối đáp như gió, không tài nào hiểu kịp.
Thằng nhóc đi xuống, thằng nhóc khác lên. Hai thầy trò lại nổ lốp bốp khiến tôi càng xanh mặt. May mà hôm đó, thầy Pierre không kêu đến tôi.
Ngày hôm sau cũng diễn ra y như hôm trước. Tôi lại vểnh tai trâu nghe thầy Pierre giảng bài, tiếng được tiếng mất. Nhưng lần này tôi bớt run. Tôi đã xác định rồi. Rằng trình độ nghe và nói của tôi kém, tôi mới phải vào đây học. Tôi nhớ ai đó đã nói "Dốt không đáng sợ, đáng sợ là dốt mà không biết mình dốt". Tôi dốt và tôi biết tỏng là mình dốt, vậy người khác không sợ tôi thì thôi, việc quái gì tôi phải sợ ai.
Tôi cũng nhớ cả lời ông bà dạy "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Ông bà ta thật giỏi, không hiểu làm sao các vị biết có ngày có một tên cháu chắt tám mươi đời của các vị chui vào lycée Pascal ngồi đực mặt trước ông thầy Tây mà sáng tác ra câu này để trấn an và hướng dẫn.
Tôi áp dụng tục ngữ Việt Nam vào trường Tây một cách suôn sẻ. Suốt một tuần tôi không hề thưa thốt. Tôi chăm chỉ dựa cột mà nghe.
Dù là nghe lõm bõm.
"Thánh" Pierre ỷ mình giữ chìa khóa cổng vào nước trời nên tỏ ra cao ngạo. Đã một tuần lễ trôi qua mà ông không nhận ra tôi đang lấp ló trước cửa thiên đường.
Chỉ có bọn học trò lóc chóc là ngạc nhiên. Ngày đầu tiên, thấy tôi ló đầu vào lớp, chúng tưởng là giáo viên trợ giảng. Ngày hôm sau chúng nghi tôi là thầy giám thị. Bây giờ thì chúng đoan quyết tôi là người của... Sở điệp viên.

o O o

Lớp đêm tôi đang theo học tan lúc bảy giờ. Không đêm nào tôi về nhà ngay. Tôi ôm tập đi lang thang qua các ngả phố để nghe nỗi buồn gặm nhấm trái tim tôi.
Tôi đi qua các ngã tư đèn màu, thấy lòng mình chớp nháy. Tôi vào các cửa hiệu chẳng để mua gì. Người qua đường không ai nhìn tôi.
Trong khi tôi nhìn tất cả mọi người. Để xem có ai quen. Để mong mỏi được gọi trên môi một cái tên thân thiết. Tôi thèm đuược thốt lên một cách ngạc nhiên sung sướng: "Ồ, Nghị, mày ra Đà Nẵng hồi nào vậy?". Tôi thèm được reo tở mở: "A, Bá, mày ra ngoài này thăm bà con hả?".
Cũng có đôi khi tôi mơ mộng đến một điều kỳ diệu: "Ủa, Gia Khanh đi đâu đây?" - "Khoa hỏi lạ! Gia Khanh đi tìm Khoa chứ đi đâu!" - "Tìm Khoa?" - "Ừ, tìm Khoa!" - "Chi vậy?" - "Gia Khanh nhớ Khoa lắm!"...
Thường thì tôi chỉ mới tưởng tượng đến đó, hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa tôi và gã người yêu của Gia Khanh ở quán Ngàn Khơi dạo nọ lại hiện ra cắt đứt giấc mơ ngọt ngào trong đầu tôi.
Và tôi lại buồn bã quay về làm chàng chăn cừa cô đơn lang thang trên đồng cỏ, nhìn sao trời mà nhớ nàng Stéphanette.
Cho đến một hôm...
 
Hôm đó, sau khi ôm tập đi tha thẩn qua các phố khuya đến rã cẳng, tôi mệt mỏi lê gót về chỗ ở nằm trên đường Bạch Đằng chạy dọc sông Hàn.
Lúc đang xuôi theo đường Nguyễn Du để về bờ sông, tiếng đàn dương cầm không biết từ đâu vọng tới khiến tôi tự dưng bâng khuâng vô hạn và bất giác chùng bước lại.
Đường Nguyễn Du giờ này vắng vẻ, tiếng dương cầm càng thánh thót, và tôi không tài nào bước nổi. Tiếng đàn giữa đêm khuya đã níu chân chàng chăn cừa cô đơn.
Tôi sững sờ dừng chân bên hè phố, ngơ ngác nhìn quanh. Sau một lúc dáo dác, tôi phát hiện tiếng đàn kỳ diệu kia vọng ra từ ô cửa sổ sáng đèn trên lầu một ngôi nhà nhiều tầng bên kia đường.
Tôi còn nhìn rõ bóng người con gái tóc dài in lên bức rèm cửa cứ chốc chốc lại lay động mỗi khi có gió thoảng qua.
Trong một thoáng, tôi hiểu ra người con gái vô danh kia chính là nàng Stéphanette của tôi. Gia Khanh không phải là nàng Stéphanette. Gia Khanh chỉ là sao chổi Halley, thoắt hiện ra rồi biến mất khỏi cuộc đời tôi. Để cho tôi mừng hụt. Để cho tôi lúc nào cũng cảm thấy buồn thiu.
Trong những giờ phút quạnh hiu nhất của cuộc đời tôi, Gia Khanh đã không màng tìm đến. Chỉ có tiếng đàn dương cầm kia kịp lúc đến an ủi trái tim tôi, xoa dịu nỗi cô đơn trong lòng người con trai xa xứ.
Tôi ngồi bệt xuống hiên nhà bên này đường, bâng khuâng nhìn lên ô cửa bên kia, nghe tiếng đàn chảy qua lòng như dòng suối mát.
Tôi không dám băng qua đường. Tôi không dám ngồi dưới cửa sổ nhà nàng Stéphanette. Tôi sợ chó dữ nhà nàng xồ ra. Tôi sợ nàng hắt nước trúng đầu tôi. Như vậy thì giấc mơ của chàng chăn cừa sẽ tan biến.
Tối đó, tôi về đến nhà khuya lơ khuya lắc. Tiếng đàn đã ru tôi vào cơn mơ màng tự lúc nào không hay. Tôi chỉ đứng lên khi tiếng đàn đã ngưng, đèn trong nhà đã tắt và hai cánh cửa đã lạnh lùng đóng lại.
Bác Đán hỏi tôi:
- Sao hôm nay con về muộn thế?
Tôi nói dối:
- Con gặp một đứa bạn quen ở trong quê ra.
Bác Đán không hỏi gì thêm. Có lẽ vì bác thấy tôi buồn buồn. Có lẽ bác nghĩ tôi đang nhớ quê sau khi gặp lại bạn cũ.
Càng ngày bác Đán càng tin chắc điều đó khi thấy tôi dạo này mặt cứ thừ ra. Có khi bác bắt gặp tôi thẫn thờ như người mất của.
Bác Đán tôi đâu có biết đó là lúc chàng chăn cừu của bác đang bồi hồi nhớ nàng Stéphanette ngự ở lầu cao.
Suốt một tuần lễ liền, tối nào cũng thế, sau khi ôm tập ra khỏi cổng trường Pascal, dạo một vòng phố xá, tôi lại về ngồi bệt xuống vỉa hè đường Nguyễn Du, chong mắt lên ô cửa sổ sáng đèn ở tầng hai bên kia đường, ngẩn ngơ nghe tiếng piano phả nhạc xuống tâm hồn.
Tôi cứ ngồi như thế hằng buổi. Và ngẩn ngơ hằng buổi. Tiếng đàn thánh thót của nàng Stéphanette lúc đầu khiến tôi vui, nhưng càng về sau càng khiến tôi buồn nẫu ruột. Càng về sau tiếng đàn càng khiến tôi thấm thía sự lẻ loi của mình. Càng khiến tôi nhận ra tôi đang lủi thủi trên đường khuya giữa một thành phố lạ.
Nhiều lúc tôi an ủi mình bằng cách nghĩ rằng biết đâu sẽ có một hôm nàng Stéphanette thình lình vén rèm và nhìn thấy tôi đang ngồi nghệt mặt say sưa thưởng thức tiếng đàn của nàng. Thấy người hâm mộ yêu âm nhạc đến mức ngồi bệt dưới đất hằng giờ, chắc nàng sẽ vô cùng cảm động. Chắc nàng sẽ phóng xuống đất, tông cửa chạy ra và băng qua đường, vội vã đến mức quên mang cả dép.
Nàng sẽ đi chân trần đến trước mặt tôi, ngạc nhiên mấp máy: "Anh là ai?" - "Tôi là người yêu tiếng đàn của em" - "Anh ngồi đây tự bao giờ?" - "Từ lâu lắm rồi. Giờ này qua giờ khác. Đêm này qua đêm khác" - "Ôi, sao em không hề biết?" - "Rèm cửa đã che kín trái tim em" - "Sao anh không về nhà đi? Khuya rồi!" - "Tôi đã nghe sương xuống trên vai. Nhưng tôi là chàng trai lang thang, chỉ dừng chân nơi bến đỗ của tình yêu".
Nàng Stéphanette học dương cầm, chỉ biết Beethoven, Mozart, Schubert, những nhà soạn nhạc thiên tài, khả kính. Chắc nàng không bao giờ nghe cải lương. Nên nàng không biết tôi đã thuổng những lời đối đáp mùi mẫn kia trong vở "Tình anh bán nón".
Nàng không biết nên nàng nghe trái tim mình xao xuyến khôn tả. Nàng nói "Tội nghiệp anh ghê!" và xúc động nắm lấy tay tôi "Anh đứng lên đi!". Tôi đứng lên. "Anh vào nhà em đi, đây chính là bến đỗ của anh". Tôi theo nàng bước qua cửa thiên đường...
Khi tôi mơ thấy tôi bước qua cửa thiên đường cũng là lúc mắt tôi nhìn lên và thảng thốt nhận ra cửa sổ phòng nàng đã đóng tự đời tám hoánh nào. Chiếc chồi non mơ mộng của tôi chưa kịp đâm hoa đã vội héo khô ngay tắp lự.
Đêm đó, những câu thơ Nguyễn Bính đuổi theo tôi suốt dọc đường về:
Đêm qua và đêm nay
Và nghìn đêm về trước
Ta đi trên phố này
Ta đi trên phố khác
Hỡi nghìn cái cửa sổ
Rồi khép vào bên trong
Có thấu tình ta không
Có thấu tình ta khổ?
Cửa hàng nghìn khép lại
Tất cả một đêm nay
Có lòng ta rồ dại
Mở ra muôn ngàn ngày...
 
o O o

Tôi rời bỏ lycée Pascal sau mười ngày thử thách. Tôi dựa cột mà nghe được chín ngày. Đến ngày thứ mười "thánh" Pierre phát hiện ra một con chiên lạ mặt.
Thật ra mọi sự đổ bể là do tôi.
Khi dạy tiết Analyse grammatical, thầy Pierre viết câu "Je crains qu'il ne vienne" trên bảng rồi kêu cả lớp phân tích từ ne trong câu.
Đám nhóc tì không đứa nào biết chữ ne đó là hư từ, trả lời sai be bét.
Phần vì ngứa ngáy, phần vì nhớ lời dạy "biết thì thưa thốt" của ông bà, tôi liền ngoác miệng hùng hồn:
- C'est un mot explétif!
Đang thất vọng trước hàng loạt câu trả lời bá láp, bỗng nghe có người đáp trúng, thầy Pierre mừng như bắt được vàng, liền reo lên sung sướng:
- Bien! Très bien!
Và thầy quay phắt xuống dưới:
- Qui?
Cả lớp chong mắt vào tôi khiến tôi đỏ bừng mặt, ngượng ngập đứng lên.
Thầy Pierre nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên, rồi có lẽ tưởng tôi siêu môn tiếng Pháp của thầy, thầy liền "nổ" một tràng loằng ngoằng khiến tôi muốn té xỉu.
Rồi thấy tôi ấp a ấp úng, thầy Pierre lại tưởng tôi là bậc chính nhân quân tử, quen đức khiêm tốn không thích nói về mình nên "nổ" tiếp một tràng nữa để động viên.
Thấy hỏi liền hai câu mà tôi vẫn giương mắt ếch lên ngó, thầy Pierre đâm hoang mang. Thầy đưa tay vuốt mái tóc đẹp, ngờ ngợ nhìn tôi:
- Comprenez-vous?
Lần này thì tôi nghe rõ. Từ hồi bắt đầu học tiếng Pháp đến nay, đây là mẫu câu tôi nghe đã đến thuộc lòng: "Trò có hiểu không?".
Gặp câu hỏi quen thuộc, tôi mừng quýnh như gặp bạn cố tri nơi đất khách quê người, liền nhanh nhẩu:
- Non! Non!
Tôi nói "Em không hiểu" mà mặt cứ tươi hơn hớn. Tất nhiên mặt tôi rạng rỡ bao nhiêu thì mặt thầy Pierre buồn thảm bấy nhiêu. Tôi đã làm tan vỡ giấc mơ phát hiện nhân tài của thầy. Trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy áy náy nhưng chẳng biết làm sao. Tôi rất muốn đem lại niềm vui cho thầy nhưng việc đó quả thực nằm ngoài khả năng của tôi.
Thầy Pierre nhìn xoáy vào mặt tôi thêm một lúc như để xác nhận câu trả lời thông thái vừa rồi của tôi là hiện tượng "chó ngáp phải ruồi", rồi uể oải vẫy tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống.
Tôi ngồi xuống và ngay trong khoảnh khắc ấy, tôi biết chắc mình không đủ can đảm tái ngộ "thánh" Pierre và đám con chiên lóc chóc của thầy thêm một lần nào nữa.
Ngày hôm sau tôi giã từ lycée Pascal, giã từ khuôn viên xinh đẹp với những bồn hoa và lối đi rãi sỏi, giã từ giấc mộng trở thành học sinh trường Tây.
Nhưng dù không còn đi học thêm, chiều chiều tôi vẫn áo quần tề chỉnh ôm tập ra khỏi nhà.
Bác Đán không biết dạo này tôi không hề bén mảng đến thiên đường do "thánh" Pierre canh giữ mà mon men đến thiên đường của nàng Stéphanette trên đường Nguyễn Du.
Tôi đến trước cửa nhà nàng với vẻ sùng kính của một con chiên ngoan đạo đến trước cửa nhà thờ. Tôi đến đó để chiêm bái tình yêu. Dẫu là tình yêu trong tưởng tượng. Dẫu nàng Stéphanette chưa một lần ngứa tay vén rèm cửa sổ. Và lẽ dĩ nhiên là nàng không hề biết đêm đêm vẫn có một người ngồi bên kia đường say sưa nghe tiếng đàn của nàng và mê mải ngắm bóng nàng in trên rèm cửa.
Trong thời gian đó, tôi bắt đầu làm thơ.
Năm ngoái tôi đã từng cộng tác với "giáo sư" Bá làm những bài thơ con cóc, bị thằng Ngữ tức nhà thơ Ngu Kha chê tới chê lui. Nhưng năm ngoái tôi chưa biết buồn, tôi chưa biết cô đơn, tôi không có nỗi ưu tư nào cần giải tỏa. Tôi làm thơ chỉ để mong in lên báo tường của lớp. Vì vậy, thơ tôi dở ẹc. Vì nó không có hồn.
Năm nay thơ tôi đẫm nhớ nhung. Chàng chăn cừu làm thơ cho nàng Stéphanette, thơ bắt buộc phải hay.
Những vần thơ cô độc chảy ra từ trái tim tôi:
Tôi là chàng chăn cừu cô đơn lang thang trên đồng cỏ
Đêm không biết làm gì, ngồi đếm sao thưa
Có những lúc buồn không sao ngủ được
Mơ hồ tiếng ai trong tiếng gió lùa
Bác Đán thấy tôi những ngày gần đây hết ngơ ngơ ngác ngác lại tối tối chong đèn thức khuya lơ khuya lắc, lấy làm tò mò lắm.
Một hôm, bác hỏi:
- Con làm gì đấy hở con?
Thoạt đầu, tôi định chối. Nhưng không hiểu sao tôi lại thú thật:
- Con đang làm thơ.
Bác Đán gật gù:
- Những khi nhớ quê, người ta thường làm thơ con ạ!
Bác Đán tưởng tôi nặng lòng sầu xứ. Bác cổ vũ tôi:
- Con cứ làm thơ đi. Những vần thơ sẽ giúp con vơi đi nỗi nhớ!
Tôi không đính chính, chỉ ậm ừ.
Nào ngờ bác Đán chìa tay ra:
- Con đưa cho bác xem thử nào.
Không biết làm sao từ chối, tôi rụt rè đưa bài thơ đang làm dở cho bác.
Trong khi bác đọc, tôi lấm lét nhìn trộm, thấy mày bác càng lúc càng nhíu lại.
Đọc gần hết bài thơ, bác ngỡ ngàng kêu lên:
- Như vậy là con đang nhớ con bé nào chứ đâu phải đang nhớ quê!
Tôi cúi gầm mặt, không đáp.
- Có đúng vậy không con?
Tôi lí nhí, vẫn không ngẩng đầu lên:
- Dạ.
Tôi tưởng bác Đán sẽ rầy la, mắng mỏ. Nhưng bác chỉ thở dài:
- Cháu của bác đã là chàng thanh niên mà bác không để ý.
Và bác khuyên, giọng ân cần:
- Nhưng dù sao cũng đừng để bọn con gái hớp mất hồn con ạ. Đời con còn bao nhiêu việc phải làm.
Tôi lại "dạ", và không biết nói gì thêm.
Khuya đó, tôi cặm cụi làm cho xong bài thơ và sáng hôm sau gửi cho một tờ báo ở Sài Gòn: tuần báo Bạn Trẻ.
 
Chương 3

Tôi gửi thơ cho tuần báo Bạn Trẻ là gửi cho vui, không mong gì được đăng.
Sau ba tuần đọc "cọp" báo Bạn Trẻ ở hiệu sách gần trường, chẳng thấy bài thơ của mình đâu, tôi chán nản không màng theo dõi nữa.
Tôi thất vọng hiểu rằng mộng ước trở thành thi sĩ của tôi thế là đã tan thành mây khói.
Nhưng cuộc đời không hoàn toàn tệ bạc với tôi. Những ngày đó, tôi phấn khởi nhận ra tụi học sinh chuyển qua từ lycée Pascal không siêu đẳng như tôi tưởng.
Tụi nó nói tiếng Pháp như gió nhưng khi làm bài tập grammaire, chúng thường ít điểm hơn tôi. Và khi làm rédaction, tức môn luận văn, chúng càng thua tôi rõ rệt. Thua cả thằng Hồng Hà.
Tụi lycée Pascal viết tiếng Pháp như viết tiếng mẹ đẻ, dùng temps dùng mode chính xác cực kỳ, nhưng ý tưởng lại đơn giản.
Trong khi tôi và Hồng Hà được trui rèn trong văn chương tiếng Việt từ bé, bốn năm học phân tích bình giảng văn thơ đến chóng mặt, do đó khi làm luận văn, ý tưởng của hai đứa tôi luôn luôn phong phú hơn. Đó cũng là nhận xét của thầy Xuân Thu. Bao giờ chấm bài tập rédaction của tôi, thầy cũng hào phóng phê "ý dồi dào, văn gãy gọn".
Hôm bài rédaction đầu tiên được phát ra, thấy bài làm của tôi cao điểm nhất, tụi Pascal ngạc nhiên lắm. Chúng không tin một tên học sinh tỉnh lẻ lù khù, lần nào bị thầy Xuân Thu kêu lên cũng đứng ngay cán cuốc lại có "tài" đến thế.
Chúng cứ nhìn về phía tôi, xì xào bàn tán. Thằng Đông Anh ngồi gần tôi nhất. Ngập ngừng một lát, nó chìa tay ra:
- Ê, Khoa! Cho tao mượn bài làm của mày coi chút nào!
Tôi rụt rè đưa tờ giấy cho nó, bụng thấp thỏm không biết tụi này định khiếu nại, kiện cáo gì về bài làm của tôi với thầy Xuân Thu đây.
Thằng Đông Anh coi bài của tôi lâu thật lâu, xong chuyền qua cho thằng Diên bên cạnh. Một lát, thằng Diên chuyền cho thằng Bội. Thằng Bội chuyền cho thằng Minh Khôi.
Sau khi tụi Pascal chuyền lòng vòng một hồi, thằng Đông Anh đưa trả bài lại cho tôi, miệng xuýt xoa thán phục:
- Đứa nào cũng khen mày viết văn hay! Tụi tao không bắt chước cách viết bay bướm của mày được.
Tôi thở phào. Hóa ra tụi Pascal không nhỏ mọn như tôi nghĩ. Chúng mượn bài làm của tôi để xem cho biết, để "học hỏi", chứ không phải để "vạch lá tìm sâu" như những kẻ đố kỵ.
Tự nhiên tôi thấy khoảng cách giữa một học sinh tỉnh lẻ như tôi với tụi học sinh trường Tây được thu ngắn đáng kể.
Tôi nói với Đông Anh:
- Tao viết chả có gì đặc biệt. Tụi mày thừa sức viết như tao.
Đông Anh cười hiền lành:
- Mày khiêm tốn đấy hở?
Tôi cũng cười:
- Đâu có.
Tôi nói "đâu có" và tôi tiếp tục đạt điểm cao nhất ở môn rédaction lần thứ hai, lần thứ ba và không lần nào chịu tụt xuống hạng nhì từ đó cho đến cuối năm.
Nói cho đúng ra, sở dĩ tôi toàn thắng ở môn rédaction phần lớn nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Hồng Hà.
Làm luận văn, văn phạm vững vàng, ý tưởng phong phú chưa đủ. Cần phải có vốn từ dồi dào để thể hiện những ý tưởng đó. Mà ở môn từ vựng, tôi không phải là một học sinh xuất sắc.
Nhưng tôi đã có Hồng Hà. Nó là một cây từ vựng. Trong giờ luận văn, mỗi khi nghĩ ra được một ý hay hay nhưng không nhớ từ tương đương bên tiếng Pháp, tôi chỉ việc quay sang Hồng Hà:
- "Cảm hứng" là gì hở mày?
- L'enthousiasme.
- "Trong khoảng xa xăm" viết sao hở mày?
- Dans le lointain.
- Còn "cứu rỗi" là gì?
- La rédemption.
Hồng Hà đáp như máy, không cần suy nghĩ. Khi trả lời những câu hỏi của tôi, nó vẫn tiếp tục làm bài của nó, không buồn ngẩng đầu lên. Tất nhiên là nó không nói trôi chảy được như thế. Chữ "L'enthousiasme bao giờ cũng phải là "L'en... L'enthousi... siasme".
Nhưng chính nhờ nó mà trí tưởng tượng của tôi tha hồ bay bổng. Tôi không sợ thiếu từ để diễn tả. Tôi chỉ có một nhiệm vụ đơn giản là làm sao nghĩ ra được càng nhiều ý hay càng tốt, sao cho tụi thằng Đông Anh phải luôn luôn tâm phục khẩu phục "tụi tao không bắt chước mày được".
Ở môn rédaction, tôi lúc nào cũng đứng nhất, Hồng Hà lúc nào cũng đứng nhì. Nhưng Hồng Hà không bao giờ ghen tị với tôi. Mặc dù nó thừa hiểu, khi tôi hỏi, nếu nó không thèm đáp hoặc vờ bảo "không biết", tôi sẽ không thể nào đứng vững trên đỉnh cao chót vót của môn rédaction lâu như thế.
Nhưng Hồng Hà là đứa bạn tốt. Nó không thèm cạnh tranh với tôi. Nó chấp nhận đứng thứ hai, miễn là trên tụi thằng Đông Anh, thằng Diên, thằng Bội...
Hồng Hà là chúa "cục bộ trường Tây - trường ta". Mỗi lần thầy Xuân Thu phát bài tập rédaction, Hồng Hà bao giờ cũng sung sướng thì thầm vào tai tôi:
- Tụi... tụi Pascal học không bằng tụi trường... trường Việt mình đâu!
Và để bảo vệ sự hơn hẳn của "tụi trường Việt mình", Hồng Hà sẵn lòng làm cuốn từ điển sống cho tôi "tra cứu" bất kỳ lúc nào.
Hồng Hà là một cuốn tự điển sống hiểu theo nghĩa đen. Vì nó thuộc lòng nguyên cả cuốn từ điển Pháp Việt dày cộm, không sót một từ.
Phát hiện đó làm tôi vô cùng kinh hãi.
Thoạt đầu, mỗi khi bí từ vựng, tôi thường quay sang hỏi nó. Mặc dù tôi hỏi đâu, nó đáp đó, không bao giờ bí, cũng không bao giờ ngập ngừng, nhưng tôi chẳng chú tâm lắm. Tôi chỉ nghĩ tại tôi kém từ vựng. Tôi nghĩ vốn liếng của Hồng Hà chắc chỉ hơn tôi chút đỉnh và dĩ nhiên là không thể nào sánh bằng tụi Pascal.
Nhưng càng ngày tôi càng ngạc nhiên, khi nhận ra nhiều lúc tôi hỏi những từ vô cùng khó, nó vẫn chẳng thèm lúng túng mảy may.
- "Sự chiếu lệ" là gì hở mày?
- La routine.
- "Chim gõ kiến" là gì?
- Le pic.
- "Vong hồn"?
- Les mânes.
Tôi trố mắt khâm phục:
- Sao mày biết nhiều từ quá vậy?
- Ừ.
Hồng Hà trả lời chán phèo.
Tôi lại hỏi:
- Có từ nào mày không biết không?
- Chắc là có.
Tôi thăm dò:
- "Người bán thuốc Tây" gọi là gì?
- Le droguiste.
Tôi nhíu mày cố nghĩ một từ thật hóc hiểm:
- "Nền quân chủ lập hiến"?
Hồng Hà vẫn tỉnh khô:
- La monarchie constitutionnelle.
Đầu tôi xoay tít:
- "Bạch huyết cầu"?
- Le leucocyte.
Hồng Hà đối đáp như gió làm tôi đâm nghi:
- Đúng không đó mày?
- Đúng chứ.
Tôi chớp mắt:
- Tao nghi mày bịa ra quá.
Hồng Hà mỉm cười:
- Không tin thì mày giở từ điển ra coi lại đi.
Không cần Hồng Hà nhắc đến lần thứ hai, tôi lật đật lôi cuốn từ điển Việt Pháp trong ngăn bàn ra, lật vần B, dò chữ "bạch huyết cầu".
Chữ "leucocyte" đập vào mắt khiến tôi xanh mặt.
- Có... có chữ đó không?
Tôi xụi lơ:
- Có.
Rồi tôi huơ cuốn từ điển trên tay:
- Bây giờ tao nhìn vào đây để hỏi mày nghe?
Tôi hỏi một câu cho có lệ rồi chúi đầu vào từ điển dò dẫm, không để Hồng Hà kịp từ chối. Tôi tin chắc lần này tôi sẽ bắt bí được thằng cà lăm này. Để tự tôi nghĩ ra, có thể tôi sẽ không nghĩ được những từ hóc búa đến mức "hạ gục" được nó, chứ nếu cho tôi nhìn vào từ điển để hỏi, chắc chắn tôi sẽ khiến nó khóc thét.
Tôi hí hửng nghĩ bụng và hăm hở "dò bài", tất nhiên tôi cố tâm lục toàn những từ "độc chiêu", khi học tiếng Việt còn chưa chắc gặp nữa là học tiếng Pháp:
- "Con kỳ nhông"?
- La salamandre.
- "Khí tượng học"?
- La météorologie.
Tôi bặm môi lật tới lật lui cuốn sách trên tay:
- "Lạc đà một bướu"?
- Le dromadaire.
- "Chứng liệt thần kinh"?
- L'anévrose.
Tôi bắt đầu thở dốc:
- "Vi khuẩn hình dấu phẩy"?
- Le vibrion.
 
Tới đây thì tôi hoàn toàn chán nản, không buồn kiểm tra vốn từ của Hồng Hà nữa. Tôi quay sang kiểm tra kiến thức y học của nó:
- "Vi khuẩn hình dấu phẩy" là gì, mày có biết không?
Hồng Hà bối rối:
- Tao... tao không biết.
Tôi nhếch mép:
- Không biết sao mày còn học từ đó làm chi?
Hồng Hà khụt khịt mũi:
- Trong... trong từ điển có từ gì tao học từ nấy. Tao... tao học từ trên xuống dưới mà.
Tôi há hốc mồm:
- Học từ trên xuống dưới?
- Ừ, từ... từ trên xuống dưới.
- Tức là học từ trước ra sau?
- Ừ, từ... từ trước ra sau.
- Tức là mày học thuộc nguyên cả cuốn từ điển?
- Ừ.
Hồng Hà "ừ" nghe nhẹ tưng. Trong khi tôi choáng váng đầu óc. Trước đây tôi có nghe chuyện một nhà cách mạng học thuộc cả cuốn từ điển. Bị bắt vô tù, ông không mang theo gì ngoài cuốn từ điển Pháp Việt. Mỗi lần đi ị, ông xé một tờ cầm theo và học thuộc lòng ngay trên hố xí, trước khi dùng nó làm vệ sinh. Ngày này qua ngày khác, cuốn từ điển mỏng dần và vốn từ của ông cũng dày dặn dần. Đến khi ông xé tới trang cuối cùng, mấy chục ngàn từ đã vào cả bụng ông. Nghe nói, sau khi ra tù, ông trở thành một nhà dịch thuật siêu hạng.
Câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, chẳng rõ thật hư. Cũng có thể câu chuyện đó được truyền tụng nhằm đề cao cái chí của người hoạt động cách mạng hơn là nói về sự hiếu học.
Khi nghe chuyện, tôi thích tưởng tượng ra cảnh nhà cách mạng đang ngồi học bài để tủm tỉm cười hơn là nghĩ đến chuyện noi gương học tập. Tôi không tin con người ta có thể học thuộc nguyên cả cuốn từ điển. Vì tôi tin sức người có hạn.
Nhưng Hồng Hà đã phá vỡ định kiến của tôi. Nó chứng minh ngược lại: sức người là vô hạn. Nó không làm cách mạng, không đi tù, không ngồi trên hố xí, nhưng vẫn thuộc lòng mấy chục ngàn từ, kể cả những từ có lẽ suốt đời nó không bao giờ dùng đến.
Tôi ngẩn ngơ nhìn nó:
- Làm sao mày có thể học thuộc cả cuốn từ điển dày cộm như vậy?
Hồng Hà gãi đầu:
- Có... có gì đâu! Đi... đi đâu tao cũng cầm theo cuốn từ điển, hễ... hễ rảnh là giở ra học!
Tôi thắc mắc:
- Nhưng cuốn từ điển dày như thế...
- Thoạt đầu tao... tao học vần A trước. Học hết vần A, tao lật sách tiếng Pháp, thấy từ nào bắt đầu bằng chữ A là tao xem thử mình có nhớ không...
Tôi trố mắt nghe Hồng Hà trình bày phương pháp học tập của nó. Phương pháp của nó không có sách nào bày, chỉ do nó tự nghĩ ra. Vì vậy nghe kỳ quái vô cùng: Sau khi cắm đầu học thuộc ba mẫu tự tiếp theo, nó vỗ ngực tự hào: Ông học tiếng Pháp, bí từ nào thì bí, nhưng những từ bắt đầu bằng chữ A, chữ B, chữ C, chữ D thì dứt khoát là ông bỏ túi!
Cứ như thế, Hồng Hà lần lượt học hết chữ cái này đến chữ cái khác. Nó học theo kiểu "kiến tha lâu cũng đầy tổ", kiên nhẫn tha từng từ vào trí nhớ. Khi tôi gặp nó, Hồng Hà đã là cuốn từ điển sống lừng danh ở trường Trần Quý Cáp mấy năm nay, ngay cả thầy cô mỗi lần gặp từ khó đều phải "hạ mình" hỏi nó.
May làm sao, cái giỏi của nó chính là cái hên của tôi. Không có nó ngồi cạnh, suốt đời tôi vẫn "rét" tụi Pascal.
 
o O o

Niềm vui của tôi không dừng lại ở môn rédaction.
Những ngày buồn bã vừa qua, tôi gửi liên tiếp ba lá thư cho "giáo sư" Bá, than vắn thở dài.
Sợ tôi buồn tình nhảy xuống sông Hàn, Bá nhanh chóng hồi âm. Trong thư, bằng một giọng ân cần rất mực, nó khuyên tôi cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới và hứa nếu có cơ hội nó sẽ ra thăm tôi.
Rồi dường như biết chắc mình sẽ nuốt lời hứa, nó nhiệt tình giới thiệu cho tôi nhỏ Minh Hoa đang học trường Trưng Vương ở Đà Nẵng.
Nhỏ Minh Hoa là người Đại Lộc, quê Bá. Hồi cấp hai, Bá với Minh Hoa học cùng lớp. Bá mê con nhỏ này như điếu đổ nhưng nhát gan không dám nói. Lên cấp ba, Bá vô Tam Kỳ, Minh Hoa ra Đà Nẵng và cho đến nay hai đứa vẫn chỉ là bạn.
Tất nhiên Bá căm ghét cái tình bạn bất đắc dĩ này vô hạn. Nó thề sẽ có một ngày nó ra tay phá vỡ cái tình bạn đó không thương tiếc để thay thế bằng một thứ tình cảm khác, đậm đà hơn.
Bá bộc bạch điều đó trong thư và ghi cho tôi địa chỉ nhà trọ của Minh Hoa.
Phía dưới địa chỉ là một lời đe dọa mang tính chất khủng bố: "Biết mày ở ngoài đó không có bạn, tao giới thiệu Minh Hoa để mày có người trò chuyện. Và chỉ trò chuyện thôi. Chớ dại dột đi xa hơn! Ký tên: Sát thủ hoa hồng".
"Sát thủ hoa hồng" là biệt danh mới của Bá. Nó nghĩ ra cái biệt danh chết chóc này chắc để hù tôi.
Nhưng Bá đã quá lo xa. Bá không biết tình cảm của tôi hiện nay đang dồn hết vào ô cửa sổ nhà nàng Stéphanette và trái tim tôi đêm đêm vẫn phập phồng đập trên vỉa hè đường Nguyễn Du.
Tôi nhét lá thư của Bá vào túi và mỉm cười. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao năm ngoái Bá thờ ơ với người đẹp Gia Khanh trong khi Ngữ, Nghị, Hòa và tôi chen lấn nhau để mong chộp được đuôi sao chổi Halley. Hồi đó, tôi hỏi, Bá vênh vênh "Tao khác tụi mày. Tao không thích chạy theo bọn con gái, chỉ thích làm giáo sư". Hóa ra lúc đó, trái tim Bá đã thuộc về Minh Hoa.
Trưa, ăn cơm xong, tôi lò dò đến chỗ ở của Minh Hoa với một gói kẹo trên tay. Tôi làm theo lời dặn dò của Bá: Hãy mua một gói kẹo và nói với nàng đó là quà tao gửi từ Tam Kỳ ra!
Minh Hoa là một con nhỏ xinh xắn và cởi mở. Biết tôi là bạn thân của Bá, nó tiếp chuyện tôi rất thân tình:
- Khoa mới ra Đà Nẵng hở?
- Ừ.
- Sao Khoa không học tiếp ở trường Trần Cao Vân?
- Trần Cao Vân năm nay chưa mở lớp mười hai ban C.
- Thế Bá thì sao? Bá vẫn học ở đó mà!
- Bá phải chuyển qua học ban B.
Minh Hoa ở trọ với một đứa em trai. Nó sai em rót nước mời tôi rồi hỏi tiếp:
- Ra đây Khoa ở đâu?
- Ở đường Bạch Đằng, với ông bác.
- Từ đường Bạch Đằng lên chỗ Minh Hoa hơi xa. Khoa đến đây bằng gì?
- Tôi đi bộ.
- Đi bộ?
Minh Hoa tròn xoe mắt. Nó đâu có biết khoảng cách từ chỗ tôi ở với nhà nó đâu có thấm tháp gì so với quãng đường tôi lang thang hằng đêm trên phố vắng.
Tôi cười:
- Tôi đi bộ quen rồi.
Và như để chứng minh câu nói của mình, tôi tuyên bố:
- Cứ vài ba ngày tôi sẽ ghé đây chơi.
Minh Hoa vui vẻ:
- Ừ, khi nào buồn Khoa cứ ghé. Bá viết thư cho Minh Hoa bảo Khoa mới ra đây nên chưa có bạn.
Tôi giữ đúng lời hứa. Từ hôm đó, cứ khoảng vài ba ngày tôi ghé chơi với chị em Minh Hoa một lần. Tình bạn đã giúp tôi đỡ trống trải.
Tôi bớt thấy lẻ loi. Tôi không còn cô độc, mặc dù đêm đêm tôi vẫn đắm mình trong tiếng dương cầm vọng ra từ cửa sổ nhà nàng Stéphanette để thấy hồn mình phiêu phưởng tận đâu đâu.
Bác Đán thấy tôi dạo này đã thôi bỏ quên chìa khóa trong phòng, không khỏi ngạc nhiên:
- Con đã thôi quên trước quên sau?
- Dạ.
- Bác thấy dạo này con vui hẳn?
- Dạ.
Bác Đán nhìn tôi lom lom:
- Hình như gần đây con thường đến nhà bạn gái?
Câu hỏi đột ngột của bác Đán khiến tôi vô cùng sửng sốt. Nhưng rồi tôi hiểu ngay: Chắc thấy tôi dạo này ăn trưa xong thường tếch ra khỏi nhà nên bác nghi ngờ. Tôi đành chép miệng:
- Dạ.
- Chuyện đó không có gì sai! - Bác Đán thở dài - Nhưng dẫu sao cũng đừng quên chuyện bài vở nghe con. ánh mắt mỹ nhân xưa nay đã đánh đắm bao nhiêu anh hùng.
Rồi bác cảm khái ngâm nga:
- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Tôi vội vàng cải chính:
- Nhỏ này chỉ là bạn, bác ạ. Bạn bè bình thường thôi. Nó quê ở Đại Lộc, người yêu của bạn con.
Bác Đán giật mình:
- Con bé đó là người yêu của bạn con?
- Dạ.
Mắt bác Đán trố lên:
- Thế sao con lại làm thơ đòi thương nhớ nó?
Bác Đán ôm đầu:
- Ôi, con làm vậy là không được nghe con!
Tôi đỏ mặt:
- Bác ơi, làm gì có chuyện đó.
- Con đừng chối! - Bác Đán nhún vai - Chính bác đã đọc bài thơ con làm cho con bé đó...
Đến đây thì tôi chợt vỡ lẽ.
- Bác lầm rồi! - Tôi quýnh quíu thanh minh - Bài thơ đó con viết cho đứa khác.
- Đứa khác? - Bác Đán giật mình lần thứ hai - Còn đứa nào nữa? Con mới ra đây chưa được một tháng sao quen nhiều con bé vậy?
Câu nói hàm ý trách móc của bác Đán khiến tôi dở khóc dở cười. Cuối cùng, để bác Đán khỏi hiểu sai về mình, tôi đành rụt rè thú nhận:
- Con bé này cháu không quen, bác ạ.
- Không quen sao con lại thương nhớ nó? - Bác Đán nhìn tôi đăm đăm - Chắc con nhìn thấy nó từ xa?
Tôi cắn môi:
- Con cũng chưa nhìn thấy nó.
Bác Đán vò đầu:
- Thế thì lạ thật!
Tôi lí nhí giải thích:
- Con nghe tiếng đàn của nó và con thấy... bóng nó in trên rèm cửa.
- Chỉ vậy mà con đã thương, đã làm thơ cho nó? - Giọng bác Đán đượm lo lắng - Như vậy con quá lãng mạn. Người lãng mạn khi ra đời khó sống lắm con ơi. Con cố quên con bé đó đi!
Bác Đán nói đúng. Không cần đợi đến lúc ra đời, ngay từ bây giờ tôi đã thấy khó sống. Tôi cứ nghĩ mãi về nàng Stéphanette trong khi nàng không biết tôi là ai. Đầu óc tôi chứa đầy những mơ ước vẩn vơ. Tôi sung sướng với những hình ảnh do tôi nắn nót vẽ ra trong tâm trí rồi đau khổ khi sực nhớ chúng chỉ là tưởng tượng. Tôi đã thức ròng rã đêm này qua đêm khác. Chỉ để làm thơ cho nàng Stéphanette. Đến nay tôi đã viết được gần chục bài.
Tôi biết bác Đán lo cho tôi. Nhưng tôi không đủ dũng cảm làm theo lời bác. tôi biết mình khó lòng "quên con bé đó đi".
Nghe bác khuyên, tôi ngoan ngoãn "dạ, thưa bác" và hôm sau tôi lại chôn chân trên lề đường Nguyễn Du để rồi về nhà chong đèn thức khuya lắc khuya lơ.
Sáng dậy, thấy mắt tôi đỏ kè, bác Đán chỉ biết lắc đầu.
 
o O o

Tôi làm hàng đống thơ tình. Làm rồi để đó. Sau khi gửi bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" cho tuần báo Bạn Trẻ, thấy bặt vô âm tín, tôi không màng gửi thơ đăng báo nữa.
Tất nhiên tôi cũng không đủ can đảm xếp những bài thơ thành tàu lượn để ném vào cửa sổ nhà nàng Stéphanette. Nếu muốn, tôi cũng không có cơ hội. Rèm cửa nhà nàng luôn luôn buông kín.
Rốt cuộc, chỉ có tôi đọc thơ tôi. Tôi soi nỗi lòng mình vào những vần thơ, thấy sao mà buồn da diết. Chị em Minh Hoa giúp tôi bớt quạnh hiu nhưng không thể giúp tôi nguôi sầu muộn.
Tôi là chàng chăn cừu cô đơn. Và tôi cũng là chàng thi sĩ cô đơn, yêu trong bóng tối, làm thơ trong nóng tối và tên tuổi cũng suốt đời chìm trong bóng tối.
Nhưng Hồng Hà đã chứng minh ngược lại. Nó luôn luôn phá vỡ định kiến của tôi.
Một buổi sáng, tôi lò dò vào lớp, thấy tụi bạn dồn mắt vào tôi, reo ỏm tỏi:
- Ê, nhà thơ tới kìa!
Tôi ngơ ngác nhìn quanh, chẳng hiểu gì.
Thằng Bội huơ tờ báo Bạn Trẻ trên tay:
- Bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" hay quá!
Đến lúc đó tôi mới thấy tờ báo trên tay thằng Bội. Và câu nói của nó làm tôi nghe như có một luồng điện chạy dọc sống lưng:
- Mày nói gì?
- Mày đừng giả vờ! - Bội chìa tờ báo ra trước mặt tôi, toét miệng cười - Hồi nãy chính thằng Hồng Hà đem tờ báo này vô lớp, nó bảo mày in thơ trong này!
Tôi cầm tờ báo, nôn nóng lật từng trang, hồi hộp dò tìm.
Khi bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" đập vào mắt, tôi phải chớp lia chớp lịa để tin rằng mình không nhìn lầm.
Đến khi biết chắc đó chính là bài thơ của mình, tôi bỗng rơi vào một trạng thái kỳ lạ, một cảm giác đê mê trước đây tôi chưa từng trải qua.
Tôi cầm tờ báo trên tay, ngất ngây sung sướng. Và tôi sẽ còn thừ mặt ra như thế hằng giờ nếu Hồng Hà không bước lại vỗ vai tôi:
- Mày... mày là thi sĩ mà giấu bạn bè hả?
Tôi nói như người trong mơ:
- Tao là thi sĩ?
- Còn gì nữa! - Hồng Hà cười rạng rỡ - Bài thơ của mày làm tụi Pascal lác mắt!
Hồng Hà không bỏ lỡ cơ hội để đề cao "tụi trường Việt mình". Nhưng lần này tôi biết nó không cố tình bốc tôi lên mây. Bởi vì ngay lúc đó thằng Đông Anh mon men lại gần tôi:
- Chiều nay mày ghé nhà tao chơi đi!
- Chi vậy?
Đông Anh nói với vẻ trang trọng:
- Tao sẽ giới thiệu mày với gia đình tao.
- Giới thiệu tao? - Tôi chỉ tay vào ngực, mặt ngẩn tò te - Tao có gì đâu mà giới thiệu?
- Sao lại không có gì! - Mặt Đông Anh nghiêm trang - Mày là nhà thơ. Mày là một thiên tài, là Rimbaud của Việt Nam.
Arthur Rimbaud là thiên tài thi ca vĩ đại không chỉ của nước Pháp mà của toàn thế giới. Trong giờ học văn chương Pháp, những bài thơ "Voyelles" và "Fêtes de la faim" của ông khiến tôi ngẩn ngơ thán phục. Tôi không tin ngoài Rimbaud ra, còn ai trên trái đất này có được những ý tưởng dị thường và rạng rỡ như vậy.
Với tôi, Rimbaud luôn luôn là ngôi sao Bắc Đẩu trong vòm trời thi ca nhân loại. Thế mà bây giờ thằng Đông Anh đem một ngọn đèn hạt đỗ lập lòe không biết tắt lúc nào là tôi so sánh với vì sao sáng chói đó, bảo tôi không sững sờ sao được.
Tôi ngượng nghịu:
- Thôi đi! Mày nói quá!
Đông Anh vẫn khăng khăng:
- Tao nói thật đó. Trong mắt tao, mày là Rimbaud.
Lần này thì tôi không phản đối. Nó nói "trong mắt nó" có nghĩa trong trần gian nhung nhúc sáu tỉ người này, chỉ có nó mới khờ khạo nghĩ thế. Vậy cũng chẳng sao! Tôi nhủ bụng và vui vẻ gật đầu:
- Ừ, chiều nay tao sẽ ghé.
Đông Anh không bịp tôi. Chiều tôi đến nhà nó, nó giới thiệu tôi với ba mẹ nó một cách trân trọng:
- Bạn Khoa học cùng lớp với con. Ba mẹ biết không, Khoa còn là một nhà thơ, thường xuyên in bài trên các báo.
Chỗ này thì Đông Anh bốc phét. Tôi chỉ in thơ có mỗi một lần trên tờ Bạn Trẻ, nó lại ba hoa là "thường xuyên trên các báo". Nhưng tôi không đính chính, chỉ mỉm cười bẽn lẽn.
Ba của Đông Anh gật gù khen:
- Con còn nhỏ mà đã in thơ trên báo rồi. Giỏi quá!
Đông Anh thừa dịp ca ngợi tôi:
- Bạn Khoa có tài văn chương bẩm sinh đó ba. Khoa làm rédaction bao giờ cũng được thầy Xuân Thu khen nức nở.
Đông Anh làm tôi đỏ mặt, vì ngượng ngùng cũng có, vì sung sướng cũng có.
Để cám ơn nó về những lời khen nó dành cho tôi, tôi lập tức đứng dậy đi theo nó khi nó ngoắt tôi ra trước hiên.
Tôi lại gần Đông Anh:
- Có chuyện gì vậy?
- Có chuyện gì đâu! Ra đây ngồi chơi cho mát!
Hai đứa ngồi trên chiếc ghế xích đu đằng trước nhà.
Đông Anh lôi từ trong túi áo ra hai bịch đậu phộng da cá chia cho mỗi đứa một bịch.
Tôi vừa nhai đậu phộng vừa trầm trồ:
- Nhà mày đẹp quá há?
- Ừ.
- Ba mẹ mày hiền quá há?
- Ừ.
- Mày là con một hở?
- Không. Tao còn một đứa em gái. Nó học lớp mười một.
Đông Anh hí hửng khoe:
- Em tao dễ thương lắm. Người đẹp mà tên cũng đẹp. Tên nó là Đinh Lăng.
Tôi liếc vào trong nhà:
- Em mày ở đằng sau hở?
- Không. Nó đi mua đồ, lát về.
Rồi chừng như sợ tôi không có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của em gái nó, Đông Anh vỗ vai tôi:
- Mày ngồi chơi thêm một lát đi. Để tao giới thiệu mày với em gái tao.
Đông Anh làm tôi ngạc nhiên quá đỗi. Xưa nay tôi ít thấy đứa nào hồn nhiên như nó. Xưa nay lũ bạn tôi đứa nào cũng sợ bạn bè chọc ghẹo em gái mình, mỗi lần dẫn bạn về nhà là mắt láo liên cảnh giác.
Đông Anh ngược lại. Nó sợ tôi không gặp được em gái nó. Cho nên thấy tôi sốt ruột nhìn ra đường, nó cứ nhấp nha nhấp nhổm. Xem ra nó còn sốt ruột hơn tôi gấp bội.
Cứ chốc chốc nó lại trấn an tôi:
- Em tao sắp về rồi đó.
- Tối đa là năm phút nữa em tao sẽ về tới.
Tôi dán mắt ra đường, vì tò mò hơn là vì háo hức. Trái tim tôi đã thuộc về nàng Stéphanette vô hình vô ảnh trên đường Nguyễn Du. Nàng Đinh Lăng dẫu đẹp như tiên giáng thế vẫn chỉ là người đến sau. Người đến sau hẳn sẽ không có chỗ trong trái tim tôi, dù tôi rất yêu một loài hoa có tên là đinh lăng.
Cuối cùng, Đinh Lăng cũng về tới, tất nhiên không phải sau năm phút như thằng Đông Anh nói mà sau năm mươi phút ngóng chờ đằng đẵng.
Đinh Lăng dắt xe vào trong sân, thấy khách lạ nó cúi đầu lầm lũi bước.
Tôi đinh ninh Đông Anh sẽ kêu em gái lại để giới thiệu hai bên với nhau. Nhưng nó vẫn ngồi trơ, chỉ thì thào:
- Em tao đó. Đẹp không?
Tôi không chờ đợi cái kiểu giới thiệu lén lút như thế. Lại trông có vẻ "đầu trộm đuôi cướp" nữa. Y như hai tên trộm vặt đang rình người có của: "Gã đó. Giàu không?".
Rimbaud của Việt Nam chẳng lẽ không đáng xuất hiện trước mặt người đẹp Đinh Lăng đường đường chính chính? Nghĩ vậy nên tôi giận dỗi:
- Mày không kêu lại, nó cúi gằm như thế tao có thấy gì đâu!
Tôi nói cho bõ tức. Chứ thật ra dù em gái thằng Đông Anh không ngẩng đầu lên, tôi vẫn thầm công nhận nó là một con nhỏ xinh đẹp. Nước da trắng hồng, dáng đi uyển chuyển, mái tóc óng ả, một người con gái đã hội tụ được ba yếu tố đó thì khuôn mặt chắc chắn phải đẹp.
Đông Anh xoa dịu sự hờn giận trong lòng tôi:
- Em tao nhút nhát lắm. Mó mới trông thấy mày lần đầu, còn mắc cỡ.
Rồi e giải thích như thế vẫn không khiến tôi nguôi ngoai, nó lật đật hứa hẹn:
- Từ từ rồi tao sẽ giới thiệu hai đứa với nhau.
 
Chữ "hai đứa" làm tôi mát lòng mát dạ. Tôi không còn ấm ức nữa. Mà nhe răng cười:
- Nhớ nhé!
Đông Anh gật đầu.
Và ngày hôm sau vừa gặp tôi trên lớp, nó ngoắt tôi ra trước hành lang, long trọng thông báo:
- Hôm qua lúc mày về rồi, em gái tao hỏi thăm mày tíu tít.
- Nó hỏi sao?
- Nó hỏi mày là ai, quê ở đâu?
- Mày nói sao?
- Còn nói sao nữa! - Đông Anh cuời - Tao nói mày là thằng Khoa quê ở Thăng Bình, học chung lớp với tao.
Tôi tò mò:
- Nó còn hỏi gì nữa không?
- Còn. Nó hỏi mày học giỏi không?
Tôi nín thở:
- Mày trả lời sao?
- Tao bảo mày làm rédaction hay nhất lớp.
Đông Anh làm tôi cảm động quá chừng. Tôi sợ nó khai huỵch toẹt chuyện tôi đứng trơ như phỗng trong giờ vấn đáp. Nhưng nó không đả động gì đến điểm yếu của tôi. Nó đã "xấu che tốt khoe" giùm tôi.
Như để làm tôi cảm động hơn nữa, Đông Anh nói:
- Tao còn khoe mày làm thơ hay tuyệt. Rồi tao đọc bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" cho nó nghe. Nó nghe và nó trầm trồ mãi. Nó bảo chưa bao giờ nó được biết một bài thơ hay như vậy.
Đông Anh nói tới đâu, người tôi lâng lâng tới đó. Tôi làm thơ cho nàng Stéphanette, không ngờ lại khiến nàng Đinh Lăng xao xuyến đến thế.
Nàng Đinh Lăng có lẽ xao xuyến tận tâm can nên sau khi khen thơ tôi, nàng nhờ anh trai nàng năn nỉ tôi làm một bài thơ tặng nàng. Đông Anh bảo tôi như vậy nhưng tôi không tin. Tôi ngẩn ngơ hỏi lại:
- Mày nói thật không đấy?
- Sao lại không thật! - Đông Anh hoa tay - Em gái tao sẽ vô cùng cảm động nếu một ngày nào đó tao cầm về cho nó bài thơ mày làm tặng nó. Nó bảo từ nay trở đi, nó sẽ đợi từng ngày.
Viễn ảnh Đông Anh vẽ ra khiến tôi bâng khuâng quá đỗi. Trong một thoáng, tôi tin tôi là thi sĩ lớn. Tôi đích thị là Rimbaud, nếu không tại sao mới xuất hiện lần đầu đã có người nồng nàn ái mộ.
Tôi nhìn Đông Anh, ngất ngây đáp:
- Được rồi. Đêm nay tao sẽ làm.
Tối đó, tôi gò mình trên trang giấy, tưởng tượng Đinh Lăng là nàng Stéphanette và nắn nót viết những vần thơ tình tứ và sầu muộn:
Tôi là hòn sỏi buồn
Lăn qua cuộc đời bằng những vòng hiu quạnh
Chiều nay chợt biết chỗ dừng chân.

Người con gái tóc dài che mặt
Em đến từ đâu và em sẽ về đâu
Tôi ở lại với lần đầu gặp gỡ
Xin chiều đừng qua mau.

Tôi là kẻ ngu ngơ bị tình yêu đánh lưới
Những sợi tóc nào đan kín giấc mơ tôi?
Tôi đã gặp hàng ngàn gương mặt
Chiêm bao sao chỉ một người?
 
Chương 4

Tôi ghé chơi nhà Minh Hoa đến lần thứ mười thì gặp một vị khách lạ.
Sau khi giới thiệu tôi, Minh Hoa quay sang con nhỏ ngồi cạnh:
- Đây là Quyên, học chung lớp với Minh Hoa.
Nhỏ Quyên xinh xắn lạ lùng, xinh đến mức thoạt trông thấy nó bỗng dưng tôi đâm bối rối. Tóc nó dài không thua gì tóc Đinh Lăng. Da trắng như trứng gà bóc, và đôi mắt đen láy như những hạt nhãn trong vườn nhà ông tôi.
Nghe Minh Hoa giới thiệu, hai hạt nhãn chớp chớp nhìn tôi.
- Chào anh! - Nhỏ Quyên e lệ mỉm cười.
Khi nó cười, tôi nhìn thấy lúm đồng tiền trên má nó. Và tôi ấp úng:
- Chào Quyên.
Tôi chỉ nói được một câu ngắn rồi ngồi thừ ra, mặc Minh Hoa và nhỏ Quyên trò chuyện với nhau.
Tôi mới quen biết Minh Hoa đây thôi. Nhưng vừa gặp nó lần đầu tiên, tôi đã thấy ngay sự gần gũi. Tôi chuyện trò với Minh Hoa vui vẻ và thân mật như với một người bạn cũ.
Với nhỏ Quyên mọi chuyện không như thế. Tôi ngạc nhiên nhận ra sự lúng túng của mình. Tôi hết đặt hai tay lên đùi lại gác lên thành ghế, thậm chí có lúc tôi nhét cả vào trong túi quần, vẫn thấy chúng như thừa ra.
Thỉnh thoảng nhỏ Quyên quay sang hỏi chuyện tôi, và những câu trả lời ngượng nghịu của tôi bao giờ cũng kèm theo một tiếng ho.
Đó là những tiếng ho che giấu sự bối rối, tôi biết thế và tôi không cắt nghĩa được tâm trạng kỳ lạ của mình. Chắc chắn tôi không phải lòng nhỏ Quyên. Trái tim của tôi đã có chủ, mặc dù cho đến nay tôi vẫn chưa có diễm phúc được thấy mặt chủ nhân của nó.
Nhưng không hiểu sao ngồi trước nhỏ Quyên tôi trở nên rụt rè quá mức. Khi nó đưa tay vén tóc, những ngón tay trắng muốt, thuôn dài của nó khiến tim tôi bất giác đập mạnh. Phải chăng đó là cảm xúc của một tâm hồn nghệ sĩ trước cái đẹp? Rimbaud ngày xưa khi đối diện với các giai nhân cỡ nhỏ Quyên chắc cũng đầu váng mắt hoa như tôi?
Tối đó, tôi ngồi trên vỉa hè đường Nguyễn Du lâu hơn thường lệ.
Bản sonate "Au claire de lune" vẳng ra từ ô cửa sổ trên cao dìu tôi vào cõi mộng. Tôi nhìn thấy những ánh trăng đang dát bạc lòng tôi dù trời cuối tháng tối thui.
Chìm đắm vào thế giới âm thanh của nàng Stéphanette, trong một thoáng tôi quên phắt nàng Đinh Lăng tóc dài che mặt, quên cả nhỏ Quyên kiều diễm. Tâm hồn tôi lúc này tràn ngập một nỗi dịu dàng phiền muộn. Tôi biết tôi không thể sống thiếu tiếng đàn của nàng Stéphanette. Mặc dù tiếng đàn nửa như hữu ý nửa như vô tình kia vừa an ủi trái tim lạnh lẽo của tôi lại vừa khiến tôi nhận rõ hơn bao giờ hết sự lẻ loi của mình trên phố vắng.
Ngồi bệt trên vỉa hè hằng giờ, tôi thôi làm Rimbaud vĩ đại. Tôi trở về thân phận nhỏ nhoi của một chàng chăn cừu, rụt đầu trong cổ áo vì lạnh, và vì thất vọng. Cho đến hôm nay bàn tay ngọc ngà của nàng Stéphanette vẫn chưa một lần vén rèm và đôi mắt chắc là rất tình tứ của nàng vẫn chưa một lần nhìn xuống.
Chỉ có tôi:
Trời đất rộng sao đường đời quá hẹp
Lối đi nào để đến giấc mơ xanh?
Tôi là chàng chăn cừu cô đơn lang thang trên đồng cỏ
Dẫu chết đi, tình ái lại sinh thành...
Đoạn cuối của bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" vang lên thì thầm trong đầu tôi như một lời than ngậm ngùi, thống thiết.
 
o O o

Tôi làm thơ cho nàng Đinh Lăng một phần là do khoai khoái khi biết nàng ái mộ tài thơ của tôi, nhưng phần chính là do nể lời thằng Đông Anh. Một đứa đã thành khẩn mời mình về nhà, trân trọng giới thiệu mình với ba mẹ nó, toàn nói tốt về mình với em gái nó thì mình không thể từ chối khi nó nhờ mình một chuyện nhỏ nhặt như vậy.
Chứ tôi hoàn toàn không có ý định tán tỉnh nàng Đinh Lăng. Tôi làm thơ cho nàng Đinh Lăng, nhưng tâm sự trong bài là tâm sự dành cho nàng Stéphanette.
Đó chỉ là bài thơ "đền ơn đáp nghĩa". Khi thằng Đông Anh đem bài thơ về nhà giúi vào tay em gái nó và em gái nó toét miệng cười hoan hỉ, tức là xem như tôi đã trả ơn xong.
Tôi nghĩ đơn giản như vậy. Và tôi đinh ninh ngoài anh em thằng Đông Anh ra, sẽ không có thêm một ai biết chuyện tôi mới gặp em gái nó lần đầu mà đã vội ca cẩm "Tôi là kẻ ngu ngơ bị tình yêu đánh lưới" như một tên đa tình hạng bét.
Nào ngờ mấy hôm sau, tôi vừa đút đầu vô lớp, thằng Hồng Hà đã chạy lại bá vai tôi, gật gù:
- Mày... mày đúng là thi sĩ.
Tôi tưởng Hồng Hà bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một nhà thơ lớn, liền hí hửng:
- Thằng Đông Anh cũng bảo tao như vậy.
Hồng Hà tiếp tục cảm khái:
- Chỉ... chỉ thi sĩ mới đa... đa tình thế thôi!
Câu nói thứ hai của thằng cà lăm này làm tôi chột dạ:
- Sao mày lại nói thế?
Hồng Hà tủm tỉm:
- Chứ... chứ không phải vừa gặp mặt em gái thằng Đông Anh, mày... mày đã thương sao?
- Trời đất! - Tôi kêu lên sửng sốt - Ai nói mày vậy?
- Thằng... thằng Đông Anh nói chứ ai. Nó còn bảo mày làm thơ tặng cho em gái nó nữa.
Lúc này sét nổ bên tai cũng không làm tôi choáng váng đến thế. Hóa ra thằng Đông Anh hại bạn kia đã tiết lộ chuyện này ra ngoài.
- Không... không có chuyện... chuyện đó đâu! - Tôi ấp úng nói, còn cà lăm hơn cả Hồng Hà.
- Mày đừng chối! - Tiếng thằng Bội vang lên bên tai cắt đứt lời thanh minh của tôi - Thằng Đông Anh đem bài thơ mày làm cho nhỏ Đinh Lăng vào lớp khoe nhặng, ai mà chẳng biết.
Rồi không để tôi kịp phản ứng, nó ra rả đọc:
- Tôi là kẻ ngu ngơ bị tình yêu đánh lưới
Những sợi tóc nào đan kín giấc mơ tôi?
Cũng như Bội, thằng Minh Khôi tiến sát sau lưng tôi lúc nào không hay. Bội mới đọc hai câu, Minh Khôi đã nhanh nhẩu tiếp:
- Tôi đã gặp hàng ngàn gương mặt
Chiêm bao sao chỉ một người?
Trong khi tôi ngượng đỏ mặt thì Minh Khôi giơ ngón tay cái lên, khen:
- Mày làm thơ hay lắm. Hôm nào mày làm tặng em gái tao một bài nhé.
Sợ tôi từ chối, nó lật đật quảng cáo:
- Em gái tao còn đẹp hơn em thằng Đông Anh gấp tỉ lần. Gặp mặt là mày mê tít liền.
Thằng Bội sợ mất phần, liền vọt miệng:
- Em gái tao nữa. Em gái tao là hoa khôi trường Sao Mai đó. Mày làm tặng nó một bài nghe Khoa!
Hết thằng Bội tới thằng Diên, rồi những đứa khác. Tụi nó xúm vào khoe em gái. Đứa nào cũng khẳng định em gái nó mới là người đẹp nhất trong những người đẹp và thi nhau "đặt hàng" tôi.
Trong một thoáng, tôi không còn nhớ mình là ai. Tôi tưởng tôi là trưởng ban giám khảo cuộc thi hoa hậu quốc tế. Tôi tưởng tôi là siêu sao trên vòm trời thi ca hoàn vũ, được hàng ngàn người đẹp vây quanh giành giật. Tôi là Rimbaud. Có khi còn hơn cả Rimbaud. Ừ, biết đâu!
Và tôi bắt đầu khệnh khạng:
- Tao không hứa.
- Hứa đi Khoa! - Bội năn nỉ - Em gái tao dễ thương lắm.
Tôi tiếp tục cao ngạo:
- Dễ thương cũng mặc. Thi ca là vương quốc của tâm hồn, không thể ban phát bừa bãi được. Muốn làm thơ phải có cảm xúc.
- Chiều nay mày ghé nhà tao chơi! - Bội kiên trì - Mày sẽ gặp em gái tao. Rồi mày sẽ có cảm xúc.
Minh Khôi hùa theo:
- Đúng rồi đó. Chiều nay mày ghé nhà tao đi.
Thằng Diên không chịu thua:
- Nhà tao nữa...
Tôi lạnh lùng cắt ngang:
- Tụi mày phải xếp hàng.
Chỉ tay vào Bội tôi phán:
- Chiều nay tao ghé nhà thằng Bội trước.
Rồi tôi xua tay, với cái cách một ông vua đuổi đám nịnh thần:
- Thôi, giải tán!
Từ nãy đến giờ, Hồng Hà đứng bên cạnh im lặng quan sát cảnh tụi Pascal quỵ lụy tôi với vẻ mặt hả hê.
Khi tụi kia ai về chỗ nấy, tôi quay sang Hồng Hà, ngạc nhiên:
- Sao mày không kêu tao làm thơ cho em gái mày?
Hồng Hà liếm môi:
- Tao... tao không có em gái.
Tôi tò mò:
- Nếu có, mày có kêu tao làm thơ tặng em mày không?
- Tao không biết.
Hồng Hà bối rối đáp.
Tôi gật gù, hào hiệp:
- Nếu mày có em gái, tao sẽ làm thơ tặng em mày trước tiên.
Hồng Hà có vẻ cảm động trước sự ưu ái của nhà thơ lớn. Nó nói mà mặt buồn xo:
- Ừ, tiếc ghê!
Chiều đó, y hẹn, tôi đến nhà Bội. Sở dĩ tôi chọn đến nhà thằng Bội trước, bởi vì tôi muốn biết hoa khôi trường Sao Mai xinh đẹp cỡ nào.
Hóa ra em gái thằng Bội chả xinh đẹp tẹo nào như nó quảng cáo.
Khi em gái nó bước ra bẽn lẽn chào tôi, tôi tò mò dán mắt vào mặt hoa khôi trường Sao Mai, tim đập rộn. Nhưng rồi tôi thất vọng ngay. Hoa khôi tóc ngắn củn cỡn, lại lưa thưa. Mặt hoa khôi trổ đầy mụn. Lúc hoa khôi cười e lệ, tôi thấy hoa khôi thiếu mất một cái răng cửa trên.
Bội chẳng thèm đếm xỉa gì đến tâm trạng não nề của tôi. Khi em gái nó quay gót, nó nhìn tôi, giọng thản nhiên:
- Em tao đó.
- Ừ.
Tôi "ừ" hờ hững.
Thằng Bội ngu như bò. Nó không nhận thấy giọng điệu chán chường của tôi, hí hửng "đặt hàng":
- Mày làm tặng nó một bài thơ nhé.
Tôi lại "ừ", gọn lỏn. Và khi tôi "ừ", tôi biết tối nay về nhà tôi sẽ làm thơ tặng em gái Bội, dù nhan sắc của nàng chỉ bằng một phần mười nàng Đinh Lăng "tóc dài che mặt", và bằng một phần hai mươi nhỏ Quyên tôi gặp ở nhà Minh Hoa hôm nọ.
Với tôi, làm thơ cho em thằng Đông Anh hay em thằng Bội, cho nàng Hằng Nga hay cho nàng Chung Vô Diệm cũng thế thôi. Bởi tâm sự trong những bài thơ đó vốn là tâm sự tôi dành cho nàng Stéphanette. Các cô em gái của bạn tôi chỉ là cái cớ để tôi gửi gắm tình cảm cho người con gái khiến tôi phải bồn chồn chôn chân trên vỉa hè đường Nguyễn Du đêm này qua đêm khác.
Có tài thánh thằng Bội mới hiểu được điều đó. Nên ngày hôm sau, nó vô cùng cảm động khi thấy tôi chìa bài thơ ra:
- Tặng em gái mày nè!
Bội trân trọng đón lấy tờ giấy tôi đưa. Rồi lập tức khoe ầm:
- Thằng Khoa làm thơ cho em gái tao nè!
Tụi bạn lập tức xúm đen xúm đỏ quanh Bội.
Thằng Diên giật tờ giấy, ngâm nga:
- Áo trắng ai về qua ngõ xa
Hay làn sương mỏng sắp trôi qua
Trái tim em đập ngoài xa vắng
Sao trái tình tôi rụng trước nhà?
Nó giơ ngón cái lên:
- Tuyệt cú mèo!
Rồi thấy chỉ khen suông thì phí quá, nó thực tế hơn:
- Chiều nay mày đến nhà tao nhé Khoa! Tao sẽ nói em gái tao làm bánh xèo đãi mày.
 
o O o

Một năm học kéo dài chín tháng. Nhưng mới tới tháng thứ ba, thầy Xuân Thu đã hết muốn dạy học trò.
Thầy nghiêm trang nói với chúng tôi:
- Thầy không còn gì để dạy các em nữa. Nếu học để làm bài trong kỳ thi tú tài, các em đã thừa sức rồi.
Thầy Xuân Thu không nói ngoa. Đề thi tú tài môn tiếng Pháp gồm một bài tập rédaction và một bài lecture kèm theo những câu hỏi. Học trò của thầy toàn dân trường Tây, các loại bài tập này tụi nó làm như máy. Hai đứa trường Việt là tôi và Hồng Hà lại là hai đứa luôn dẫn đầu lớp môn rédaction. Xét ra, thầy Xuân Thu không lo lắng là đúng. Tôi kém nhất môn nghe nói. Nhưng kỳ thi tú tài chỉ thi viết, không thi vấn đáp. Vì vậy điểm yếu của tôi không có cơ hội để bộc lộ.
Tất nhiên trước khi tuyên bố hùng hồn như vậy, thầy Xuân Thu đã lôi không biết ở đâu về nguyên một xấp đề thi tú tài môn tiếng Pháp dành cho ban C mấy năm trước, bắt cả lớp ngồi làm tại chỗ.
Chúng tôi è cổ suốt một tuần mới làm xong xấp đề thi của thầy.
Thầy đem xấp bài làm của chúng tôi về nhà, hai ngày sau đi tay không vô lớp, hào hứng phán:
- Tốt lắm! Không rớt một em nào. Đỗ hết. Thậm chí có vài em đỗ cao.
Dù sao, bảo thầy Xuân Thu không buồn dạy học trò cũng không đúng hẳn. Thầy vẫn dạy, nhưng chỉ dạy qua loa, đại khái. Thời gian còn lại, thầy toàn kể chuyện lúc thầy sống bên Tây.
Nhưng chuyện bên Tây kể hoài cũng hết, thầy Xuân Thu bèn nghĩ đến chuyện rủ học trò trốn học đi chơi.
Thú thật, trước đó và mãi mãi sau này, tôi chuyển rất nhiều trường, học với rất nhiều thầy cô khác nhau, vẫn không thấy ai tài tử bạt mạng như ông thầy dạy tiếng Pháp năm lớp mười hai của tôi.
Hôm đầu tiên nghe thầy bảo:
- Hôm nay thầy trò mình đi chơi!
Tôi tưởng thầy sẽ đĩnh đạc dẫn đầu cả lớp tiến ra theo cửa chính như những thầy cô các năm trước vẫn dẫn học trò đi dã ngoại.
Tôi đinh ninh như thế nên sau khi xếp tập, tôi liền ôm cặp hiên ngang bước ra cửa.
- Khoa, em đi đâu đó?
Tiếng thầy Xuân Thu gọi giật khiến tôi dừng bước, quay lại:
- Thưa thầy...
Thầy Xuân Thu khoát tay:
- Không đi ngả đó được. Thầy trò mình nhảy cửa sổ đi cổng sau.
Tôi chưa hết ngơ ngác, thầy đã quay sang thằng Bội, hạ lệnh:
- Bội, em nhảy ra trước, canh chừng giám thị hành lang.
Thầy Xuân Thu điều khiển học trò cũng oai vệ không kém một viên tướng đang chỉ huy trận đánh giữa chiến trường.
Được giao sứ mạng trong đại, Bội hào hứng nhét tập vào lưng quần, lồm cồm leo qua cửa sổ ra sân sau.
Thầy Xuân Thu ban "quân lệnh" thứ hai:
- Minh Khôi, Hồng Hà, hai em đóng chặt cửa chính và cửa sổ phía trước lại.
Minh Khôi và Hồng Hà nhanh chóng thi hành nhiệm vụ.
Cửa vừa đóng, cả thầy lẫn trò lập tức bu lại chỗ cửa sổ thằng Bội vừa leo qua, hồi hộp chờ nó ra hiệu.
 
Tôi đứng sau lưng thằng Diên, nhón chân nhìn ra ngoài, thấy thằng Bội đang ngồi thu lu sau gốc mẫu đơn trắng ở góc rào.
Nó nấp sau bụi cây, dáo dác đảo mắt tứ phía. Bội ngồi lâu thật lâu, có đến cả chục phút, mặt không ngừng nhăn nhó. Chắc giám thị hành lang vẫn còn lảng vảng quanh các dãy lớp gần đó nên thằng Bội mới mặt mày bí xị như thế.
Tôi đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì Minh Khôi thúc mạnh vào lưng:
- Chuẩn bị leo ra đi!
Tôi giật mình ngước lên, thấy Bội đang đưa tay ngoắt ngoắt.
Thế là người trước kẻ sau, thầy trò tôi lục tục trèo lên bệ cửa, phóc ra ngoài.
Bác bảo vệ cổng sau thấy đoàn người tiến ra một cách đáng nghi liền chặn lại:
- Tụi mày đi đâu giờ này?
Thầy Xuân Thu vẹt học trò, đàng hoàng tiến lên:
- À, bác Tám! Bữa nay tôi dẫn học trò đi thực tập mà.
Bác Tám nhác thấy thầy Xuân Thu, liền lễ phép cúi đầu:
- Chào thầy! Vậy mà tôi tưởng các em đây trốn học đi chơi!
Nói xong, bác móc xâu chìa khóa trong túi áo ra, loay hoay mở cổng.
- Cảm ơn bác!
Thầy Xuân Thu nói, và ung dung dẫn học trò tiến qua cánh cổng mở hé.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, đi vài ba bước, thầy liền quay lại:
- À, bác Tám này! Sắp tới, thầy trò tôi đi thực tập thường xuyên lắm đấy.
Thầy Xuân Thu nói xa xôi, nhưng bác bảo vệ hiểu ngay:
- Dạ tôi biết rồi, thưa thầy. Tôi sẽ để cổng cho thầy và các em qua.
Bác Tám bảo "biết rồi" nhưng tôi ngờ là bác chẳng biết gì cả. Vì khi miệng bác trả lời sốt sắng như vậy, tôi vẫn thấy mặt bác nghệt ra đến tội. Chắc từ ngày giữ chân bảo vệ của nhà trường đến nay, chưa bao giờ bác thấy một ông thầy dẫn học trò chuồn ra cổng sau để đi thực tập như ông thầy dạy tiếng Pháp của tôi.
Lần trốn học đầu tiên, thầy Xuân Thu dẫn tụi tôi đi "thực tập" ở rạp xi nê. Tất nhiên là thầy bao toàn bộ tiền vé.
Thầy trò chui vô rạp Trưng Vương gần ngã năm Thái Bình Dương ngồi xem phim "Love story", bộ phim đang nổi tiếng như cồn tại Mỹ, do Ryan O'Neal và Ali Macgraw thủ vai. Phim hay tuyệt, dài ba tiếng đồng hồ nhưng xem không chán. Đến trưa trờ trưa trật, thầy trò mới bước ra khỏi rạp, miệng ai nấy đều không ngớt xuýt xoa.
Lần trốn học thứ hai, thầy Xuân Thu bao học trò ăn phở.
Lần thứ ba, thầy dẫn tụi tôi đi "thực tập" tại một quán nhậu.
Thầy kêu cả chục món ăn, cả chục lon Coca Cola, một chai whisky và một ly soda.
Thầy bảo:
- Các em uống nước ngọt thôi. Không nên tập tành rượu chè.
Tụi tôi không đứa nào phản đối. Bởi chẳng đứa nào biết uống rượu.
Trong khi thầy Xuân Thu ngồi nhâm nhi từng ngụm rượu thì tụi tôi thi nhau tấn công ồ ạt các đĩa thức ăn thơm phức.
Đến giữa bữa, xem chừng no nê, đám học trò bắt đầu quay sang thách nhau. Xem đứa nào uống được rượu.
Đầu tiên là thằng Minh Khôi. Nó bưng ly rượu thầy Xuân Thu vừa đặt xuống, đưa lên miệng nhắp một tợp. Rồi chùi mép, khề khà:
- Ngon ghê! Đố đứa nào làm được như tao!
Tụi tôi xanh mặt ngó nhau. Không đứa nào mở miệng. Vì không đứa nào có gan nốc rượu như Minh Khôi.
Thầy Xuân Thu không cản, chỉ nói:
- Hơn nhau chuyện học tập mới đáng kể, hơn nhau chuyện rượu chè đâu có gì hay ho!
Bất chấp lời bình luận sáng suốt của thầy Xuân Thu, thằng Minh Khôi đảo mắt một vòng, mặt nhơn nhơn:
- Tụi mày chịu thua rồi phải không?
Bị khiêu khích, Đông Anh nóng mặt. Nó cầm lên ly rượu:
- Tao uống.
Nó kề ly vào miệng. Nhìn bộ tịch hùng hổ của Đông Anh, tôi tưởng nó sẽ dốc trọn phần rượu trong ly vào cuống họng trong nháy mắt.
Nhưng hơi rượu bốc lên nồng quá, chiếc ly vừa chạm môi, thằng Đông Anh lập tức hắt xì hơi hai ba cái liền. Nó hoảng hồn đặt vội chiếc ly xuống, mặt đỏ tía:
- Tao chịu thôi!
Minh Khôi cười hô hố:
- Yếu mà ra gió!
Nó lướt mắt qua những đứa còn lại:
- Đứa nào thử sức?
Tấm gương của thằng Đông Anh khiến tụi tôi im thít.
Chờ cả buổi không thấy ai hó hé, Minh Khôi dán mắt vào mặt tôi:
- Mày đi Khoa!
Tôi lắc đầu.
Minh Khôi khích:
- Mày là Rimbaud, phải biết uống rượu. Xưa nay các nhà thơ đều làm bạn với men say. Nếu không có rượu, đã không có thiên tài Lý Bạch. Không có rượu, Nguyễn Bính đã không viết nổi câu "Người ơi, buồn lắm mà không khóc. Mà vẫn cười qua chén rượu đầy"...
Minh Khôi là một con cáo. Nó đánh ngay vào lòng tự tôn của nhà thơ lớn.
Do dự một thoáng, tôi khẽ liếc mắt về phía thầy Xuân Thu rồi rụt rè cầm lấy ly rượu.
Tôi bưng ly rượu lên nhưng không uống ngay. Những cái hắt xì hơi vừa rồi của thằng Đông Anh khiến tôi chột dạ.
Đang phân vân, tôi chợt nảy ra một sáng kiến. Tôi rót rượu vào lon Coca. Tôi nghĩ như vậy sẽ dễ uống hơn. Rượu hòa vào nước ngọt chắc chắn sẽ bớt mùi đi nhiều.
Nhưng khi tôi kề lon Coca vào môi, thầy Xuân Thu vội đưa tay chặn lại:
- Whisky pha Coca, nặng lắm đó!
Thầy Xuân Thu làm tôi nhụt nhuệ khí quá xá. Thốt nhiên tôi hết ham làm Lý Bạch. Lý Bạch say rượu nhoài ra khỏi thuyền vớt trăng dưới đáy sông mà chết. Tửu lượng ông ngang cỡ Lưu Linh mà còn thế, huống gì tôi. Tôi là thằng Khoa học trò tỉnh lẻ, từ bé đến lớn chưa nhúng môi vào rượu bao giờ.
Nhưng đúng vào lúc tôi định đặt lon Coca xuống và mở miệng nhận thua, thầy Xuân Thu bỗng nói:
- Nếu em chưa từng uống rượu bao giờ thì đừng uống!
Câu nói vô tình của thầy khiến tôi bỗng thay đổi ý định. Tự ái dồn dập, tôi không muốn đầu hàng thằng Minh Khôi nữa.
Tôi cầm lon Coca lên, hùng hồn:
- Không sao đâu, thầy!
Và tôi dốc ngược lon Coca vào miệng. Đúng như tôi nghĩ, whisky pha nước ngọt không đến nỗi khó uống.
Tôi nốc một hơi cạn queo, rồi hiên ngang dằn chiếc lon rỗng xuống bàn, dõng dạc:
- Có gì ghê gớm đâu! Tao uống hoài!
Tôi liếc mắt một vòng qua những gương mặt, hả hê khi thấy tụi bạn đứa nào đứa nấy tròn mắt thán phục.
Minh Khôi bật ngón tay cái:
- Ngon! Mày đúng là Lý Bạch của Việt Nam.
Hôm trước được Đông Anh tôn làm Rimbaud. Nay được Minh Khôi phong làm Lý Bạch, tôi sướng rơn, tưởng như đang ngồi trên chín tầng mây.
Nhưng Lý Bạch chỉ ngồi trên mây được khoảng mười phút. Tới phút thứ mười một, Lý Bạch dụi mắt xuống gầm bàn nôn thốc nôn tháo và qua phút thứ mười hai thì không còn biết trời trăng gì nữa.
 
Chương 5

Trong lớp chỉ có một mình Hồng Hà biết chỗ ở của tôi. Hôm đó chính nó đã cõng tôi về nhà.
Tất nhiên bác Đán vô cùng kinh hoảng khi thấy tôi nằm vặt vẻo trên vai Hồng Hà như một xác chết:
- Thằng Khoa bị sao vậy hở con?
- Dạ, không... không có gì nghiêm trọng đâu ạ. Bạn Khoa chỉ say chút... chút đỉnh thôi.
- Say? - Bác Đán như không tin vào tai mình - Thằng Khoa uống rượu?
- Dạ, nhưng uống... uống có một tí thôi bác.
- Nó uống với ai vậy hở con?
- Dạ, uống... uống một mình.
Hồng Hà giấu biến sự có mặt đông đủ của thầy trò lớp mười hai C quanh bàn nhậu.
- Thằng nhỏ hư quá!
Tôi nghe tiếng bác Đán thở dài, nhưng không đủ sức để lên tiếng. Và nếu đủ sức, tôi cũng chẳng biết phải bào chữa cho tội trạng của mình như thế nào. Chẳng lẽ tôi bảo mọi chuyện là do thầy Xuân Thu bày ra.
Khi Hồng Hà đã ra về, bác Đán lom khom xốc tôi vào giường, loay hoay thay quần áo, lấy khăn lau mình mẩy rồi lui cui xức dầu bắt gió cho tôi.
Sau bữa đó, Lý Bạch Việt Nam nằm nhà suốt ba ngày, đầu lúc nào cũng nhức như búa bổ.
Bác Đán ngày hai bữa phải mang cơm từ nhà bà Dần về cho tôi.
Hai ngày đầu bác không nói gì. Ngày thứ ba, thấy tôi hơi tỉnh tỉnh, bác mới nhỏ nhẹ khuyên:
- Rượu không giải quyết được gì con ạ. Đừng bắt chước những kẻ lụy vì tình rồi tàn phá đời mình trong men rượu nghe con.
Trời đất, tôi than thầm trong bụng, bác Đán tưởng tôi uống rượu vì thất tình con nhỏ nào. Như vậy thì oan cho tôi quá. Chắc tại mấy hôm nay bác thấy ngoài tụi bạn trai trong lớp, còn có thêm hai con nhỏ thậm thụt đến thăm tôi.
Đó là Minh Hoa và nhỏ Quyên. Cách đây gần một tháng, Minh Hoa có đến chỗ tôi. Nó gọi là đến cho biết nhà. Từ lúc đó đến nay, nó chưa tạt qua chỗ tôi ở thêm một lần nào nữa.
Hai ngày vừa qua không thấy tôi ghé thăm chị em nó, chắc nó linh cảm chuyện gì nên vội vàng đi tìm tôi.
Lần đầu Minh Hoa đến một mình.
Thấy tôi nằm liệt giường, nó lo lắng hỏi:
- Khoa ốm hở?
- Ừ.
Vừa đáp, tôi vừa hồi hộp liếc bác Đán. Bắt gặp ánh mắt năn nỉ của tôi, bác Đán hắng giọng một cái nhưng không nói gì.
- Khoa ốm nặng không? - Minh Hoa nhìn lom lom vào mặt tôi.
Tôi nhắm mắt, phều phào:
- Nặng lắm.
- Khoa bệnh gì vậy?
Tôi nhíu mày:
- Bệnh gì hở? Ờ, ờ, bệnh cúm.
Thấy Minh Hoa đưa tay định sờ trán tôi, tôi lật đật kéo mền trùm kín đầu:
- Đừng... đừng...
Minh Hoa ngạc nhiên:
- Minh Hoa định xem thử Khoa có nóng không ấy mà.
Tiếng tôi vọng ra từ trong mền:
- Không được đâu. Bệnh cúm là chúa hay lây. Minh Hoa chạm vào là nhiễm bệnh liền.
Nghe tôi hù ghê quá, Minh Hoa rụt tay lại:
- Khoa thò đầu ra đi. Minh Hoa không sờ trán Khoa nữa đâu.
Tôi thò đầu ra, thấy Minh Hoa đã buông tay xuống. Nhưng tôi vẫn chưa yên tâm, liền nhăn nhó:
- Minh Hoa lùi chiếc ghế ra xa chút nữa đi!
Minh Hoa tròn xoe mắt:
- Chi vậy?
- Ngồi xa một chút mới an toàn.
Bữa đó, Minh Hoa ngồi trên chiếc ghế tuốt dưới chân giường trò chuyện với "người bệnh". Tôi nằm thu lu trên giường, đầu xoay như chóng chóng để nghĩ cách trả lời hàng mớ những câu hỏi nhiệt tình và đầy lo âu của nó.
Cho đến khi Minh Hoa đứng dậy cáo từ, tôi mới thở phào thoát nạn.
Nhưng tôi chỉ thoát nạn được có mấy tiếng đồng hồ. Minh Hoa vừa ra về buổi trưa, đến tối nó đã nhanh chóng quay lại, lần này dắt theo nhỏ Quyên.
Tôi đành phải tiếp tục đóng vai người bệnh, giọng thều thào như sắp chết đến nơi.
Nhưng lần này, tôi không sợ "lây bệnh" cho nhỏ Quyên. Tôi mong được nó đặt tay lên trán tôi biết bao, mặc dù không hiểu tại sao tôi lại mong như thế.
Nhưng nhỏ Quyên khác Minh Hoa. Nó cũng hỏi thăm đủ thứ về bệnh tình của tôi nhưng không buồn kiểm tra xem tôi có nóng hay không.
Suốt buổi trò chuyện, hai bàn tay trắng muốt, thon dài của nó vẫn đặt trên đùi, tất nhiên là đùi nó, một cách bình thản đến đáng ghét.
Chuyện Minh hoa và nhỏ Quyên ghé thăm tôi chỉ có thế, nghĩa là quanh quẩn chỉ hỏi qua đáp lại, xen kẽ với những lời nhắc nhở chăm uống thuốc, ráng nghĩ ngơi như hỏi đáp giữa bác sĩ và bệnh nhân. Thế mà không hiểu căn cứ vào đâu bác Đán lại nghi tôi đang lụy một trong hai con nhỏ này đến mức "tàn phá đời mình trong men rượu".
Tôi nhìn bác Đán, miệng méo xệch:
- Không có chuyện đó đâu, bác ơi.
Bác Đán không tin:
- Thế sao con lại đi uống rượu?
Câu hỏi vặn của bác làm tôi tắc tị. Tôi không biết phải trả lời sao. Tôi không thể nói sự thật. Tôi không thể khai ra chuyện thầy Xuân Thu rủ học trò trốn học, dẫn học trò vào rạp xi-nê, vào quán nhậu. Tôi sợ bác Đán sẽ xỉu lăn đùng ra giữa nhà.
Thấy tôi ngặm tăm, bác Đán càng tin vào suy đoán của mình. Bác gật gù:
- Chỉ khi đau khổ lắm, con người ta mới uống rượu một mình. Người xưa độc ẩm để công phá thành sầu, con ạ.
Tôi không độc ẩm. Cũng không công phá thành sầu. Nhưng tôi buộc phải làm thinh.
Mắt bác Đán nheo nheo:
- Con bé ghé lúc trưa hôm qua là bạn con?
- Dạ.
- Còn con bé đi theo tối hôm qua là người con đem lòng thương nhớ lâu nay? Là con bé đánh đàn vẫn khiến con tối tối thức làm thơ?
- Không phải đâu, thưa bác.
- Con đừng giấu bác! - Bác Đán lắc đầu - Bác biết, chính là con bé đó.
Bác Đán nói giọng khẳng định khiến tôi ngơ ngác. Nhỏ Quyên quả có làm tôi xao xuyến nhưng đâu tới mức bắt tôi thao thức làm thơ cho nó. Xưa nay tôi chỉ làm thơ cho nàng Stéphanette, chủ nhân giấu mặt của trái tim tôi.
Chắc bác Đán thấy nhỏ Quyên xinh đẹp nên phỏng đoán thế thôi.
Khổ nỗi, bác Đán nói sai, nhưng tôi không dám thanh minh. Tôi không thể một lần nữa khai ra người con gái tôi thương là người cho đến tận hôm nay tôi vẫn chưa biết mặt. Hôm trước nói như vậy thì được. Nhưng hôm nay, thời gian đã qua lâu rồi mà tôi vẫn tiếp tục thú nhận là chưa có cơ hội diện kiến người mình đem lòng yêu thương thì đúng là kỳ khôi quá đỗi. Tôi không muốn là người kỳ khôi. Tôi không muốn bác Đán một lần nữa chê tôi là người lãng mạn, rồi bắt tôi "quên con bé đó đi". Vì vậy, rốt cuộc tôi đã chẳng nói gì.
Nhưng chẳng nói gì không phải là thượng sách. Bởi chẳng nói gì gần như là thừa nhận.
Bác Đán thở dài:
- Nhi nữ tình trường anh hùng khí đoản, rồi đời con sẽ ra sao hở con?
 
o O o

Dĩ nhiên nàng Stéphanette không biết người yêu nàng là ai, càng không biết người yêu nàng đang nằm liệt giường ba ngày không dậy nổi. Cho nên nàng không đến thăm tôi.
Nhưng đó là nói ban ngày. Còn ban đêm nàng vẫn đến, không phải qua con đường Bạch Đằng chạy dọc sông Hàn mà qua ngả những giấc mơ.
Trong giấc mơ, tôi không nằm trên giường mà nằm bệt trên vỉa hè đường Nguyễn Du, rên hừ hừ.
Tiếng rên của tôi có lẽ lay động tận tâm can nàng Stéphanette. Nên tiếng đàn đang thánh thót bên tai tôi chợt im bặt. Rồi từ bên trong căn phòng trên tầng hai, một bàn tay thò ra vén rèm cửa sổ. Nàng Stéphanette vén rèm bằng bàn tay trắng thuôn như làm bằng sứ của nhỏ Quyên.
Rồi nàng nhô đầu qua ô cửa, cũng bằng khuôn mặt của nhỏ Quyên. Đôi mắt đen như hai hạt nhãn nhìn xuống vỉa hè bên kia đường, chớp lia chớp lịa khi nhận ra một chàng trai đang thoi thóp.
Cũng như trong cơn mơ lần trước, nàng tức tốc chạy xuống nhà, xô cửa chạy ra. Nhưng khác cơn mơ lần trước là nàng nhận ra tôi ngay. Nàng không hỏi "Anh là ai?" mà hỏi "Khoa đấy ư?". "Tôi đây", tôi đáp. "Anh đang làm gì đó?". "Tôi sắp chết", tôi nói bằng giọng vẻ như chỉ còn năm phút nữa là tôi sẽ đi chầu trời. Nàng Stéphanette lập tức òa lên khóc "Không! Anh không thể chết". Tôi triết lý "Con người ai mà không chết, chỉ có sớm hay muộn thôi". "Nhưng anh không thể chết lúc này", nàng Stéphanette nức nở. Tôi nhếch môi, khinh bạc "Tại sao?". "Em cần anh". Nàng sờ trán tôi "Anh bị bệnh gì thế?". Tôi khụt khịt mũi "Tương tư". Môi nàng vẽ thành hình chữ O "Tương tư?". "Đúng thế", tôi nhún vai "Các nhà khoa học thừa sức tìm ra các loại thần dược trị bách bệnh, chỉ trừ bệnh tương tư". "Anh tương tư cô nào vậy?". "Còn cô nào nữa! Tôi tương tư em, tương tư tiếng đàn của em"...
Những giấc mơ của tôi thường không trọn vẹn. Bao giờ chúng cũng đứt khúc nửa chừng, thường là ở những chỗ hấp dẫn, gay cấn nhất. Hệt như cuốn sách hay bị quá nhiều người chuyền tay nên luôn bị mất những trang thú vị nhất ở phía sau.
Những lúc đó, tôi thường giật mình tỉnh giấc. Để đau khổ nhận ra rằng con người ta không ai sống bằng chiêm bao, càng không thể yêu bằng chiêm bao. Nàng Stéphanette cho đến nay vẫn ngạo nghễ ngự trên tầng hai trong tòa lâu đài của nàng, chưa hề đặt chân xuống đất để hỏi thăm sức khỏe của thần dân, dù thần dân đó là một thiên tài vĩ đại bằng cả Lý Bạch lẫn Rimbaud cộng lại.
Thức giấc nửa đêm, thiên tài cô đơn lắng nghe tiếng mưa tí tách ngoài hiên, càng thêm buồn nẫu ruột, hí hoáy trút nỗi niềm vào thơ:
- Chiều nay tôi nằm bệnh
Em không buồn ghé thăm
Nhưng đêm nay trong giấc mơ tôi
Thể nào em cũng đến
Như em đã từng đến bao lần
Những lần em đến
Em chẳng mang theo nón che đầu
Chẳng có áo đi mưa
Cũng chẳng khăn quàng cổ
Nếu mưa cứ rơi vào giấc ngủ
Ướt em tôi còn gì !
Thiên tài buồn nhưng thiên tài rộng lượng:
Đêm nay mưa cứ rơi
Miễn là đừng làm em tôi ướt áo
Miễn là đừng làm em tôi ướt tóc
Miễn là đừng rơi vào giấc mơ tôi đang ngóng chờ
Còn thì mưa cứ ướt
Dù đấy là lòng tôi
Có hề gì
Giữa cơn đau, nghĩ đến em
Là lòng tôi ấm lại.
Tôi không hề đau, chỉ bị whisky cộng với Coca quật ngã. Tôi chỉ ốm giả vờ để gạt Minh Hoa và nhỏ Quyên. Nhưng không hiểu sao, khi viết những câu thơ lủi thủi kia, tôi có cảm giác tôi đang ốm thật. Tôi thấy ngực tôi nóng ran và lòng tôi quặn thắt.

o O o
 
Xét cho cùng, nàng Stéphanette không đến thăm tôi dù sao cũng còn châm chước được. Nhưng em gái thằng Đông Anh và em gái thằng Bội biết tôi liệt giường ba ngày ba đêm mà không thèm bén mảng đến thì đúng là vô tình vô nghĩa quá sức.
Ngày thứ tư, tôi đi học lại, bạn bè xúm vào hỏi han tíu tít. Ai hỏi tôi cũng vồn vã trả lời. Chỉ riêng Đông Anh và thằng Bội là tôi lờ tịt. Mỗi khi hai thằng này xán lại định bắt chuyện là mặt tôi lập tức lạnh như tiền.
Đông Anh và Bội có vẻ ngạc nhiên trước thái độ xa cách của tôi. Đợi đến giờ chơi, chúng hè nhau xáp lại.
- Mày làm sao vậy hở Khoa? - Đông Anh lên tiếng trước.
Bội phụ họa:
- Ừ, thằng Khoa bữa nay lạ ghê!
Tôi làm thinh ngoảnh mặt đi chỗ khác.
Đông Anh níu tay tôi:
- Mày giận tao hở?
Tôi vẫn không hé môi. Nhưng nhìn bộ mặt xụ xuống một đống của tôi, hai đứa kia biết là tôi đang giận ghê lắm.
- Tao có làm gì đâu mà mày giận! - Đông Anh nhăn nhó.
Bội hùa theo:
- Hôm đó thằng Minh Khôi khích mày uống chứ đâu phải tụi tao.
Tôi hừ mũi:
- Chuyện đó có gì đâu mà giận.
- Chứ mày giận chuyện gì?
- Tại sao không ai ghé thăm tao? - Giọng tôi đầy hờn mát.
Tất nhiên chữ "ai" trong lời trách cứ của tôi nhằm ám chỉ nhỏ Đinh Lăng và "hoa khôi" trường Sao Mai. Nhưng Đông Anh và thằng Bội ngu như bò, đâu có hiểu.
Đông Anh hăm hở kêu oan:
- Sao mày mau quên quá vậy? Hôm đó tao có đến thăm mày mà.
Bội cũng thống thiết không kém:
- Khoa ơi là Khoa! Tao đến thăm mày rõ ràng, còn lấy quần xà lỏn đưa cho mày thay, sao mày không nhớ gì hết vậy?
Tôi nhún vai:
- Tao không nói tụi mày!
Cả Bội lẫn Đông Anh đều há hốc miệng, ngẩn ngơ:
- Chứ mày nói tụi nào?
Tôi gầm gừ:
- Nói mấy đứa em tụi mày chứ nói tụi nào!
Hai cái miệng lại đồng thanh:
- Mấy đứa em tụi tao?
- Chứ còn ai nữa! - Tôi nghiến răng, oán trách - Tao thức khuya lơ khuya lắc làm thơ tặng từng đứa đến đỏ kè con mắt, vậy mà khi tao nằm liệt, chẳng đứa nào thèm ghé qua xem tao còn sống hay tao đã chết!
Nhìn bộ mặt đang thuỗn ra của hai đứa bạn, tôi thở dài u uất:
- Bây giờ tao mới hiểu tại sao người ta hay nói câu "tình đời đen bạc"!
Thấy tôi lên án em gái tụi nó ghê quá, Đông Anh bối rối đưa tay quẹt mũi:
- Vậy là mày trách oan nhỏ Đinh Lăng rồi.
Thằng Bội cũng chớp chớp mắt:
- Ừ, em gái tao đâu đến nỗi tệ như vậy.
Tôi quắc mắt:
- Vậy mà không tệ?
Bội gãi đầu:
- Lúc nghe tin mày ốm nằm nhà, em gái tao cứ nằng nặc đòi đi thăm...
- Xạo đi! - Tôi nhếch môi.
- Tao xạo mày làm gì. Nó đòi đi, nhưng tao đã ngăn nó.
- Tại sao? - Tôi nhìn Bội lom lom, bán tín bán nghi.
Bội nghiêm trang:
- Tao không muốn nó phát hiện mày bị rượu quật ngã. Một nhà thơ lớn không thể bỏ học ba ngày chỉ vì vài tợp rượu...
Bội chưa nói dứt, Đông Anh đã hùng hồn tiếp lời:
- Đúng thế. Thằng Minh Khôi đã coi mày như Lý Bạch. Lý Bạch Trung Hoa xem rượu như nước lã, Lý Bạch Việt Nam không thể xem rượu như thuốc độc được.
Đông Anh chém tay vào không khí:
- Cũng như thằng Bội, tao quyết liệt ngăn cản nhỏ Đinh Lăng chỉ vì giữ uy tín cho mày.
Bội gật gù:
- Nếu không làm thế, thần tượng trong lòng tụi nó sẽ sụp đổ.
Bội và Đông Anh kẻ tung người hứng, tôi nghe một hồi đầu óc rối tinh rối mù, chẳng rõ thực hư ra sao.
Tôi vờ cảm cúm, gạt nhỏ Quyên và Minh Hoa trót lọt, chẳng lẽ không qua mắt được em gái Đông Anh và Bội? Ờ, nhưng biết đâu bác Đán chẳng vô ý làm lộ bí mật của tôi!
Sau một lúc nghĩ tới nghĩ lui, tôi gật đầu, dịu giọng:
- Tụi mày cẩn thận thế cũng tốt!
Đông Anh mừng rỡ nắm tay tôi, lắc lắc:
- Mày hết giận nhỏ Đinh Lăng rồi chứ?
- Hết rồi.
Bội nắm tay kia của tôi, cũng lắc lắc:
- Mày hết giận em gái tao rồi chứ?
Tôi mỉm cười:
- Ừ.
 
Chương 6

Buổi sáng, Đông Anh và Bội vừa phân bua với tôi, buổi chiều tôi đã ngồi ở nhà thằng Diên chờ em gái nó đổ bánh xèo đãi tôi.
Tôi đã hết giận các em gái của bạn mình. Tụi nó không đến nỗi bất nhân bất nghĩa như tôi nghĩ. Những ngày vừa qua nhỏ Đinh Lăng và "hoa khôi" trường Sao Mai nóng lòng đi thăm thần tượng của mình biết bao nhưng bị các ông anh trai cản trở nên tụi nó không thực hiện được nỗi khao khát cháy bỏng trong lòng đó thôi. Không đi thăm tôi được, chắc tụi nó buồn lắm.
Tôi ngồi xếp bằng trên tấm phản trước hiên, phấn khởi nghĩ ngợi lung tung và rung đùi chờ bánh xèo đem ra.
Thằng Diên ngồi cạnh không ngừng xun xoe, chắc nó sợ nhà thơ lớn đợi lâu đói bụng đòi bỏ về:
- Mày cố đợi một lát nhé. Gần xong rồi.
Thấy tôi không đáp, Diên sợ run, lại nịnh nọt:
- Lâu như thế vì em tao muốn làm thật ngon để đãi mày đấy.
Tôi nhìn nó, độ lượng:
- Tao có nói gì đâu!
Lát sau, em gái thằng Diên bưng mâm bánh xèo ra.
Diên hớn hở giới thiệu hai bên với nhau.
Em gái thằng Diên bẽn lẽn y hệt em gái Bội và em gái Đông Anh. Nó luống cuống gật đầu chào tôi rồi hấp tấp quay gót trở vô nhà, nhanh như chớp.
Diên khoe:
- Nó tên là Linh San, hay không?
Tôi cười khảy:
- Giống hệt tên con gái Nhạc Bất Quần trong truyện "Tiếu ngạo giang hồ" của Kim Dung.
Diên nhăn mặt:
- Mày đừng bao giờ nhắc đến tên thằng cha tiểu nhân Nhạc Bất Quần trước mặt em gái tao. Nó nghe được nó buồn lắm đó.
Rồi Diên cẩn thận gợi ý:
- Muốn khen giống thì bảo giống tên người yêu của Lệnh Hồ Xung là được rồi.
Tôi gật gù, hiểu biết:
- Tao sẽ làm theo lời mày.
Diên vỗ vai tôi:
- Ba tao mê Kim Dung. Khi sinh em gái tao, ba tao đang thích nhân vật Nhạc Linh San nên lấy tên này đặt cho nó.
Tôi ngạc nhiên:
- Nhạc Linh San tham vàng phụ nghĩa, bỏ lãng tử Lệnh Hồ Xung để chạy theo tên "thái giám" Lâm Bình Chi, sao ba mày lại thích?
Diên cười khổ:
- Lúc đó, truyện "Tiếu ngạo giang hồ" đang đăng dở dang trên báo, ông Kim Dung chưa viết đoạn sau, ba tao đâu có biết. Đến khi hay ra thì đã muộn mất rồi.
Nghe Diên than thở, tôi không nói gì, chỉ tủm tỉm cười. Cười vì câu chuyện đặt tên con éo le của ba nó. Cũng cười vì nhan sắc của Linh San trong truyện và nhan sắc Linh San ngoài đời khác nhau quá xa.
Nhạc Linh San trong truyện Kim Dung dễ thương hết biết, không tuyệt thế giai nhân cũng thập phần duyên dáng, trong khi em gái thằng Diên nhan sắc quá trung bình, chỉ hơn được em gái thằng Bội chút đỉnh gọi là.
Nhưng tôi không bình luận, mà cũng không có lý do gì để bình luận. Tôi biết thằng Diên rủ tôi về nhà và bắt em gái nó ngồi toát mồ hôi bên bếp lò đổ bánh xèo đãi tôi đâu phải để gả em gái nó cho tôi. Cũng như Đông Anh và Bội, nó chỉ muốn tôi làm thơ tặng em gái nó.
Vì vậy mà suốt buổi, tôi cắm cúi ăn bánh xèo. Linh San không đẹp nhưng nó đổ bánh xèo ngon tuyệt cú mèo.
Tôi ăn một lèo sáu cái. Rồi đứng dậy:
- No rồi, tao về!
Diên chẳng hề phật ý trước thái độ bất lịch sự của tôi, chỉ nói:
- Nhớ nhé?
Đã quá quen với vai trò của mình, tôi cười toe:
- Sáng mai tao sẽ đưa bài thơ cho mày.
Tôi không nghĩ bài thơ tôi làm cho nhỏ Linh San lại khiến thằng Diên thích thú đến vậy.
Sáng hôm sau nó kê bài thơ của tôi vào sát mắt, ra rả ngâm tới ngâm lui:
- Đừng như hoa lá, đừng như cỏ
Phủ xuống hồn anh một tối đầy
Mà như hoa lá, mà như cỏ
Thức dậy tình anh những sớm mai.
Ngâm nga chán, nó huơ qua huơ lại bài thơ trên đầu như thể bắt được một báu vật, mặt mày rạng rỡ:
- Tuyệt, tuyệt! Trên đời này không thể có bài thơ nào hay hơn!
Tôi sung sướng:
- Mày nói thật đấy hở?
- Thật.
Trước khi làm thơ tặng Linh San, tôi cũng đã làm thơ tặng nàng Đinh Lăng và "hoa khôi" trường Sao Mai. Nhưng Đông Anh và thằng Bội chẳng buồn ganh tị, cũng chẳng buồn bất bình giùm em gái tụi nó.
Nghe thằng Diên bốc "bài thơ hoa cỏ" lên mây, hai đứa nó xúm vào tán tụng:
- Ừ, thằng Khoa làm thơ hay ghê!
- Nó là Rimbaud.
Minh Khôi bước lại:
- Là Lý Bạch nữa.
Lời khen của Minh Khôi làm tôi đỏ mặt. Tôi ngờ rằng nó xỏ xiên chuyện tôi làm anh hùng rơm trong bàn nhậu bữa trước.
Nhưng tôi đã nghĩ oan cho Minh Khôi. Khen xong, nó vỗ vai tôi:
- Mày chưa đến nhà tao đấy nhé.
Hôm trước tôi nhớ Minh Khôi khoe với tôi em gái nó đẹp lắm. Nó bảo em gái nó đẹp hơn em gái thằng Đông Anh gấp tỉ lần. Lần đó nghe nó nói, tôi hơi tin tin. Nhưng bây giờ thì tôi không còn háo hức xem mặt em gái Minh Khôi nữa. Thằng Bội và thằng Diên đã làm tôi hụt hẫng. Hôm đầu tiên, lúc cùng tụi bạn trong lớp đem nhan sắc em gái ra đọ nhau để lấy lòng tôi, Diên tán tụng sắc đẹp của nàng Linh San đến tung tóe nước bọt. Nhưng sự thật hoàn toàn không giống chút gì như nó nói. Bội cũng vậy. Nó đã quảng cáo xằng về hoa khôi trường Sao Mai khiến tôi đâm ra bớt tin lời bạn bè hơn trước.
Tôi nhìn Minh Khôi, nhún vai nói:
- Mày yên tâm. Tao không đến nhà mày nhưng tao sẽ làm thơ tặng em gái mày.
Minh Khôi cũng chỉ cần có thế. Nó đồng ý ngay, còn nhắc:
- Nhớ đấy nhé!
- Nhớ!
Tôi nói, giọng quả quyết. Và tôi biết ngày mai tôi sẽ có thơ cho Minh Khôi đem về giúi vào tay em gái. Làm thơ tặng em gái bạn bè, từ lâu tôi đã là một "chuyên gia" có hạng, và có lẽ là "chuyên gia" duy nhất trên thế giới trong lãnh vực kỳ quái này.

o O o
 
Tôi mừng húm khi Minh Hoa bất ngờ rủ tôi đến nhà nhỏ Quyên chơi:
- Minh Hoa nói thật đấy hở?
- Thật.
Tim đập thình thịch nhưng tôi vẫn làm ra vẻ:
- Có gì đằng đó mà chơi?
- Hôm nay sinh nhật Quyên.
- Sinh nhật? - Tôi trố mắt.
- Ừ. Không gặp Khoa, Quyên nhờ Minh Hoa mời giùm.
Tôi không nghĩ có ngày nhỏ Quyên mời tôi về nhà chơi. Nhỏ Quyên xinh đẹp nhưng nghiêm nghị và mực thước. Thậm chí có lúc tôi thấy nó hơi lạnh lùng, xa cách. Lần nào gặp nó, tôi cũng lúng ta lúng túng, hệt như những lúc đứng trước thầy giám thị, nói không dám nói lớn, cười chẳng dám cười to.
Tất nhiên tình cảm của tôi trước sau vẫn dành cho nàng Stéphanette, điều đó đời đời không đổi. Nhưng tôi chưa từng thấy mặt chủ nhân của trái tim tôi bao giờ, nên mỗi khi muốn hình dung ra nàng, tôi đành phải mượn đỡ hình bóng mỹ miều của nhỏ Quyên.
Nàng Stéphanette dường như chẳng phật ý gì về chuyện đó. Cho nên trong những giấc mơ ngọt ngào của tôi, nàng cũng sẵn lòng cười với tôi bằng nụ cười của nhỏ Quyên, âu yếm nhìn tôi bằng đôi mắt đen lay láy của nhỏ Quyên và vén rèm cửa sổ cũng bằng đôi tay trắng thuôn như làm bằng sứ của nhỏ Quyên nốt.
Nhưng chuyện "vay mượn" này dần dần trở nên phức tạp, không đơn giản như khi tôi mượn tiền thằng Hồng Hà trên lớp.
Thoạt đầu tôi mượn hình bóng của nhỏ Quyên chỉ đơn giản là để bày tỏ nỗi mong nhớ của tôi với nàng Stéphanette nhưng chẳng bao lâu sau tôi giật mình nhận ra sở dĩ càng ngày tôi càng mong nhớ nàng Stéphanette chính bởi nàng luôn đến với giấc mơ tôi qua hình bóng của nhỏ Quyên kiều diễm. Phát hiện bất ngờ đó khiến tôi bối rối khôn tả.
Minh Hoa không hiểu tâm trạng của tôi nên thấy tôi bần thần, nó bèn nói:
- Khoa không biết nhà Quyên thì tối nay, sáu giờ Khoa ghé chở Minh Hoa đi.
- Tôi không có xe.
- Đi bằng xe của Minh Hoa.
Tối đó tôi lếch thếch đến nhà Minh Hoa với gói quà khệ nệ trên tay.
- Gì mà lớn vậy?
Minh Hoa nhìn bọc quà đã gói sẵn trên tay tôi, mỉm cười hỏi.
- Chẳng có gì đặc biệt. Mấy cuốn sách thôi.
Tôi đèo Minh Hoa, cong lưng đạp qua cầu Vồng cao vòi vọi.
Minh Hoa ngồi phía sau, chốc chốc lại "chỉ đạo":
- Quẹo trái!
- Cứ chạy thẳng!
- Quẹo trái nữa!
Tôi quẹo đến lần thứ tư thì xe vào đường Nguyễn Du.
"Con đường tình ái" với khung cảnh quen thuộc đập vào mắt khiến các mạch máu trong người tôi căng ra như sợi dây đàn.
- Khoa làm sao thế?
Thấy tôi đạp pê-đan trật lên trật xuống liên tục, Minh Hoa ngạc nhiên hỏi.
- Không có gì!
Minh Hoa vẫn không yên tâm:
- Nếu Khoa mệt thì ngừng xe lại đi. Để Minh Hoa chở cho.
- Không. Khoa chở được mà.
Tôi nói, và cố guồng chân một cách khoan thai.
Căn nhà của nàng Stéphanette ở bên tay phải dần dần hiện ra trong tầm mắt. Tôi nhìn chăm chăm lên tầng hai, tim đập rộn.
Phòng vẫn sáng đèn nhưng bóng người con gái tóc dài đã không thấy in trên rèm cửa như mọi lần. Tiếng dương cầm cũng im bặt khiến tôi bất giác thẫn thờ, bàn chân đạp xe trở nên lười nhác. Tôi uể oải nhấn từng vòng rời rạc.
Tôi đã lang thang qua đây bao nhiêu đêm, đã ngồi bệt xuống vỉa hè bên kia đường bao nhiêu đêm. Chỉ để nghe tiếng đàn du dương của nàng Stéphanette rót vào tai như những lời thủ thỉ. Chưa bao giờ nàng Stéphanette quên dạo nhạc cho tôi nghe. Trong những ngày tháng cô đơn nhất, chính tiếng đàn của nàng đã giúp tôi nguôi ngoai nỗi buồn xứ lạ. Tiếng đàn của nàng như cơn mưa mùa hè tưới xuống sa mạc lòng tôi, giúp cây mộng mơ trong hồn tôi nở hoa suốt bốn mùa mười hai tháng. Tiếng đàn của nàng đã sinh ra những câu thơ lấp lánh nhất trong sự nghiệp còm cõi của Rimbaud Việt Nam:

Đôi khi ta vẫn
Rong chơi một mình
Chợt hay phố xá
Bỗng dưng rộng thênh
Khiến cho ta nhớ
Một người không quen.
Ở trong xa cách
Một đôi vai gầy
Ở trong tan vỡ
Nụ cười thơ ngây
Ở trong mờ tối
Em ơi sáng đầy.

Vậy mà đêm nay tiếng đàn quen thuộc kia đột ngột rời bỏ tôi không một điềm báo trước, bảo làm sao tôi không ngỡ ngàng, hụt hẫng.
- Khoa làm gì nãy giờ cứ như người mất hồn vậy? Ngừng lại đi!
Tiếng Minh Hoa đột ngột vang lên sau lưng khiến tôi giật mình choàng tỉnh:
- Ờ... ờ...
- Ngừng lại đi Khoa! - Minh Hoa lại giục.
- Không sao đâu mà! - Tôi liếm môi - Minh Hoa cứ ngồi yên đó, Khoa chở cho!
- Chở đi đâu nữa! - Minh Hoa cười khúc khích - Tới nhà Quyên rồi.
Tôi ngơ ngác:
- Nhà Quyên đâu?
Minh Hoa chỉ tay vô nhà nàng Stéphanette:
- Nhà này nè.
Người tôi lập tức ngay ra như cán cuốc.
Tôi chưa bao giờ bị sét đánh, cũng chưa bao giờ bị điện giật. Nhưng tôi tin rằng dù bị cả hai thứ cùng một lúc, tôi cũng không thể nào choáng váng hơn lúc này.
Ngơ ngẩn, bàng hoàng, tôi lẽo đẽo dắt xe theo Minh Hoa như người mộng du. Cảnh vật chung quanh bỗng trở nên hư hư ảo ảo. Tôi tưởng tôi đang đi trong sương mờ. Tôi tưởng tôi là con chiên ngoan đạo đang bần thần dắt xe vào cổng thiên đường.
Ở lycée Pascal, thiên đường có thánh Pierre trấn giữ, chìa khóa cổng ngài luôn cất kỹ trong túi, muốn vào phải trả lời được câu hỏi "Comprenez-vous?" hóc búa. Thiên đường của nàng Stéphanette đêm nay không người gác cổng, chẳng ai hỏi han, lại có thiên sứ Minh Hoa làm người dẫn đường tin cậy, bảo thằng Khoa tỉnh lẻ là tôi bước chân làm sao không đột nhiên xiêu vẹo như thi hào Lý Bạch cho được!
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top