Bản tin tháng 04/2008 (TT)

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

tiger2774

Dễ thương nhất DKT
Hội viên mới
CHÍNH PHỦ​


Quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ - Theo Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ban hành ngày 22/4/2008, Chính phủ quy định: doanh nghiệp phải có Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự mới được tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Nếu hoạt động trong nước, chỉ được hợp tác đầu tư với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài trong trường hợp đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao mà phía Việt Nam chưa thể đáp ứng và chỉ được thực hiện dưới hình thức liên doanh góp vốn, đầu tư trang bị kỹ thuật, nghiệp vụ bảo vệ, trong đó phần vốn góp của doanh nghiệp nước ngoài chỉ được dưới 50% vốn pháp định (vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bảo vệ trong nước là 2 tỷ đồng, doanh nghiệp nước ngoài là 500.000 USD) và tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp liên doanh. Không sử dụng người nước ngoài làm nhân viên bảo vệ…

Doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng hoặc do lỗi của doanh nghiệp, của nhân viên dịch vụ bảo vệ gây ra. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan Công an có thẩm quyền…

Doanh nghiệp và nhân viên không được phép tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức…

Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải ổn định ít nhất từ 01 năm trở lên. Nếu chuyển địa điểm khác phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan Công an cấp tỉnh nơi đi và nơi đến chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện di chuyển địa điểm…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quản lý cửa khẩu cảng biển - Ngày 21/4/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển.

Chính phủ quy định: Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan, chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự trong khu vực cửa khẩu cảng biển theo quy định của pháp luật.

Để quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển, Bộ đội biên phòng được áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giấy tờ đối với người, tàu, thuyền và các phương tiện khác ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu cảng biển; giám sát khu vực, tuần tra kiểm soát cơ động; giám sát trực tiếp tại cổng cảng, trạm kiểm soát, các mục tiêu hoặc trên tàu, thuyền Việt Nam và nước ngoài; giám sát bằng phương tiện kỹ thuật và biện pháp nghiệp vụ khác.

Tàu, thuyền Việt Nam và nước ngoài phải làm thủ tục nhập cảnh tại cảng biển đầu tiên, khi từ nước ngoài vào Việt Nam và làm thủ tục xuất cảnh tại cảng biển cuối cùng, khi từ Việt Nam ra nước ngoài. Chậm nhất 2 giờ, kể từ khi tàu đã neo đậu an toàn đối với tàu nhập cảnh (hoặc trước khi tàu rời cảng đối với tàu xuất cảnh), chủ tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu hoặc người được ủy quyền phải làm thủ tục biên phòng cho tàu. Riêng tàu khách và tàu chuyên tuyến, chậm nhất là ngay trước khi tàu chuẩn bị rời cảng.

Chậm nhất 1 giờ, kể từ khi tiếp nhận đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ, Biên phòng cửa khẩu cảng phải hoàn thành thủ tục biên phòng.

Hành khách quá cảnh theo tàu, thuyền đến cửa khẩu cảng biển, nếu chỉ ở trên tàu, thuyền hoặc khu vực dành riêng cho khách quá cảnh thì được miễn thị thực. Nếu xin phép vào nội địa hoặc xuất cảnh qua cửa khẩu khác phải có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng biển phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, giấy phép do Công an cấp tỉnh trở lên cấp và chịu sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Kiểm tra an toàn công trình xây dựng - Ngày 18/4/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Theo đó, bắt buộc thực hiện kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng đối với các hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.

Bộ Xây dựng cũng thực hiện chứng nhận phù hợp chất lượng công trình xây dựng khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc đề nghị của chủ đầu tư trên cơ sở yêu cầu của tổ chức bảo hiểm công trình, của tổ chức, cá nhân mua, quản lý hoặc sử dụng công trình…

Trường hợp thay đổi thiết kế kỹ thuật nhưng không làm thay đổi thiết kế cơ sở hoặc thay đổi thiết kế bản vẽ thi công mà không làm thay đổi thiết kế bước trước thì chủ đầu tư được quyết định phê duyệt thay đổi thiết kế. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng được ký điều chỉnh vào thiết kế bản vẽ thi công những nội dung đã được chủ đầu tư chấp thuận và phải chịu trách nhiệm về quyết định điều chỉnh của mình…

Ngoài ra, chủ đầu tư có thể tự soạn thảo các mẫu biên bản nghiệm thu mới hoặc sử dụng các mẫu biên bản nghiệm thu được quy định trong các tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu hoặc trong các văn bản quy phạm phát luật khác nhưng phải bảo đảm các nội dung được quy định tại Nghị định này…
Trong thời hạn 1 năm kể từ khi văn bản này có hiệu lực, Bộ Xây dựng phải ban hành quy định cụ thể về loại và cấp công trình trong các quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng. Trong thời gian chưa ban hành các quy định này, cho phép tiếp tục áp dụng phương pháp phân loại và cấp công trình quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kểt từ ngày đăng Công báo.

Chỉ đạo kiềm chế lạm phát- Ngày 17/4/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để giảm dần lãi suất huy động theo hướng thực hiện chính sách lãi suất dương. Tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại về huy động, cho vay và chất lượng tín dụng…

Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Cắt giảm, sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2008. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu để chuyển một số công trình đầu tư từ vốn ngân sách sang hình thức đầu tư BOT từ nguồn vốn trong và ngoài nước hoặc bán, chuyển nhượng công trình…

Các ngành phải tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, bảo đảm cân đối cung cầu về hàng hoá.

Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu. Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: ôtô nguyên chiếc, linh kiện lắp ráp xe ôtô dưới 12 chỗ ngồi, một số mặt hàng điện tử, điện lạnh, xe và linh kiện lắp ráp xe 2 bánh gắn máy, rượu, bia…
Các doanh nghiệp phải rà soát tất cả các khoản chi nhằm hạ giá thành và phí lưu thông để thực hiện triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng…

Các hành vi đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại, vi phạm về giá phải thực hiện xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tập trung vào các việc sau: điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, xuất gạo dự trữ không thu tiền cho đồng bào bị thiên tai, thiếu đói; Hỗ trợ dầu hoả ở những nơi không có hoặc thiếu điện; nâng học bổng cho học sinh dân tộc; nâng bảo hiểm y tế cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi…

Thực hiện tiết kiệm chi và bố trí lại kế hoạch đầu tư - Ngày 17/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng: mua sắm ôtô, phương tiện, tài sản có giá trị lớn; sửa chữa lớn trụ sở làm việc. Hạn chế tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập… và các đoàn công tác (trong và ngoài nước sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước); Thực hiện tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng, dầu (tiết kiệm tối thiểu 10%); Ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa cấp bách, nội dung không thiết thực.

Đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ không điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư năm 2008 đã giao.

Đình hoãn khởi công các dự án không có trong quy hoạch được duyệt, chưa đủ thủ tục, còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng… Các dự án khác chưa thật sự cấp bách, không mang lại hiệu quả phải ngừng triển khai…

Các dự án xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng hội trường, nhà bảo tàng, nhà văn hoá đã bố trí trong kế hoạch năm 2008 nhưng chưa khởi công cũng phải đình hoãn…

Thực hiện giãn tiến độ thi công các dự án đang còn nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17/4/2008.


LIÊN TỊCH: CHÍNH PHỦ - UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM


Hướng dẫn công tác tổ chức họp dân - Ngày 17/4/2008, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN hướng dẫn thi hành các Điều 11, 14, 16, 22 và 26 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Theo đó, cuộc họp của thôn, tổ dân phố được tiến hành khi có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tham dự. Trường hợp tổ dân phố có trên 200 hộ gia đình, có địa bàn dân cư sống không tập trung thì có thể tổ chức họp theo cụm dân cư, mỗi cụm dân cư phải có từ 50 đến 150 hộ gia đình…

Kết quả cuộc họp có giá trị thi hành phải có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành. Nếu không trên 50% phải tổ chức lại cuộc họp…

Việc tổ chức họp thôn, tổ dân phố kết hợp với tổ chức phát phiếu lấy ý kiến những cử tri không tham dự cuộc họp chỉ áp dụng khi không tổ chức lại được cuộc họp hoặc sau khi đã tiến hành tổ chức lại cuộc họp mà vẫn chưa được trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành…

Việc tiến hành bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có thể thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Người trúng cử phải đạt trên 50% số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số cử tri… Nếu không có người nào đạt trên 50% phải tiến hành bầu cử lại, chậm nhất không quá 15 ngày, kể từ ngày tổ chức bầu cử lần đầu…

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sẽ bị bãi nhiệm khi không còn được nhân dân tín nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật… Hội nghị bãi nhiệm được tiến hành khi có trên 50% số cử tri trong thôn, tổ dân phố tham dự. Việc bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mới phải được tiến hành trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã ra quyết định công nhận kết quả bãi nhiệm…

Nghị quyết liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top