Bản tin văn bản tháng 5

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

tiger2774

Dễ thương nhất DKT
Hội viên mới
CHÍNH PHỦ


Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2008 - Theo Nghị quyết số 12/2008/NQ-CP ra ngày 05/5/2008, Chính phủ yêu cầu: các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững đã đề ra trong Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP mà trọng tâm là tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất và tăng xuất khẩu, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ, phát triển dịch vụ và thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài…

Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các loại vật tư, hàng hóa, dự báo và đề xuất với Chính phủ các giải pháp xử lý kịp thời; Phối hợp với Bộ Công an quản lý chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và đầu cơ tăng giá…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát cân đối nguồn để duy trì an ninh lương thực trong nước và bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2008…

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương nắm lại tình hình, tổ chức tốt công tác hỗ trợ của Trung ương đến các hộ nghèo, các hộ bị thiên tai, bị thiệt hại về gia súc, gia cầm do dịch bệnh; bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và công bằng, không để đồng bào bị đói.

Hướng dẫn đấu thầu và lựa chọn nhà thầu - Ngày 05/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng.

Theo đó, nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư) được tham gia đấu thầu lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghiệp cho đến trước ngày 01/4/2009. Trong trường hợp này, bên mời thầu phải cung cấp hồ sơ mời thầu với đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan gồm cả báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư) và phải bảo đảm đủ thời gian để các nhà thầu có điều kiện như nhau trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Nhà thầu đã lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ cho gói thầu không được tham gia đấu thầu xây lắp, cung cấp hàng hóa cho gói thầu đó kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đối với gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp).

Để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Nghị định nêu rõ các điều kiện về tính độc lập giữa các nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư. Cụ thể, chủ đầu tư và nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu thuộc cùng một dự án được coi là độc lập với nhau về tổ chức, không cùng một cơ quan quản lý và độc lập với nhau về tài chính khi đáp ứng điều kiện: không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau.

Chủ đầu tư và nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu thuộc cùng một dự án được coi là độc lập với nhau về tổ chức, không cùng một cơ quan quản lý và độc lập với nhau về tài chính khi đáp ứng điều kiện: không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau; Hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 đối với nhà thầu là tổ chức. Quy định này được thực hiện từ ngày 01/4/2009.
Các nhà thầu được coi là độc lập với nhau nếu đáp ứng 2 điều kiện: không cùng thuộc một cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ra quyết định thành lập, trừ các nhà thầu là doanh nghiệp đã chuyển đổi và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005; Không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau. Quy định này cũng được thực hiện từ ngày 01/4/2009.
Việc xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu cũng được quy định chi tiết, theo đó, mức phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng. Hành vi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không căn cứ vào các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; các hành vi vi phạm dẫn đến phải tổ chức đấu thầu lại… có mức phạt tiền từ 5 đến 30 triệu đồng.

Mức phạt từ 20 đến 50 triệu đồng nếu thực hiện các hành vi sau: dàn xếp, thông đồng giữa tất cả nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư…; người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu dẫn đến phải huỷ đấu thầu hoặc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực…; Nhà thầu thực hiện hợp đồng xây lắp, cung cấp hàng hoá thông đồng với nhà thầu tư vấn giám sát, cơ quan, tổ chứ nghiệm thu để xác nhận sai về chất lượng, khối lượng của công trình, hàng hoá…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội - Ngày 05/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình, trải rộng trên diện tích khoảng 13.436 km2, bán kính ảnh hưởng từ 100 - 150 km. Như vậy, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ rộng gấp khoảng 13 lần Thủ đô Hà Nội hiện nay (diện tích 920,97 km2).

Dân số toàn vùng vào năm 2050 vào khoảng 18 - 18,2 triệu người, trong đó, dân số đô thị tăng từ 4,1 - 4,5 triệu người (năm 2010) lên 8,1 - 9,2 triệu người (năm 2020) và 14,4 - 15,4 triệu người (năm 2050). Năm 2050, bình quân diện tích đất đô thị là 115 m2/người.

Vùng Thủ đô phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung, lấy Thủ đô Hà Nội làm đô thị hạt nhân.

Không gian vùng Thủ đô được phân thành 2 phân vùng chính là vùng đô thị hạt nhân và phụ cận; vùng phát triển đối trọng.
Vùng đô thị hạt nhân là Thủ đô Hà Nội mở rộng. Vùng phụ cận trong phạm vi 25 - 30 km có chức năng hỗ trợ phát triển và mở rộng đô thị trung tâm, lan tỏa sự phát triển giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vai trò của các khu vực này là tạo các vành đai xanh cung cấp sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cho Thủ đô, đồng thời phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch văn hóa, sinh thái,...

Vùng phát triển đối trọng trong phạm vi 30 - 60 km, hình thành theo 3 phân vùng lớn với các trung tâm tỉnh lỵ là các hạt nhân phát triển.

Thủ đô Hà Nội có hướng phát triển không gian theo ba khu vực gồm: khu vực đô thị phía Nam, phía Bắc và phía Đông sông Hồng.

Các đô thị trung tâm tỉnh là Bắc Ninh, Hưng Yên và Phủ Lý. Thành phố Hải Dương là đô thị cấp vùng.

Vùng trọng điểm công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội chủ yếu tập trung vào khu vực phía Đông, từ vùng đô thị trung tâm nối ra Hải Phòng và Quảng Ninh.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm sẽ được di chuyển ra xa nội thành (khi chuyển ra ngoại thành có biện pháp đồng bộ bảo vệ môi trường). Việc di chuyển này gắn với hình thành các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới như khu Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Bồ Đề (Gia Lâm), Yên Viên.
Về hạ tầng xã hội, sẽ sắp xếp điều chỉnh các cơ sở giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề nhằm di chuyển một số trường ra khỏi nội thành Hà Nội, xây dựng chợ đầu mối và các siêu thị bán buôn...

Về hạ tầng kỹ thuật, có dự án đầu tư cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm quốc lộ 2, 3, 32..., dự án khôi phục dòng sông Đáy, xây dựng nghĩa trang Mai Dịch 2, nghĩa trang sinh thái, quy hoạch xây dựng hệ thống vành đai sinh thái…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quản lý và phát triển các khu bảo tồn biển - Ngày 02/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Theo đó, khu bảo tồn biển được phân loại thành: Vườn Quốc gia; Khu bảo tồn loài, sinh cảnh; Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh.

Diện tích Vườn Quốc gia nhỏ nhất không dưới 20.000 ha. Trong đó, có ít nhất 1/3 diện tích các hệ sinh thái điển hình còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người.

Khu bảo tồn loài, sinh cảnh phải là nơi có một hay nhiều loài động, thực vật biển hoang dã, quý hiếm, đang bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng; Có các hệ sinh thái điển hình như san hô, rừng ngập mặn hay hệ sinh thái đầm phá, cửa sông còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người, cần được quản lý, bảo vệ, bảo tồn. Diện tích của Khu bảo tồn loài, sinh cảnh nhỏ nhất không dưới 10.000 ha. Trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt tối thiểu phải chiếm 1/5 diện tích của Khu bảo tồn.

Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh là vùng biển, nơi sinh cư của nhiều loại động, thực vật biển; có các bãi đẻ hay khu vực tập trung các loài sinh vật biển chưa trưởng thành; nguồn giống bổ sung cho các vùng biển liền kề. Diện tích của Khu nhỏ nhất không dưới 10.000 ha. Trong đó, diện tích các bãi đẻ hoặc tập trung các loài sinh vật biển chưa trưởng thành chiếm ít nhất 2/3 diện tích của Khu bảo tồn.

Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn loài, sinh cảnh và Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh là những khu vực mà mục tiêu bảo tồn bảo đảm được thực hiện và không bị thay đổi bởi những hoạt động bất lợi của con người. Do vậy, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư vẫn được tham gia quan trắc, tuần tra, bảo vệ, du lịch, nghiên cứu khoa học và đào tạo trong Khu bảo tồn biển theo đúng quy định của pháp luật.

Nhằm hạn chế những tác động từ bên ngoài, mỗi Khu bảo tồn biển được thiết lập vành đai bảo vệ có độ rộng tối đa không quá 1000m và tối thiểu không ít hơn 500m, tính từ ranh giới Khu bảo tồn biển trở ra.

Tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn biển, nghiêm cấm việc: khai thác nguồn lợi sinh vật và phi sinh vật bằng bất cứ phương pháp, công cụ nào; nuôi trồng thủy sản; xả các loại chất thải, nước thải; tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác không được phép qua lại, trừ trường hợp bất khả kháng...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quản lý hoạt động hiến mô cơ thể người - Ngày 29/4/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2008/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Theo đó, thẩm quyền thành lập ngân hàng mô thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định thành lập ngân hàng mô trực thuộc Bộ Y tế, ngân hàng mô thuộc bệnh viện, viện, trường đại học y, dược trực thuộc Bộ Y tế hoặc thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập ngân hàng mô trực thuộc Sở Y tế, ngân hàng mô thuộc bệnh viện trực thuộc Sở Y tế.

Trước khi lấy mô ở người hiến sống, phải tiến hành tư vấn, kiểm tra các thông số sinh học của người hiến mô theo quy định của Bộ Y tế. Các thiết bị, dụng cụ phục vụ việc lấy mô phải được tiệt trùng; mô được lấy phải bảo đảm vô trùng.

Ngân hàng mô phải lập và lưu trữ toàn bộ hồ sơ liên quan đến mô từ khâu tiếp nhận, xử lý, đóng gói, lưu giữ cho đến khâu vận chuyển, phân phối mô.
Các ngân hàng mô phải báo cáo Bộ Y tế định kỳ 6 tháng về tình hình hoạt động. Trường hợp có sự cố không mong muốn hoặc phản ứng phụ nghiêm trọng xảy ra trong quá trình lấy, tiếp nhận, lưu giữ, cung cấp và ghép mô do cơ sở y tế có chức năng ghép mô thông báo thì ngân hàng mô phải báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế.

Ngân hàng mô có trách nhiệm thông báo số lượng, chủng loại mô hiện có với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Trung tâm này căn cứ theo số lượng, chủng loại mô của các ngân hàng mô trên cả nước chịu trách nhiệm điều phối hoạt động trong việc cung cấp mô.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top